Top 10 Trang Cá Cược Bóng Đá Uy Tín

Ngôn ngữ      

“Nguyên khí” Đại học Tổng hợp - nguyên khí quốc gia

Thứ tư - 09/01/2013 22:22
Cuộc gặp mặt Cựu chiến binh Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội nhập ngũ giai đoạn 1955 – 1995 là một cuộc hội ngộ của các thế hệ lính – sinh viên, sinh viên – lính của một giai đoạn lịch sử hào hùng.
Cuộc gặp mặt Cựu chiến binh Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội nhập ngũ giai đoạn 1955 – 1995 là một cuộc hội ngộ của các thế hệ lính – sinh viên, sinh viên – lính của một giai đoạn lịch sử hào hùng. Gần 400 cựu chiến binh từ nhiều địa phương, cơ quan và đơn vị đã trở về tụ họp dưới mái trường thân yêu ngày trước. Cái tên gọi Đại học Tổng hợp Hà Nội tưởng như đã phai mờ dần trên giấy tờ hành chính sau 17 năm, hôm nay như lại sáng lên, rực rỡ lên trong không gian hội trường lớn tầng 7 nhà T5. Những khuôn mặt thân thuộc và những nụ cười hồn hậu của thế hệ lính - sinh viên Tổng hợp lại tập hợp dưới mái trường xưa. Không gian trong và ngoài Hội trường như lung linh hơn bởi ánh sáng lấp lánh từ các các huân, huy chương và những ngôi sao trên vai áo của nhiều người. Chúng tôi gặp nhau trong không khí tưng bừng một của ngày hội, với niềm tự hào là CCB của Trường ĐHTH HN. Trong tim, trong óc chúng tôi, tên gọi Đại học Tồng hợp HN vẫn gần như nguyên vẹn, mà mỗi lần nhắc đến, nó lại gợi lên rất nhiều cảm xúc, rất nhiều kỉ niệm. Theo thống kê của Ban CH Hội CCB của hai trường, ĐHKHXH & NV và ĐHKHTN, thì trong 40 năm (1956 – 1995), có khoàng 2.000 cán bộ và sinh viên Đại học Tổng hợp HN đã trực tiếp tham gia quân đội. Có những đợt con số nhập ngũ lên tới 400 người (6/9/1971), nghĩa là nếu chia trung bình cho tổng số đầu khoa lúc đó, thì có những khoa phải huy động tới 50, 60 sinh viên, và mỗi lớp sẽ có khoảng 15 bạn ra đi trong một đợt. Điều quan trọng là hầu hết các bạn ra đi đều hào hứng, đều tình nguyện viết đơn và có nhiều lá đơn viết bằng máu. Lớp Văn K14 của chúng tôi, lúc nhập trường (15/8/1069) sĩ số là trên 70, nhưng lúc ra trường chỉ còn trên 40. Có thể coi việc tổ chức cuộc gặp mặt của “Cựu chiến binh Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội nhập ngũ giai đoạn 1956 – 1995” là một sáng kiến rất có ý nghĩa.. Sáng kiến đó được sự ủng hộ và chỉ đạo trực tiếp của hai Ban Giám hiệu, Hai Ban chấp hành Hội CCB của hai trường ĐHKHTN và ĐHKHXH, nhưng sự đóng góp của các cá nhân và tập thể ở ngoài trường cũng rất quan trọng. Ngay từ đầu tháng (05/12/2012), PGS.TS. Bùi Duy Cam – Bí thư Đảng uỷ, Hiệu trưởng Trường ĐHKHTN đã có buổi tiếp và làm việc với Ban Chấp hành Hội Cựu chiến binh Trường ĐHKHTN, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn và đại diện cựu chiến binh của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội nhập ngũ giai đoạn 1956 – 1995, để bàn về công tác tổ chức. Sự thống nhất, đồng thuận của hai trường, hai BCH Hội CCB để có cuộc họp mặt ý nghĩa ấy, chứng tỏ rằng, tinh thần truyền thống của Đại học Tổng hợp HN vẫn còn rất mạnh mẽ, rất sâu sắc. Tham gia phối hợp trong công tác tổ chức gặp mặt có rất nhiều người ở cơ quan ngoài, nhưng vốn là cựu sinh viên của trường ĐHTHHN: đồng chí Thiếu tướng Đào Xuân Thọ - Chủ nhiệm Chính trị Binh chủng Phòng không Không quân; Thiếu tướng Nguyễn Sinh Xô – Cục Trưởng Cục Phòng chống tội phạm và ma tuý – Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng; đồng chí Nguyễn Cảnh Toàn – Giám đốc Quỹ Mãi mãi tuổi hai mươi – Viện Kinh tế châu Âu; đồng chí Lê Kinh Thông – Bộ Khoa học và Môi trường; đồng chí Phùng Huy Thịnh – Báo Hà Nội mới; đồng chí Trần Quang Anh – Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, đồng chí Nguyễn Chí Hoà – Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn; đồng chí Đỗ Quang Huy – Nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Trường ĐHKHTN. Có lẽ trăm phần trăm các cựu chiến binh hôm đó dều xúc động và phấn khởi. Nhất là khi chúng tôi đứng nghiêm dưới cờ, nghe lại “Mười lời thề danh dự của Quân đội NDVN”. Những lời thề mà chúng tôi đã thuộc lòng tự ngày xưa, sao hôm nay, trong hội trường sáng trưng ánh điện, rực rỡ màu hoa này lại có một sức lay động lạ kì. Giọng đọc dõng dạc của CCB Lê Kinh Thông, động tác giơ cao nắm đấm lên trời một cách kiên quyết và mạnh mẽ “Xin thề !” đã làm chúng tôi sống lại những ngày đầy ấn tượng trong quân ngũ. Thật là xúc động khi nghĩ rằng, đã 4, 5 chục năm trôi qua, đã qua bao nhiêu gian khổ và ác liệt thử thách, chúng tôi vẫn còn đây, một đội ngũ rất hùng hậu. Hùng hậu không chỉ vì có khoảng trăm người đã trở thành Tướng lĩnh, GS, PGS, TS, Hiệu trưởng, Hiệu phó, Trưởng khoa, Giám đốc trung tâm, hay các nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú…mà là cái khí thế của năm xưa giờ đây lại được phát dương. Cái hào khí ấy như vẫn được bảo tồn, được gìn giữ nguyên vẹn trong tim, trong phổi của những người ra đi từ nửa thế kỉ trước, giờ đây bỗng lại được tái hiện, phục hồi. Cái “nguyên khí” ấy lại được thổi bùng lên, đánh thức cái “con người ngày xưa” trong tâm trí của nhiều người, trong những bộ quân phục, lễ phục chỉnh tề. Nhiều người đeo hết các phù hiệu, huy hiệu, huân huy chương mà họ đã cất giữ bấy lâu. Việc chọn Hội trường tầng 7 nhà T5 để làm nơi gặp mặt cũng là một nhã ý rất tinh tế. Bởi vì hội trường này không khang trang, rộng rãi bằng Hội trường tầng 8 nhà E bên Trường ĐHKHXH & NV. Nhưng nó nằm trên phần đất “hương hoả” của Trường ĐHTH Hà Nội năm xưa, phía sau ngôi nhà Hiệu bộ trước đây. Nhiều người phấn khởi và xúc động vì được trở lại mái trường xưa. Tuy rằng phong cảnh có đổi thay, nhưng khuôn viên trường vẫn còn đó. Nhà T5 được xây dựng trên đường biên phía Đông của sân bóng cũ phía sau Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, một mặt sân đã chứng kiến bao cuộc mít tinh hoành tráng của thầy trò trong những năm 70, không chỉ hào hứng lên đường đánh Mĩ mà còn rầm rộ lên đường để hành quân lên biên giới phía Bắc, để đào đắp Phòng tuyến Sông Cầu, để chi viện cho bộ đôi biên giới sau ngày đất nước đã thống nhất. Tại ngôi trường này đã diễn ra bao cuộc ra quân của những thế hệ từ thời 1961, 1962; 1971, 1972 và cả thời 1981, 1982 …Có bao cuộc tiễn đưa rầm rộ, nhưng cũng không ít cuộc ra đi âm thầm lặng lẽ do điều kiện phải giữ nguyên tắc tổ chức, nguyên tắc bí mật, hoặc do điều kiện các lớp, các khoa phải sống trong những vùng quê sơ tán xa xôi, biệt lập, với các địa chỉ hòm thư rất “bí mật quân sự”: T104, A1, T104 E3, T104 G2, (ĐHTH, Toán 1; ĐHTH Văn 2, ĐHTH, Sử 3) …Và để gìn giữ cái “nguyên khí quốc gia” ấy, Đảng và Nhà nước đã cất giấu chúng tôi ở những nơi an toàn nhất. Rồi đến lúc, buộc phải tung ra mặt trận, những con người mà nhân dân và nhà nước đã bảo tồn và cất giấu ấy, thì chúng tôi biết đây là quyết định cuối cùng, đây là thời điểm lịch sử, và chúng tôi phải xứng đáng với lòng tin cao quý ấy của Đảng, của Dân. Cho nên, chúng tôi đã ra đi trong không khí hào hùng của tinh thần “không có gì quý hơn độc lập tự do”, không khí “xẻ dọc Trường sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy tương lai”, “thầy trò đi như đi khai giảng, ngọn bút xăm đầy mực để làm thơ” và đã chiến đấu hết mình cho niềm tin thiêng liêng ấy. Những người ra đi năm xưa ấy giờ đây không phải tất cả đều trở về, tất cả đều thành nhà khoa học, nhà văn, nhà giáo…Rất nhiều người không có mặt trong cuộc hội ngộ hôm nay. Nhiều người ngã xuống chiến trường, hi sinh oanh liệt và thân thể đã hoá thành đất nước cỏ cây, phần mộ giờ đây chưa tìm lại được. Nhiều người sau khi giải ngũ, không có điều kiện để trở về trường học tiếp, phải vật lộn để kiếm sống cho gia đình ở nơi thôn quê hẻo lánh, rồi đã âm thầm ra đi như chưa hề vào trường đại học, lặng lẽ quên mình cho đến phút lâm chung. Nhiều người vì đường sá xa xôi, sức lực và tiền bạc có hạn, không thể làm một cuộc “du ngoạn kinh sư” để hội ngộ bạn bè…Những người về đây hôm nay, có thể coi là những người “thành đạt”, kể cả các bạn không trở thành GS, TS, không thành “nhà” gì cả thì cũng rất vui vì vẫn được gặp nhau. Như đại tướng lừng danh Võ Nguyên Giáp đã có lần phát biểu trong dịp kỉ niệm 60 năm ngày thành lập quân đội (22/12/2004): “60 năm mà vẫn gặp được nhau là quý lắm rồi”. Chúng tôi thì mới trên 40 năm thôi, nhưng cũng đã rất xúc động. Hầu hết giờ đây tóc đã hoa râm, nhiều người trắng xoá, nhiều người đã về hưu, nhiều người đang đợi sổ. Và có thể nói, độ tuổi xung quanh “lục tuần” đã chiếm phần đông trong tổng số những người về họp mặt. Trong số “ngoại lục tuần” ấy, có người đã 75, 80. Chúng tôi càng xúc động hơn, khi đứng nghiêm dưới cờ, giành một phút mặc niệm để tưởng nhớ về những người đồng đội thân yêu đã hi sinh, đã không được trở về trường ngày hôm nay. Những người đồng đội ấy “mãi mãi là tuổi hai mươi” như các vị: Lê Anh Xuân, Chu Cẩm Phong, Nguyễn Văn Thạc, Đào Công Khắc, Bùi Khắc Tường, v.v…Trong số những người thân của các liệt sĩ, Ban TC cuộc gặp mặt đã mời được mẹ Lê Thị Thẩm (từ Thanh Hoá), 88 tuổi, thân sinh của liệt sĩ Đào Công Khắc – nguyên là sinh viên Khoá 14 Khoa Toán-cơ-tin và ông Bùi Khắc Thành – em ruột liệt sĩ Bùi Khắc Tường, nguyên là sinh viên Khoá 14 Khoa Sinh học. Có thể nói, Ban Tổ chức và các CCB của ĐHTH HN đã giành nhiều tình cảm và công sức trong việc truy tìm các thân nhân và hài cốt của các liệt sĩ, kể cả việc sưu tầm và tập hợp hồ sơ đề nghị Nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng LLVT cho nhà thơ liệt sĩ Lê Anh Xuân. Những lời phát biểu của các đồng chí CCB Phùng Huy Thịnh ,Cựu sinh viên Khoa Văn - CCB Nguyễn Lâm - Cựu sinh viên Khoa Toán-cơ-tin, CCB Hoàng Liêm - Cựu sinh viên Khoa Địa lí, Địa chất… đã khơi dậy nhiều cảm xúc và kỉ niệm trong lòng của mọi người. Chúng tôi đã nghe đ/c Bùi Duy Cam, CCB, Hiệu trưởng Trường ĐHKHTN phát biểu ý kiến về Nhà trường, về những hoạt động khoa học và giáo dục, về xây dưng trường và vai trò của nhà giáo là cựu chiến binh trong sự nghiệp đào tạo và nghiên cứu khoa học, trong xây dựng trường. Những con số đã nói lên rất nhiều về vai trò của CCB, nhưng cũng nói lên sự quan tâm của Đảng uỷ và BGH hai trường trong việc thực hiện các chính sách cán bộ. Ban chấp hành CCB của hai trường làm được rất nhiều việc có ý nghĩa, đã tổ chức được rất nhiều cuộc đi dã ngoại “về nguồn” cho hội viên. Đi thăm lại chiến trường xưa như Quảng Trị, Điện Biên, Nghĩa trang Trường Sơn, Gặp gỡ và giao lưu với các nhân chứng lịch sử như với các CCB tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ nhân kỉ niệm 50 năm Chiến thằng Điện Biên Phủ, 2 lần tổ chức triển lãm và giao lưu với hơn 150 cựu tù Phú Quốc (2005, 2009), phối hợp với đài Truyền hình Việt Nam tổ chức thành công đêm giao lưu Một thời Hoa lửa (2004)… Theo báo cáo của BCH Hội CCB Trường ĐHKHXH & NV, nhà trường đã phối hợp với Hội và các Chi hội đã tổ chức cho CCB đi thăm quan chiến trường cũ, các di tích lịch sử văn hoá như Ngã Ba Đồng Lộc, Địa đạo Vĩnh Mốc, Nghĩa trang Trường Sơn, Đường Chín, Thành Cổ Quảng Trị, Khe Sanh, Điện Biên Phủ, Nhà tù Sơn La, ATK Định Hoá, Pắc Bó, đảo Hòn Dấu, Cố đô Hoa Lư…Hội cũng đã tổ chức sưu tầm, biên soạn và xuất bản cuốn sách Còn lại với Thời gian được dư luận trong và ngoài trường đánh giá cao. Nhân ngày 27/7 và 22/12 hằng năm, nhà trường và các đơn vị trong trường tặng quà cho tất cả các đồng chí là thương binh, thân nhân liệt sĩ, gia đình chính sách có hoàn cảnh đặc biệt và các đ/c CCB với tổng số tiền mỗi năm (mỗi trường) đã chi trên hai chục triệu đồng. Hội và các Chi hội đã chủ động thăm hỏi động viên các đồng chí hội viên lúc đau ốm, thăm hỏi, chia buồn, phúng viếng khi có thân nhân hội viên qua đời. Tổng số tiền thăm hỏi trong mỗi năm cũng tới hàng chục triệu. Hàng năm, vào ngày Thương binh Liệt sĩ, Hội phối hợp với Công đoàn trường, Đoàn thanh niên, Hội sinh viên và các đơn vị tổ chức thăm hỏi, tặng quà, tặng sách cho các Trung tâm nuôi dưỡng Thương bệnh binh nặng Thuận Thành Bắc Ninh, Hà Nam, Hà Nội, Ninh Bình, Vĩnh Phú... Tổng số tiền thăm hỏi, tặng quà cũng lên tới vài chục triệu đồng mỗi năm. Đặc biệt, Hội CCB trường (KHXH & VN) đã vận động hội viên ủng hộ tặng quà và tiền cho Trung tâm điều dưỡng Thương Bệnh binh nặng Ninh Bình, Bảo tàng các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đầy, Hội CCB Điện Biên, Hội CCB Quận Liêu Chiểu Đà Nẵng, ủng hộ các đợt quyên góp do Thành Hội tổ chức…Nghĩa là với tất cả tinh thần và tình cảm của “anh bộ đội Cụ Hồ”, CCB Đại học Tổng hợp đã có rất nhiều hoạt động để “đền đáp công ơn” đối với các gia đình thương binh, liệt sĩ, cũng như đối với các hội viên. Tuy nhiên, nhìn lại danh sách đội ngũ CCB của nhà trường, chúng tôi cũng cảm thấy xao xuyến, mỗi kì đại hội, mỗi lần gặp mặt, sĩ số lại giảm đi một cách đáng lo ngại. Ngày 20/12/2012, ĐHQG HN đã tổ chức một cuộc gặp mặt cựu quân nhân, giao lưu với các CCB: Lê Mã Lương, Phạm Thành Hưng, Phạm Quang Tiềm. Đó cũng là một cuộc giao lưu rất thành công, rất ấn tượng. GĐ ĐHQG HN GS TS Mai Trọng Nhuận đã có bài phát biểu rất xúc động. CCB, PGS TS Lâm Bá Nam, Nguyên Phó Hiệu trưởng ĐHKHXH & NV, trong lời phát biểu của mình đã có một chúc một câu rất ý nghĩa: “Chúc các đ/c giữ vững quân số”. Hội CCB ĐHKHXH & NV thành lập ngày 22-12-2001, đến nay đã tổ chức Đại hội bốn lần. Từ 80 hội viên lúc đầu, tổ chức hội đã kết nạp thêm 18 hội viên, làm thủ tục chuyển sinh hoạt hội cho 33 đồng chí, 04 hội viên qua đời. Nhiệm kì III còn 76 hội viên, BCH đã làm thủ tục chuyển sinh hoạt cho 13 đồng chí, 01 đ/c qua đời. Đến nay, Hội CCB trường có 8 chi hội và 62 hội viên. Như vậy là con số CCB từ gần 100 (22/12/2001, ĐHKHXH & NV), sau 4 kì đại hội, còn lại trên 60 %. Những con số: “55 đ/c là đảng viên, 2 TSKH, 34 TS, 6 Ths, 2 GS và 30 PGS” (ĐHKHXH & NV) và “110 CCB đang công tác tại trường, trong đó có 7 giáo sư, 54 phó giáo sư, 18 nhà giáo nhân dân (CCB Đại học Tổng hợp HN)” thật là đáng quý, nhưng cái quỹ thời gian còn lại của họ để phục vụ nhà trường không còn là bao. Nhiều hội viên CCB đang giữ các trách nhiệm lãnh đạo chủ chốt của Đại học Quốc gia Hà Nội, của nhà trường và các khoa hôm nay, cũng giống như một sự phấn đấu “về đích” của các anh bộ đội ngày xưa. Báo cáo của CCB Đỗ Quang Huy – Nguyên Chủ tịch Hội CCB ĐHKHTN, nêu rõ “Gặp mặt các Cựu chiến binh Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội nhập ngũ giai đoạn 1956 – 1995 là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, tạo điều kiện để các Cựu chiến binh gặp gỡ, trao đổi về những năm tháng hào hùng trong quân ngũ, trao đổi về những năm tháng sống và làm việc sau ngày đất nước thống nhất, cùng nhớ về những kỉ niệm từ mái trường Đại học Tổng hợp Hà Nội – nơi đã thắp lửa cho các thế hệ có ước vọng sống, chiến đấu, học tập và làm việc vì một Việt Nam hạnh phúc và hùng cường. Đa số sinh viên của trường được phiên chế vào các quân binh chủng kĩ thuật, một số không nhỏ khác về các Sư đoàn bộ binh, họ trực tiếp tham gia chiến đấu ở khắp các chiến trường khốc liệt nhất: Đường 9, Khe Sanh, 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, An Lộc, 12 ngày đêm “Điện Biên Phủ trên không”, Buôn Mê Thuột, Huế, Đà Nẵng, Xuân Lộc, Sài Gòn, chiến trường biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc… Ở mặt trận nào, những người con từ mái trường này cũng sống, chiến đấu xứng đáng với niềm tự hào: Lính sinh viên Đại học Tổng hợp Hà Nội”. PGS.TS. Bùi Duy Cam và PGS.TS. Vũ Đức Nghiệu thay mặt lãnh đạo của hai trường ĐHKHTN và ĐHKHXH tặng hoa tri ân mẹ Lê Thị Thẩm, 88 tuổi, mẹ của liệt sĩ Đào Công Khắc và Ông Bùi Khắc Thành, em của liệt sĩ Bùi Khắc Tường. Cùng với các tiết mục văn nghệ đặc sắc, những bài ca khúc hùng tráng và trữ tình nhất của một thời khốc liệt đã khép lại một buổi họp mặt rất ý nghĩa và rất xúc động. Chúng tôi đã được tặng một bộ lịch ảnh rất đẹp kỉ niệm ngày gặp mặt và dòng chữ “Đại học Tổng hợp Hà Nội” màu đỏ tươi bên bức ảnh ngôi nhà cổ kính Đại giảng đường 19/Lê Thánh Tông. Chúng tôi từng nhóm, từng tốp vẫn tiếp tục tụ họp hàn huyên sau đó, ở rất nhiều địa điểm khác nhau. Thậm chí, cho đến ngày hôm sau, các bạn CCB ở xa về, như Thanh Hoá, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Huế, TP Hồ Chí Minh, Lào Cai, Yên Bái, Quảng Ninh…vẫn tiếp tục kể cho nhau nghe cuộc mưu sinh sau khi giải ngũ, sau khi ra trường đến giờ…Những câu chuyện tưởng như không bao giờ dứt, mà luôn luôn gây xúc động ấy vẫn được kể bằng cái phong cách vừa Lính, vừa Sinh viên, vừa Tổng hợp, nên rất hấp dẫn. Chúng tôi mong những cuộc gặp mặt như thế sẽ được duy trì thường niên, các CCB Đại học Tổng hợp HN sẽ có đủ năng lực để duy trì hoạt động, miễn là được hai Nhà trường cho phép và tạo điều kiện. Có lẽ là hơi khách khí, nhưng chúng tôi, các CCB của nhà trường xin có lời cảm chân thành với lãnh đạo hai trường, với các tổ chức CCB trong và ngoài trường, với các tổ chức trong và ngoài quân đội, với các cá nhân cựu sinh viên ĐHTH HN đã tạo điều kiện cho chúng tôi có cuộc gặp mặt ngày 22/12/2012.

Tác giả: admin

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây