Tham dự hội nghị có đồng chí Đinh Văn Hường (Uỷ viên thường vụ Đảng uỷ, Trưởng ban Tuyên giáo Đảng uỷ ĐHQGHN), đồng chí Nguyễn Văn Kim (Bí thư Đảng uỷ, Phó Hiệu trưởng Nhà trường), đồng chí Phạm Quang Minh (Phó Bí thư Đảng uỷ, Hiệu trưởng Nhà trường) cùng các đồng chí trong Đảng uỷ, Ban Giám hiệu, uỷ viên các ban của Đảng uỷ, chi uỷ các chi bộ và thủ trưởng các đơn vị trực thuộc trường.
Đồng chí Nguyễn Văn Kim (Bí thư Đảng uỷ, Phó Hiệu trưởng Nhà trường) phát biểu tại Hội nghị
Mở đầu Hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Kim (Bí thư Đảng uỷ Nhà trường) đã điểm lại những kết quả nổi bật mà Đảng bộ Nhà trường đã thực hiện trong thời gian nửa nhiệm kỳ vừa qua trên cơ sở đối chiếu với các chỉ tiêu cụ thể được thông qua tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Trường lần thứ XXVII.
Ngay khi Đại hội Đảng bộ lần thứ XXVII kết thúc (9-10/4/2015), Thường vụ Đảng uỷ Nhà trường đã khẩn trương xây dựng chương trình hành động của Đảng bộ và cụ thể hoá các nhiệm vụ trọng tâm bằng việc ban hành một số nghị quyết và chương trình quan trọng như: Nghị quyết Định hướng và giải pháp xây dựng đại học nghiên cứu (4/2016); Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư BCH Trung ương khoá XII (5/2017) và các kết luận: Nâng cao năng lực lãnh đạo của các chi bộ (10/2015), Công tác tổ chức cán bộ trong định hướng xây dựng Đại học nghiên cứu (10/2016), Thúc đẩy các sản phẩm nghiên cứu khoa học ở Trường ĐHKHXH&NV trong bối cảnh xây dựng Đại học nghiên cứu (11/2016), Đẩy mạnh hội nhập khu vực và quốc tế về giáo dục và đào tạo trong bối cảnh toàn cầu hoá (9/2017); Một số giải pháp thúc đẩy hoạt động đào tạo hướng tới tự chủ đại học vào năm 2020 (11/2017). Trí tuệ và quyết tâm của tập thể Đảng bộ Nhà trường được thể hiện rất rõ qua các chương trình hành động trên, đồng thời mang đến những kết quả tích cực và cụ thể trên các mặt hoạt động của Nhà trường.
Về công tác tổ chức cán bộ, Nhà trường đã thành lập và tổ chức mới các đơn vị như Khoa Nhân học, Tạp chí KHXH&NV, Trung tâm Biển và Hải đảo, Bộ môn Tôn giáo học trực thuộc Trường, Bộ môn Chính sách công thuộc Khoa Khoa học Quản lý, Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng và Phát triển công tác xã hội thuộc Khoa Xã hội học. Nhà trường cũng sát nhập và tăng cường thêm chức năng nhiệm vụ của Phòng Đào tạo, Phòng Hợp tác Phát triển; kiện toàn Ban Giám hiệu, bổ nhiệm lãnh đạo một số đơn vị… Các chỉ tiêu quan trọng của công tác tổ chức cán bộ như tỷ lệ giảng viên đạt trình độ tiến sĩ và giảng viên đạt chức danh GS, PGS gần như đã hoàn thành theo chỉ tiêu.
Công tác đào tạo đã có nhiều nỗ lực với việc “che phủ” giáo trình, bài giảng ở gần hết các CTĐT bậc đại học và sau đại học; đưa công tác kiểm tra đánh giá đi vào thực chất; phát huy tinh thần “thực học” và sự chủ động, sáng tạo sinh viên, giảng viên. Về kiểm định chất lượng, Nhà trường đã triển khai đánh giá AUN cho 05 chương trình cùng việc đánh giá đồng cấp một số CTĐT khác.
Về xây dựng CT và tổ chức quản lý đào tạo, Nhà trường đã cố gắng hoàn thiện và xây dựng mới một số CTĐT, tiến hành xã hội hoá một số CTĐT theo hướng ứng dụng, mở rộng biên độ các CTĐT CLC và theo hướng xã hội hoá. Thời gian qua, Phòng Đào tạo và Phòng Hợp tác Phát triển đã phối kết hợp xây dựng nhiều CT thực tế hiệu quả trong và ngoài nước dành cho sinh viên.
Công tác tuyển sinh có nhiều đổi mới và luôn hoàn thành chỉ tiêu. Các chỉ số đánh giá cơ hội việc của cho sinh viên Trường ĐHKHXH&NV khá khả quan.
Về NCKH, Đảng bộ Nhà trường quán triệt tinh thần: để xây dựng đại học nghiên cứu cần nâng cao chất lượng và hàm lượng NCKH. Nhà trường thể hiện tinh thần chủ động và năng động trong việc bám sát những chương trình nghiên cứu lớn của Đảng, Nhà nước để xây dựng các đề tài, dự án với sự tham gia của nhiều nhóm nghiên cứu và các chuyên gia đầu ngành. Cán bộ Nhà trường là lực lượng chủ công tham gia bộ Quốc sử tầm vóc quốc gia. Chỉ tiêu về xây dựng đề tài Nhà nước đã hoàn thành dù chưa hết thời hạn. Trong hoạt động nghiên cứu khoa học, Nhà trường cũng chủ động, tích cực hợp tác với các bộ, ban, ngành và địa phương, đặc biệt là có quan hệ chặt chẽ và tốt đẹp với nhiều tỉnh thành: Tây Nguyên, Quảng Ninh, Hải Phòng, Nghệ An, Quảng Nam…
Nhà trường ký mới 56 văn bản hợp tác quốc tế, xúc tiến xây dựng 2 trung tâm nghiên cứu Việt Nam ở nước ngoài và xây dựng quy trình hợp tác lâu dài với nhiều quỹ quốc tế.
Ngoài các thành tích đáng ghi nhận trên, đồng chí Nguyễn Văn Kim cũng thẳng thắn đề cập đến những vấn đề còn tồn tại trong các mảng hoạt động: sinh viên tốt nghiệp đúng hạn chưa đạt chỉ tiêu, các chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh chưa nhiều, chưa thực sự có giải pháp hữu hiệu để tuyển sinh các ngành khó tuyển, cần nỗ lực hơn để đưa công tác đào tạo tín chỉ vào chiều sâu, chưa xây dựng dược các CT nghiên cứu lâu dài, chưa có nhiều công bố quốc tế trên tạp chí có chỉ số ISI và Scopus, chưa phát huy hiệu quả các công trình nghiên cứu tiến tới thương mại hoá, khó khăn trong kết nối nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng ở một số đơn vị, hiệu quả của các CT hợp tác quốc tế chưa như kỳ vọng...
Về giải pháp cho các nhiệm vụ trong thời gian tới, đồng chí Bí thư Đảng uỷ Nguyễn Văn Kim nhấn mạnh: Đảng bộ Nhà trường cần chuẩn bị tâm thế để xây dựng văn bản mới liên quan đến cơ chế tự chủ đại học, trong đó vạch ra tương lai phát triển mới cho Trường ĐHKHXH&NV. Là Đảng bộ của một đại học lớn, Đảng bộ Nhà trường cần phát huy tinh thần gương mẫu, chủ động, sáng tạo trong thực hiện các văn bản, chính sách của Đảng, Nhà nước, nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm và tính kỷ luật Đảng.
Đồng chí Nguyễn Văn Kim cũng khẳng định: vị trí và thương hiệu của một trường đại học đặt cược vào vai trò và vị thế của đội ngũ chuyên gia giỏi, những người có khả năng hội nhập quốc tế, giảng dạy quốc tế, sẵn sàng đảm trách các nhiệm vụ, đề tài nghiên cứu lớn trong tương lai. Do đó, công tác phát triển đội ngũ cán bộ là khâu cực kỳ quan trọng và cần được Đảng bộ Nhà trường đặc biệt quan tâm.
Phó Hiệu trưởng Hoàng Anh Tuấn đanh giá về những kết quả đạt được trong hoạt động đào tạo của Nhà trường thời gian qua
Tiếp đó, Hội nghị nghe đồng chí Hoàng Anh Tuấn (Phó Hiệu trưởng Nhà trường) trình bày báo cáo sơ kết công tác đào tạo trong thực hiện Nghị quyết của Đảng bộ Nhà trường. Phát biểu nêu rõ: đây là thời điểm khó khăn trong đào tạo đại học khi các trường đại học đang chịu nhiều sức ép về tự chủ đại học, nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu mới và hội nhập sâu rộng hơn với quốc tế.
Trước những yêu cầu mới trong quy chế đào tạo tiến sĩ của Bộ Giáo dục và Đào tạo và của ĐHQGHN, Đảng bộ Nhà trường và các chi bộ cần thống nhất các phương thức để có thể tiếp tục duy trì số lượng học viên và chất lượng đào tạo sau đại học, phát huy hơn nữa vai trò của Khoa và bộ môn trong hoạt động này. Về tuyển sinh đại học, dù công tác tuyển sinh vẫn đạt tiêu chuẩn đề ra song cần có giải pháp cần quyết liệt hơn nữa để thu hút người học, đặc biệt là ở một số ngành khó tuyển.
Cuối cùng Phó Hiệu trưởng Hoàng Anh Tuấn cho rằng: hoạt động đào tạo ngắn hạn của Nhà trường cần được nhìn nhận lại vai trò quan trọng của nó, để được chuẩn hoá và quy về một mối. Các CTĐT cần linh hoạt và tiếp cận thị trường tốt hơn trên cơ sở chủ động hợp tác với các cơ quan tổ chức có nhu cầu.
Đồng chí Vũ Văn Quân thay mặt Ban chuyên môn của Đảng uỷ Nhà trường phát biểu cụ thể hoá những định hướng, giải pháp xây dựng đại học nghiên cứu ở Trường ĐHKHXH&NV
Đồng chí Vũ Văn Quân thay mặt Ban Chuyên môn của Đảng uỷ Nhà trường trình bày các ý kiến xoay quanh định hướng và giải pháp xây dựng đại học nghiên cứu của Nhà trường. Ý kiến nêu rõ: nghiên cứu cơ bản (NCCB) là thế mạnh, là truyền thống của Nhà trường cần tiếp tục được phát huy, song bên cạnh đó cần thúc đẩy các nghiên cứu ứng dụng (NCƯD). NCCB phải giải quyết được triệt để những hạn chế, đáp ứng được yêu cầu phát triển của xã hội cũng như sự phát triển chung của giáo dục đại học và KHXH&NV.
Một số hạn chế được nhận diện như: sự tham gia của học viên cao học, nghiên cứu sinh vào các NCCB còn hạn chế; các CT, dự án NCCB chưa thực sự gắn với các CT đào tạo; nghiên cứu chưa gắn với ứng dụng, đặc biệt chưa xác định được thật rõ những nhu cầu thực tiễn phát triển đất nước; khả năng quốc tế hoá còn hạn chế và chưa đồng đều giữa các lĩnh vực nghiên cứu; chưa hình thành được những chương trình nghiên cứu lớn đặc thù được xã hội đầu tư; tốc độ hình thành và hoạt động của các nhóm nghiên cứu mạnh còn hạn chế; quốc tế hoá trong nghiên cứu chưa đáp ứng được yêu cầu của tình hình mới...
Bài phát biểu cũng đề xuất 3 nhiệm vụ trọng tâm để khắc phục những hạn chế còn tồn tại và đẩy nhanh tốc độ xây dựng và phát triển đại học nghiên cứu tại Trường ĐHKHXH&NV trong thời gian tới. Một là cần thay đổi triệt để nhận thức của các đơn vị về việc phải đổi mới toàn diện và căn bản trong tư duy và định hướng hoạt động nghiên cứu khoa học, thay đổi nhận thức về NCƯD trong lĩnh vực KHXH&NV. Hai là hình thành một số sản phẩm nghiên cứu đặc thù, lĩnh vực nghiên cứu đặc thù trong NCKH cơ bản phục vụ trực tiếp cho nhu cầu phát triển bền vững đất nước; xác định hướng nghiên cứu ứng dụng, các hướng nghiên cứu đa ngành, liên ngành, các sản phẩm tích hợp công nghệ với giá trị nhân văn mang tính đặc thù và tìm kiếm thị trường và đối tác cho sản phẩm này. Ba là thúc đẩy hơn nữa việc bồi dưỡng đội ngũ cán bộ khoa học theo hướng nâng cao năng lực nghiên cứu, đẩy mạnh việc hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh, đa dạng hoá các nguồn lực và các mối quan hệ hợp tác trong nghiên cứu.
Đồng chí Phạm Quang Minh phát biểu tại Hội nghị
Góp ý cho hoạt động của Đảng bộ Nhà trường, đồng chí Phạm Quang Minh (Phó Bí thư Đảng uỷ, Hiệu trưởng Nhà trường) nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc: làm sao phát huy được mọi nguồn lực trong trường; kết nối, hợp tác chặt chẽ trong tập thể cán bộ, nhà giáo, nhà khoa học toàn trường để đồng tâm, chung sức thực hiện các mục tiêu phát triển chung. Về công tác lãnh đạo của Đảng thì có hai vấn đề cần được xác định đúng hướng và toàn diện: một là phát triển định hướng đại học nghiên cứu tiên tiến và hai là lấy tinh thần phục vụ là chính. Chỉ có khơi dậy được niềm tự hào và tinh thần sáng tạo, chủ động của sinh viên và giảng viên của một đại học hàng đầu thì Đảng bộ Nhà trường mới phát huy được sức mạnh và tiềm năng vốn có. Đảng phải lãnh đạo toàn diện các hoạt động nhưng rất cần sự chia sẻ, thấu hiểu và chung sức của các thành viên trong Nhà trường.
Đồng chí Đinh Văn Hường thay mặt Thường vụ Đảng uỷ ĐHQGHN phát biểu tại Hội nghị
Thay mặt thường vụ Đảng uỷ ĐHQGHN, đồng chí Đinh Hường đã gửi lời chúc mừng Đảng bộ Nhà trường vì những kết quả đáng ghi nhận trong thời gian qua. Đảng bộ Trường ĐHKHXH&NV đảng bộ lớn trong Đảng bộ ĐHQGHN, có bề dày truyền thống, có kinh nghiệm lãnh đạo, có bản lĩnh đã được tôi rèn. Với tiềm năng, thế mạnh và vị thế của mình, Đảng bộ Nhà trường đóng vai trò nòng cốt trong Đảng bộ ĐHQGHN.
Đồng chí Đinh Văn Hường cũng chia sẻ nhiều thông tin phản ánh những chuyển biến mới trong các hoạt động của ĐHQGHN thời gian tới như: ban hành quy chế đào tạo tiến sĩ mới, dự thảo sửa đổi bổ sung Luật Giáo dục và Luật Giáo dục Đại học, Dự án xây dựng Hoà Lạc vừa được Thủ tướng quyết định chuyển vai trò chủ đầu tư xây dựng cho ĐHQGHN, xây dựng dự án trường trung học cơ sở chuyên trong ĐHQGHN, đẩy mạnh tự chủ đại học... Những điểm mới này sẽ đem đến những thời cơ mới cho ĐHQGHN và Trường ĐHKHXH&NV, do đó Đảng bộ Nhà trường cần quán triệt trong nhận thức và nỗ lực hơn trong hành động để có những đóng góp to lớn hơn cho ĐHQGHN, cho xã hội trong chặng đường tới.
Đồng chí Đinh Văn Hường trao tặng giấy khen của Đảng uỷ ĐHQGHN cho tập thể Đảng bộ Trường ĐHKHXH&NV - đảng bộ trong sạch, vững mạnh tiêu biểu
Đồng chí Đinh Văn Hường trao giấy khen của Đảng uỷ ĐHQGHN cho Chi bộ Khoa Tâm lý học - chi bộ đạt tiêu chuẩn trong sạch, vững mạnh tiêu biểu 5 năm liền
Các đảng viên thuộc Đảng bộ Trường ĐHKHXH&NV đạt tiêu chuẩn đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 5 năm liền, gồm các đồng chí: Trần Thị Quý, Ngô Thị Kiều Oanh, Trịnh Văn Tùng
Ba nhà giáo nhận danh hiệu Nhà giáo Ưu tú trong năm học vừa qua gồm các đồng chí: Nguyễn Văn Kim, Phạm Văn Quyết, Nguyễn Thị Kim Hoa
|
Tác giả: Thanh Hà
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn