Người làm chính sách thường phải dự kiến được hết tác dụng của chính sách. Tuy nhiên, không phải khi nào cũng dự kiến được hết các tác dụng của chính sách, trong đó, có những tác dụng giống như bác sỹ gọi là “tác dụng phụ”, những tác dụng ngoài ý muốn, mà những người làm chính sách gọi là “tác động âm tính” và “tác động ngoại biên” của chính sách.
Vì vậy, chúng ta cần đánh giá chính sách. Vậy ai cần đánh giá chính sách?
Trước hết, người làm chính sách cần đánh giá hết tác động của chính sách, bao gồm không chỉ những tác động tích cực, mà cả những tác động tiêu cực và những hệ lụy xã hội có thể xuất hiện sau khi thực thi chính sách.
Tiếp đó là những người thực hiện chính sách. Họ cũng cần đánh giá những tác động của chính sách như những người làm chính sách.
Sau hết là những người làm tư vấn chính sách. Họ tư vấn cả cho hai nhóm trên, cả cho người làm chính sách và cả cho người thực thi chính sách.
Toàn bộ công việc đánh giá chính sách là nhằm làm cho quá trình hoạch định và thực thi chính sách phát huy mặt tích cực của chính sách, hạn chế những tác động tiêu cực và các hệ lụy không mong muốn do chính sách dẫn đến, góp phần thúc đẩy mặt xã hội phát triển.
Tập tài liệu này được viết nhằm hướng dẫn kỹ năng đánh giá chính sách.
Cuốn sách gồm ba phần:
Phần thứ nhất, hướng dẫn kỹ năng đánh giá chính sách.
Phần thứ hai, đánh giá chính sách trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
Phần thứ ba, một vài vấn đề phương pháp luận về đánh giá chính sách phát triển vùng.
Đánh giá chính sách, thực ra là một lĩnh vực khoa học còn khá mới mẻ. Các tác giả mong muốn được chia sẻ với đồng nghiệp những kinh nghiệm của mình về một nội dung rất đáng quan tâm trong hoạt động quản lý, và hy vọng cũng nhận được sự đóng góp ý kiến của các đồng nghiệp để làm phong phú thêm những cơ sở lý luận và kinh nghiệm trong hoạt động quan trọng này của quản lý.
Tác giả: Các tác giả
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn