Gieo chữ trên đá
Từ Đôn Chương đến trường phổ thông trung học Lục Khu, huyện Hà Quảng, Cao Bằng chỉ hơn 10km nhưng cũng phải mất hơn một tiếng đồng hồ chúng tôi mới tới nơi. Con đường quanh co hết quặt trái rồi rẽ phải ôm lấy lưng đồi hết đợt này đến đợt khác. Núi ở Cao Bằng cũng lạ, núi kề núi thẳng đứng cao vút giữa trời. Bên cạnh núi là vực sâu hun hút với những rừng cây bạt ngàn. Ngồi trên xe nhìn qua cửa kính, con đường như dải lụa đào ôm hết vòng núi này sang vòng núi khác. Xa xa, từng tốp nhỏ các em đến trường. Hôm nay ngày chủ nhật, lẽ ra được nghỉ học nhưng các em có niềm vui riêng, các em được đón gặp các thầy cô đại diện cho 5 trường đại học tại Hà Nội: Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQGHN), Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Bách Khoa và Đại học Xây dựng đến thăm và tặng quà trong kế hoạch hoạt động công tác xã hội năm 2014.
Đoàn cán bộ của 5 trường ĐH chụp ảnh lưu niệm với các em học sinh vùng cao/Ảnh: Đình Lân
Thấp thoáng bên sườn núi là những ngôi nhà đơn sơ của bà con dân tộc Mông, Nùng. Trước sân Bên mỗi nhà có vài ba chiếc chum, nhiều thì bốn, năm cái. Biết chúng tôi băn khoăn, anh lái xe vui tính hồ hởi cho biết đó là chum vò đựng nước. Anh giải thích thêm: bà con dân tộc ít người có thói quen làm nhà ở lưng chừng đồi, không thể xuống chân núi lấy nước được, vả lại núi đá vào mùa khô hút kiệt nước cho nên bà con phải xây bể, sắm chum dự trữ nước để sử dụng lâu dài. Thế nên, nếu như người dân ở đây phải tích nước để dùng thì các thầy cô ở đây còn phải tích chữ để truyền đạt kiến thức cho các em, để các em sau này lớn lên làm chủ cuộc sống, làm chủ cuộc đời mình. Những ngọn núi đá sừng sững án ngữ nhưng không khuất phục được bàn tay, khối óc, ý chí của con người nơi đây. Dẫu có thể lúc nào đó, thiên nhiên không thuận cạn nước chứ các thầy cô không bao giờ ngừng “nhả” chữ.
Món quà là những chiếc chăn ấm, với mong muốn các em sẽ không còn bị rét trong mùa đông này/Ảnh: Đình Lân
Từ xa xa, trường phổ thông trung học Lục Khu hiện rõ sau lớp mờ sương nhẹ đã tan dần trong nắng sớm. Những ngôi nhà hai tầng khang trang tựa lưng vào núi đá làm ngỡ ngàng trong con mắt mọi người. Người chúng tôi gặp đâu tiên là thầy giáo trẻ Trịnh Minh Khánh - Phó hiệu trưởng Trường trung học Lục Khu. Thầy cho biết, toàn trường có 33 cán bộ, giáo viên; có 436 học sinh đang theo học. So với vài năm trở vể trước, số học sinh bỏ học đã giảm chỉ còn khoảng 10 em. Phần lớn các em bỏ học do hoàn cảnh khó khăn, lấy vợ, lấy chồng sớm, con đông… Trước tình hình đó, Ban giám hiệu nhà trường yêu cầu các thầy cô giáo cùng với các tổ chức đoàn thể của trường như Đoàn, Đội, Công đoàn, Hội Phụ nữ… đến tận gia đình các em để vận động, khuyên nhủ các em tiếp tục đi học. Bằng tình cảm chân thật, bằng tấm lòng bao dung của các thầy cô mà nhiều em đã trở lại học, rèn luyện thành người. Em Lục Thị Liên là một trong những trường hợp như vậy. Bố mẹ làm nghề nông, nhà có đến 7 chị em, Liên là con cả, vậy nên sau buổi học em phải đỡ đần cha mẹ công việc nhà. Thấu hiểu sự khó khăn của cha mẹ, em quyết tâm học tập và đã trở thành học sinh giỏi cấp huyện môn Lịch sử. Cô gái nhỏ bé không giấu diếm ước mơ của mình là được vào đại học để sau này thành người trở về xây dựng quê hương, xây dựng bản làng phát triển.
Các em học sinh vùng cao/Ảnh: Đình Lân
Ở Lục Khu, huyện Hà Quảng cũng như nhiều nơi khác, cuộc sống còn nhiều khó khăn chồng chất khó khăn. Trường hợp em Hoàng Ngọc Nhi ở trường tiểu học Phong Nậm cũng thật đặc biệt. Em vừa mới bước qua ca phẫu thuật mổ tim bẩm sinh do chương trình “Trái tim cho em” tài trợ. Mặc dù khuôn mặt em còn nhợt nhạt, non gầy nhưng nụ cười của em đã trở lại. Em được tiếp tục đi học, được vòng tay yêu thương của trường, của lớp kết nối cùng các bạn vui chơi, học tập. Cô giáo trẻ Nông Thị Bể cho biết: những ngày em bị bệnh, các cô thay nhau thăm hỏi, giúp đỡ gia đình em; trường cũng đã vận động phong trào giúp đỡ em vượt qua ca mổ. Và ngày hôm nay, các thầy cô công đoàn 5 trường Đại học cũng đã chia sẻ một phần đồng lương ít ỏi để động viên em học tập.
Đến hẹn lại lên
Hàng năm, cứ vào độ trung tuần tháng 12, cán bộ công đoàn 5 trường đại học lại lên đường đến với các vùng đất mà nơi đó đang còn rất nhiều khó khăn về cuộc sống và học tập. Món quà của đoàn mang theo trước hết là tình cảm, là sự sẻ chia những vất vả khó khăn của các thầy cô giáo ở các vùng sâu, vùng xa đang gieo chữ, trồng người. Cùng với tinh thần là món quà nhỏ mà các thầy cô 5 trường đã quyên góp được: 400 chăn bông và 30 triệu đồng tiền mặt. Số quà này sẽ được công đoàn ngành giáo dục tỉnh Cao Bằng phân chia tới các trường đến tận tay các em được sử dụng, bớt cái lạnh đang về, giúp các em mạnh khỏe, học tập tốt. TS. Tạ Hữu Đồng - Chủ tịch Công đoàn Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, đơn vị đầu mối cho sự kiện này cho biết: “Trong những năm gần đây, hoạt động tặng quà cho các trường vùng sâu vùng xa của công đoàn 5 trường Đại học cũng có thay đổi, mang tính thiết thực hơn. Với chủ trương đó, công đoàn 5 trường Đại học đã thống nhất năm nay tặng các em chăn bông để các em không những có cái ăn mà cần phải có cái đắp để ấm lòng những ngày giá lạnh. Quả thực có lên Cao Bằng, mới thấm cái rét của vùng cao”.
Ảnh: Đình Lân
Trong câu chuyện giao lưu với các thầy cô giáo, đồng chí Trần Ngọc Duyên, Chủ tịch công đoàn ngành giáo dục tỉnh Cao Bằng cho biết: “Công đoàn ngành chúng tôi cũng có chủ trương như vậy. Cả tỉnh cần trên 4000 cái chăn, đến nay chúng tôi quyên góp được 1140 chiếc. Còn lại, rất cần tấm lòng của các nhà hảo tâm, các tổ chức xã hội khác giúp đỡ. Sự kiện 5 trường đại học tặng quà lần này thật ý nghĩa. Thêm một cái chăn là thêm ba hoặc bốn em đỡ lạnh khi mua đông tới.”
Hỏi han việc học tập của các bé/Ảnh: Đình Lân
Với tình cảm chân thành sâu sắc của các trường tiểu học mà nơi đoàn công tác đến dành cho, TS. Nguyễn Thị Hoài Dung, Phó chủ tịch công đoàn trường Đại học Kinh tế Quốc dân - một thành viên tích cực của đoàn - đã tặng quà trực tiếp 100 chiếc chăn. Món quà này được gửi lại văn phòng công đoàn ngành giáo dục tỉnh để phân bổ cho các đơn vị.
Tác giả: Phạm Đình Lân
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn