Đúng ra với người đọc Pháp, cái tên Modiano không hề xa lạ. Trong cuốn Văn học Pháp từ năm 1968[1], hai tác giả Vercier và Lecarme đã xếp nhà văn này trong một chương viết khá thú vị: “Ba gương mặt tiểu thuyết hiện nay”, trong đó hai ông khẳng định, cả ba đều rất có duyên với các giải thưởng, đó là những gương mặt cuối cùng sáng giá trong nửa cuối thế kỉ XX ở Pháp. Trong ba gương mặt ấy, trừ George Perec, hai người còn lại: Patric Modiano và Le Clézio cho đến thời điểm này đều đã được nhận giải Nobel. Vào năm 2008, khi Le Clézio nhận giải, có thể người đọc Pháp không ngạc nhiên, nhưng không ít độc giả ngoài Pháp, như Đức, Thụy Điển, đặc biệt là Mĩ, thì “kêu ca” rằng, thậm chí ngay cả cái tên của ông họ cũng không biết, nói chi đến tác phẩm. Vậy là, ngay cả đến một nền văn chương lớn như Pháp, mỗi giải thưởng Nobel cho các nhà văn bao giờ cũng gây sự bất ngờ. Phải chăng đó cũng được coi là “một nét thú vị” với những người đọc hâm mộ họ…
Văn học Pháp có bao nhiêu giải Nobel?
Kể từ năm đầu tiên, Nobel văn học được chính thức trao giải (1901), các nhà văn Pháp lần lượt được nhận giải là: Sully Prudhomme (nhà thơ, 1901), frédéric Mistral (nhà thơ, 1904), Romain Rolland (nhà văn, 1915), Anatole France (nhà văn, 1921), Henri Bergson (nhà triết học và phê bình văn học, 1927), Roger Martin du Gard (nhà văn, 1937), André Gide (nhà văn, 1947), Francois Mauriac (nhà văn, 1952), Albert Camus (nhà văn, 1957), Saint - John Perse (nhà thơ, 1960), Jean Paul Sartre (nhà văn, 1964), Claude Simon (nhà văn, 1985), Jean Marie – Gustave Le Clézio (nhà văn, 2008), Patrick Modiano (2014). Như vậy tính đến thời điểm này (2014), nước Pháp đã có tổng cộng 14 giải Nobel. Tuy nhiên, con số trên có thể còn nhiều hơn, nếu ta tính thêm cả những nhà văn khác, dù không phải người gốc Pháp, nhưng ở thời điểm đoạt giải, họ vẫn sống trên đất Pháp (hoặc từng viết cả hai thứ tiếng Pháp, Anh hoặc Pháp, Hoa) như: Cao Hành Kiện (Trung Quốc, 2012), Beckett (Ireland, 1969), Bunine (Nga, 1918). So với văn học Mĩ và Anh, hai quốc gia cùng sử dụng chung một ngôn ngữ được coi là phổ biến nhất hiện nay (tiếng Anh), và cũng là hai trong số những nền văn học lớn trên thế giới, nước Pháp vẫn được coi là quốc gia có nhiều giải Nobel hơn (14, hay theo thống kê của Wikipedia là 13,5; Anh: 11; Mĩ: 10,5). Tại sao không lớn hơn nước Mĩ, cũng không lâu đời hơn Anh, văn học Pháp lại có được thành công lớn như thế? Liệu có phải vì may mắn hay có sự thiên vị với văn học Pháp? Xin trả lời rõ: không có bất cứ sự may mắn hay sự thiên vị nào ở đây. Bởi lẽ từ thế kỉ XVII, so với các nền văn học khác thuộc Mĩ và châu Âu, văn học Pháp vẫn được coi là lớn. Paris từ thế kỉ XVII đã là trung tâm của văn hóa châu Âu, nơi xuất hiện những cái tên cự phách mà khó có nền văn học quốc gia nào so sánh được: Descartes, Boileau, Molière, Corneille, Racine…Đó cũng là nơi sản sinh ra nhiều trào lưu văn học nhất trên thế giới. Văn học Pháp thường được thiết lập trên các hệ tư tưởng, triết học, vì thế các nhà văn thường viết được những tác phẩm lớn mang tầm “nhân loại”, phù hợp với tiêu chí trao giải Nobel của Viện Hàn lâm Thụy Điển. Trường hợp nhà văn Nhật Murakami cho đến giờ vẫn “lỗi hẹn” với Nobel có thể ngoài những yếu tố “sex”, tác phẩm của ông cũng chưa hẳn đã đạt tới tầm “nhân loại” để người ta có thể trao giải chăng (?)…
Một kiểu “hợp chủng quốc”trong các nhà văn Nobel Pháp
Cũng có thể giải thích lợi thế của nước Pháp trong các cuộc cạnh tranh Nobel từ lí do này: nước Pháp vốn là trung tâm văn hóa lớn của châu Âu, một thời nó đã thu hút nhiều trí thức, nhà văn đến từ nhiều nơi: châu Á, châu Âu và cả châu Mĩ. Chính sách tự do sáng tạo ngay giữa lòng nước Pháp thật sự đã mang đến những thành công cho văn học nước này. Nhưng các nhà văn đoạt giải Nobel liệu có thuần Pháp hay không thì chúng ta cũng cần phải nhìn nhận sao cho khách quan và công bằng nhất. Chẳng hạn ngay với người đoạt giải gần đây nhất, Patrice Modiano, cũng không hẳn là thuần Pháp. Chính thức, cha ông, Albert Modiano là một thương nhân Do thái; và mẹ, Louisa Colpijn, là một nghệ sĩ hài kịch người Bỉ. Trường hợp Nobel 2008, nhà văn Le Clézio còn “rích rắc” hơn: ông vốn có cội nguồn từ quốc đảo Mauritius, châu Phi. Ngay bản thân ông cũng ít khi chịu dừng chân lâu trên đất nước mình, mà thường sống lang thang ẩn dật ở nhiều nơi trong suốt những ngày tháng viết tác phẩm. Cao hành Kiện về một phương diện nào đó, cũng được coi là “Nobel Pháp” vì ông viết và nhận giải trong một không gian hoàn toàn Pháp, nhưng dù sao ông vẫn là người Hoa. Trường hợp thứ tư, nhà viết kịch phi lí Samuel Beckett (Nobel, 1969), viết cả hai ngôn ngữ Pháp và Anh, là người gốc Ireland, nhưng khi nhận giải ông đang sống ở Pháp. Tên tuổi Samuel beckett cũng luôn có mặt trong các cuốn sách giáo khoa văn học Pháp bấy lâu nay. Trường hợp cuối cùng, Ivan Bounin, nhà văn viết tiếng Nga và đích thực là nhà văn Nga, nhưng khi được nhận giải cũng đang cư trú tại Pháp và không còn mang quốc tịch Nga. Quả là văn chương Pháp có nhiều điều thú vị! Nobel lại càng thú vị hơn nữa!
Nobel văn học Pháp thú vị thế nào?
Trong cuộc đời sống và viết của mình, có lẽ ít có nhà văn nào lại không thấy vinh dự và hạnh phúc khi được trao giải Nobel. Dù sao, Nobel vẫn được coi là giải thưởng danh giá nhất, không chỉ vì “chất lượng” chuyên môn, mà còn cả vì giá trị tiền bạc. Chúng ta hãy thử so sánh thế này: giải Goncourt được trao hàng năm cho các nhà tiểu thuyết Pháp cũng là một “thương hiệu” lớn, nhưng giá trị vật chất kèm theo chỉ là “vài euro”, trong khi số tiền kèm theo giải Nobel lên tới hàng triệu. Và cho dù nhiều năm sau người ta sẽ vẫn còn tranh cãi về thực chất các loại giải thưởng, liệu nó có phản ánh đúng giá trị thực của một cây bút hay không? (kể cả Nobel).Nhưng không thể phủ nhận một điều, những ai được trao giải thì không chỉ là người thực sự có tài, tác phẩm phải vượt lên tầm quốc tế, mà bản thân họ phải là người nêu được tấm gương “đạo đức, phẩm hạnh”. Chính vì thế, ngay trong văn học Pháp, nhà văn Alain Robbe-Grillet, người đứng đầu trường phái Tiểu thuyết Mới những năm 60, lẽ ra cũng có thể được trao giải nhưng vì lí do ông còn làm những bộ phim “có chứa nhiều yếu tố sex”, nên năm đó (1985), giải được chuyển qua nhà văn Claude Simon, cũng là một nhà tiểu thuyết Mới nhưng ít nổi tiếng hơn. Trường hợp thứ hai, theo nhà nghiên cứu Trung Quốc Ngô Nhạc Thêm, nhà văn André Malraux, đáng lẽ cũng rất xứng đáng được nhận giải, nhưng vì vào năm 1947, người ta “chiếu cố” André Gide, tác giả Bọn làm bạc giả, vì ông quá già, Malraux bị gạt lại. Đến năm 1958, khi đó Malraux đang là Bộ trưởng Văn hóa Pháp, Hội đồng xét giải Nobel lại tiếp tục gạt ông do dư luận trước đó không đồng ý với việc trao giải cho một “quan chức” (thủ tướng Anh Chuchill), vậy nên “quan chức Malraux” một lần nữa lại lỗi hẹn với Nobel văn học.
Về vấn đề tiền bạc, các nhà Nobel Pháp có hạnh phúc không? Đa số họ không nói ra, nhưng thật khó nói là “không hạnh phúc”. Thế nhưng, trong số các nhà văn Pháp được trao giải Nobel, có một người đã từng …nhất quyết không nhận. Đó là nhà hiện sinh Jean Paul Sartre. Lí do tại sao Sartre không nhận giải Nobel cũng có nhiều kiến giải khác nhau. Có người cho rằng, vì ông ‘tự ái” do trước đó nhà văn Camus, cũng là một nhà hiện sinh nhưng “kém tài hơn” đã được trao giải từ năm 1957. Bản thân Sartre thì khẳng định: “Tại sao tôi từ chối nhận giải thưởng? Tại vì tôi xét thấy rằng khá lâu nay nó đã nhuộm màu sắc chính trị rõ rệt. Nếu tôi chịu nhận giải Nobel – và nếu tôi đọc một bài diễn văn ngạo mạn tại Stockholm, điều này quả là một chuyện phi lí – thì tôi đã bị người ta thâu hồi”[2]. Chuyện Sartre từ chối giải Nobel quả đã tốn rất nhiều giấy mực, báo chí hồi đó đã bàn luận khá nhiều, cả về khía cạnh “chuyên môn” lẫn khía cạnh “tiền bạc. Chính Jean Paul Sartre đã kể lại rằng, rất nhiều độc giả sau đó viết thư cho ông đã tỏ ra “rất bức xúc” vì tại sao ông lại từ chối một món tiền lớn như vậy. Thậm chí có độc giả Mĩ còn miệt thị ông: “Nếu người ta tặng tôi một trăm đô la mà tôi lại từ chối, thì tôi không phải là con người”. Có người khác thì viết thư “gạ gẫm” ông nếu không muốn nhận thì cho phép họ được nhận thay ông, vì “chúng tôi nghèo lắm”, là một nhà văn “ông phải biết thương người nghèo chứ”?
Nói tóm lại, xung quanh giải Nobel, một giải thưởng văn học danh giá trong làng văn chương thế giới quả là có nhiều chuyện thú vị, bất ngờ, không chỉ riêng trong văn học Pháp. Chúng ta hãy nhớ ngay từ năm 1943, khi văn học Việt Nam mới bắt đầu hướng ra thế giới, Nam Cao trong truyện ngắn Đời thừa đã xây dựng hình tượng một nhà văn tên Hộ từng bộc lộ không chút giấu diếm khát khao “viết được một tác phẩm đoạt giải Nobel” mãnh liệt đến thế nào? Vinh quang trong bất cứ nghề gì cũng đều là cái đích hướng tới trong cuộc sống. Với các nhà văn, viết văn mà nhận được giải Nobel thì hạnh phúc còn lớn lao hơn.
Những ngày cuối năm 2014
Tác giả: Trần Hinh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn