Viện Viễn Đông bác cổ xưa, nay là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam.
Viện nghiên cứu đầu tiên tại Đông Dương
Năm 1898, Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer ký quyết định thành lập một cơ quan nghiên cứu về Phương Đông với tên gọi “Phái đoàn Khảo cổ Thường trực tại Đông Dương”. Đến năm 1900, cơ quan này được đổi tên thành “Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp”, gọi tắt là EFEO. Năm 1901, Tổng thống Pháp Émile Loubet ký sắc lệnh chính thức xác nhận việc thành lập Viện với chức năng chủ yếu là nghiên cứu khoa học về lịch sử, khảo cổ, ngôn ngữ, dân tộc học, địa vật lý và địa nhân văn ở bán đảo Đông Dương và các nước tại Viễn Đông.
Ngày 8/9/1945, chỉ 6 ngày sau tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Chủ tịch chính phủ Lâm thời ra sắc lệnh số 13 về việc sát nhập trường Viễn Đông Bác Cổ vào Bộ Quốc gia Giáo dục. Ngày 23/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 65 thiết lập “Đông Phương Bác Cổ Học viện” thay thế cho "Pháp quốc Viễn Đông Bác Cổ Học viện", có nhiệm vụ bảo tồn và lưu giữ những thành tựu nghiên cứu của EFEO trên cả nước Việt Nam. Các sắc lệnh trên cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ Lâm thời với KHXH&NV Việt Nam, đồng thời khẳng định những giá trị khoa học mà Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp đã đóng góp cho việc nghiên cứu lịch sử, văn hoá cũng như công tác bảo tồn di sản cho Việt Nam trong gần một nửa thế kỷ trước đó.
Có thể nói trong hành trình xuyên thế kỷ 20, Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp đã trải qua không ít thăng trầm cùng những biến thiên của lịch sử Việt Nam. Nhưng bất luận sự chi phối nhất định của chính quyền thuộc địa (kể từ khi thành lập cho tới Cách mạng tháng 8/1945), EFEO vẫn giữ vững mục tiêu khoa học để đạt được những thành tựu rực rỡ về nghiên cứu khoa học, xuất bản và bảo tồn.
Trong giai đoạn ngắn song hành cùng Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (9/1945-12/1946), chính sách mềm dẻo của nhà nước Việt Nam đã tạo điều kiện để EFEO được tự chủ hành chính và quản lý các trụ sở. Trong khoảng 10 năm tiếp theo (1947-1957), EFEO gặp nhiều khó khăn do nước Pháp cũng như chính quyền thuộc địa Đông Dương không thể chu cấp kinh phí đều đặn và việc thiếu hụt đội ngũ các nhà nghiên cứu Pháp tại Việt Nam. Sau Hiệp định Geneve năm 1954, EFEO chuyển trụ sở vào Sài Gòn. Và đến năm 1960, EFEO chính thức đóng cửa, chấm dứt hơn 6 thập niên hoạt động ở Việt Nam. Đến năm 1993, EFEO tái lập văn phòng đại diện tại Hà Nội. Hiện nay, bên cạnh trụ sở chính ở Paris (CH Pháp), EFEO còn có 18 trung tâm tại 12 quốc gia, trong đó có 2 văn phòng đại diện tại Việt Nam, cả ở Hà Nội và TPHCM.
Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp - trung tâm nghiên cứu của Pháp về Đông Dương tại miền Nam Việt Nam năm 1926
Đóng góp lớn vào sự hình thành KHXH&NV Việt Nam
EFEO đã có những đóng góp rất quan trọng cho sự hình thành, phát triển của các ngành KHXH&NV ở Việt Nam. Nhiều công trình khảo cứu của EFEO về lịch sử, ngôn ngữ, văn học, dân tộc học, tôn giáo, khảo cổ học đã được xuất bản ở Việt Nam và trên thế giới. Hàng ngàn công trình lịch sử, văn hoá được EFEO quản lý, bảo toàn tốt, trong đó có những khu đã trở thành di sản văn hoá thế giới như thánh địa Mỹ Sơn ở Quảng Nam. EFEO là nhịp cầu vững chắc nhất trong nhiều nhịp cầu tri thức kết nối nền học thuật Việt Nam với thế giới, đặc biệt là với Pháp.
Những đóng góp của EFEO cho KHXH&NV Việt Nam thể hiện ở những mặt tiêu biểu sau: góp phần khai mở một số ngành KHXH&NV hiện đại ở Việt Nam như Khảo cổ học, Dân tộc học, Bảo tàng học, Văn bản học…với những phát hiện mang tính khai phá, có giá trị khoa học cho đến tận ngày nay; thúc đẩy hiện đại hoá các ngành KHXH&NV truyền thống song song với xây dựng những ngành học mới; góp phần xây dựng đội ngũ các nhà Việt Nam học quốc tế, đồng thời góp phần đào tạo một thế hệ các nhà KHXH&NV Việt Nam hiện đại trong thế kỷ 20; tổ chức nhiều chương trình, dự án nghiên cứu lớn về các thời đại đá mới (Hoà Bình), thời đại kim khí (Đồng Sơn, Sa Huỳnh), các vương quốc cổ (Phù Nam, Champa)…, xuất bản Bulletin de L’Ecole Francaise d’Etrême-Orient-BEFEO) và nhiều công trình có giá trị như "Địa lý hành chính Kinh Bắc" (1996), "Chữ huý Việt Nam qua các triều đại" (1997), "Văn thơ Đông kinh nghĩa thục" (1997), "L’Univers des Truyện Nôm" (1998), "Những vấn đề văn bản học Quân trung từ mệnh của Nguyễn Trãi" (1999), "Địa danh và tài liệu lưu trữ về làng xã Bắc Kỳ" (1999)… Bên cạnh đóm EFEO góp phần thiết thực trong việc sưu tầm và bảo tồn cổ vật, xây dựng các bảo tàng hiện đại, đóng góp vào lĩnh vực quản lý di sản ở Việt Nam.
Trong những năm gần đây, EFEO đóng góp hữu hiệu vào việc giới thiệu những khuynh hướng nghiên cứu mới, quan điểm, trường phái khoa học mới, từ đó góp phần thúc đẩy sự phát triển của các ngành KHXHNV Việt Nam. Trong bối cảnh ấy, Trường ĐHKHXHNV - với tư cách là trung tâm nghiên cứu KHXH&NV hàng đầu ở Việt Nam - đã phối hợp chặt chẽ với EFEO trong nhiều hoạt động học thuật như: tổ chức các chương trình nghiên cứu về làng xã ở Châu thổ Sông Hồng, tổ chức hội thảo ở vùng Châu thổ Sông Hồng, tổ chức hội thảo về lý luận và các phương pháp nghiên cứu Sử học hiện đại... Các hoạt động hợp tác này nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng và phát triển các ngành KHXH&NV Việt Nam theo hướng đổi mới, hiện đại và hội nhập quốc tế.
Tác giả: ussh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn