Chiều ngày 30/9/2016, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN đã tổ chức hội nghị công tác đào tạo đại học chính quy và công tác sinh viên. Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các khoa, các giáo viên chủ nhiệm và cố vấn học tập trong trường.
ThS. Đào Minh Quân, Phó Trưởng phòng Đào tạo trình bày nội dung về một số tồn tại trọng công tác quản lý, tổ chức đào tạo và đề xuất cải tiến
Tại hội nghị, các đại biểu đã lắng nghe và thảo luận một số giải pháp có thể áp dụng thời gian tới để nâng cao chất lượng đào tạo là:
1. Với hoạt động quản lý tiến trình đào tạo, Nhà trường đề ra giải pháp xây dựng công cụ thiết lập và quản lý tiến trình đào tạo; lập kế hoạch học tập toàn khóa và theo từng học kỳ. Lộ trình dự kiến triển khai vào tháng 10 tới.
Giải pháp này kỳ vọng sẽ giúp phòng đào tạo quản lý tốt tiến trình đào tạo bình thường của một khóa học, xây dựng kế hoạch học tập trong từng học kỳ một cách tối ưu. Trợ lý đào tạo có công cụ để xây dựng tiến trình đào tạo và kế hoạch học tập toàn khóa, chủ động và dễ dàng xây dựng dự kiến kế hoạch giảng dạy trong từng học kỳ và từng khóa học.
Cố vấn học tập nắm được tiến trình đào tạo, kế hoạch đào tạo dự kiến của cả khóa học để hỗ trợ, tư vấn cho sinh viên trong lập kế hoạch học tập ở từng học kỳ. Sinh viên chủ động hơn trong việc lập kế hoạch học tập theo từng học kỳ và có thể tham chiếu xem mình đang ở đâu trong tiến trình đào tọa bình thường của ngành học.
2. Với quy trình nhận danh sách lớp và nhập điểm, nhà trường sẽ xây dựng phầm mềm cập nhật điểm online. Lộ trình dự kiến triển khai vào tháng 11 tới.
Giải pháp này sẽ tiết kiệm được thời gian và giải phóng sức lao động của cán bộ giảng viên. Giảng viên hoàn toàn chủ động trong việc lấy danh sách lớp học phần và nhập điểm ở bất kỳ nơi đâu có internet. Trợ lý đào tạo của các khoa có thể nhập điểm trực tuyến ở tất cả các học phần do khoa phụ trách giảng dạy (các học phần thuộc khối M4, M5).
TS Bùi Thành Nam, Trưởng phòng Đào tạo trình bày mảng nội dung quốc tế hóa các chương trình đào tạo
3. Về công tác lập kế hoạch và tổ chức giảng dạy, Nhà trường dự kiến điều chỉnh số tiết trên ngày, từ 10 lên thành 11 tiết, thời gian nghỉ giải lao giảm từ 10 phút xuống 5 phút. Theo đó, khung thời gian buổi sáng 5 tiết từ 1-5: 7h00 đến 11h30, buổi chiều 6 tiết từ tiết 6 đến 11: 12h30 đến 17h55. Việc điều chỉnh này sẽ giúp tối ưu thời gian giảng dạy thông qua việc xếp các cặp tiết 3+3, 2+4, 4+2, 2+3, 3+2. 2+2+2.
Nhà trường cũng chủ trương tăng cường tổ chức giảng dạy các học phần theo tiến trình 7 tuần (nhất là các học phần 2 tín chỉ). Tổ chức thi 2 đợt/học kỳ, đối với những học phần theo tiến trình 7 tuần (thi vào tuần thứ 9 của học kỳ), đợt 2 đối với những học phần theo tiến trình 15 tuần (thi vào tuần từ 16-19 của học kỳ).
Mục đích của giải pháp này là tối ưu hóa việc lập kế hoạch giảng dạy - học tập (không cần xếp lịch giảng dạy vào các buổi tối và thứ 7), thi cử, tận dụng tối đa quỹ giảng đường, đẩy nhanh tiến trình đào tạo. Giảm áp lực cho sinh viên, giảng viên, trợ lý đào tạo, cán bộ phòng đào tạo trong việc học tập, thi, tổ chức thi, chấm thi và nhập điểm. Thuận lợi cho việc xét tốt nghiệp.
Đồng thời cách triển khai này sẽ tăng quỹ thời gian cho giảng viên giảng dạy theo tiến trình 7 tuần, việc mời giảng cũng thuận lợi hơn.
4. Ngoài ra Nhà trường cũng đề xuất về việc lắp đặt máy tính có kết nối internet để hỗ trợ tra cứu thông tin về kế hoạch giảng dạy, học tập, thi cử. Điều chỉnh số tín chỉ tối thiểu để giao khóa luận tốt nghiệp lần đầu xuống còn 100 tín chỉ với hệ chuẩn (hiện tại đang là 110), 115 tín chỉ với hệ chất lượng cao (hiện tại là 125) để giúp sinh viên có thể tốt nghiệp sớm.
Một số ý kiến góp ý thảo luận tại hội nghị:
PGS.TS Trịnh Văn Tùng, Khoa Xã hội học Nhà trường nên tổ chức các môn học giáo dục quốc phòng vào các học kỳ hè năm thứ 1 và năm thứ 2. Học phần giáo dục thể chất có thể có cơ chế sinh viên đưa chứng chỉ về thay các môn học tại trường? Nên chia nhiều lớp nhỏ hơn nữa để nâng cao hiệu quả đào tạo. Vấn đề đa dạng hóa quốc tế các chương trình đào tạo, vì Nhà trường còn có những khoa đặc thù, không nên chỉ chú tâm tiếng Anh. |
TS. Phạm Hoàng Giang, khoa Triết học Sinh viên như những khách hàng đặc biệt, nên 3 kỳ học đầu tiên cần cho sinh viên học những môn chuyên ngành với những giảng viên giảng dạy hay nhất để giữ và khơi gợi đam mê về ngành học mình theo đuổi. Đội ngũ cố vấn học tập luôn biến động, nên mỗi khoa chỉ cần một cố vấn học tập là trợ lý đào tạo khoa. Nhà trường cũng cần triển khai thực hiện cuốn cẩm nang dành riêng cho cố vấn học tập |
TS. Nguyễn Quang Vinh, khoa Du lịch học Lực lượng giảng viên cơ hữu và giảng viên mời không ổn định theo thời gian nên sẽ khó khăn trong công tác chốt lịch theo năm học. Các giảng viên hiện đang cần internet hoạt động ổn định, hiện tại sinh viên truy cập nhiều, dẫn đến tình trạng thường xuyên nghẽn mạng wifi, do đó Nhà trường nên cấp các đường truyền internet riêng cho giảng viên trong quá trình đào tạo. |
TS. Nguyễn Quang Liệu, phòng Chính trị Công tác Sinh viên Công tác tổ chức lớp học khó khăn do có tình trạng: 3 tuần đầu tiên giảng viên nhận 3 danh sách lớp khácnhau (vì sinh viên có 2 tuần để điều chỉnh lịch học) gây khó khăn cho quản lý và giảng dạy. Đề cương học phần đang quá dài, chưa đạt hiệu quả, nên cải tiến. |
Phát biểu tổng kết hội nghị, PGS.TS Hoàng Anh Tuấn, Phó Hiệu trưởng Nhà trường nhấn mạnh: Nhà trường sẽ tiếp thu ý kiến góp ý của đội ngũ cán bộ giảng viên để tiếp tục thúc đẩy hoạt động cải tiến công tác đào tạo, triệt để giải quyết các khúc mắc về đăng ký học, học phần bổ trợ, học ngoại ngữ... của sinh viên trong thời gian tới.
Nhà trường sẽ tiếp tục khẳng định, nâng cao hơn nữa vị trí, vai trò của giảng viên trong quá trình xây dựng quy trình đào tạo, giảng dạy và đánh giá. Theo đó tôn trọng tối đa nhất có thể quyền và vị trí của giảng viên.
Về công tác chính trị của sinh viên, Nhà trường tiếp tục giữ vững quan điểm đây là mảng công tác hỗ trợ, chăm sóc để nâng cao chất lượng đào tạo học tập cho sinh viên. Tiếp tục quan tâm đến việc xây dựng các bộ hướng dẫn cẩm nang, quy chế gần gũi cho sinh viên.
PGS.TS Hoàng Anh Tuấn, Phó Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu tổng kết hội nghị
Về mảng đào tạo, phòng Đào tạo sẽ phải phối hợp với các khoa xây dựng các chương trình đào tạo mang tính chất ổn định để sinh viên và giảng viên tiện theo dõi lộ trình học của mình.
Điều chỉnh tăng số môn học theo lịch trình 7 tuần để tiết kiệm thời gian cho giảng viên, sinh viên nhưng vẫn đảm bảo đúng quy chế; cân đối thời gian học; lưu ý số tích lũy để sinh viên sớm nhận khóa luận tốt nghiệp để thực hiện ra trường, điều chỉnh các môn học tiên quyết để thuận lợi cho sinh viên.
Vấn đề quốc tế hóa chương trình đào tạo sẽ triển khai theo hướng nhanh, quyết liệt nhưng không đốt cháy giai đoạn.
Trong tháng 10, Nhà trường sẽ chốt các môn sẽ đăng ký học bằng ngoại ngữ cho kỳ sau. Đồng thời sớm hoàn thiện cơ chế cho giảng viên và sinh viên khi theo học bằng ngoại ngữ. Theo đó, giảng viên sẽ có những cơ chế đặc thù khi tham gia giảng dạy như nhân hệ số, khen thưởng tài chính khuyến khích... Hình thức tổ chức, đánh giá, giảng viên sẽ được tối đa hóa quyền lựa chọn hình thức tổ chức học và thi mà mình cho rằng tốt nhất.
Với sinh viên theo học các chương trình này sẽ có cơ chế ghi nhận các môn học bằng tiếng anh và hưởng các cơ chế đặc thù của môn học.
Trong tương lai, Nhà trường sẽ xây dựng một vài chương trình đào tạo quốc tế hóa toàn bộ.
Tác giả: Hoài An
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn