Trước khi chính thức sang Việt Nam học tập và nghiên cứu tại Trung tâm Hợp tác Nghiên cứu Việt Nam, Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội), GS.TS Kikuchi Seiichi, lúc bấy giờ còn là một giảng viên, một nhà khảo cổ học trẻ tuổi, đã sớm say mê tìm hiểu, nghiên cứu lịch sử, văn hóa, khảo cổ học Việt Nam. Bằng cách tự học tiếng Việt và sử dụng từ điển tra cứu, anh đã miệt mài dịch cuốn Cơ sở khảo cổ học, (Nxb. Đại học và Trung học chuyên nghiệp, H., 1975), của các Giáo sư Trần Quốc Vượng - Hà Văn Tấn - Diệp Đình Hoa sang tiếng Nhật. Trong lúc trao đổi thân tình với một số bạn đồng nghiệp Việt Nam, tác giả công trình này từng cho biết, chính cuộc kháng chiến anh dũng của nhân dân Việt Nam đã thôi thúc anh và nhiều người thuộc thế hệ anh về với vùng đất phương Nam. Chiều sâu lịch sử cùng sự phong phú, đa dạng về truyền thống văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, của dải đất miền Trung, khiến nhà khoa học trẻ tuổi Kikuchi Seiichi càng thêm mến yêu một vùng đất...
GS Kikuchi Seiichi phát biểu tại Lễ trao kỉ niệm chương "Vì sự nghiệp phát triển Đại học Quốc gia Hà Nội" ngày 26/02/2014. (Ảnh: Thành Long)
Năm 1992 sang Việt Nam, vừa học tiếng Việt nhà khảo cổ Nhật Bản vừa thâm nhập, hòa mình với truyền thống, môi trường lịch sử, văn hóa của quốc gia Đại Việt. Điều may mắn là, anh đã được trực tiếp thụ giáo nhiều chuyên gia cổ sử, khảo cổ học nổi tiếng như các Giáo sư Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn, Trần Quốc Vượng, Lương Ninh, Phan Đại Doãn, Diệp Đình Hoa... Nền tảng kiến thức cơ bản đó đã giúp anh hiểu thêm diễn tiến, bối cảnh và chiều sâu lịch sử của một đất nước vốn tự bao đời đã giữ vai trò cầu nối giữa hai không gian địa - văn hóa Đông Bắc Á - Đông Nam Á.
Trong suốt thời gian học tập ở Việt Nam, tác giả đã trải nghiệm và tự chiêm nghiệm qua nhiều chuyến đi điền dã, cùng tham gia các đoàn khảo sát, khai quật, các cuộc tọa đàm, hội thảo khoa học... trên cả ba miền Bắc - Trung - Nam để rồi cuối cùng đã dừng lại và chọn dải đất miền Trung đầy nắng và gió nhưng luôn giàu đậm nghĩa tình làm địa bàn nghiên cứu trọng tâm của cuộc đời mình.
Là chuyên gia khảo cổ học lịch sử, ngay từ những bài khảo cứu đầu tiên về khảo cổ học miền Trung, tác giả đã lựa chọn Phương pháp liên ngành trong nghiên cứu. Với một tư duy khoa học hệ thống, chặt chẽ, TS. Kikuchi đã đồng thời sử dụng các phương pháp, huy động nguồn lực trí tuệ của nhiều chuyên gia khảo cổ học, sử học, địa lý, địa chất, nhân học xã hội... cùng tham gia vào dự án nghiên cứu và cùng nhìn nhận, phân tích các vấn đề khoa học từ các góc độ, cách tiếp cận khác nhau để từ đó củng cố vững chắc thêm các giả thuyết, quan điểm khoa học của mình. Nhờ sự thông hiểu tiếng Việt, tiếng Hán và có vốn kiến thức về Anh ngữ..., tác giả đã thận trọng khảo cứu nhiều nguồn tư liệu cổ trong đó có không ít sử liệu quý vốn chỉ có một số người biết đến trong các trung tâm lưu trữ, tàng thư ở Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản. Trong những dịp đến Nhật Bản công tác, chúng tôi đã được tham khảo nhiều cuốn sách quý tại phòng làm việc của Giáo sư ở Trường Đại học nữ thục Chiêu Hòa cũng như thư viện tại nhà riêng. Vì mục tiêu nghiên cứu, tác giả đã dày công sưu tầm được nhiều công trình hiếm quý như An Nam quốc phiêu lưu ký của Nagakubo Sekisui hay Nam phiêu ký của Shihoken, ghi lại những điều “mắt thấy tai nghe” của chính những người Nhật từng phiêu dạt đến Đàng Trong - Hội An thế kỷ XVIII. Điều đáng chú ý là, các cuốn sách đó được viết trong bối cảnh chính quyền Edo (1600-1868) thực thi chính sách tỏa quốc (sakoku, 1639-1853).
Như nhiều nhà nghiên cứu Nhật Bản khác, TS. Kikuchi Seiichi bao giờ cũng thận trọng xem xét, đối sánh, khảo cứu tường tận nội dung của các bản dịch, đoạn trích với tư liệu gốc cũng như luôn sẵn sàng đến các di chỉ khảo cổ học cách xa hàng trăm km để tự mình kiểm chứng các hiện vật được nêu trong báo cáo khai quật. Có thể nói, trong công trình nghiên cứu, nguồn sử liệu thành văn đã giúp ích, làm sáng tỏ nhiều phát hiện, tưởng như rất đơn biệt, trong các đợt thám sát, khai quật khảo cổ học. Mặt khác, các phát hiện khảo cổ học cũng góp phần làm rõ nhiều vấn đề lịch sử cùng những khoảng trống vắng về thông tin, nhận thức mà các bộ địa chí, sử biên niên... dù chi tiết, đồ sộ đến đâu, cũng không thể nào ghi chép được hết sắc diện muôn màu của đời sống xã hội. Do vậy, trong nhãn quan của các nhà khảo cổ, một hiện vật gốm sứ xuất lộ trong lòng đất, một loại hình vũ khí, một khuôn đúc đồng, một bao nung gốm hay thậm chí một vết tro than trong tầng văn hóa... tất cả đều có thể cất lên tiếng nói thời gian và những mối liên hệ với không gian xã hội, lịch sử, với các mối liên hệ trong nước, quốc tế.
Làm quen rồi thâm nhập vào xứ Quảng - Hội An thấm thoát đã gần hai thập kỷ, có thể nói không một ngõ phố nào ở đô thị cổ Hội An mà tác giả chưa từng đặt chân đến, không một vùng phụ cận nào của khu đô thị cổ từ Cẩm Phô, Cẩm Hà, Thanh Chiêm... và xa hơn nữa là Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định mà nhà nghiên cứu không từng đến quan sát, thám sát, điều tra. Đặt cảng thị Hội An trong mối liên hệ vùng, liên vùng, trong suy nghĩ, cách đặt và luận giải vấn đề của tác giả trong từng chương, phần của nội dung cuốn sách, luôn hiển hiện các diễn tiến cơ bản của đời sống xã hội, văn hóa. Do vậy, một Hội An thế kỷ XVI-XVIII luôn gắn liền với tiền cảng Cù Lao Chàm, với sự thịnh suy của Chiêm Cảng, với Trà Kiệu, Mỹ Sơn và cả một chuỗi các thương cảng miền Trung từ Ái Tử, Thanh Hà đến Thị Nại, Nuớc Mặn... Trước Hội An và trước cả Chiêm Cảng, ở lưu vực sông Thu Bồn cũng đã từng có một thời đại văn hóa Sa Huỳnh với các loại hình mộ chum, đồ trang sức... thể hiện sâu đậm những nét chung riêng của một tiểu vùng văn hóa. Người Sa Huỳnh đã dấn thân với biển, hòa mình với sóng nước đại dương đồng thời cũng đã xác lập nên một dòng mạch liên kết giữa biển đảo với lục địa. Yêu cầu nghiên cứu là như vậy và tác giả, bằng những lao động khoa học nghiêm túc của mình, cũng đã rất kỳ công làm được như vậy.
Trong những năm gần đây, là Giáo sư của một trường đại học danh tiếng, Phó Chủ nhiệm Khoa Lịch sử, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Đông Nam Á đồng thời là Uỷ viên Ban chấp hành Hội khảo cổ học Nhật Bản... mỗi năm tác giả không thể dành cho Hội An - Việt Nam quá 30 ngày. Nhưng nhờ có phong cách làm việc bài bản, có kế hoạch rất cụ thể trong từng năm, thậm chí cho mỗi mùa điền dã... tác giả đã dần từng bước hoàn thành được nhiều dự định nghiên cứu. Vượt lên biết bao khó khăn, thách thức về thời gian, điều kiện làm việc và cả thời tiết, khí hậu... nhà nghiên cứu Nhật Bản luôn nhận được sự hỗ trợ của nhiều chuyên gia sử học, khảo cổ học, bạn đồng nghiệp, các em sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh và các cơ quan quản lý Việt Nam.
Với Hội An, nội dung cơ bản của 13 chương trình bày trong hai phần của cuốn sách đã phác dựng nên một bức tranh phong phú, đa diện. Hội An không chỉ là một cảng thị mà còn là một trung tâm kinh tế lớn nhất, quan trọng nhất của Đàng Trong, không chỉ là một đầu mối giao thương quốc tế mà còn là một trung tâm sản xuất với các làng nghề nổi tiếng, không chỉ là một địa bàn tụ cư đông đúc mà còn là một trọng trấn, một căn cứ quân sự mạnh... Tích hợp tiềm năng, nguồn lực trong nước và quốc tế, Hội An đã trở thành biểu trưng, là hòn đá thử vàng cho sức mạnh của chính quyền Đàng Trong suốt 3 thế kỷ. Có thể nói, không thể có một thời kỳ vàng son trong quan hệ giao thương của Đại Việt nói chung và Đàng Trong nói riêng nếu như không có các thương cảng tầm vóc như Hội An. Hội An luôn có vị trí đặc thù của nó từ lịch sử phát triển, đến các mối liên hệ trong nước, quốc tế cùng biết bao tác nhân chính trị, xã hội khác. Từ cách tiếp cận tổng thể, phân tích tổng quan, tác giả đã đi sâu xem xét cấu trúc của đô thị cổ Hội An, quá trình hình thành, phát triển cũng như sự biến đổi của cấu trúc đó. Tại Faifo - Hải Phố - Hội An vào đầu thế kỷ XVII đã từng tồn tại một khu Phố Nhật (Nihon Machi). Các chúa Nguyễn như Nguyễn Hoàng (cq: 1558-1612), Nguyễn Phúc Nguyên (cq: 1613-1634)... từng đặt cược sự tồn vong thể chế chính trị của mình vào các hoạt động kinh tế biển và người Nhật, trong suốt ba thập kỷ đầu của thế kỷ XVII, cũng đã đặt cược hoạt động kinh tế đối ngoại, với chế độ Châu ấn thuyền nổi tiếng, vào các cảng thị ở phương Nam trong đó có Hội An.
Là chuyên gia khảo cổ học, tập trung nghiên cứu về gốm sành miền Trung, tác giả đã từng phối hợp với các đồng nghiệp Nhật Bản, Việt Nam khảo sát, khai quật nhiều trung tâm sản xuất gốm cổ. Kết quả là, tác giả cùng nhóm nghiên cứu đã cơ bản phân lập được những tương đồng, dị biệt về kỹ thuật chế tác, phong cách nghệ thuật, tính năng sử dụng và cả thành phần hóa học... của các sản phẩm gốm sành Việt Nam nói chung và miền Trung nói riêng trong nghiên cứu đối sánh với các hiện vật gốm sành có nguồn gốc “An Nam” được phát hiện sớm nhất ở thành Oita (có niên đại 1580-1590) và sau đó là ở Sakai, Osaka, Nagasaki, Edo v.v... thế kỷ XVI-XVIII. Mặt khác, để hiểu thấu đáo mối quan hệ Nhật - Việt trong lịch sử cũng như “sức lan tỏa” của gốm sứ Hizen ra thế giới, tác giả cũng đã tập trung khảo cứu, góp phần giám định và tự mình phát hiện được nhiều di chỉ xuất lộ gốm sứ Nhật ở nhiều vùng Việt Nam. Trong số đó, nghiên cứu và quan điểm của Giáo sư về các hiện vật Hizen ở khu mộ cổ Đống Thếch, Kim Bôi, Hòa Bình đã làm thay đổi quan niệm “truyền thống” của một số nhà nghiên cứu Nhật Bản về lịch sử phát triển của loại hình sản phẩm thủ công đặc thù này.
Hội An nổi tiếng bởi có Phố Nhật, cầu Nhật Bản và cả những ngôi mộ Nhật... Nhưng, dấu tích về một khu Phố Nhật thế kỷ XVII đã bị phai mờ theo thời gian và cả sự chồng lớp, đan xen giữa các tầng văn hóa của người Việt, người Hoa, Đông Nam Á, phương Tây cũng như sự tàn phá của các cuộc chiến tranh, giành đoạt quyền lực giữa các thế lực chính trị. Tuy vậy, những họa tiết sinh động trong bức tranh Chaya với Phố Nhật, thương quán Nhật Bản và cả hình ảnh của Châu ấn thuyền đang được những chiếc thuyền của cư dân bản địa kéo vào vùng cửa sông Thu Bồn... càng như thôi thúc nhiều chuyên gia khảo cổ, lịch sử, văn hóa gắng công xác định vị trí đích thực của khu phố cổ. Trong điều kiện nguồn tư liệu thành văn có nhiều hạn chế, dường như giải pháp giàu chất thực tiễn nhất là dựa vào các tìm kiếm, phát hiện khảo cổ học. Tìm điểm trong diện, nghiên cứu trường hợp trong hệ thống, dựa vào quy luật diễn tiến của địa mạo, đồng thời áp dụng phương pháp địa danh học kết hợp với việc định vị các ngôi chùa cổ, vết tích của các “giếng Chăm”... nhà khảo cổ Kikuchi cùng các đồng nghiệp Việt - Nhật đã xác lập một hệ thống các hố thám sát, kiểm tra mà kết quả khả quan của những gắng công nghiên cứu đó đã giúp cho tác giả có thể đưa ra quan điểm của mình về vị trí của khu Phố Nhật đầu thế kỷ XVII nằm ở khu vực phía bắc phố Trần Phú - Nguyễn Thị Minh Khai mà trọng tâm có thể là phía bắc phố Nguyễn Thị Minh Khai. Đó là một trong những đóng góp quan trọng của tác giả và giới nghiên cứu trong việc làm sáng tỏ lịch sử hình thành, phát triển, cấu trúc của một đô thị cổ cũng như các mối liên hệ đa diện của Hội An trong lịch sử. Với những thành tựu nghiên cứu đó, GS. Kikuchi Seiichi đã trở thành một chuyên gia có uy tín trên các diễn đàn học thuật quốc tế về các vấn đề quan hệ Nhật - Việt truyền thống, khảo cổ học miền Trung và khảo cổ học lịch sử, văn hóa Hội An. Không chỉ chuyên tâm đến công việc nghiên cứu, khai quật khảo cổ học, Giáo sư còn tích cực đóng vai trò “cầu nối” trong việc liên kết các chuyên gia Việt Nam - Nhật Bản, tổ chức nhiều Hội thảo, tọa đàm khoa học, các buổi thuyết trình và trực tiếp giới thiệu về Hội An với nhiều đoàn nghiên cứu, chính khách trong đó có chuyến thăm của Hoàng thái tử Nhật Bản Hironomiya Shinnou ngày 2 tháng 2 năm 2009.
Cùng với Mỹ Sơn, Hội An ngày nay đã trở thành một trong hai Di sản văn hóa Thế giới nổi tiếng của xứ Quảng. Từ sau hội thảo quốc tế về Đô thị cổ Hội An năm 1990, địa danh Faifo - Hải Phố - Hội An ngày càng trở nên quen thuộc trong giới nghiên cứu trong nước, quốc tế. Suốt hai thập kỷ qua, nhiều công trình, luận văn, khảo cứu về Hội An trên các phương diện lịch sử, văn hóa, xã hội, kinh tế, kiến trúc... vẫn tiếp tục được công bố. Hội An có sức hấp dẫn mạnh mẽ, ẩn tàng của nó. Trong học phong sôi động đó, cuốn sách của GS. Kikuchi Seiichi (do Nxb. Thế Giới giúp đỡ ấn hành), chắc chắn sẽ góp thêm tiếng nói, một cách nhìn, một tấm lòng của học giả quốc tế về Đô thị cổ Hội An.
Hội An đang chuyển mình cùng với những phát triển chung của đất nước. Hệ thống bảo tàng, các công trình kiến trúc, di tích lịch sử - văn hóa phong phú của đô thị cổ đã và đang tự nói lên những giá trị đích thực của mình. Bốn thế kỷ đã trôi qua nhưng người ta vẫn nói về chiều sâu của một khu phố cổ với biết bao di sản văn hóa chứa đựng trong lòng đất, về nhịp sống của cư dân vùng cửa sông Thu Bồn, huyền thoại về Cù Lao Chàm, về làng nghề đóng ghe bàu Kim Bồng, làng gốm Thanh Hà, về chùa Non Nước, dinh trấn Thanh Chiêm và những con người Phố Hội nghĩa tình, sâu sắc... Tất cả là những minh chứng sinh động về một cảng thị, một vùng đô hội. Ở đó, một thời từng là điểm đến, một chốn đi về của biết bao nhà thám hiểu, truyền giáo, thương nhân và các đoàn thuyền buôn châu Á, châu Âu.
Hiển nhiên, cũng như các công trình nghiên cứu khác, ở một số điểm trong nội dung cuốn sách Nghiên cứu đô thị cổ Hội An – Từ quan điểm khảo cổ học lịch sử chúng ta vẫn có thể góp thêm ý kiến với tác giả, vẫn thấy cần phải bổ sung, cập nhật thêm một số thông tin, phát hiện khoa học mới và có thể luận bàn với tinh thần hợp tác, đồng nghiệp.
Là người nhiều năm cùng làm việc, cộng tác với tác giả, tôi xin được có đôi dòng bày tỏ một vài cảm nhận, suy nghĩ nhân dịp đọc cuốn sách và trân trọng giới thiệu với các nhà nghiên cứu cùng bạn đọc gần xa công trình khảo cứu giá trị, sâu sắc về học thuật của chuyên gia khảo cổ học lịch sử Nhật Bản Kikuchi Seiichi.
Tác giả: PGS.TS Nguyễn Văn Kim
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn