Những chuyến biến còn chậm chạp
Công bố quốc tế trước những năm 2000 của các nhà nghiên cứu KHXH&NV Việt Nam không chỉ đơn điệu, còi cọc về số lượng mà cũng yếu ớt về chất lượng. Những nghiên cứu đăng tải trên các tạp chí quốc tế có uy tín phần lớn do các nghiên cứu sinh Việt Nam và người Việt ở nước ngoài thực hiện. Trong nhiều thập kỷ, chúng ta không đòi hỏi các nhà khoa học phải công bố quốc tế, lại có xu hướng coi thường các xuất bản quốc tế về khoa học xã hội do một nhận thức phi lý rằng chỉ những người có chung ý thức hệ và nhãn quan chính trị với phương Tây mới có công bố quốc tế.
Trên thực tế, chúng ta đã rời bỏ sân chơi học thuật quốc tế quá lâu và chỉ mới thức tỉnh vào đầu những năm 2000. Dù muộn màng, nhưng điều này cho thấy đã có một thay đổi quan trọng trong nhận thức, từ chỗ phủ định, coi thường, đến chỗ thừa nhận rằng chỉ có công bố quốc tế mới có thể định vị được chân giá trị của KHXH&NV Việt Nam.
Nhìn vào những con số thống kê ở các nguồn khác nhau, ở cả tầm vĩ mô và vi mô, đã thấy có những chuyển biến theo hướng tích cực khi số lượng và chất lượng bài báo khoa học công bố quốc tế đã tăng lên khá bền vững trong khoảng một thập niên qua. Đặt số lượng công bố thuộc danh mục Web of science (ISI) của Việt Nam trong tương quan so sánh với các nước khối ASEAN, chúng ta thấy Việt Nam có số lượng công bố quốc tế ISI tăng dần, từ 190 bài báo ( 2013) đã tăng lên 487 bài ( 2018), xếp sau Singapore, Malaysia và Thái Lan. Công bố quốc tế ISI của Việt Nam trong 5 năm qua ( 2013 – 2018) đã dịch chuyển từ hạng 66 ( 2013) lên hạng 49 của thế giới ( 2018) nhưng vẫn đứng sau ba nước Singapore, Malaysia và Thái Lan.
Một nhóm phân tích dữ liệu Scopus thuộc Đại học Thành Tây đã thu thập thông tin của 412 nhà khoa học Việt Nam có công bố khoa học trên hệ thống Scopus trong vòng mười năm qua ( 2008 – 2018)[1]. Nhóm này đã đối chiếu thông tin thu thập được từ các nguồn khác nhau để tìm hiểu về tác giả các bài viết và tình hình công bố này đã cung cấp một số thông tin đáng lưu ý về các nhà nghiên cứu Việt Nam có công bố khoa học trên hệ thống Scopus, chẳng hạn các tác giả có công bố quốc tế trên hệ thống Scopus chủ yếu nằm trong nhóm có tuổi nghề từ 15 đến 25 năm trong khi nhóm tuổi từ trên 40 có ít công bố quốc tế nhất; Sản lượng bình quân trong 10 năm qua chỉ là 3.6 bài/ tác giả; có tới 75% các tác giả chưa từng có bài nghiên cứu độc lập nào trong năm qua. Vai trò chủ đạo của các tác giả trong bài báo thấp, chỉ ở mức 1,77 bài…[2]
Thời gian gần đây, nhiều viện, trường đã tổ chức các hội thảo, tập huấn để nâng cao năng lực công bố quốc tế. Trong ảnh: GS Mark Turner, đến từ Đại học New South Wales tập huấn cho cán bộ, giảng viên của Nhà trường vào tháng 4/2018.
Tìm hiểu trường hợp cụ thể như Trường Đại học KHXH&NV thuộc ĐHQGHN có thể cung cấp cho chúng ta một cái nhìn rõ hơn về xu hướng công bố quốc tế trong lĩnh vực KHXH&NV. Số liệu thống kê trong quãng thời gian 9 năm (2010 – 2018) cho thấy công bố quốc tế của Trường ĐH KHXH&NV đã tiến một bước dài ngoạn mục, từ chỗ chỉ có 7 công bố quốc tế vào năm 2010 đã tăng lên 79 bài vào năm 2018. Đặc biệt, số lượng bài báo thuộc danh mục ISI/Scopus đã tăng lên rõ rệt, từ chỗ không có bài báo nào vào năm 2010 tăng lên 22 bài vào năm 2018, cho thấy công bố quốc tế không chỉ tăng lên về số lượng mà chất lượng bài viết cũng được nâng lên rất đáng kể.
Tuy nhiên, có một thực tế là số bài viết đã tăng lên nhưng vẫn chủ yếu tập trung ở một số tác giả nhất định là những người đã từng được đào tạo hoặc tu nghiệp ở nước ngoài, phần đông thuộc nhóm tuổi từ 30 đến 50, và thường xuyên có bài công bố quốc tế. Chẳng hạn, trong năm học 2017 – 2018 là năm trường có số bài công bố quốc tế nhiều nhất cũng mới chỉ có 54 cán bộ tham gia viết bài (là tác giả hoặc đồng tác giả) của 79 bài công bố quốc tế, trung bình 1,5 bài/ tác giả, tuy có người công bố từ 3 đến 4 bài viết quốc tế/ năm. So với tiềm lực của trường gồm 344 giảng viên, trong đó có 70 phó giáo sư, 5 giáo sư, 133 người có học vị tiến sỹ và 147 người có học vị thạc sỹ thì số người có công bố quốc tế vẫn còn rất khiêm tốn.
Tuy nhiên, những chuyển biến này dường như chưa có sức lan tỏa rộng trong học giới. Trong các ngành có số lượng công bố thấp nhất trên hệ thống Scopus, khoa học xã hội đứng thứ hạng áp chót, 13/14 nhóm ngành có ít bài viết nhất (Nhóm NC Đại học Duy Tân, 2018).[3] Có một thực trạng đáng buồn là còn khá nhiều cán bộ nghiên cứu khoa học xã hội vẫn xa lạ với công bố quốc tế, không những không có ý niệm gì về các tạp chí khoa học quốc tế mà “mỗi năm viết hai bài đăng tạp chí trong nước còn chật vật” ( Nguyễn Thị Hiền, 2016).[4]
Công bố The Religion of Four Palaces: Mediumship and Therapy in Viet Culture (Tứ Phủ: Lên đồng và trị liệu trong văn hóa Việt Nam), LAP Lambert Academic Publishing của PGS.TS Nguyễn Thị Hiền vào năm 2015
Nguyên nhân từ đâu?
Trên cơ sở tham khảo các ý kiến đã phát biểu của các nhà khoa học và từ trải nghiệm của các nahf khoa học và từ trải nghiệm của chính trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, chúng tôi tạm thời quy các nguyên nhân về một vài nhóm cơ bản dưới đây.
Thứ nhất, nguyên nhân sâu xa của thực trạng yếu kém trong công bố quốc tế của lĩnh vực KHXH&NV nằm ở quá trình đào tạo ra các nhà nghiên cứu, từ bậc đại học đến cao học và tiến sỹ. Mặc dù việc xây dựng đại học nghiên cứu đã được xới xáo lên từ lâu, nhưng ở hầu hết các trường đại học, chương trình đào tạo và phương pháp đào tạo vẫn duy trì như mấy thập kỷ trước. Chúng ta chưa thực sự chuyển đổi phương thức đào tạo theo hướng nghiên cứu mà vẫn nặng về cung cấp thông tin và kiến thức một chiều trong khi người học thường tiếp thu tri thức thụ động, ít sáng tạo, ít tương tác giữa các sinh viên với giảng viên, và đặc biệt là thiếu tinh thần phê phán khoa học. Cơ hội tiếp cận các nguồn thông tin khoa học bên ngoài bài giảng rất hạn chế trong khi những kỹ năng và phương pháp nghiên cứu, viết bài khoa học thường không được chú trọng ở nhiều môn học và ngành học. Do không được làm quen với cách tiến hành một nghiên cứu khoa học, trình bày kết quả nghiên cứu và kỹ năng viết một bài báo khoa học nên họ thường rất lúng túng khi bắt tay vào làm nghiên cứu khoa học sau khi ra trường.
Thứ hai, tầm quan trọng và tính cấp thiết của công bố quốc tế chưa thực sự được nhận thức một cách nghiêm túc, ở cá cấp độ người quản lý khoa học và nhà nghiên cứu. Cho đến nay, ngoài Quỹ NAFOSTED và một vài đại học lớn đã rất quyết liệt trong việc yêu cầu người nhận tài trợ nghiên cứu phải công bố quốc tế,[5] các đơn vị tài trợ khoa học khác dường như vẫn chỉ xem yêu cầu này như một tiêu chí tham khảo có tính hình thức ngay cả khi tiêu chí này đã được hạ xuống mức thấp nhất. Nhiều đề tài khoa học thường đặt bài giải quyết các vấn đề cụ thể của ngành hoặc của đơn vị trong khi các đề tài khoa học bị xé nhỏ, không thành một chỉnh thể khoa học, làm mất đi tính sáng tạo khoa học và tinh thần trách nhiệm của người lãnh đạo đề tài. Những biện pháp khen thưởng (bằng cả vật chất và tinh thần) ở một vài cơ quan khoa học và trường đại học chủ yếu vẫn là để khích lệ, hơn là trở thành một chính sách quốc gia được phê duyệt và vận hành trong toàn bộ hệ thống nghiên cứu và đào tạo.
Thứ ba, vấn đề ngoại ngữ thường được nêu lên như một rào cản chính của công bố quốc tế. Đó là một thực tế không thể xem nhẹ. Phần đông cán bộ làm công tác nghiên cứu ở các cơ quan khoa học và trường đại học hiện nay được đào tạo trong nước. Họ ít có cơ hội tiếp cận các nguồn tài liệu nước ngoài, ít tham gia hội thảo khoa học và hợp tác quốc tế nên mơ hồ về cộng đồng khoa học thế giới và không cập nhật được những thảo luận hay phát hiện mới trong lĩnh vực mình nghiên cứu. Do không thường xuyên tiếp xúc với không khí học thuật quốc tế, cảm giác xa lạ và ngại ngần với công bố quốc tế là điều dễ hiểu. Trong chính sách tuyển dụng cán bộ khoa học và NCS làm luận án tiến sỹ, ngoại ngữ thường được đặt ra như một yêu cầu bắt buộc nhưng vẫn ở mức thấp và có tính hình thức.
Thứ tư, tình trạng yếu kém của các tạp chí khoa học có tác động không nhỏ đến yêu cầu phải công bố quốc tế. Các tạp chí khoa học trong nước nhận đăng bài báo khoa học còn dễ dãi từ khâu tuyển chọn bài, bình duyệt, sửa chữa và nâng cao chất lượng. Các hội đồng biên tập và biên tập viên thường soi xét và cắt bỏ những yếu tố được cho là có “nhạy cảm chính trị” hơn là tập trung vào nội dung chuyên môn khi ra quyết định cho đăng bài. Các bài viết thường ngại ngần nêu ra các tranh luận khoa học và không đưa nghiên cứu của mình hội nhập vào những quan tâm chung đang được các học giả khác thảo luận. Tình trạng thiếu chuẩn mực quốc tế và ít được đổi mới của các tạp chí khoa học trong nước tạo ra một lối mòn, một kiểu tư duy dễ dãi trong viết bài và cách làm như vậy dẫn đến quan niệm về sự khác biệt, về tính đặc thù Việt Nam thay vì tuân theo các chuẩn mực và thông lệ quốc tế, làm cho chất lượng công bố khoa học chỉ còn là hình thức mà thiếu chất lượng thực sự.
Cuối cùng là sự hợp tác quốc tế và tạo dựng bầu không khí học thuật trong giới chuyên môn. Thực tế là hàng năm chúng ta tổ chức rất nhiều hội nghị hội thảo và seminar khoa học có sự tham gia của các học giả quốc tế. Tuy nhiên, những hoạt động này dường như còn nặng về hình thức mà không quan tâm đến hiệu quả thiết thực là đầu ra của sản phẩm khoa học. Tình trạng “chợ chiều” (sáng đông chiều vắng) thấy có ở nhiều hội thảo khoa học. Các nhà nghiên cứu đến để phát biểu và ra về, rất ít tranh luận và phản biện khoa học được nêu ra, làm cho hội thảo trở nên nhàm chán và vô bổ. Kinh nghiệm cho thấy các đề tài hợp tác nghiên cứu có sự tham gia của học giả quốc tế (người lãnh đạo, tham gia hoặc làm cố vấn trực tiếp) thường mang lại hiệu quả cao với kết quả là các công bố quốc tế. Tuy nhiên, có lẽ do kinh phí hạn hẹp nên những đề tài dạng này thường được hỗ trợ từ nước ngoài trong khi các nhà tài trợ trong nước còn rất dè dặt.
Khai quật di tích Luy Lâu. Ảnh: Như Thuần
Đề xuất giải pháp
Làm thế nào để khắc phục nguyên nhân gây ra tình trạng yếu kém đã nói ở trên? Theo chúng tôi, có năm nhóm giải pháp cần được tiếp tục và mở rộng.
Trước tiên, công bằng mà nói, trong khoảng một thập niên qua, chính sách khen thưởng bằng tiền mặt nhằm hỗ trợ thúc đẩy công bố quốc tế đã đưa lại hiệu quả tích cực. Trường Đại học KHXH&NV ngay từ năm 2010 đã có chính sách khen thưởng công bố, hỗ trợ từ 5 đến 10 triệu/bài viết được công bố quốc tế và trên 1.5 triệu/bài đăng trên tạp chí có chỉ dẫn index cao thuộc nhóm ISI và Scopus. Năm 2018, trường đã ra quyết định hỗ trợ từ 100 đến 200 triệu đồng cho các sách chuyên khảo và kỷ yếu khoa học được công bố quốc tế. Nhờ có những chính sách kịp thời, mạnh mẽ như vậy mà số lượng và chất lượng công bố của Nhà trường đã tăng nhanh trong thời gian qua. Tuy nhiên, cần nhận thấy rằng giải pháp này cần được hỗ trợ bằng một loạt các quy định khác như tăng lương, bổ nhiệm chức danh khoa học GS và PGS, tài trợ các dự án nghiên cứu khoa học và tham gia hội thảo quốc tế, tiếp xúc học thuật để duy trì tác động bền vững. Nhiều trường đại học trong khu vực ASEAN và Đông Á cũng sử dụng đòn bẩy kinh tế này để thúc đẩy công bố quốc tế. Đối với các dự án nhận nguồn hỗ trợ tài chính từ công quỹ, cần có chính sách cụ thể yêu cầu nhà nghiên cứu khi nhận tài trợ phải cam kết công bố kết quả ở các tạp chí khoa học quốc tế thay vì tổ chức nghiệm thu rồi cất vào tủ như đã và đang làm. Tất nhiên những đề tài khoa học liên quan tới an ninh quốc gia cần có những quy định riêng.
Thứ hai, về lâu dài, cần thay đổi căn bản đào tạo ở đại học theo hướng nghiên cứu thay vì vẫn duy trì hình thức giảng dạy kiểu truyền đạt tri thức một chiều đã trở nên xưa cũ. Sinh viên từ năm thứ ba trở đi cần được khuyến khích làm các đề tài khoa học trong khuôn khổ đào tạo theo phương pháp “project-based learning”, vừa học vừa thực hành nghiên cứu và làm báo cáo khoa học dưới sự hướng dẫn của các giáo sư. Thông qua các đề tài nghiên cứu như vậy mà sinh viên học được phương pháp, tiếp cận thông tin mới, học cách tranh luận khoa học và đủ tự tin sau khi ra trường tham gia vào các đề tài khoa học. Bên cạnh đào tạo chính quy, các trường, viện nghiên cứu và tạp chí khoa học nên mở các lớp tập huấn định kỳ hoặc thường xuyên về phương pháp nghiên cứu và kỹ năng viết bài theo chuẩn mực quốc tế cho cán bộ nghiên cứu. Các chuyên gia quôc tế có uy tín có thể được mời để chia sẻ thông tin và hướng dẫn các kỹ năng cần thiết.
Thứ ba, các tạp chí khoa học trong nước cần chuyển mạnh sang hướng quốc tế hóa cả về nội dung bài vở, bình duyệt chuyên môn, kỹ năng biên tập và tăng cường trao đổi với quốc tế qua những kênh trao đổi học thuật khác nhau. Cách làm này sẽ giúp khắc phục tình trạng dễ dãi như vẫn thấy trong việc đăng bài khoa học, và tập cho các nhà nghiên cứu viết bài có chuẩn mực, để họ không quá xa lạ với các thông lệ quốc tế. Thêm nữa, nên giao việc quản lý các tạp chí khoa học cho Bộ Khoa học và Công nghệ chủ quản thay vì được quản lý bởi Cục Báo chí tuyên truyền như hiện nay. Tạp chí khoa học có những yêu cầu khắt khe về chuyên môn và khác với hoạt động tuyên truyền của truyền thông, cần được quản trị bởi các hội đồng khoa học chuyên ngành.
Thứ tư, bên cạnh những yêu cầu về nội dung học thuật, cần có chính sách hỗ trợ về ngôn ngữ đối với các công bố quốc tế trong lĩnh vực KHXH&NV. Viết bài bằng ngôn ngữ mẹ đã là một khó khăn, viết bằng ngoại ngữ để truyền đạt được tri thức của mình ra cộng đồng khoa học quốc tế và người nước ngoài hiểu được là một thách thức không hề nhỏ, ngay cả với những người được đào tạo bài bản ở nước ngoài. Khoa học xã hội không chỉ là câu chuyện, mà là ý tưởng, tư tưởng, lập luận, tranh luận bằng ngôn từ khoa học. Các tạp chí có chỉ số trích dẫn cao không bao giờ bỏ tiền để in những bài viết nghèo nàn và kém cỏi về ngôn ngữ. Thông thường, các tạp chí xuất bản bằng tiếng Anh có yêu cầu bắt buộc bài viết phải được đọc duyệt bởi chuyên gia về ngôn ngữ nói tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ. Kinh nghiệm một số nước Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc, Nhật Bản là các bài viết trước khi gửi cho một tạp chí, sẽ được một người nói tiếng bản ngữ đọc và biên tập về ngôn ngữ trước khi gửi cho người bình duyệt đọc. Sau khi bài viết được nhận đăng với yêu cầu chỉnh sửa, cần có người thông thạo thứ tiếng của bài viết, giúp biên tập lại theo ngôn ngữ chuẩn mực.
Thứ năm, tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế ở nhiều cấp độ khác nhau, từ tham gia hội thảo khoa học quốc tế, trao đổi chuyên môn, mở lớp tập huấn viết bài đến hợp tác nghiên cứu chung, là cách ngắn nhất để các nhà khoa học Việt Nam học được các kỹ năng cần thiết và làm việc trong bầu không khí học thuật theo chuẩn mực quốc tế. Bên cạnh việc tìm kiếm các tài trợ khoa học từ bên ngoài, các quỹ tài trợ trong nước cũng nên có chính sách khuyến khích hợp tác quốc tế, mở rộng mạng lưới quốc tế trong khoa học, đặc biệt là xuất bản quốc tế. Chính sách của NAFOSTED về hỗ trợ nhà khoa học tham gia vào các hoạt động khoa học quốc tế cho thấy đây là một kinh nghiệm tốt cần được nhân rộng.
Kết luận
Công bố khoa học thực ra chỉ là công đoạn cuối cùng trong một chuỗi các hoạt động nghiên cứu, nhưng công bố quốc tế là một hoạt động quan trọng và cần thiết để qua đó khẳng định chất lượng chuyên môn và sự minh bạch khoa học. Đối với khoa học xã hội thì công bố quốc tế không chỉ để phân phát tri thức Việt Nam ra cộng đồng khoa học, mà còn để giới thiệu đất nước con người Việt Nam ra thế giới, đồng thời tri ân những người đã đóng thuế để góp tiền cho hoạt động khoa học của mình. Và đấy chính là nhiệm vụ chính trị của một người làm công tác nghiên cứu khoa học.
Để nâng cao số lượng và chất lượng công bố khoa học, cần một loạt các giải pháp tương hỗ và những nỗ lực lâu dài, không chỉ từ phía các cơ quan quản lý khoa học mà còn cần sự hợp tác và nỗ lực vươn lên khẳng định mình của chính các nhà nghiên cứu.
Các loại hình công bố trong KHXH&NV Công bố quốc tế trong lĩnh vực KHXH&NV Việt Nam không chỉ có nhiệm vụ giới thiệu với cộng đồng khoa học thế giới những tri thức do các nhà khoa học Việt Nam sản xuất mà còn có bổn phận giới thiệu lịch sử, văn hóa, đất nước và con người Việt Nam ra với thế giới trên cơ sở những nghiên cứu khoa học có chất lượng cao. Bởi vậy, có thể nhận diện các hình thức công bố khoa học của các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực KHXH&NV ở các loại hình công bố sau đây: 1) Các bài đăng trong kỷ yếu hội nghị khoa học (proceedings), các nghiên cứu còn đang trong quá trình hoàn thiện nhưng được in ấn dưới dạng các bài nghiên cứu để đưa ra cộng đồng khoa học xin ý kiến (working papers). Thuộc nhóm này còn có các bài điểm sách (book reviews) hoặc những phân tích tổng quan (literature overviews) có tính phê phán khoa học. Hầu hết các bài viết được công bố dưới các hình thức này đều đã trải qua khâu bình duyệt nhưng ở mức độ vừa phải, chủ yếu là bình duyệt trong nội bộ nhóm nghiên cứu hoặc cơ quan xuất bản (internal reviews). Cần lưu ý rằng các bài viết dạng này, dù chưa chính thức nhưng nó thường cập nhật nhanh nhất kết quả nghiên cứu của cá nhân hay nhóm đến người đọc. 2) Các bài báo khoa học (articles). 3) Các chương sách (book chapters) xuất bản trong một tập sách (edited volume) về một chủ đề nhất định. 4) Sách chuyên khảo (monograph) tập trung vào một chủ đề nhất định, thường là kết quả nghiên cứu chuyên sâu và dài hơi sau nhiều năm của nhà khoa học. 5) Sách tham khảo (reference book), giáo trình (textbook), các bài giảng (lectures) và từ điển bách khoa hoặc chuyên ngành (encyclopedia). 6) Cuối cùng, phải kể đến các bài phân tích có tính phản biện hoặc đề xuất chính sách (policy relevance papers), được phát triển trên cơ sở các nghiên cứu ứng dụng nhằm phục vụ các chương trình phát triển và đường lối chính sách của chính phủ hoặc cộng đồng. Các bài viết này có thể được đăng ở những tạp chí khoa học có uy tín hoặc tạp chí phổ thông (magazine) có nhiều độc giả. Nó thường chịu sự bình duyệt và biên tập trong nội bộ tạp chí, nhưng cập nhật những vấn đề có tính thời sự, thường thu hút lượng độc giả đông đảo và tác động xã hội lớn. Một vấn đề cần được lưu tâm khi xem xét công bố quốc tế trong lĩnh vực khoa học xã hội là tác động xã hội của bài báo và các xuất bản trên loại hình tạp chí mở (open access). Như đã nói, công bố quốc tế là cần thiết vì nó cũng giống như một thứ chứng chỉ khẳng định giá trị và ý nghĩa khoa học của một công trình nghiên cứu. Tuy nhiên, nếu một bài báo khoa học xã hội và nhân văn đăng trên tạp chí thuộc Web of Science (ISI) hay Scopus mà không có trích dẫn hoặc chỉ có vài người thuộc chuyên ngành hẹp đọc thì tác động xã hội của nghiên cứu ấy chỉ hạn hẹp trong giới chuyên môn và ít có giá trị lan tỏa xã hội. Đối với khoa học xã hội và nhân văn vì tác động xã hội của bài viết, nhất là các bài báo phản biện xã hội và đề xuất chính sách, sẽ có tác động xã hội lớn hơn nếu được nhiều người đọc hơn. |
Bài đăng trên Tạp chí Tia sáng số 04 - 20.2.2019
[1] Trung tâm Nghiên cứu xã hội liên ngành ISR, ĐH Thành Tây. 2018. Bức tranh sở khởi về công bố quốc tế trong lĩnh vực KHXH&NV; .
[2] Trung tâm Nghiên cứu xã hội liên ngành ISR, ĐH Thành Tây. 2018 (đã dẫn)
[3] Nhóm NC Đại học Duy Tân, 2018. Các trường đại học VN qua công bố quốc tế: Nhìn từ dữ liệu Scopus. Tiền phong 16/8/2018.
[4] Nguyễn Thị Hiền, 2016. Nghiên cứu KHXH&NV: Nguyên nhân khó công bố quốc tế. Tia Sáng, 29/9/2016.
[5] Sau 10 năm vận hành (2008-2018) NAFOSTED đã tài trợ gần 2.800 nhiệm vụ KH&CN, hỗ trợ 850 hoạt động nâng cao năng lực KH&CN quốc gia. Khoảng 4,000 bài báo ISI (chiếm khoảng một nửa tổng số bài báo ISI công bố quốc tế của cả nước 10 năm qua) là kết quả từ các đề tài do Quỹ hỗ trợ. Thông tin, theo Báo cáo của NAFOSTED tổng kết 10 năm hoạt động.
Tác giả: GS.TS Phạm Quang Minh, PGS.TS Nguyễn Văn Chính
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn