Sau buổi thi môn Ngữ văn, giảng viên Trần Hinh (Khoa Văn học) nhận xét: đề Ngữ văn năm nay dễ và phổ điểm sẽ rơi nhiều vào quãng từ 5 đến 7 điểm. Thầy cũng chia sẻ một số băn khoăn của mình về cách ra đề Ngữ văn năm nay.
- Thầy có đánh giá chung như thế nào đề thi môn Ngữ văn khối C và D? Tôi nghĩ đề thi cũng vẫn bình thường như một vài năm gần đây, không có gì quá đặc biệt. Tuy nhiên, từ đề thi này mà tôi thấm thía và chia sẻ được với giáo sư Huỳnh Như Phương (Khoa Văn học và Ngôn ngữ - Trường ĐHKHXH&NV thành phố HCM) khi ông “than phiền” trên Báo Thanh Niên vài năm gần đây, rằng “hình như nguồn ra đề môn Văn của chúng ta đã cạn kiệt”. Cả một chương trình Ngữ văn (cả lớp 11 và 12) trong phần hạn chế của Bộ có tới gần 40 đầu mục tác phẩm, vậy mà quanh đi quẩn lại, đề thi năm nào cũng chỉ ra chừng ấy vấn đề, chừng ấy tác phẩm. Tôi nói thật, với kiểu ra đề thi này, nếu dạy ôn thi cho học sinh, tôi chỉ cần dạy cho các em từ 5 đến 10 bài là đủ thi được. Không cần phải đoán “tủ” gì hết. - Câu hỏi 1 của đề văn khối C hỏi về một chi tiết, một hình ảnh tiêu biểu trong tác phẩm và yêu cầu thí sinh bình về ý nghĩa của nó, đây là cách ra đề khá phổ biến những năm gần đây, thầy thấy cách ra đề như vậy có lợi cho việc kiểm tra kiến thức của thí sinh không? Nếu đối chiếu với tiêu chí loại câu hỏi tái hiện kiến thức tác giả, tác phẩm văn học (loại câu 2 điểm) thì tôi nghĩ câu hỏi này được. Tuy nhiên tôi vẫn có cảm giác câu hỏi vẫn nghiêng về lối học thuộc lòng. Năng lực văn chương, theo tôi, cần phải tạo lập được những cái gì cao hơn như thế, chứ không phải chỉ đi vào những câu hỏi “vụn vặt”, kiểu như Chí Phèo đến nhà Bá Kiến mấy lần? Tại sao tác giả lại đặt tên truyện ngắn là Vợ nhặt?... Theo tôi, đề thi Văn phải khác Sử và Địa, nên tránh những câu hỏi quá “vụn vặt”.
- Với câu hai của đề Ngữ văn khối C, rất nhiều thí sinh nói dù đã được ôn luyện về phương pháp làm đề nghị luận xã hội song vẫn không làm được bởi không hiểu chính nội dung vấn đề cần bình. Từ tình trạng trên, thầy thấy việc ra đề nghị luận xã hội cần chú ý gì? Tôi không phản đối loại câu hỏi này nhưng không bao giờ quá “kì vọng” về nó. Dù sao, đấy cũng chỉ là loại câu hỏi kiểm tra kiến thức xã hội của học sinh, chứ bảo rằng nó là văn chương đúng nghĩa, thì không phải. Tôi tin chắc rằng, nếu ra đề thi kiểu này cho nhiều người lớn tuổi “kém văn”, họ vẫn viết được rất hay, thậm chí còn hay hơn cả học trò. Trở lại với câu hỏi cụ thể là có những học sinh dù dã được ôn luyện rất kĩ dạng câu hỏi này, nhưng vì vấn đề câu hỏi đặt ra “quá tầm” với họ, họ vẫn không làm được. Tôi đồng ý với suy nghĩ đó. Tôi vẫn luôn cho rằng, với lứa tuổi học trò, dù là học trò cuối cấp phổ thông trung học, ra đề thi cho họ, nên cố gắng chọn những vấn đề, tác phẩm trong sáng, làm sao tạo cho họ hướng đến suy nghĩ một điều gì đó tốt đẹp đối với con người, đừng bắt lứa tuổi ấy “sa” vào cuộc chiến “chống tiêu cực”, mà một bộ phận người lớn đang “buộc” phải đối mặt. Ba năm gần đây, khi câu hỏi này được lấy làm đề thi đại học, tôi thấy kì vọng của dư luận xã hội quá nhiều, trong khi đề thi thì lại chủ yếu chỉ xoáy vào “cái xấu, cái ác” trong xã hội, kiểu như 'sự giả dối, thiếu trung thực, đạo đức giả, thói vô trách nhiệm, mê muội thần tượng, bệnh thành tích...'. Đừng bắt những tâm hồn trong sáng trở nên “vẩn đục” vì phải bàn quá nhiều về những vấn đề đó. - Có ý kiến cho rằng đề thi Ngữ văn khối D khó hơn khối C, cả hai đề thi giúp phân loại được thí sinh, thầy nghĩ thế nào về nhận định trên? Dư luận nhìn chung đánh giá đề thi khối D “rắn” hơn khối C. Bản thân tôi thì nghĩ, “sân siu” cho nhau thì không có khối nào khó hơn khối nào cả. Cụ thể, câu 1, hai khối khó bằng nhau; câu 2 (nghị luận xã hội), khối C khó hơn D; nhưng câu 3, khối C lại dễ hơn D. Về việc đề thi có khả năng phân loại được thí sinh hay không, thì nói thật, tôi thấy không thích với kiểu nói này lắm, vì tôi gần như đã nghe ra rả “luận điệu” này ngay từ trước kì thi, trong kì thi và sau kì thi nhiều năm qua. Trả lời câu hỏi báo chí, những người có trách nhiệm của Bộ khẳng định điều đó; ngay sau mỗi môn thi, học trò, báo chí viết điều đó; và bây giờ bạn lại hỏi tôi điều đó. Thật lòng mà nói, tôi vẫn không nghĩ ra được, một đề thi như thế nào thì có khả năng phân loại tốt hơn đề thi nào? Chẳng nhẽ, nếu ra một đề thi khó thì sẽ phân loại tốt hơn một đề thi dễ hay sao? Tôi không nghĩ thế. Với tôi, chỉ cần yêu cầu học sinh viết một đoạn văn trong đúng một trang với ngay một câu hỏi thật dễ, là biết ngay học sinh nào giỏi hơn học sinh nào. Tôi không biết rõ các môn thi khác như thế nào, chứ với môn Văn, tôi xin khẳng định điều tôi nói là đúng. Và như vậy, chúng ta hoàn toàn có thể chỉ tổ chức một kì thi đại học trong một ngày như sáng kiến của một bạn nào đó in trên báo mạng tôi đọc mấy hôm trước. - Câu 3a thuộc chương trình chuẩn của đề thi Ngữ văn khối D yêu cầu nêu cảm nhận về ý nghĩa của hai kết thúc trong hai truyện ngắn, cách ra đề này gây nhiều ý kiến tranh luận khác nhau. Xin thầy cho biết quan điểm của mình? Đây chỉ đáng là một câu hỏi đề thi 2 điểm như thầy Thiện (Trường ĐH Sư phạm) trả lời trên báo chí. Tôi thấy thầy Thiện nói đúng. Nêu cảm nhận về hai đoạn kết trong hai tác phẩm, chính xác hơn là hai chi tiết trong hai tác phẩm, thật khó có thể coi đây là dạng câu 5 điểm. Tôi tin chắc rằng, học sinh sẽ rất khó khăn nếu họ chọn làm câu hỏi này. Và vì thế, họ sẽ chọn làm câu hỏi Tràng giang thuộc phần Nâng cao (mà thực ra đây là một bài học nằm trong phần văn Chuẩn). Bản thân tôi, tôi thấy đây là một đề thi “dở”. Nếu được phép đi làm đề, tôi không bao giờ “dám” ra một câu hỏi “nhạy cảm” như thế này. Sao lại có thể đặt trong sự so sánh hai chi tiết “cái lò gạch cũ bỏ không” mà Thị Nở mường tượng khi chạy đến nhà Bá Kiến, với chi tiết “lá cờ đỏ sao vàng phấp phới bay” mà Tràng nhớ lại trong tác phẩm Vợ nhặt được? Tôi vẫn thấy “ngài ngại” thế nào. Có vẻ như những người ra đề bị “áp lực” về lựa chọn tác phẩm, nên cứ phải “cố” ra lại những tác phẩm “cũ rích” và đưa nó vào trong dạng đề cảm nhận, một dạng đề rất phổ biến trong đề thi đại học môn Văn nhiều năm nay. Họ có vẻ như “bối rối”. Ngay cả đề khối C cũng thế. Tôi vẫn không thấy thuyết phục lắm khi đề thi "bắt" học sinh phải cảm nhận về hai đoạn thơ trong hai tác phẩm Tương tư của Nguyễn Bính và Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử. Thật ra đặt hai đoạn thơ này bên cạnh nhau nó “sống sượng” thế nào. Tôi chẳng thấy hình ảnh “cau” trong hai bài thơ này có liên thông gì với nhau. Câu trong thơ Hàn Mặc Tử là thiên nhiên, cảnh vật Vĩ Dạ, xứ Huế; cau trong Tương tư của Nguyễn Bính lại là tình duyên, tình yêu, tương tư. Hay là người ra đề có ý học sinh phải làm rõ đặc điểm này? - Thầy có thể dự đoán phổ điểm môn Văn khối C, D, dù chỉ là tương đối? Đề thi khối C, D năm nay nói chung dễ. Tôi cũng trực tiếp đi coi thi nên thấy học sinh làm bài tương đối “ngon lành”. Tất nhiên phổ điểm chính xác phải khi nào chấm xong mới biết được. Nếu được phép đoán, tôi nghĩ điểm thi trung bình môn Văn khối C, D sẽ có phổ điểm từ 5 đến 7. Nếu điểm số của khối D có tốt hơn một chút thì có thể là do học sinh thi khối D giỏi hơn khối C.
Tác giả: thanhha
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn