Top 10 Trang Cá Cược Bóng Đá Uy Tín

Ngôn ngữ      

Những hoạt động và cống hiến tiêu biểu của đồng chí Đào Duy Tùng với cách mạng Việt Nam

Thứ hai - 13/05/2024 22:48
(ĐCSVN) - Nhận xét về những cống hiến của đồng chí Đào Duy Tùng với công tác tư tưởng của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng: "Trong hơn 50 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Đào Duy Tùng đã có hơn 30 năm làm công tác tư tưởng lý luận. Đây là lĩnh vực rất khó khăn và phức tạp, nhưng chính ở lĩnh vực này đồng chí Đào Duy Tùng đã có những đóng góp lớn lao và để lại những ấn tượng rất tốt đẹp và sâu sắc...”.
Quê hương, gia đình, hoạt động và những cống hiến trong thời kỳ tiền khởi nghĩa
Đồng chí Đào Duy Tùng sinh ngày 20/5/1924, tại xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Thành phố Hà Nội, trong một gia đình nhà nho yêu nước. Ông nội của đồng chí Đào Duy Tùng là cụ Đào Duy Ánh, một thầy dạy học và thầy thuốc. “Nho, y gia trạch”, sống rất thanh bạch, luôn lấy trí, tâm đức để truyền thụ cho môn sinh và con cháu của mình. Cụ để lại hai tư tưởng bổi bật: “Trọng Đức cổ kim lưu tôn tử”, “Quý nhân tiền hậu nếp gia phong”. Thân phụ của đồng chí Đào Duy Tùng là Đào Duy Khải, người có cảm tình với cách mạng, nên từ cuối năm 1943, 1944 đã lần lượt cho cả ba người con trai tham gia phong trào cách mạng khi bước vào tuổi 18, 19. Ngày 17/8/1945, tổ chức Việt Minh Cổ Loa lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa thắng lợi, thành lập chính quyền cách mạng, ông Đào Duy Khải được bầu làm Phó Chủ tịch Uỷ ban hành chính xã. Thân mẫu đồng chí Đào Duy Tùng là bà Lê Thị Tít. Gia đình bà Lê Thị Tít là cơ sở cách mạng của An toàn khu (ATK1). Nhà bố mẹ vợ ông là nơi đồng chí Lê Đình Thiệp, Trần Đăng Ninh mở các lớp bồi dưỡng, đào tạo cán bộ cốt cán cho phong trào cách mạng ở Cổ Loa, Đông Anh thời tiền khởi nghĩa.
Đồng chí Đào Duy Tùng sinh ra và lớn lên ở vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử, văn hoá và cách mạng (vùng đất Cổ Loa, Đông Anh). Vào khoảng từ thế kỷ thứ VI đến thế kỷ thứ III trước Công nguyên, cư dân Việt cổ nơi đây đã thích ứng và phát triển được nền nông nghiệp thâm canh 2 vụ lúa/năm, trồng cây ăn quả; phát triển các nghề thủ công dệt vải, đồ gốm, đồ mộc,… Cùng với một nền nông nghiệp đa canh, đa dạng, vùng đất Cổ Loa, Đông Anh là khu vực nổi bật của thời đại đồ đồng, một trung tâm luyện kim của người Việt cổ. Ngoài nghề đúc đồng, nghề luyện kim sắt (rèn) cũng đã bước đầu phát triển. Chiếc trống đồng to, lớn được đúc ở Cổ Loa cách đây 500-600 năm trước Công nguyên (được phát hiện năm 1982) thuộc về nhóm trống đồng xưa nhất và đẹp nhất của nền văn minh Đông Sơn.
Với vị trí vai trò là vùng phát triển nổi bật của nền nông nghiệp thâm canh và đa canh và là trung tâm luyện kim đồng thau cực thịnh và bắt đầu chuyển qua kỹ thuật rèn chế đồ sắt, nên Thục Phán sau khi thống nhất Lạc Việt và Âu Việt thành nước Âu Lạc đã quyết định đóng đô ở Cổ Loa và xây dựng Cổ Loa thành kinh thành, quân thành, thị thành đầu tiên của dân tộc Việt. Năm 938, Ngô Quyền đại thắng quân Nam Hán ở Bạch Đằng Giang, chấm dứt hoàn toàn ách đô hộ hàng nghìn năm, mở ra kỷ nguyên mới - độc lập lâu dài và phát triển rực rỡ của đất nước; Ngô Vương quyết định đóng đô ở Cổ Loa để nối tiếp quốc thống xưa của An Dương Vương. Cổ Loa tái sinh thành “mảnh đất đế vương” mở đầu cuộc phục hưng dân tộc, phục hưng văn hoá ở Thế kỷ X.
 "Đồng chí Đào Duy Tùng sống giản dị, nói giản dị, viết giản dị nhưng chứa đựng một hàm lượng trí tuệ cao và ẩn chứa một quan điểm rất sâu sắc, rất tình cảm với dân tộc và đất nước".
Trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Cổ Loa đã phát huy truyền thống và tinh thần yêu nước, sớm đón nhận ánh sáng của cách mạng, của Đảng. Phong trào cách mạng ở Cổ Loa, Đông Anh phát triển có tính bước ngoặt sau Hội nghị Trung ương 8 (tháng 5/1941). Hội nghị lịch sử này dưới sự chủ trì của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Hội nghị đã hoàn thiện chuyển hướng chiến lược và sách lược cách mạng, để tập trung sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc cho mục tiêu giành độc lập tự do cho toàn dân tộc. Hội nghị quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh). Hội nghị đã xác định phương pháp cách mạng “cuộc cách mạng Đông Dương kết liễu bằng một cuộc khởi nghĩa vũ trang”, do đó Hội nghị quyết định: Phải xúc tiến công tác chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang, khi thời cơ đến “với lực lượng có sẵn, ta có thể lãnh đạo một cuộc khởi nghĩa từng phần trong từng địa phương cũng có thể giành sự thắng lợi mà mở đường cho một cuộc Tổng khởi nghĩa to lớn”1. Sau Hội nghị, Trung ương chủ trương xây dựng An toàn khu ở một số vùng quanh Hà Nội. Cuối năm 1941, Cổ Loa và các xã của huyện Đông Anh, phía Nam huyện Kim Anh, huyện Yên Lãng (Phúc Yên) nằm trong ATK1 chính thức của Trung ương do Đội công tác đặc biệt của Trung ương phụ trách. Cuối năm 1943, đồng chí Lê Đình Thiệp, thành viên Đội công tác của Trung ương được cử về Đông Anh rồi về Cổ Loa gây dựng các cơ sở cách mạng, phát triển các tổ chức cách mạng thành phong trào cách mạng ở Cổ Loa.
Đồng chí Lê Đình Thiệp đã nhanh chóng tìm gặp và giác ngộ những thanh niên tiến bộ ở Cổ Loa. Lớp thanh niên đầu tiên ở Cổ Loa được giác ngộ vào Tổ chức Thanh niên cứu quốc. Phong trào cách mạng ở Cổ Loa có bước phát triển mạnh. Đồng chí Lê Đình Thiệp đã tổ chức cho gần chục thanh niên cứu quốc ưu tú và tổ chức Việt Minh ở Cổ Loa. Đồng chí Đào Duy Tùng là một trong những thành viên đầu tiên của Tổ chức Việt Minh ở Cổ Loa. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đội công tác của Trung ương Đảng, trực tiếp là đồng chí Lê Đình Thiệp, Tổ chức Việt Minh Cổ Loa đã đẩy mạnh tuyên truyền, giác ngộ xây dựng, phát triển nhiều cơ sở cách mạng và quần chúng cách mạng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của ATK1 như: đưa đón, bảo vệ nhiều đồng chí của Trung ương về ATK họp, hội ý, chỉ đạo phong trào cách mạng, in ấn Báo Cờ giải phóng, các tài liệu của Đảng, hoạt động thông suốt an toàn của các trạm thông tin liên lạc từ ATK1 đến căn cứ địa Việt Bắc và các địa phương trong toàn quốc. Đồng thời Tổ chức Việt Minh ở Cổ Loa đã tích cực đẩy mạnh phát triển các lực lượng cách mạng như Thanh niên cứu quốc, nông dân cứu quốc, phụ nữ cứu quốc, phụ lão cứu quốc, thiếu nhi cứu quốc và nhất là giáo dục động viên các đoàn viên thanh niên cứu quốc tham gia lực lượng dân quân tự vệ của địa phương. Tổ chức các cuộc đấu tranh chống thu thuế, chống bắt lính, chống trồng đay và trừng trị những tên cường hào ác bá của địa phương. Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp, một số trại binh lính Pháp ở Cổ Loa, Đông Anh hoang mang rệu rã, hoặc bỏ chạy. Dưới sự lãnh đạo của Đảng công tác Trung ương, Việt Minh xã Cổ Loa đã tổ chức cho lực lượng tự vệ của mình xông vào các trại lính Pháp để cướp vũ khí (súng, lựu đạn) và thu nhặt vũ khí của bọn lính Pháp bỏ chạy. Số vũ khí thu được phần lớn giao cho Đội công tác gửi về căn cứ Việt Bắc, số còn lại trang bị cho lực lượng tự vệ địa phương.
Tháng 5/1945, do yêu cầu mới của phong trào cách mạng, đồng chí Lê Đình Thiệp đã lựa chọn một số cán bộ cơ sở có năng lực để mở lớp bồi dưỡng, đào tạo thành cán bộ thoát ly. Đồng chí Đào Duy Tùng là một trong 10 cán bộ cơ sở ở địa phương dự lớp bồi dưỡng trong 7 ngày. Đồng chí Trần Đăng Ninh là người trực tiếp giảng dạy ba nội dung tình hình thế giới: nhất là tình hình mặt trận Xô - Đức, Nhật - Pháp ở Đông Dương, 10 chính sách của Việt Minh, đạo đức người cán bộ cách mạng. Sau lớp học, đồng chí Trần Đăng Ninh đã lựa chọn đồng chí Đào Duy Tùng và ba đồng chí trong số 10 học viên để giới thiệu, bồi dưỡng thêm tài liệu về Mác - Lênin chủ nghĩa cộng sản, Điều lệ Đảng.
Đầu tháng 8/1945, đáp ứng chủ trương Nghị quyết TW8 và chỉ thị của Thường vụ TW “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, Tổ chức Việt Minh Cổ Loa trên cơ sở lực lượng và phong trào cách mạng của quần chúng và thực trạng lực lượng địch ở địa phương đã tổ chức cuộc họp bàn kế hoạch khởi nghĩa giành chính quyền ở Cổ Loa. Hội nghị đã ấn định ngày 17/8/1945 là ngày khởi nghĩa (trước đó Đội công tác của Trung ương quyết định khởi nghĩa ở Đông Anh là ngày 21/08/1945). Báo cáo và được sự đồng ý của đồng chí Lê Đình Thiệp và Đội công tác của Trung ương, đúng ngày 17/08/1945, đồng chí Đào Duy Tùng đã cùng Tổ chức Việt Minh Cổ Loa lãnh đạo cuộc khởi nghĩa thắng lợi và thành lập chính quyền cách mạng ở Cổ Loa lấy tên là Ủy ban cách mạng giải phóng lâm thời. Ngày 21/08/1945, Tổ chức Việt Minh Cổ Loa đã động viên lực lượng cách mạng của xã tiến về huyện lỵ Đông Anh cùng với lực lượng của một số xã khác, dưới sự chỉ huy trực tiếp của Đội công tác Trung ương và Huyện ủy Đông Anh khởi nghĩa, các lực lượng tự vệ đã tiến đánh quân Nhật ở huyện lỵ thắng lợi giành chính quyền ở huyện Đông Anh.
Ngày 3/9/1945, đồng chí Nguyễn Trọng Vính - Bí thư Huyện ủy Đông Anh về Cổ Loa tuyên bố thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương tại xã Cổ Loa và chỉ định đồng chí Đào Duy Tùng là Bí thư chi bộ. Sau đó đồng chí được điều lên làm cán bộ của huyện, được cử đi xây dựng chính quyền cách mạng và các đoàn thể quần chúng ở các xã trong huyện. Từ tháng 6/1946 đến 12/1952, với trách nhiệm Thường vụ Huyện ủy, Chủ nhiệm Việt Minh huyện Kim Anh, Bí thư Huyện ủy Kim Anh, Tỉnh ủy viên, phụ trách Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Phúc Yên, Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Việt Minh tỉnh Phúc Yên, Phó Ban huy động dân công phục vụ chiến dịch giải phóng biên giới, Phó Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng, đồng chí đã cùng tập thể Huyện ủy, Tỉnh ủy các địa phương lãnh đạo quân dân các địa phương có những đóng góp quan trọng trong công cuộc kháng chiến, kiến quốc.
Những cống hiến nổi bật của đồng chí Đào Duy Tùng trong hơn 30 năm phụ trách công tác tư tưởng lý luận và gần 10 năm là nhà lãnh đạo cấp cao của Đảng
Sau khi hoàn thành chương trình học tập tại Trường Lý luận Mác-Lênin ở Bắc Kinh, Trung Quốc, từ tháng 5/1955 đến 12/1986, đồng chí làm công tác tư tưởng lý luận tại các cơ quan trung ương với các cương vị: Vụ phó, Vụ trưởng Vụ Huấn học (1955-1962); Phó Trưởng Ban Tuyên giáo TW ̣(1962); Phó Trưởng Ban, Tổng biên tập Tạp chí Học tập, nay là Tạp chí Cộng sản (1965-1980); Thường trực Ban nghiên cứu lý luận Trung ương (1965 - 1980); Viện trưởng Viện Mác-Lênin (1980-1982); Trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương (1982-1986). Từ 1986-1998, là nhà lãnh đạo cấp cao của Đảng với cương vị Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Trung ương Đảng phụ trách công tác tư tưởng, khoa giáo (1986-1991), Ủy viên Bộ chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Thường trực Bộ Chính trị - Ban Bí thư (1991-1996). Trong hơn 40 năm này, đồng chí Đào Duy Tùng với niềm tin yêu lý tưởng cách mạng, có gốc đạo đức vững chắc và một tầm cao trí tuệ phấn đấu không mệt mỏi hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, mọi trọng trách mà Đảng giao phó. Đồng chí đã có những cống hiến nổi bật sau:
Góp phần to lớn trong sự nghiệp giáo dục lý luận chính trị trong Đảng và xã hội, xây dựng phát triển hệ thống trường chính trị các cấp từ trung ương đến tỉnh, thành và huyện, thị cả chính quy và tại chức; Đào tạo, bồi dưỡng phát triển đội ngũ giảng viên lý luận chính trị, hình thành và hoàn thiện hệ thống sách giáo khoa các bộ môn lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lịch sử Đảng. Trong khóa VI, với trách nhiệm là Chủ tịch Hội đồng biên soạn, đồng chí Đào Duy Tùng đã trực tiếp chỉ đạo tổ chức xây dựng và hoàn thiện biên soạn bộ giáo trình chuẩn quốc gia các bộ môn khoa học Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam; với trách nhiệm là Chủ tịch đầu tiên Hội đồng xuất bản Mác-Ăngghen Toàn tập, Tuyển tập; Hồ Chí Minh Toàn tập, Văn kiện Đảng toàn tập. Đây là những bộ sách lý luận chính trị kinh điển, nền tảng cho việc học tập quán triệt, kiên định, vận dụng và phát triển sáng tạo nền tảng tư tưởng của Đảng.
Gần 43 năm hoạt động ở Trung ương, đồng chí đã dành hầu hết thời gian, trí tuệ và tâm huyết của mình cho các hoạt động nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, tuyên truyền, giáo dục lý luận chính trị, đường lối chính sách của Đảng, phát hiện nhân rộng các điển hình, nhân tố mới, đấu tranh sắc bén nghiêm túc có hiệu quả chống lại các quan điểm sai trái với đường lối, quan điểm của Đảng. Là nhà tư tưởng lý luận có tư duy đổi mới, đồng chí luôn gắn chặt hoạt động nghiên cứu lý luận với tổng kết thực tiễn, dành nhiều thời gian đi cơ sở lắng nghe tiếng nói của nhân dân, của cán bộ, đảng viên, của trí thức nên đã kịp thời phát hiện và ủng hộ những nhân tố mới khi chúng còn manh nha chưa được chính thức thừa nhận.
Cuối năm 1970, khi xuất hiện khoán sản phẩm cho đội sản xuất và xã viên các hợp tác xã ở Vĩnh Phúc, rồi ở Hải Phòng, dù chưa được trên chính thức thừa nhận, nhưng với trách nhiệm Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập tạp chí Cộng sản, Thường trực Ban Nghiên cứu lý luận Trung ương, đồng chí Đào Duy Tùng đã cùng với một số cán bộ nhiều lần đến Vĩnh Phúc, Hải Phòng để trực tiếp xem xét, lắng nghe tiếng nói của xã viên, của cán bộ hợp tác xã, của cán bộ huyện, lãnh đạo tỉnh, thành rồi chủ động phối hợp với lãnh đạo Báo Nhân dân, Báo Đại Đoàn kết cùng với các đồng chí lãnh đạo Hải Phòng tổ chức Hội thảo khoa học về khoán sản phẩm ở Hải Phòng, tiến tới tổ chức Hội nghị nông nghiệp toàn quốc ở Hải Phòng. Từ các hoạt động trên đã giúp đồng chí Đào Duy Tùng đi tới kết luận: Khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động là mô hình quản lý kinh tế tạo được động lực, do mô hình quản lý này đã gắn kết trực tiếp lợi ích với từng người lao động. Kết luận này là một trong những luận cứ khoa học thực tiễn góp phần quan trọng để Ban Bí thư Trung ương khóa IV ra Chỉ thị 100 CT/TW ngày 13/1/1981 (thường gọi là khoán 100), với cơ chế khoán mới cùng với sự đầu tư của Nhà nước về thủy lợi, phân bón, giống… nền nông nghiệp nước ta bước đầu khắc phục được tình trạng trì trệ, yếu kém kéo dài, có bước phát triển, trong những năm 1981- 1985, tăng bình quân mỗi năm 4,9%. Sản lượng lương thực cả nước tăng từ 15 triệu tấn năm 1981 lên 18,2 triệu tấn năm 1985. Bình quân lương thực đầu người từ 273kg năm 1981 lên 304kg năm 1985, ở miền Bắc đã khôi phục được hơn 80.000ha đất bị bỏ hoang hóa!
Sau gần 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội VI, với cương vị Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, phụ trách khối công tác tư tưởng và khoa giáo, đồng chí dành nhiều thời gian và tâm huyết với tinh thần đổi mới tư duy, nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật và đánh giá đúng sự thật để chỉ đạo, tổ chức các hoạt động nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn 5 năm thực hiện khoán 100, 2 năm thực hiện đường lối Đại hội VI và có những đóng góp nổi bật trong việc hình thành dự thảo Nghị quyết của Bộ chính trị số 10-NQ/TW ngày 5/4/1988 về đổi mới quản lý nông nghiệp.
 Đồng chí Đào Duy Tùng có nhiều cống hiến trong công tác tư tưởng, lý luận của Đảng.
Tại Nghị quyết này đã đánh giá những tác động tích cực của việc thực hiện 10 chủ trương, chính sách Nghị quyết Trung ương khoá IV (14/8/1977), nhất là chủ trương khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm và người lao động và đáng chú ý là đã xuất hiện một số mô hình tốt và nhân tố mới, đồng thời Nghị quyết chỉ rõ nông nghiệp nước ta phát triển chậm, tỷ suất hàng hóa thấp, nhiều vùng vẫn chưa thoát khỏi tự cấp tự túc, chia cắt và độc canh, sản xuất lương thực giảm sút, rừng bị phá hoại nghiêm trọng, môi trường sinh thái không được bảo vệ, hủ tục mê tín dị đoan và tệ nạn xã hội có chiều hướng phát triển.
Nghị quyết chỉ rõ nguyên nhân chủ yếu của tình hình trên là do lãnh đạo và chỉ đạo đã có những khuyết điểm chính sau: Chưa có chiến lược đúng về phát triển kinh tế - xã hội để từng bước tạo ra cơ cấu công - nông nghiệp hợp lý, chưa tập trung đúng mức cho mặt trận hàng đầu là nông nghiệp, đặc biệt là cho phát triển lương thực, thực phẩm, chưa kết hợp chặt chẽ nông - lâm - ngư nghiệp, chưa gắn công nghiệp với nông nghiệp, nhất là công nghiệp sản xuất tư liệu sản xuất cho nông nghiệp và công nghiệp chế biến, chưa đầu tư thỏa đáng cho nghiên cứu khoa học và ứng dụng kỹ thuật tiến bộ vào sản xuất. Đầu tư trực tiếp cho nông nghiệp lãng phí lớn, ít hiệu quả. Trong tổ chức lại sản xuất và cải tạo xã hội chủ nghĩa, nông nghiệp đã nhận thức giản đơn về chủ nghĩa xã hội, về chặng đường đầu của thời kỳ quá độ; không nắm vững quy luật quan hệ sản xuất nhất định phải phù hợp với tính chất và trình độ phát triển của lực lượng sản xuất; không nắm vững đặc điểm tự nhiên kinh tế xã hội của từng vùng và không quán triệt nguyên tắc tự nguyện và quản lý dân chủ. Đã chủ quan, nóng vội trong cải tạo và gò ép nông dân vào hợp tác xã, tập đoàn sản xuất, tập thể hóa triệt để tư liệu sản xuất. Áp dụng máy móc những hình thức tổ chức quản lý vào các vùng, các hợp tác xã khác nhau. Trong thời gian dài thiếu khuyến khích kinh tế hộ gia đình, chưa có chính sách sử dụng đúng đắn kinh tế cá thể, kinh tế tư nhân, chưa tổ chức tốt việc liên kết, liên doanh giữa các thành phần kinh tế… chưa có chủ trương đồng bộ để củng cố và tăng cường quan hệ sản xuất XHCN trong nông lâm ngư nghiệp về cả ba mặt quan hệ sở hữu, quan hệ quản lý và quan hệ phân phối. Đã duy trì cơ chế tập trung quan liêu bao cấp và chế độ phân phối bình quân quá lâu. Có nhiều sai lầm trong các chính sách lớn đối với nông nghiệp như chính sách khuyến khích đối với người trồng cây lương thực, chính sách trong quan hệ giữa Nhà nước với hợp tác xã và nông dân. Hệ thống cung ứng vật tư chậm sửa đổi, tổ chức và phương thức hoạt động có nhiều tiêu cực. Hệ thống tổ chức quản lý từ Trung ương tới cơ sở có nhiều bất hợp lý, ngày càng cồng kềnh, quan liêu, kém hiệu quả. Đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật nông nghiệp chưa được bố trí và sử dụng đúng đắn. Đội ngũ cán bộ quản lý ở cơ sở yếu, chậm được đào tạo, bồi dưỡng.
Từ sự đánh giá đúng đắn về tình hình và nguyên nhân trên, Nghị quyết 10 đã quyết định đổi mới mạnh mẽ quản lý kinh tế nông nghiệp nhằm đạt cho được 4 yêu cầu sau:
- Thực sự giải phóng sức sản xuất, phát huy được mọi tiềm năng của các thành phần kinh tế, các vùng, các ngành chuyên môn nông nghiệp.
- Giải quyết đúng đắn các mối quan hệ về lợi ích, nhất là đảm bảo lợi ích chính đáng của người sản xuất, trước hết đối với người trồng lúa, không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân, góp phần tích lũy cho sự nghiệp xây dựng CNXH.
- Mở rộng dân chủ, đề cao pháp chế, xây dựng nông thôn mới.
- Đổi mới về tổ chức cán bộ phù hợp với cơ cấu kinh tế và cơ chế quản lý mới. Làm trong sạch và nâng cao sức chiến đấu của các tổ chức Đảng, của đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Để đạt mục đích yêu cầu trên, Nghị quyết 10 đã xác định 4 chủ trương lớn với hệ thống các giải pháp đồng bộ, khả thi nhằm đổi mới mạnh mẽ, có hiệu quả trong quản lý kinh tế nông nghiệp. Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp mà ta thường gọi là “Khoán 10” thực sự là một quyết định đổi mới toàn diện và đồng bộ vào khâu trọng yếu của nền kinh tế nông nghiệp giúp tạo sức mạnh tổng hợp, mô hình quản lý kinh tế mới, trong đó có động lực là giải quyết hài hòa ba lợi ích: Nhà nước, tập thể, người lao động. Nghị quyết “Khoán 10” thực là khâu đột phá cho sự phát triển vượt bậc của nền nông nghiệp, nông thôn và nông dân Việt Nam.
Cống hiến nổi bật nhất của nhà tư tưởng lý luận Đào Duy Tùng với trọng trách là thành viên lãnh đạo Tổ Biên tập Báo cáo Chính trị trình Đại hội VI. Đồng chí Đào Duy Tùng đã có đóng góp quan trọng vào việc xây dựng 3 quan điểm về kinh tế: Về bố trí cơ cấu kinh tế, Về cải tạo xã hội chủ nghĩa và Về cơ chế quản lý. Với trọng trách này, đồng chí Đào Duy Tùng không chỉ có công cùng tập thể Tổ biên tập đề xuất Tiểu ban văn kiện trình Bộ Chính trị thảo luận mà còn có đóng góp quan trọng vào việc soạn thảo kết luận của Hội nghị Bộ Chính trị ngày 20/9/1986 về một số vấn đề thuộc quan điểm kinh tế. Theo chỉ đạo của đồng chí Trường Chinh, đồng chí Đào Duy Tùng được giao phụ trách chỉ đạo một nhóm các đồng chí thành viên Tổ biên tập để trực tiếp xây dựng Dự thảo kết luận của Bộ Chính trị về một số vấn đề quan trọng, nhất về quan điểm kinh tế nhằm làm rõ một bước tư tưởng chỉ đạo chiến lược của Đảng ta về xây dựng CNXH nói chung và lãnh đạo xây dựng phát triển nền kinh tế nói riêng. Khi Bộ Chính trị khóa V thông qua kết luận này đã mở ra một bước đột phá cho việc sửa chữa hoàn thiện Báo cáo chính trị trình Đại hội VI thông qua. Đây là mốc son Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước, trước hết là đổi mới trong lĩnh vực kinh tế.
Và trong Khóa VI, với trọng trách là Thường trực Tiểu Ban soạn thảo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, đồng chí Đào Duy Tùng đã có những đóng góp nổi bật, kiến nghị Bộ Chính trị lựa chọn những nhà lý luận tài năng, chuyên gia hàng đầu trên các lĩnh vực chính trị kinh tế, văn hóa xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại tham gia Tổ biên tập, tổ chức thảo luận dân chủ và kiến nghị Tổng Bí thư, Bộ Chính trị thông qua: Tên gọi của Cương lĩnh, bố cục, nội dung chủ yếu của Cương lĩnh; phân công các nhóm biên tập phụ trách xây dựng từng nội dung của Cương lĩnh trên cơ sở tổng kết sâu sắc 15 năm xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, 10 năm xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước. Khi tổ chức thảo luận Dự thảo, từng nội dung của Cương lĩnh đã phát huy mạnh mẽ tự do tư tưởng với phương châm nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật, đánh giá đúng sự thật, khi có ý kiến khác nhau về quan niệm, quan điểm của từng vấn đề cần thẳng thắn nêu một cách khách quan lập luận của mỗi quan điểm, không định kiến, quy chụp, phải bình tĩnh lắng nghe những ý kiến khác mình, ngay ý kiến mình cho là sai cũng gợi ý cho mình nhiều suy nghĩ hoặc những ý kiến mình cho là không đúng cũng bình tĩnh xem có nhân tố gì là hợp lý.
Dự thảo đầu tiên lên tới gần 200 trang, Thường trực tiểu Ban lại trực tiếp thảo luận với từng thành viên và cuối cùng biên tập, khái quát thành gần 20 trang: Khi báo cáo Bộ Chính trị khóa VI, đồng chí Thường trực tập trung trình bày một số phương án cho tên gọi của Cương lĩnh đánh giá quá trình cách mạng và những bài học kinh nghiệm, trình bày các luận cứ khoa học để xác định từng đặc trưng của CNXH mà nhân dân ta xây dựng, những phương hướng cơ bản quá trình xây dựng CNXH của nước ta, cùng những định hướng lớn về chính sách kinh tế văn hoá xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Sau khi tiếp thu ý kiến của Bộ Chính trị, Ban chấp hành TW, Tiểu ban soạn thảo đã hoàn thiện Dự thảo Cương lĩnh 91 để trình Đại hội VII. Đại hội Đảng lần thứ VII đã thảo luận và biểu quyết từng vấn đề và cuối cùng đã nhất trí thông qua Cương lĩnh lịch sử này - Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội là bước phát triển rất đặc sắc tư duy lý luận của Đảng ta về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam.
Gần 40 năm làm công tác tư tưởng lý luận, ngoài hàng trăm bài báo chính luận đặc sắc, đồng chí Đào Duy Tùng đã dành nhiều công sức, trí tuệ, tâm huyết viết nhiều tác phẩm lý luận chính trị có tác dụng sâu rộng và lâu dài, đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã viết: “Trong hơn 50 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Đào Duy Tùng đã có hơn 30 năm làm công tác tư tưởng lý luận. Đây là lĩnh vực rất khó khăn và phức tạp, nhưng chính ở lĩnh vực này đồng chí Đào Duy Tùng đã có những đóng góp lớn lao và để lại những ấn tượng rất tốt đẹp và sâu sắc. Chúng tôi những thế hệ đi sau, lớp học trò của đồng chí Đào Duy Tùng đã học tập được rất nhiều điều tốt đẹp từ đồng chí Đào Duy Tùng. Tôi đã đọc những tác phẩm của đồng chí Đào Duy Tùng như: “Bản chất cách mạng và khoa học của Đảng ta”, “Quá trình hình thành con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, “Một số vấn đề về công tác tư tưởng của chúng ta”… các tác phẩm lý luận này là kết quả của một quá trình tổng kết sâu sắc thực tiễn cách mạng Việt Nam, đặc biệt là những năm đồng chí làm Thường trực Bộ Chính trị - Ban Bí thư, cùng đi với đồng chí Tổng Bí thư Đỗ Mười đến nhiều nơi, tổng kết phát hiện nhiều vấn đề. Tôi có thể nói là đồng chí sống giản dị, nói giản dị, viết giản dị nhưng chứa đựng một hàm lượng trí tuệ cao và ẩn chứa một quan điểm rất sâu sắc, rất tình cảm với dân tộc và đất nước”./.
---------------
Chú thích
1. Lịch sử biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam, tập 2. Nhà xuất bản chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008, tập 2, tr. 739
PGS.TS Đào Duy Quát - Nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương

Tác giả: Theo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây