Chị Vũ Thanh Hường, cựu sinh viên K36, hiện là Trưởng phòng Trò chơi và gặp gỡ truyền hình 1 - VTV3, Đài Truyền hình Việt Nam
“Từ nhỏ tôi đã muốn được đi đây đi đó, muốn được tiếp xúc gặp gỡ với nhiều người, đặc biệt là muốn có cơ hội học hỏi mở mang kiến thức. Những điều này nghề báo hoàn toàn có thể mang lại một cách hiệu quả nhất cho tôi. Theo nghề nhiều năm, tôi có cơ hội được tiếp xúc với rất nhiều người từ những công nhân nghèo cho đến Thủ tướng, trải nghiệm qua mỗi chuyến đi khiến tôi trường thành hơn. Bên cạnh đó, tôi còn yêu nghề báo bởi chính những thử thách mà nó đem lại. Nghề báo luôn đòi hỏi sự nỗ lực, hy sinh rất lớn khi theo đuổi. Một nhà báo cần trái tim nóng và cái đầu lạnh. Là sinh viên Báo chí của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, tôi vô cùng tự hào về ngành mình, về Khoa mình, Trường mình. Tôi tin rằng niềm tự hào đấy luôn có trong rất nhiều sinh viên lứa chúng tôi đến tận bây giờ…”
Nhà báo Vũ Thanh Hường (Đài truyền hình Việt Nam) trong một chương trình toạ đàm chuyên môn do Trung tâm Nghiệp vụ Báo chí và Truyền thông, Trường ĐHKHKXH&NV tổ chức
Anh Vũ Tiến Thành, cựu sinh viên K54 Báo chí và Truyền thông
“Tôi quyết định chọn học khoa Báo chí và Truyền thông – Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội là do sở thích muốn được đi đây đi đó, được trải nghiệm cuộc sống của những con người trên khắp dải đất hình chữ S. Bên cạnh đó, nghề báo luôn là một nghề thu hút những người trẻ năng động và ham học hỏi. Mặt khác, thời điểm những năm đầu chúng tôi còn ngồi trên ghế nhà trường, ngành báo chí và truyền thông ở Việt Nam đang có những bước phát triển hết sức mạnh mẽ với nhiều đổi mới và đột phá, mang tới một cơ hội lớn về nghề nghiệp sau khi ra trường cũng như là cơ hội thực tế khi còn là sinh viên. Cũng thời điểm đó, khoa Báo chí và Truyền thông có những sự thay đổi lớn để phù hợp với yêu cầu đào nhân lực truyền thông trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Với hệ thống cơ sở vật chất hiện đại tương đương với các đài truyền hình hay cơ quan báo chí bên ngoài. Đây thực sự là một điều kiện lý tưởng đối với bất cứ sinh viên nào đang mong muốn theo đuổi con đường báo chí truyền thông ở Việt Nam. Khoa Báo chí và Truyền thông còn mang tới cho chúng tôi một môi trường sinh hoạt báo chí hết sức phong phú và đa dạng. Với rất nhiều các hoạt động sinh hoạt học thuật cũng như giải trí bên cạnh việc lên lớp. Một điều may mắn nữa, chúng tôi đã nhận được sự dìu dắt hết sức nhiệt tình của các thầy cô và đặc biệt là từ các anh chị sinh viên khóa trên, những người đã và đang khẳng định được khả năng và có tiếng vang trong trong nghề báo”.
Khoa Báo chí và Truyền thông là một trong những cái nôi đào tạo báo chí lớn nhất cả nước. Sinh viên Khoa Báo chí không chỉ được học về lý thuyết báo chí hiện đại, mà còn được tạo điều kiện thực hành nghề nghiệp ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường
Bạn Lê Thị Hương Giang, sinh viên năm K57 Báo chí và Truyền thông
“Mình chọn học báo chí ở khoa Báo chí và Truyền thông, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội vì lúc nộp đơn dự tuyển vào ngành, mình nhận thức rõ báo chí là một ngành rất năng động và sôi nổi, được đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người và mình cảm nhận những người làm báo luôn tràn đầy năng lượng. Chính vì thế mình đã chọn nó - một ngành nghề khiến cho mình có được nhiều trải nghiệm thú vị của tuổi trẻ. Cho đến giờ, mặc dù mới trong giai đoạn đầu của công việc chuyên môn báo chí, nhưng mình vẫn không hối hận khi đã chọn học báo và gắn bó với nghề này".
Các sinh viên Báo chí hoạt động tại Trung tâm Nghiệp vụ Báo chí và Truyền thông, Trường ĐHKHXH&NV
Bạn Trần Như Quỳnh, sinh viên năm K59 Báo chí và Truyền thông
“Cổ nhân có câu: ‘Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ’. Có lẽ sự ‘tương ngộ’ của mình với nghề báo cũng là nhờ hai chữ ‘hữu duyên’. Trước kia, thực sự mình chưa bao giờ có ý định làm báo, ngay cả khi có nhiều người nói mình hợp với nghề này. Nhưng quả thực là ‘vạn sự tuỳ duyên’, nhiều khi không phải là mình chọn nghề, mà lại là nghề chọn mình. Cho tới năm cuối cấp 3, ước mơ ‘xê dịch’ của mình vẫn không hề thay đổi, chỉ khác một điều là bản thân muốn đi khắp đó đây không phải với danh nghĩa hướng dẫn viên hay nhà nghiên cứu, mà là với tư cách của một phóng viên. Mình đến với nghề báo một cách tự nhiên, giống như thể đang ‘u mê’ mà đột nhiên tìm ra một chân lý gì đó của cuộc đời vậy. Chi bằng hãy cứ coi đó là chữ ‘duyên’ với nghề đi. Nhờ có sự tương ngộ này, mà mình tin rằng bản thân đã ‘tìm đúng đường về’ rồi. Không khí học tập, làm việc năng động của khoa Báo chí và Truyền thông thực sự có thể biến ước mơ trở thành nhà báo của mình thành hiện thực. Mình tin sự lựa chọn khi đăng ký thi vào khoa Báo chí và Truyền thông của mình và các bạn trong lớp là hoàn toàn đúng đắn, chính xác…”.
Tác giả: Lan Anh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn