Top 10 Trang Cá Cược Bóng Đá Uy Tín

Ngôn ngữ      

Kiến thức nền tảng - cội nguồn mang đến những thành công

Thứ sáu - 16/10/2015 22:33
Tôi theo học Khoa Báo chí & Truyền thông của trường từ bậc cử nhân, Thạc sĩ, đến Tiến sĩ ( 1999 - 2013). Trên 16 năm đồng hành với chặng đường 25 năm xây dựng, phát triển của Khoa đã giúp tôi có nền tảng kiến thức vững chắc hơn, kỹ năng tác nghiệp chuyên nghiệp hơn, cùng với thực tiễn trải nghiệm, đã mang lại những thành công bước đầu.
Kiến thức nền tảng - cội nguồn mang đến những thành công
Kiến thức nền tảng - cội nguồn mang đến những thành công

Từ yêu cầu bức thiết của thực tiễn...

Tốt nghiệp Đại học Văn hoá Hà Nội hệ chính quy (1992), năm 1993, tôi được Bảo hiểm y tế Việt Nam xin về giúp việc tổ chức công tác truyền thông khi Ngành vừa được Chính phủ thành lập. Tác phẩm đầu tay, thử việc của tôi là tổ chức xuất bản Bản tin hoạt động Bảo hiểm y tế, nhân kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/02/1993. 

Ngay sau chuyến công tác thực tế 4 tỉnh miền núi phía Bắc (Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Bắc - nay là Bắc Ninh, Bắc Giang) tôi viết tin, bài, biên tập, thiết kế dàn trang, rồi hợp đồng với Nhà in Nhân dân, in 400 bản, phát hành trong nội bộ Ngành. Thành công bước đầu của việc thử nghiệm ra Bản tin, tôi được lãnh đạo Ngành tin tưởng, giao nhiệm vụ chuẩn bị hồ sơ, thủ tục xin phép Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Thông tin và Truyền thông) cho phép xuất bản Tờ Thông tin Bảo hiểm y tế Việt Nam, phát hành rộng rãi tới toàn xã hội.

Sau một thời gian tích cực chuẩn bị các công việc cần thiết, tháng 10/1993, Tờ Thông tin Bảo hiểm y tế Việt Nam được xuất bản và phần thưởng cho tôi là Quyết định giao nhiệm vụ Thư ký Tòa soạn. Sau này, Tờ Thông tin được nâng cấp lên thành Tạp chí, tôi tiếp tục được giao nhiệm vụ Thư ký Tòa soạn; đồng thời giữ chức vụ Trưởng Ban Thông tin Truyền truyền của Bảo hiểm y tế Việt Nam. Năm 2003, thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bảo hiểm y tế Việt Nam chuyển giao vào Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Theo đó, Tạp chí Bảo hiểm y tế sáp nhập vào Tạp chí Bảo hiểm xã hội. Sau 06 tháng giữ chức vụ Phó Trưởng ban Tuyên truyền Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tôi được bổ nhiệm Phó Tổng biên tập Phụ trách, rồi Quyền Tổng Biên tập, đến Tổng Biên tập Tạp chí Bảo hiểm xã hội.

Khi còn học trong trường Đại học Văn hóa Hà Nội, tôi chủ yếu viết kịch bản các chương trình sân khấu hóa, hội thi, hội diễn văn hóa, nghệ thuật và thi thoảng cũng viết tin, bài cho báo chí. Nhưng bước chân vào hoạt động báo chí chuyên nghiệp, nhất là lĩnh vực Tạp chí chuyên ngành, cũng gặp không ít những khó khăn. Thời gian đó, sách và tài liệu nghiệp vụ báo chí rất hiếm. Tôi đánh liều lên Văn phòng Hội Nhà báo Việt Nam tìm mua tài liệu để tự nghiên cứu. Rất may cho tôi, năm 1992, Ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam vừa xuất bản cuốn sách “Nghề nghiệp và công việc của Nhà báo”, tôi mua được 01 cuốn. Và cuốn sách này đã trở thành cẩm nang thiết yếu, chỉ lối đưa đường, giúp tôi "vỡ vạc" rất nhiều trong buổi đầu lập nghiệp. Những vấn đề lý luận cơ bản, cùng những kiến thức sơ đẳng về phóng viên, biên tập viên, vị trí, vai trò, trách nhiệm của Tổng Biên tập, Thư ký Tòa soạn và các vấn đề nghiệp vụ báo chí trong cuốn sách đã mang đến cho tôi sự hiểu biết, tự tin hơn trong triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao.

Công việc ngày càng nhiều, vừa tổ chức công tác thông tin truyên truyền, vừa trực tiếp tổ chức xuất bản Tạp chí Bảo hiểm y tế. Khi đó, cơ quan phải tuyển dụng thêm một số cán bộ mới để đáp ứng nhiệm vụ. Trong số những cán bộ được tuyển dụng, có một số sinh viên tốt nghiệp đại học chuyên ngành báo chí. Do là người khai phá, mở đường và có năng lực quản lý, điều hành, tôi được giao phụ trách toàn bộ công tác thông tin tuyên truyền và trực tiếp đảm nhận vai trò Thư ký Tòa soạn. Công việc luôn hoàn thành tốt, bản thân tôi luôn được cấp trên tin tưởng giao phó, tuy nhiên, năng lực, kinh nghiệm và sự tâm huyết, nhiệt tình, trách nhiệm thôi chưa đủ. Điều quan trọng là tính chuyên nghiệp trong chuyên môn là điều khẳng định quan trọng. Ở vị trí cao nhất của một tòa soạn mà chưa được đào tạo bài bản thì thật khó khi lãnh đạo, chỉ đạo cấp dưới triển khai công việc, nhất là trong giai đoạn hiện nay, làm việc không chỉ bằng thói quen hay chủ quan kinh nghiệm, mà tính chuyên nghiệp phải thể hiện ở từng vị trí việc làm và được xem là yếu tố quan trọng hàng đầu để phân công, phân nhiệm và đánh giá. Thực tế đó đã thôi thúc tôi phải sớm đi học nghiệp vụ báo chí, nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu công tác. 

Nhà báo Dương Văn Thắng

… Đến những chuyển biến và kết quả ngoài mong đợi

 Thời gian đầu Khoa Báo chí (tên gọi của Khoa khi đó) chỉ có hai hệ: chính quy và tại chức (hay còn gọi là hệ vừa làm vừa học), chưa có Văn bằng hai chính quy và cũng chưa có mã ngành đào tạo Thạc sĩ, Tiến sĩ.  Rất mong muốn được học một cách bài bản, nhưng học chính quy thì phải học cùng sinh viên vào giờ hành chính, như vậy đối với cán bộ đang đi làm thì không thể. Sau khi cân nhắc, năm 1999, tôi quyết định theo học Lớp Báo chí tại chức ngắn hạn hệ 03 năm.

Tôi theo học Lớp tại chức ngắn hạn được hơn 01 năm thì Trường tuyển sinh lớp Văn bằng hai chính quy. Tôi cùng hơn chục sinh viên đủ điểu điện được chuyển sang theo học. Hơn chục môn kiến thức cơ sở, cơ bản chúng tôi đã có điểm thi, do vậy được miễn học. Vì đã có một văn bằng cử nhân chính quy nên các môn cơ sở đã học ở văn bằng thứ nhất được miễn học và chuyển điểm sang. Tuy vậy không bỏ qua môn học nào, tôi vẫn theo học đầy đủ. Nhiều bạn học và ngay cả một số giảng viên cũng cứ nghĩ do tôi là Lớp trưởng, rất trách nhiệm, gương mẫu nên đi học đầy đủ để theo dõi, quản lý lớp. Nhưng thực ra, đó chỉ là một lý do. Quan trọng hơn, tôi thực sự muốn nghe giảng để kiếm tìm, bổ sung kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Những bài giảng về văn học, ngôn ngữ, đặc biệt là cơ sở lý luận báo chí truyền thông đã thực sự bổ ích cho công việc hàng ngày của tôi. Những kiến thức hết sức bổ ích về văn chương được các giảng viên có tên tuổi giảng dạy đã mở mang, nâng cao, giúp cho tôi ngày càng trưởng thành và tiến bộ nhanh chóng trong nghề báo, nghiệp văn.

            Tôi còn nhớ, ngày đó Giáo sư ngôn ngữ Nguyễn Thiện Giáp thấy tôi nghe giảng mấy lần môn học của Thầy, lấy làm lạ, thầy đã bảo: "Cậu đã học rồi lên lớp làm gì cho vất vả". Tôi thưa Thầy: "Em vẫn muốn được nghe để bổ sung thêm kiến thức Thầy ạ!". Các Thầy: Đinh Hường, Dương Xuân Sơn... có lẽ cũng rất ấn tượng về cậu học trò đặc biệt nghiêm túc, luôn ngồi bàn đầu và hầu như không vắng mặt buổi học nào. Các học phần "Cơ sở lý luận báo chí truyền thông" được tôi quan tâm nhiều nhất. Tôi học tập, nghiên cứu và vận dụng môn học này rất hiệu quả trong mọi công việc, điều kiện, hoàn cảnh. Là người có kinh nghiệm hoạt động thực tiễn, thiếu khuyết những kiến thức lý luận cơ bản, nay được tiếp cận, như "nắng hạn gặp mưa rào", đã giúp tôi mở rộng hiểu biết, tầm nhìn, nhanh chóng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Khoá học 2000 - 2003 kết thúc, tôi được nhận Bằng cử nhân Báo chí chính quy Văn bằng 2 loại Giỏi. Mang tấm bằng đỏ về báo cáo với cơ quan, tôi nhận được những lời động viên, chúc mừng, chia vui và sự "tâm phục, khẩu phục" càng được khẳng định. Tấm bằng Cử nhân Báo chí là điều kiện cần để giúp tôi đủ tiêu chuẩn, điều kiện được bổ nhiệm chức vụ Tổng Biên tập Tạp chí Bảo hiểm xã hội từ tháng 7/2003 đến nay.

Trước yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao, không dừng lại ở hai tấm bằng cử nhân, tôi tiếp tục theo học cao học báo chí của trường khoá 2007 - 2009. Tốt nghiệp Thạc sĩ  Báo chí học đạt kết quả xuất sắc, tôi được chuyển tiếp nghiên cứu sinh. Tích cực hoàn thành các chuyên đề nghiên cứu sinh, bảo vệ luận án cấp cơ sở, tháng 05/2013 tôi bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ báo chí học, đề tài "Nghiên cứu hiệu quả báo chí trong hoạt động truyền thông về an sinh xã hội ở Việt Nam thời kỳ hội nhập quốc tế", được nhận Bằng Tiến sĩ Báo chí học, tháng 11/2013, trước thời hạn quy định.

Trên 16 năm học tập, rèn luyện không ngừng, trải qua các bậc đào tạo từ bậc Cử nhân, Thạc sĩ đến Tiến sĩ, tôi còn được Nhà trường tặng Giấy khen do có thành tích trong học tập đại học báo chí Văn bằng 2 chính quy (2003), Giấy khen đạt thành tích cao trong học tập cao học và đạt Danh hiệu Gương mặt trẻ tiêu biểu (2009). Trong thời gian nghiên cứu sinh, do hoàn thành xuất sắc các chuyên đề và có nhiều bài báo khoa học đăng tải trên các Tạp chí chuyên ngành, tôi được Đại học Quốc gia Hà Nội trao tặng Học bổng Pony Chung, Hàn Quốc (2011).

Thành công ứng dụng thực tiễn và đôi điều tâm sự

Tôi được bổ nhiệm chức vụ Tổng Biên tập Tạp chí Bảo hiểm xã hội năm 38 tuổi, cái tuổi không phải là quá trẻ nhưng cũng không hề cao đối với vị trí tổng biên tập một tờ tạp chí của một ngành lớn. Trong Toà soạn khi đó, cán bộ chủ chốt đều nhiều hơn từ 10 đến 20 tuổi, đây chính là khó khăn, thách thức, là rào cản rất lớn, nhưng do được đào tạo chuyên môn một cách bài bản, nghiệp vụ vững vàng, nên đã giúp tôi vượt qua và đạt được những thành công đáng kể.

Từ một tờ Tạp chí được tổ chức lại, sau hơn 10 năm, vừa làm, vừa không ngừng học tập, trau dồi, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ tôi đã xây dựng, kiện toàn bộ máy toà soạn; vận dụng linh hoạt, sáng tạo những kiến thức báo chí học tiếp thu được từ quá trình học tập ở Trường, đổi mới mạnh mẽ nội dung phản ánh và hình thức thể hiện; củng cố, phát triển đội ngũ cộng tác viên; tăng kỳ hạn xuất bản từ 01 kỳ/tháng lên 02 kỳ/tháng nâng số lượng phát hành trung bình từ 01 vạn bản/kỳ lên 2,5 vạn bản/kỳ, đặc biệt có những số tăng lên đến trên 5,5 vạn bản, như số kỳ 01, tháng 8/2015. Đồng thời, tổ chức Tạp chí Bảo hiểm xã hội điện tử trên internet từ năm 2009. Tạp chí được cấp Mã số chuẩn quốc tế ISSN cho cả Tạp chí bản in và Tạp chí điện tử; được Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước bầu chọn đưa vào danh mục các tạp chí được tính điểm công trình khoa học khi xét công nhận tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư. Đơn vị hàng năm đều được Bảo hiểm xã hội Việt Nam tặng Bằng khen và Danh hiệu tập thể lao động xuất sắc, được tặng Cờ Thi đua Ngành năm 2013; Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen năm 2008; Chính phủ tặng Cờ dẫn đầu phong trào thi đua năm 2011; Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba năm 2012...

Cá nhân tôi, từ những kiến thức tiếp thu qua các môn học về thể loại báo chí, tôi đã thực hành viết, đăng tải trên các phương tiện truyền thông quốc gia hàng trăm bài báo ở các thể loại khác nhau, được bạn đọc ghi nhận; trong đó có nhiều bài nghiên cứu lý luận, trên 20 bài xã luận, hàng chục bài chuyên luận, phóng sự điều tra, bình luận, ký báo chí…

Cũng từ những kiến thức văn học, ngôn ngữ được bổ sung, nâng cao trong thời gian học Lớp Văn bằng 2 chính quy và tiếp thu qua những bài giảng hết sức bổ ích của Giáo sư Hà Minh Đức, tôi đã thực hành có hiệu quả trong sáng tác văn chương. Chỉ trong vòng 05 năm, từ năm 2010 đến nay, tôi đã chủ biên, xuất bản 06 đầu sách, 03 tập thơ, trên 50 câu đối, 01 vở kịch, viết lời ca khúc về Ngành được sử dụng rộng rãi trong xã hội…

16 năm đồng hành với sự phát triển, lớn mạnh không ngừng của Khoa, cũng chính là khoảng thời gian tôi được trải nghiệm thực tế nhiều nhất. Thành quả của đơn vị có vai trò quyết định của người đứng đầu và không thể không kể đến sự đóng góp của tập thể Toà soạn. Góp phần vào thành công to lớn ấy chính là chất lượng cán bộ, trên 50% đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chủ chốt và phóng viên, biên tập viên của Toà soạn chúng tôi được đào tạo từ Khoa Báo chí & Truyền thông của Nhà trường.

Là cựu sinh viên Khoa Báo chí và Truyền thông, có quá trình rèn luyện, học tập liên tục, bài bản từ bậc cử nhân đến tiến sĩ, trải qua trên 20 năm hoạt động thực tiễn, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của người học, của người làm nghề; mặc dù công việc hiện tại khá bận rộn, được sự tin tưởng, tín nhiệm của lãnh đạo Khoa, tôi nhận lời mời để trở thành giảng viên kiêm nhiệm của khoa. Là người trong nghề, lại chính là người trực tiếp sử dụng nguồn nhân lực thuộc lĩnh vực báo chí truyền thông, với một tâm nguyện muốn truyền đạt kiến thức đã tích lũy, muốn chia sẻ những kinh nghiệm đã trải nghiệm và kỹ năng tác nghiệp đúc rút được qua thực tiễn hoạt động cho các thế hệ sinh viên và học viên sau đại học đang theo học tại Khoa Báo chí & Truyền thông của Trường; giúp cho các thế hệ nhà báo tương lai tiếp thu kiến thức và ứng dụng vào thực tiễn một cách nhanh chóng, thuận lợi, hiệu quả nhất, xứng danh là chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, dùng ngòi bút và trang giấy làm vũ khí sắc bén, góp sức vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Từ nền tảng kiến thức tiếp thu được, với những kết quả công tác bước đầu và bài học đúc rút qua thực tiễn trải nghiệm; dù đứng ở vị trí người Thầy, hay đang thực hiện chức trách Tổng biên tập cơ quan báo chí, trong tôi càng thêm thấm thía sâu sắc lời răn dạy của người xưa về biển học vô bờ và đạo lý uống nước nhớ nguồn; ăn quả luôn nhớ tới công ơn những người đã khuya sớm vun xới, gieo trồng.../.

TS. Dương Văn Thắng
                               
Cựu học viên Cao học khóa 9

Cựu nghiên cứu sinh khóa 4 (2009-2013)

Tổng Biên tập Tạp chí Bảo hiểm Xã hội

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây