Toạ đàm đã nghe và trao đổi xung quanh hai nghiên cứu mới của TS Nguyễn Thị Ngọc Hoa và ThS Vũ Thị Thanh Tuyền (Khoa Đông phương học).
Về công trình “Tìm hiểu từ ngữ “tôn xưng”, “mỹ xưng”, “nhã xưng”, “biệt xưng” của nhóm từ vựng liên quan đến Đức Phật trong kinh điển Phật giáo Hán văn”, TS. Nguyễn Thị Ngọc Hoa chia sẻ: Phật giáo là tôn giáo lớn trên thế giới có ảnh hưởng sâu rộng ở nhiều mặt mà chủ yếu là tôn giáo, tư tưởng, văn hóa, nghệ thuật, ngôn ngữ ở một số quốc gia trong khu vực Châu Á. Kinh điển Phật giáo Hán văn là một kho tàng ngôn ngữ quý giá với số lượng từ đồ sộ, nội dung phong phú đa dạng, là cơ sở để tiến hành nghiên cứu Phật giáo nói chung cũng như nghiên cứu ngôn ngữ nói riêng. Nhóm từ ngữ “tôn xưng”, “mĩ xưng”, “nhã xưng”… liên quan đến Đức Phật xuất hiện trong kinh điển Phật giáo khá nhiều. Chúng chứa đựng những điều thú vị mà ít ai để ý tới. Bài viết này trước tiên nhằm giới thiệu nội dung của những từ ngữ đặc biệt này, tiếp đó cố gắng chỉ ra những đặc điểm chung về cơ sở logic tạo ra từ của từng nhóm nhỏ ở cả góc độ tôn giáo và góc độ ngôn ngữ; đồng thời chỉ ra mối quan hệ chặt chẽ giữa ngôn ngữ và tôn giáo, được thể hiện qua nhóm từ ngữ này. Bài viết mong muốn giúp cho những người hay đọc kinh điển Phật giáo có thêm những kiến thức phụ trợ để hiểu sâu sắc hơn kinh điển Phật giáo.
GS.NGND Vũ Dương Ninh - Chủ toạ cuộc toạ đàm
Tiếp đó, ThS Vũ Thị Thanh Tuyền trình bày bài viết về “Phong trào Isson-Ippin ở Nhật Bản giai đoạn 1980-2000 – nguyên nhân thành công và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong công cuộc xây dựng nông thôn mới”. Phong trào “Isson-Ippin” hay vẫn thường được biết đến với tên gọi phong trào “Mỗi làng một sản phẩm”, được khởi xướng và ra đời ở tỉnh Oita, Nhật Bản vào năm 1979. Đây là một trong những phong trào xây dựng và phát triển nông thôn mới tiêu biểu của Nhật Bản. Sự thành công của phong trào Isson-Ippin tại Nhật Bản đã góp phần mở ra những hướng đi mới cho nhiều quốc gia và khu vực đang phát triển trên thế giới học tập và vận dụng vào công cuộc xây dựng và phát triển nông thôn. Nội dung chính của báo cáo là làm rõ bối cảnh ra đời; nội dung, nguyên tắc và các hoạt động của phong trào tại Nhật Bản trong giai đoạn 1980-2000; đồng thời chỉ ra nguyên nhân và bài học thành công của phong trào.
TS. Nguyễn Thị Ngọc Hoa trình bày báo cáo
ThS Vũ Thị Thanh Tuyền trả lời câu hỏi của các phản biện
Toạ đàm “Những nghiên cứu mới về Nhật Bản và châu Á” là diễn đàn khoa học dành cho các nhà nghiên cứu trẻ của Khoa Đông phương học công bố những nghiên cứu mới của mình; đồng thời là nơi trao đổi thông tin khoa học và phương pháp nghiên cứu với các nhà khoa học trong và ngoài trường. Chuỗi hoạt động này đã diễn ra được hơn 3 năm và đem lại những kết quả tích cực trong việc nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu khoa học trong đội ngũ cán bộ của Khoa.
Ông Takaaki Yoneyama (Phó trưởng đại diện Quỹ Giao lưu quốc tế Toshiba tại Việt Nam) phát biểu tại buổi toạ đàm.
TS Lưu Tuấn Anh tặng quà tri ân tới ông Takaaki Yoneyama.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm sau khi kết thúc toạ đàm
Tác giả: Thanh Hà
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn