Buổi thuyết trình có sự tham gia của các nhà khoa học Việt Nam và Hàn Quốc, nhằm giới thiệu và cung cấp thông tin về văn học cổ Hàn Quốc dưới nhiều góc độ tiếp cận: lý luận thể loại, so sánh đối chiếu văn học cổ Hàn Quốc và Việt Nam, thực trạng dịch thuật văn học cổ Hàn Quốc tại Việt Nam…
Diễn giả đầu tiên là GS. Choi Wonoh đến từ Khoa Giáo dục tiếng Hàn, Đại học Sư phạm Gwangju, Hàn Quốc. Ông trình bày khái niệm, phân loại các seolhwa (một thể loại của văn học truyền miệng Hàn Quốc) và mối quan hệ giữa seolhwa và tiểu thuyết cổ điển Hàn Quốc. Bài nói cũng giải thích khái niệm, phạm vi và đặc điểm của thể loại thần thoại truyền miệng Hàn Quốc.
Diễn giả thứ hai là giảng viên Trần Thị Bích Phượng đến từ Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Hàn Quốc, Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Bài thuyết trình chia sẻ một nghiên cứu về so sánh cấu trúc tự sự của truyện cổ Hàn Quốc “Truyện Xuân Hương” và “Truyện Kiều” của Việt Nam, qua đó tìm ra những điểm tương đồng và dị biệt trong cấu trúc tự sự của hai tác phẩm này. Tác giả cho rằng hai truyện giống nhau ở điểm là đều được hình thành từ chuỗi những câu chuyện có liên quan mật thiết đến nhau. Những câu chuyện này vừa là những câu chuyện có kết cấu trọn vẹn được triển khai xung quanh nhân vật chính, đồng thời cũng đóng vai trò là yếu tố không thể thiếu cấu thành nên câu chuyện chính. Kết thúc có hậu là điểm giống nhau của hai truyện trên. Song, “Truyện Xuân Hương” chứa đựng triết lý bình dân rằng “người hiền sẽ được hưởng phúc” nhưng với “Truyện Kiều”, trên cái nền của triết lý bình dân “ở hiền gặp lành” còn chứa đựng triết lí mang tính kinh nghiệm của tác giả về thân nghiệp và mối quan hệ giữa tâm và tài theo quan điểm Phật giáo.
GS. Choi Wonoh đến từ Khoa Giáo dục tiếng Hàn, Đại học Sư phạm Gwangju, Hàn Quốc
Đại diện cho những người làm công tác quản lý xuất bản, bà Nguyễn Ánh Ngân (Nhà Xuất bản Phụ nữ) chia sẻ về thực trạng dịch sách văn học cổ Hàn Quốc tại Việt Nam. Theo đó, từ năm 2000 đến nay, sách dịch văn học Hàn Quốc có khoảng trên dưới 100 đầu sách được xuất bản thì số sách thuộc văn học cổ chiếm khoảng 10% và tập trung vào các thể loại: văn học dân gian, văn học sử, lý luận văn học. Con số này còn quá ít để có thể thu hút sự quan tâm của độc giả Việt Nam đối với văn học cổ Hàn Quốc, mà mới chỉ dừng lại ở việc đáp ứng sự tìm hiểu của một bộ phận độc giả hẹp như giới nghiên cứu hay một số ít những người quan tâm.
Bà Ánh Ngân cũng chỉ ra những nguyên nhân cụ thể dẫn đến tình trạng trên như: sự thiếu hụt kiến thức về tiếng Hàn cố và văn hóa cổ Hàn Quốc của các dịch giả, các tác phẩm văn học cổ Hàn Quốc kén người đọc, chưa có những dự án dịch thuật lớn được đầu tư … Cuối cùng, tác giả cũng đưa ra khuyến nghị là cần có sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa các nhà xuất bản và ngành Hàn Quốc học tại các trường đại học, viện nghiên cứu Việt Nam trong việc tuyển chọn, dịch thuật các tác phẩm văn học cổ Hàn Quốc; quan tâm đẩy mạnh công tác truyền thông về văn học cổ Hàn Quốc với nhiều hình thức phong phú hơn…
Tác giả: Thanh Hà
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn