Tọa đàm khoa học diễn ra trong không khí khách quan, cởi mở. Các đại biểu đã trao đổi sâu rộng về ảnh hưởng ngày càng mạnh của Trung Quốc với các nước lục địa Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, nhất là trên khía cạnh kinh tế.
Mở đầu tọa đàm, TS. Suthphand Chirathivat (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ASEAN, Đại học Chulalongkorn, Thái Lan) đã trình bày định nghĩa về sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc với các nước Đông Nam Á. Trung Quốc tạo dựng ảnh hưởng này thông qua nhiều con đường, trong đó có xuất khẩu các mặt hàng vào thị trường ASEAN, cũng như trao các khoản trợ cấp cho các nước đang phát triển.
TS. Suthphand Chirathivat trình bày tham luận
TS. Phạm Anh Tuấn (Viện Kinh tế thế giới, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam) đã chia sẻ về sự tương thuộc ngày càng lớn của Việt Nam với nền kinh tế Trung Quốc. Ông phác thảo bức tranh toàn cảnh về quan hệ kinh tế đối ngoại của Việt Nam, đồng thời đưa ra các số liệu so sánh, nhằm cho thấy mức độ phụ thuộc ngày càng lớn của thương mại Việt Nam vào đối tác lớn nhất là Trung Quốc, cụ thể là trong công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ. Điều này phần nào phản ánh một dạng mô hình Bắc- Nam. Một mặt, Trung Quốc là nơi cung cấp rất nhiều hàng hóa trung gian cho Việt Nam, trong đó có đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI. Mặt khác, Trung Quốc là điểm đến thường xuyên của các sản phẩm “nhạy cảm” từ Việt Nam như gỗ, đồ ăn, cao su. Hiện Trung Quốc là một thị trường lớn, nhưng cũng gây ra nhiều sự băn khoăn cho Việt Nam. Để kết luận, TS. Phạm Anh Tuấn đề xuất một số giải pháp như tìm kiếm các thị trường thay thế cho cả nhập khẩu và xuất khẩu (ví dụ như ASEAN); tăng cường giám sát các chuỗi sản phẩm và sản lượng đầu ra ngành nông nghiệp; đặt chỉ tiêu cao hơn với các khoản đầu tư của Trung Quốc và nỗ lực cạnh tranh, giành lại thị trường từ nước này.
TS. Phạm Anh Tuấn trình bày tham luận
Tiếp nối buổi tọa đàm, PGS.TS. Nguyễn Văn Chính trình bày báo cáo với chủ đề: “Món quà hay gánh nặng? Những hạn chế của viện trợ Trung Quốc tới Việt Nam”. Ông chia sẻ, viện trợ nước ngoài từ Trung Quốc thường được thúc đẩy bởi quyền lợi và các mục tiêu chính sách đối ngoại nói chung của nước này. Theo PGS. TS Nguyễn Văn Chính, viện trợ có thể bắt nguồn từ các mối quan tâm chính trị, thương mại, thậm chí là cả danh tiếng. Dường như Trung Quốc đang muốn đẩy mạnh mô hình ngoại giao chính phủ, trong khi những năm gần đây, ngoại giao nhân dân không được chú trọng. Điều này thể hiện mối liên hệ phức tạp về kinh tế-chính trị giữa hai nước. Phần lớn viện trợ của Trung Quốc cho Việt Nam là dưới hình thức các khoản vay ưu đãi và luôn đi kèm những điều khoản nghiêm ngặt như yêu cầu về nguyên vật liệu chế tạo công nghệ, trang thiết bị.
PGS.TS. Nguyễn Văn Chính trình bày tham luận
Trên quan điểm so sánh, TS. Anupama Devendrakumar (Trung tâm Nghiên cứu ASEAN, Đại học Chulalongkorn, Thái Lan) đã chỉ ra mức độ ảnh hưởng của Trung Quốc và Ấn Độ với các nước ASEAN. Nhận thức được những thay đổi bắt nguồn từ toàn cầu hóa, những năm gần đây, hai cường quốc Châu Á nỗ lực tiếp cận nền kinh tế của các quốc gia Đông Nam Á, gia tăng ảnh hưởng sâu rộng bằng cách viện trợ cho các nước trong ASEAN. Bên cạnh đó, TS. Thanyathip Sripana và TS. Sothitorn Mallikamas (Đai học Chulalongkorn, Thái Lan) cũng trình bày về viễn cảnh quan hệ Trung Quốc-Việt Nam-Lào-Thái Lan, trong đó nêu bật những cơ hội và thách thức mà các quốc gia Đông Nam Á đã và đang đón nhận, thông qua viện trợ gần đây từ các nhà đầu tư và chính phủ Trung Quốc.
Tác giả: Cao Hoàng
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn