PGS.TS Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN phát biểu tại hội tọa đàm
Trước thách thức của xu thế giáo dục đại học trên thế giới, Đảng và Nhà nước đã có những chính sách hỗ trợ cho các nhà khoa học Việt Nam, như học bổng giáo dục theo đề án 322, đề án 911... Về phía ĐHKHXH&NV, Ban Giám hiệu Nhà trường cũng tiên phong trong việc mạnh tay hỗ trợ ngân sách cho cán bộ học tập, nâng cao trình độ; khen thưởng trực tiếp cho các công trình công bố quốc tế (Hàng năm ngân sách hỗ trợ cho các công bố quốc tế không dưới 200 triệu đồng ). "Vậy còn chúng ta, những cán bộ trẻ, các bạn đang làm gì?", PGS. TS Phạm Quang Minh đặt câu hỏi.
Nhiều nhà khoa học trên thế giới và Việt Nam đều cho rằng, Việt Nam là một đất nước màu mỡ cho các nghiên cứu thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Việt Nam giống như một bảo tàng sống, hội tụ mọi thứ cho các nghiên cứu. Nhưng nếu không nắm bắt kịp xu thế, không chủ động thay đổi cho kịp thời, các nhà nghiên cứu trẻ Việt Nam nói chung và giảng viên trẻ Trường ĐHKHXH&NV nói riêng vẫn có nguy cơ bị gạt ra bên lề.
PGS.TS Phạm Quang Minh nói "Truyền thống Đại học Tổng hợp đã tạo ra những áp lực cho các cán bộ trẻ, khi đứng trên vai những người khổng lồ, nhưng chúng ta phải vượt qua, hoàn toàn có thể vượt qua, để nối tiếp lịch sử, khẳng định thương hiệu nhà trường trong tương lai".
Toàn cảnh buổi tọa đàm
Để có thể thúc đẩy hơn nữa quá trình hội nhập và phát triển đó, PGS.TS Phạm Quang Minh đề nghị phòng Tổ chức cán bộ Nhà trường sớm nghiên cứu, đưa ra phương án khuyến khích cán bộ trẻ hơn nữa. Theo đó, bên cạnh khen thưởng cho các nghiên cứu khoa học, Nhà trường sẽ có những chính sách cho các cán bộ giảng dạy giỏi, bởi dạy giỏi sẽ là tiền đề của nghiên cứu giỏi và nghiên cứu giỏi, sẽ trang bị cho nền tảng cho những giờ lên lớp thú vị.
Tại buổi tọa đàm, nhiều học giả đều cũng tán thành với nhận định, tương lai của nhà trường nằm trong tay những giảng viên trẻ. Do đó, chiến lược cốt lõi cho sự phát triển nên tập trung vào đội ngũ cán bộ, đặc biệt là những cán bộ trẻ.
Theo PGS.TS Trần Khánh Đức (Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội), giảng viên trẻ cần trang bị cho mình ngôn ngữ tiếng Anh để tiếp cận với các tài liệu nghiên cứu khoa học toàn cầu. Bởi hiện nay, 80% tài liệu khoa học đều sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh, người nghiên cứu trẻ không có tiếng Anh, thì không thể phát triển được.
Thêm vào đó, giảng viên trẻ cần xác định tâm thế mình là "thầy dạy" chứ không phải "thợ dạy". Điều này thách thức những giảng viên trẻ đứng lớp phải sớm trang bị cho mình những nền tảng kiến thức, văn hóa, xã hội, chính trị phong phú. Khi lên giảng đường, hãy vận dụng kiến thức đó để truyền tải cho sinh viên chứ đừng nói lại những kiến thức đã có sẵn trong giáo trình.
PGS.TS Hoàng Anh Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN đang thuyết trình tại tọa đàm
Sinh viên càng ngày càng thụ động và giảng viên cần tìm những cách để triệt tiêu nhược điểm đó. Đừng tạo áp lực quá lớn, mà cần mềm dẻo trong kết nối và truyền bá tri thức, PGS.TS Hoàng Anh Tuấn, Phó Hiệu trưởng Nhà trường chia sẻ "có đôi khi chúng ta phải động viên các bạn sinh viên, coi họ những người bạn đồng hành và luôn thay đổi trong cách truyền đạt để kiến thức đến với các bạn một cách thú vị và hữu ích".
Bên cạnh giảng dạy tốt, các nhà nghiên cứu trẻ Việt Nam cũng cần chú ý đến nghiên cứu và công bố các nghiên cứu khoa học, bởi chỉ có nghiên cứu các nhà khoa học mới có thể đưa ra các tri thức mới và đóng góp đến cộng đồng, xã hội. TS. Kosal Path, Đại học thành phố New York chia sẻ: "Nghiên cứu là cách thức duy nhất sáng tạo ra trí thức mới, thật kỳ cục khi những giảng viên đứng lớp luôn yêu cầu những sinh viên của mình tham gia khoa học mà cá nhân mình lại không có những công bố nào". Và "thực tế tại Mỹ, các trường đại học hàng đầu của Mỹ luôn coi tiêu chí nghiên cứu khoa học là tiêu chí số một khi nhận các nghiên cứu sinh theo học".
Chia sẻ qua bài thuyết trình "Vị trí của giảng viên trẻ ở các trường đại học Việt Nam và Đức: mấy suy nghĩ so sánh", PGS.TS Hoàn Anh Tuấn, Phó Hiệu trưởng Nhà trường nhấn mạnh: Đối với giảng viên trẻ, hãy luôn đặt cho mình một tâm niệm, nghiên cứu là mục tiêu chính của mình, các sản phẩm nghiên cứu như là "máu", như là "sự nghiệp", như là cách để chúng ta đóng góp cho xã hội.
Tác giả: Đình Hậu
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn