Trước tiên, cho phép tôi gửi đến quý vị đại biểu, đến Ban giám hiệu và các thày cô giáo, đến toản thể sinh viên lời chúc mừng nhân dịp khai giảng năm học thứ61 của nhà trường, xin chúc toàn trường ta sẽ dạy tốt, học tốt, sẽ gặt hái một năm học THÀNH CÔNG, một khóa học ĐẠI THÀNH CÔNG.
Bây giờ, tôi xin phép được nói đôi lời với các em sinh viên mới vào trường, những tân sinh viên khóa 61.
GS.NGND Vũ Dương Ninh phát biểu tại lễ khai giảng của Nhà trường
Các em thân mến,
Cách đây vừa tròn 60 năm, cũng vào những ngày thu đẹp của bầu trời Hà Nội, có những chàng trai, cô gái độ tuổi mười chín đôi mươi, ngỡ ngàng, e dè đặt chân lên những bậc thềm của toà nhà đại học nguy nga ở 19 Lê Thánh Tông. Nơiđây là cơ sở chính của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, một trong 5 trường đại học mới thành lập sau cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Đó là khóa đầu tiên của trường ta mà những sinh viên buổi đó, hôm nay đã ở vào độ tuổi tám mươi có lẻ.
Tôi may mắn được là một người trong số đó, sau khi tốt nghiệp đại học đã ở lại Khoa Sử làm cán bộ giảng dạy rồi về hưu năm 70 tuổi. Như vậy, tôi gắn bó với nhà trường vừa tròn nửa thế kỷ, và sau khi nghỉ hưu vẫn tiếp tục gắn bó với nhà trường, đến hôm nayđược thêm 10 năm và hy vọng còn thêm nhiều năm nữa.Chính vì thế, tôi rất tự hào về trường ĐHTH của chúng ta, nay là trường ĐHKHXHNV – ĐHQGHN. Và tôi muốn nhân dịp này phác thảo đôi nét về truyền thống của nhà trường để các em, những sinh viên mới của khóa 61 hiểu rằng mình đã trở thành thành viên của một ngôi trường đại học lâu năm, có bề dày truyền thống rất đáng tự hào. Tôi xin nói 5 điểm sau đây:
1. Nổi bật và xuyên suốt trong quá trình tồn tại và phát triển Nhà trường chúng ta chính là truyền thống yêu nước, sẵn sàng hy sinh vì nền độc lập và thống nhất, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc. Thế hệ các giáo sư đầu tiên của trường ta là những trí thức yêu nước, theo lời kêu gọi của Tổ quốc và sự cảm hóa của Bác Hồ đã gắn bó cả cuộc đời với sự nghiệp giáo dục và nghiên cứu khoa học trong hai cuộc kháng chiến cứu nước gian khổ, đầy hiểm nguy. Tiếp bước cha anh, nhiều lớp cán bộ và sinh viên những thập niên 1960 - 1970 đã hăng hái lên đường “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Sự cống hiến và hy sinh với tấm gương của các Anh hùng liệt sĩ như Lê Anh Xuân, Chu Cẩm Phong và nhiều giảng viên, sinh viên khác đã dựng xây nên những tượng đài vĩnh cửu và làniềm tự hào của các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, sinh viên Trường ĐH KHXH&NV ngày nay.
2. Là một cơ sở khoa học lớn của đất nước, truyền thống bền bỉ vươn lên tầm cao khoa học đã ngấm sâu vào tâm tư, ý nguyện của các thế hệ thày và trò, khắc ghi đậm nét tinh thần học thuật của Nhà trường. Các giáo sư thuộc thế hệ đi đầu cùng đội ngũ cán bộ khoa học tiếp sau đã dành hết trí tuệ và công sức nghiên cứu các vấn đề thuộc về xã hội và nhân văn, để lại nhiều công trình nổi tiếng có ý nghĩa lý luận và thực tiễn. Có thể nói, trong mọi giai đoạn phát triển của Nhà trường đều nổi lên những công trình có tầm vóc, đề cập những vấn đề thuộc về truyền thống dân tộc cũng như giải quyết những vấn đề đã và đang đặt ra trên tiến trình phát triển của đất nước. Sản phẩm khoa học đó là vốn quý góp phần vào kho tàng tri thức của đất nước, để lại những giá trị bền vững cho hôm nay và mai sau.
3. Đạt được hai điều trên chính là kết quả của truyền thống kế thừa và kết nối liên tục giữa các thế hệ thày và trò. Trong suốt 70 năm qua, sinh viên, nghiên cứu sinh, giảng viên lớp trẻ học tập miệt mài công trình của các nhà khoa học lớp trước, vừa tiếp thu kế tục, vừa bổ sung, nâng cao nhiều luận điểm khoa học để rồihình thành những “đợt sóng kiến thức” tiếp nối và phát triển không ngừng. Sự phát triển của nhiều khoa, nhiều bộ môn trong Trường là kết quả cụ thể của tinh thần kế thừa, tiếp nối liên tục, không bị gián đoạn, không bị hụt hẫng, tạo điều kiện rất cơ bản cho cuộc hành trình khoa học lâu dài, hầu như vô tận của Trường chúng ta.
4. Ngay từ khi thành lập, quan hệ đối ngoại được chủ trọng, chủ yếu với các đại học lớn của các nước XHCN như ĐH Lomonosov, ĐH Bắc kinh, ĐH Humboldt …Đến khi Đổi mới, cánh cửa đối ngoại mở rộng, quan hệ quốc tế của Trường phát triển mạnh mẽ, ngoài các đối tác XHCN, Trường và các khoa đã nhanh chóng mở cửa liên hệ với các trường đại học Pháp, Đức, Mỹ, Nhật, Úc, Trung Quốc và nhiều trường ở Đông Nam Á, Đông Bắc Á cùng nhiều châu lục khác. Đến nay, số lượng các nước, các trường có quan hệ với trường ta tăng lên vượt bậc. Sinh viên nhiều nước đã đến học ở trường ta và sinh viến, cán bộ trường ta đã được đào tạo từ nhiều nước. Điều đó tạo nên nét truyền thống về hội nhập quốc tế, đem lại kết quả trên nhiều lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu, trao đổi khoa học… Rất rõ ràng, ngày nay, sự hội nhập quốc tế là một yêu cầu thiết yếu tạo nên nguồn lực trí tuệ rất quan trọng cho việc phát triển KHXHNV Việt Nam.
5. Cuối cùng là truyền thống nhân văn, đúng như tên gọi của Nhà trường. 70 năm xây dựng và phát triển đã ghi dấu ấn sâu sắc về mối quan hệ tình người giữa thày và trò, giữa các thế hệ, giữa Nhà trường với xã hội. Do vậy, Trường ĐHKHXHNV giành được sự tin cậy của xã hội, chẳng những về nội dung học thuật mà còn về nếp sống, cách ứng xử trong sự giao tiếp, trong mọi mối quan hệ của cuộc sống. Có thể khẳng định rằng, chính truyền thống nhân văn đã tạo nên một môi trường giáo dục lành mạnh, trong sáng và qua đó đã dẫn đến thành công trong việc phát huy những truyền thống nói trên.
Kính thưa quý vị và các em thân mến,
Nói khái quát, những truyền thống của Trường ta ngày nay là chính sự thừa hưởng, sự kết tinh truyền thống vẻ vang của Đảng, của toàn dân tộc để rồi đến lượt mình, với tư cách một cơ sở đào tào và nghiên cứu về KHXHNV, chúng ta phải không ngừng phát huy và lan tỏa trong xã hội, truyền bá và nuôi dưỡng trong tâm hồn những thế hệ tiếp sau, tạo thành một nguồn lực vô giá và bất tận để đắp xây tương lai của đất nước, góp phần đem lại tự do, hạnh phúc cho đồng bào như điều mong mỏi của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ôn lại truyền thống tốt đẹp của Nhà trường, chúng ta bày tỏ tấm lòng tri ân tới các thế hệ nhà giáo tiền bối đã đặt những viên đá tảng cho nền đại học hôm nay; tri ân cácchiến sĩ, đồng bào, trong đó có không ít giảng viên và sinh viên Nhàtrường ta đã góp phần xương máu trong cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập và toàn vẹn non sông để chúng ta được giảng dạy và học tập bìnhyên trên giảng đường, được hòa mình vào cuộc sống xã hội và hội nhập cùng các trường đại học trên thế giới.
Với tấm lòng biết ơn sâu sắc các vị tiền bối và trách nhiệm nặng nề đối với tương lai, toàn thế sinh viên Khóa 61chúng ta hãy nguyệncùng nhau không ngừng phát huy Ý chí Nhân văn, Tinh thần Nhân vănvà Truyền thống Nhân văn. Chỉ 4 năm nữa thôi, các em sẽ hoàn thành khóa học, sẽ tự hào một cách xứng đáng rằng mình đã học tập, đã trưởng thành từ nơi đây và sẽ viết tiếp truyền thống vẻ vang của trường chúng ta, TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHXHNV – ĐHQGHN.
Xin chân thành cảm ơn quý vị.
Tác giả: ussh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn