Chủ đề được khách mời trình bày trong buổi sinh hoạt có nội dung: "Các kết quả nghiên cứu kinh tế - xã hội về nạn nhân chất độc da cam và gia đình của họ ở Hải Phòng, Việt Nam". Đối với các thành viên Câu lạc bộ, ngoài việc được nghe giới thiệu các kết quả nghiên cứu, đây còn là cơ hội học hỏi cách thức trình bày một nghiên cứu khoa học ngắn gọn và dễ hiểu bằng tiếng Anh.
GS.Norifumi Namatame và các cộng sự trong nhóm nghiên cứu
Trong phần trình bày của mình, GS. Norifumi Namatame cũng đã giới thiệu một cách khái quát các bước tiến hành một nghiên cứu khoa học, từ xây dựng đề cương, kế hoạch đến khảo sát thực địa. Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra những phát hiện mới từ góc nhìn khoa học xã hội về nạn nhân chất độc màu da cam ở Việt Nam bên cạnh nhiều công trình nghiên cứu khác từ góc nhìn y tế, chăm sóc sức khỏe, hoạt động xã hội…
GS. Norifumi Namatame kết thúc bài trình bày sau 30 phút đầu tiên. Ngay lập tức các đánh giá và trao đổi đã được đưa ra từ phía các thành viên câu lạc bộ. Thay mặt Câu lạc bộ, TS. Phạm Huy Cường (Phòng CT&CTSV) cảm ơn khách mời đã có phần trình bày với rất nhiều thông tin thú vị không chỉ ở kết quả nghiên cứu mà cả những chia rất chi tiết về các bước tiến hành nghiên cứu của GS. Nori và cộng sự tại Việt Nam.
Các thành viên Câu lạc bộ đã sôi nổi đưa ra những câu hỏi cũng như trao đổi: Tại sao địa bàn nghiên cứu Hải Phòng lại được lựa chọn trong khi đây không phải nơi chịu hậu quả trực tiếp của chất độc màu da cam trong chiến tranh (TS. Hứa Ngọc Tân, Khoa Ngôn ngữ học); Đây có thể là nghiên cứu ban đầu và liệu nhóm tác giả có kế hoạch tiến hành các nghiên cứu trên địa bàn khác, đặc biệt miền Trung và miền Nam Việt Nam không (ThS. Nguyễn Thị Kim Sáu, Phòng CT&CTSV); Nhóm nghiên cứu gặp phải những khó khăn gì trong quá trình khảo sát thực địa (TS. Đặng Hoàng Giang, Khoa VNH&TV); Nhóm nghiên cứu tìm kiếm kinh phí tài trợ từ đâu (ThS. Nguyễn Tích Nghị, Phòng TCCB); Gợi ý về việc triển khai nghiên cứu về nhóm đối tượng nạn nhân chất độc màu da cam là thế hệ thứ hai, thứ ba đang được nuôi dưỡng tại các trung tâm trên địa bàn Thành phố Hà Nội (TS. Nguyễn Thị Thu Hường, Phòng HT-PT); So sánh những khó khăn trong hỗ trợ đối với nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam và nạn nhân thảm họa nguyên tử ở Nhật Bản (TS. Phạm Huy Cường, Phòng CT&CTSV) … Tất cả các câu hỏi đều được GS. Norifumi Namatame đón nhận và trao đổi rất cởi mở.
Các kết quả nghiên cứu của GS. Norifumi Namatame về các nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam
Bữa trưa lần này bắt đầu muộn hơn thường lệ 15 phút và các nội dung trao đổi tiếp tục được kéo dài đến lúc kết thúc. Khách mời đã chia sẻ thêm những khó khăn do khác biệt văn hóa trong lần đầu tiến hành nghiên cứu của nhóm tại Việt Nam. Các thành viên LBCE đã rất hồ hởi chia sẻ kinh nghiệm và đưa ra các giải pháp cho các tình huống được đưa ra.
Tác giả: Cường Phạm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn