Tiền thân của Khoa là Tổ bộ môn Dân tộc học - Khảo cổ học được thành lập năm 1960 ở Khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội; năm 1967 trở thành Bộ môn Dân tộc học; năm 2004 trở thành Bộ môn Nhân học. Năm 2010, Bộ môn Nhân học tách ra trực thuộc Trường ĐHKHXH&NV và năm 2015 phát triển thành Khoa Nhân học.
Khoa Nhân học là nơi hội tụ của nhiều nhà giáo, nhà khoa học nổi tiếng như: PGS. Vương Hoàng Tuyên, thầy Hoàng Hoa Toàn, GS. Phan Hữu Dật, GS. Hoàng Nam, PGS. Hoàng Lương, PGS. Lê Sỹ Giáo, PGS.TS Lâm Bá Nam... Hiện nay Khoa có 17 cán bộ giảng viên, trong đó có 6 PGS, 5 TS, 04 NCS, gần 80% đội ngũ giảng viên được đào tạo ở các trường đại học nước ngoài.
Khoa là trung tâm giao lưu và kết nối Nhân học trong nước và quốc tế, đã tổ chức và triển khai nhiều hoạt động hợp tác nghiên cứu, đào tạo sinh viên, học viên sau đại học. Từ năm 1960, nhà Dân tộc học Xô Viết Bushugin đã sang hỗ trợ xây dựng chương trình và giảng dạy Dân tộc học. Trong thời kỳ đổi mới, nhiều trường đại học và các tổ chức quốc tế, các nhà Nhân học ở nhiều châu lục đã tìm đến Khoa để hợp tác, phối hợp triển khai các hoạt động nghiên cứu, đào tạo Nhân học và công bố quốc tế. Sự hội tụ, giao lưu và kết nối này đã tạo cơ sở nền tảng để Khoa kiến tạo và lan toả tri thức Nhân học suốt 6 thập kỷ.
Trong 10 năm qua, đội ngũ giảng viên của Khoa đã chủ trì và thực hiện 37 đề tài, dự án nghiên cứu, công bố hơn 50 công trình công bố quốc tế, 22 đầu sách tham khảo và chuyên khảo. Thành tích này không chỉ đưa Khoa trở thành đơn vị có thành tích vượt trội trong NCKH, hợp tác và công bố quốc tế mà còn đóng góp cho nền Nhân học thế giới các công trình nghiên cứu có tính gốc, tham gia thảo luận một số vấn đề học thuật trên các diễn đàn khoa học quốc tế.
Về công tác đào tạo, từ năm 1971 đến nay, Khoa đã đào tạo hơn 1.500 cử nhân, thạc sỹ và tiến sĩ, trong đó nhiều người trở thành những cán bộ lãnh đạo, quản lý và các chuyên gia chủ chốt của các viện nghiên cứu, các cơ sở giáo dục đại học, các cơ quan Đảng và Nhà nước.
PGS.TS Nguyễn Văn Sửu - Trưởng khoa Nhân học khẳng định: “60 năm truyền thống không chỉ là quá khứ mà còn là một tài sản lớn của hiện tại và tương lai. Đó là chặng đường xây dựng và phát triển để Khoa Nhân học khẳng định vững chắc vị thế, chỗ đứng và bản sắc của một trong những trung tâm Nhân học ở Việt Nam được định danh trên bản đồ Nhân học thế giới”.
Trong giai đoạn phát triển mới, Khoa Nhân học xác định rõ tầm nhìn quốc gia, khu vực và thế giới; với tâm thế dấn thân, đổi mới và kết nối sẽ nâng cao hơn nữa chất lượng NCKH, mở rộng hợp tác quốc tế, giảng dạy chất lượng cao, ứng dụng hiệu quả tri thức Nhân học vào giải quyết các vấn đề của thực tiễn đời sống xã hội đương đại.
GS.TS Hoàng Anh Tuấn - Phó Hiệu trưởng 10 trang web cá cược bóng đá hàng đầu , ĐHQGHN ghi nhận những đóng góp của Khoa Nhân học cho sự phát triển của Nhà trường và của đất nước: Khoa có một đội ngũ các thầy cô giáo có vị thế khoa học, có mạng lưới quan hệ hợp tác rộng khắp, tham gia triển khai các chương trình nghiên cứu trong và ngoài nước. Khoa cũng là một trong những đơn vị có tỉ lệ học viên cao học, nghiên cứu sinh đi du học đều đặn hàng năm. Ngoài ra, đội ngũ cộng tác viên, giáo sư thỉnh giảng đông đảo; số lượng cán bộ thường trực tham gia các hoạt động của Khoa rất ổn định. Đặc biệt, với vị thế về đào tạo và mạng lưới quan hệ quốc tế tốt, thành tích xuất bản các ấn phẩm trong nước và quốc tế của Khoa rất nổi bật.
Nhà trường mong rằng trong thời gian tới, công tác hợp tác quốc tế tiếp tục là một điểm sáng của Khoa. Đội ngũ cán bộ của Khoa tiếp tục được quan tâm phát triển cả về chất và lượng. Khoa vừa giữ được bản sắc riêng là tính hàn lâm trong đào tạo, vừa chủ động gắn mình với các xu hướng phát triển mới; đưa những tri thức hàn lâm vốn là thế mạnh của đơn vị vào các chương trình nghiên cứu xã hội trọng điểm, tham gia tư vấn chính sách cho Đảng và Nhà nước; khẳng định vị thế tiên phong trong nghiên cứu Nhân học ở tầm quốc tế.
PGS.TS Lâm Bá Nam - Chủ tịch Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam chia sẻ những kỷ niệm và tri ân thế hệ các nhà giáo - nhà dân tộc học thời kỳ đầu như GS. Đặng Nghiêm Vạn, GS. Phan Hữu Dật, GS. Nguyễn Dương Minh, GS. Nguyễn Quốc Lộc... Các thầy không chỉ truyền dạy kiến thức mà còn truyền lửa đam mê, tình yêu với ngành học và nghề nghiệp này đến học trò bằng chính tấm gương làm khoa học của mình. Trải qua chặng đường dài phát triển từ Bộ môn Dân tộc học cho đến Khoa Nhân học, dù có nhiều khó khăn nhưng Khoa luôn kiên định hướng phát triển tiến lên phía trước. Bộ môn Dân tộc học là bộ môn duy nhất giảng dạy và nghiên cứu Dân tộc học ở miền Bắc và là đơn vị giúp xây dựng các đơn vị đào tạo Dân tộc học ở nhiều trường đại học ở miền Nam. Dù chỉ là một bộ môn nhưng vị thế của đơn vị về mặt khoa học là rất lớn, trong đó phải kể đến đội ngũ các nhà khoa học, nhà giáo tài năng đã tạo dựng nên uy tín và nền tảng cho khoa Nhân học ngày nay.
GS Vũ Dương Ninh - Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Trường ĐHKHXH&NV, nguyên sinh viên khoá I Khoa Lịch sử chia sẻ kỷ niệm những ngày đầu học tập và nghiên cứu về Lịch sử và Dân tộc học tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Những bài giảng trên lớp và các trải nghiệm điền dã đã đem lại cho thầy những kiến thức nền tảng và thực tiễn chắc chắn về Dân tộc học, giúp ích nhiều cho sự nghiệp nghiên cứu và giảng dạy Lịch sử của thầy sau này. Thầy khẳng định vai trò quan trọng của ngành học đối với sự phát triển của xã hội và kỳ vọng Khoa sẽ trở thành trung tâm nghiên cứu và đào tạo Nhân học chất lượng cao của thế giới.
Trong lễ kỷ niệm, Khoa cũng công bố việc thành lập quỹ Nguyễn Văn Huyên mang tên nhà Dân tộc học đầu tiên của Việt Nam. Gia đình cố GS. Nguyễn Văn Huyên đã tặng Khoa 150 triệu để thành lập quỹ này.
PGS.TS Nguyễn Văn Huy - đại diện gia đình, những người sáng lập Quỹ Nguyễn Văn Huyên chia sẻ: Quỹ sẽ trao giải thưởng hàng năm cho các HVCH, NCS có những đề xuất ý tưởng nghiên cứu hay, có chất lượng tốt và tính khả thi cao. Quỹ sẽ góp phần hỗ trợ, khuyến khích những nhà Nhân học trẻ tuổi, HVCH, NCS của Khoa dấn thân vào sự nghiệp khoa học với tinh thần nghiêm túc, thực hiện những nghiên cứu xuất sắc trong quá trình làm luận án, hướng tới trở thành những nhà nhân học có chuyên môn giỏi, đóng góp vào sự nghiệp phát triển đất nước.
Khoa Nhân học nhận cờ thi đua của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo vì có thành tích trong phong trào thi đua đổi mới sáng tạo trong dạy và học năm học 2018-2019.
Khoa cũng trao 15 suất học bổng của Giải thưởng Phan Hữu Dật năm học 2019-2020 cho 13 sinh viên, 01 HVCH, 01 NCS.
Trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 60 năm truyền thống, trong 02 ngày 15-16/12/2020, Khoa Nhân học tổ chức chuỗi hoạt động khoa học: xuất bản 02 cuốn sách Nghiên cứu tộc người ở Việt Nam - Văn hoá và phát triển và Nhân học - ngành khoa học về con người; trưng bày ảnh phản ánh những dấu mốc và thành tựu trong chặng đường 60 năm phát triển của Khoa; tổ chức hội nghị nghiên cứu khoa học sinh viên, hội nghị nghiên cứu khoa học của HVCH và NCS; hội thảo quốc tế Nhân học và phát triển ở Việt Nam đương đại. |
GS. Nguyễn Văn Huyên là nhà dân tộc học đầu tiên ở nước ta được đào tạo bài bản về phương pháp nghiên cứu Nhân học hiện đại ở Pháp. Ông để lại nhiều công trình có tính khai mở cho nền Dân tộc học và Nhân học Việt Nam. Cuộc đời và sự nghiệp khoa học và giáo dục của ông là tấm gương sáng trong thế hệ trí thức vàng hiến dâng cuộc đời cho nền độc lập của đất nước thế kỷ 20. Hát đối đáp của nam nữ thanh niên Việt Nam của ông xuất bản ở Paris năm 1934 là một kiệt tác, một mẫu mực tiếp cận nghiên cứu tổng thể về ngôn ngữ và văn hoá dân gian trong đời sống xã hội Việt Nam. Nhập môn nghiên cứu nhà sàn ở Đông Nam Á xuất bản cùng năm là công trình đầu tiên khai mở về cách tiếp cận khu vực học của Nhân học, đó là khu vực Đông Nam Á. Các công trình này và các công trình khác về Hội Gióng, Hội làng Yên Sở, về sự hình thành làng xã ở đồng bằng Bắc Bộ, về bản đồ sự phân bố các thành hoàng làng, về đời sống nông thôn và cuộc sống của những người nông dân nghèo khổ, về chữ nôm Tày, hát đám cưới Tày, đạo Mẫu... đã trở thành những nển tảng vững chắc của dân tộc học Việt Nam ngay từ thưở khai sinh. |
Tác giả: Thanh Hà, Quốc Toản, Thịnh An