Top 10 Trang Cá Cược Bóng Đá Uy Tín

Ngôn ngữ      

Nghệ thuật tuyên truyền và đời sống đất nước trong tranh cổ động

Chủ nhật - 18/10/2020 04:28
(ĐCSVN) – Tham luận của các đại biểu tại Tọa đàm "Nghệ thuật tuyên truyền và đời sống đất nước trong tranh cổ động" đã khẳng định, ở Việt Nam, tranh cổ động gắn liền với cuộc đấu tranh giải phóng và bảo vệ độc lập dân tộc.

Ngày 16/10, tại Hà Nội, Bảo tàng Báo chí Việt Nam (Hội Nhà báo Việt Nam) phối hợp với Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông (Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn) tổ chức Tọa đàm và trưng bày chuyên đề: Nghệ thuật tuyên truyền và đời sống đất nước trong tranh cổ động.

Tranh cổ động là một thể loại của nghệ thuật tạo hình Việt Nam, có lối biểu đạt nội dung dễ hiểu, rõ ràng, thuyết phục; có tính khái quát, tính thẩm mỹ, tính trực quan. Trong lịch sử cách mạng nước ta, ngay từ khi ra đời, tranh cổ động đã nhanh chóng trở thành một phương tiện nghệ thuật hiệu quả góp phần chuyển tải chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với mọi tầng lớp nhân dân.

Phát biểu tại Tọa đàm, Nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, cũng như báo chí, những thông điệp mà tranh cổ động mang luôn có tính thời sự trong thời đại của chúng ta hôm nay và chắc chắn đây sẽ tiếp tục là dòng tranh có khả năng khơi dậy mạnh mẽ khả năng sáng tạo của các họa sĩ trong quá trình tiếp cận công chúng và thâm nhập đời sống xã hội. Vì vậy, các nhà báo, các họa sĩ vẽ tranh cổ động luôn khiến chúng ta nghĩ đến những chiến sĩ trên mặt trận tuyên truyền, đi đầu trong hoạt động phản ánh các vấn đề thời sự và có tác động trực tiếp, mạnh mẽ trong đời sống đất nước.

Đại diện Hội Nhà báo Việt Nam tiếp nhận tranh và kỷ vật do nhà báo Nguyễn Đăng Tiến trao tặng. (Ảnh: HT) 

Nhà báo Hồ Quang Lợi cũng hoan nghênh Bảo tàng Báo chí Việt Nam, dù mới ra đời được hơn 3 tháng, nhiệm vụ còn nặng nề nhưng đã chủ động, tích cực nghiên cứu, sáng tạo trong việc tổ chức sự kiện tiếp nhận Bộ sưu tập 1010 bức tranh cổ động do Nhà báo Nguyễn Đăng Tiến dày công sưu tầm và hiến tặng. “Chính việc tổ chức Tọa đàm và Trưng bày này sẽ giúp chúng ta và công chúng tin tưởng hơn ở sức mạnh của nghệ thuật tuyên truyền ở tranh cổ động và ở trên báo chí cũng như nhiều phương tiện truyền thông khác” - Nhà báo Hồ Quang Lợi khẳng định.

Tại Tọa đàm, tham luận của các đại biểu đã khẳng định ở Việt Nam, tranh cổ động gắn liền với cuộc đấu tranh giải phóng và bảo vệ độc lập dân tộc. Ngay từ khi mới ra đời, tranh cổ động đã có vai trò to lớn, phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ chính trị và cuộc sống của nhân dân.

PGS.TS Đặng Thị Thu Hương, Viện trưởng Viện Đạo tạo Báo chí và Truyền thông (Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn) cho rằng, từ những năm 1920, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã vẽ những bức tranh cổ động trên Báo Người cùng khổ xuất bản tại Pháp để truyền bá, cổ vũ cho những người cùng khổ thấu hiểu, kết đoàn đấu tranh. Năm 1941, Nguyễn Ái Quốc về nước, thành lập Mặt trận Việt Minh với cơ quan ngôn luận là báo Việt Nam Độc lập. Trên tờ báo này, chữ “Việt Nam Độc lập” được Nguyễn Ái Quốc vẽ thành một người dân Việt đội nón thổi loa kèn kèm theo bốn câu thơ dễ hiểu, kêu gọi mọi người đoàn kết cứu nước. Từ đó, tranh cổ động cũng đã được hiện diện và gắn kết với phong trào đấu tranh bảo vệ đất nước.

Theo PGS.TS Đặng Thị Thu Hương, tranh cổ động vừa có tính nghệ thuật, vừa có tính thời sự, vừa có tính tuyên truyền, và ẩn sâu trong đó là tính báo chí rất đậm nét. Tranh nghệ thuật thường dành cho nhóm công chúng riêng biệt, có khả năng cảm thụ và thường là độc bản, nhưng tranh cổ động thì có thể nhân bản rất nhiều để quảng bá rộng rãi đến công chúng. Ngôn ngữ trong tranh nghệ thuật thì chỉ có một nhóm đối tượng có thể cảm nhận và thẩm thấu được. Còn tranh cổ động thì mọi người nhìn trực diện và cảm nhận trực tiếp. Tranh cổ động bám theo những sự kiện lớn của đất nước và truyền tải những thông điệp mạnh mẽ để cỗ vũ nhân dân thực hiện những nhiệm vụ chính chị xã hội. Chính vì vậy, tranh cổ động có rất nhiều điểm tương đồng với báo chí.

Công chúng tham quan trưng bày chuyên đề tranh cổ động. (Ảnh: HT)

Nhà nghiên cứu Tạ Thu Phong cho biết, trong suốt hành trình của báo chí qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, tranh cổ động luôn được các tờ báo từ Trung ương đến địa phương khai thác phục vụ công tác tuyên truyền. Trên các báo như Nhân dân, Văn nghệ, Lao động, Phụ nữ luôn xuất hiện những tranh tuyên truyền chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, chi viện miền Nam cho đến cổ vũ các phong trào “người tốt, việc tốt”, “ba sẵn sàng”, “ba đảm đang”, tinh thần quả cảm và chiến công của bội đội trên các chiến trường, toàn dân thi đua lao động sản xuất…

Trước những sự kiện, vấn đề lớn của xã hội, của đất nước, tranh cổ động lại cất lên tiếng nói của riêng mình, thể hiện vai trò xung kích trên mặt trận tuyên truyền. Trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 vừa qua, dòng tranh cổ động đã thực thi tốt sứ mệnh của mình trong việc tuyên truyền, vận động người dân chung tay phòng chống dịch bệnh. Điều này minh chứng cho sức sống mạnh mẽ của dòng tranh này.

Ông Nguyễn Đăng Tiến, nguyên Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam – người đã tặng cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam 1010 bức tranh cổ động chia sẻ: "Tranh cổ động đã gắn bó với cuộc sống chiến đấu, lao động sản xuất và đi vào tiềm thức của hàng triệu chiến sĩ, đồng bào; đồng thời là dấu ấn đậm nét về những sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước và dân tộc. Chính bởi vậy, tôi đã gửi gắm vào Bảo tàng báo chí 1010 bức tranh cổ động được sưu tầm hơn 20 năm qua để công chúng có thể đọc được lịch sử đất nước thông qua những bức tranh đầy cảm xúc".

Trong khuôn khổ sự kiện, Ban Tổ chức cũng trưng bày hơn 200 bức tranh cổ động được lựa chọn từ 1010 tranh cổ động do ông Nguyễn Đăng Tiến tặng Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Trưng bày diễn ra tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam, phố Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội.

Theo Báo Điện tử ĐCSVN

Tác giả: Hà Thảo

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây