Hội thảo về hôn nhân Việt – Hàn do Trường ĐHKHXH&NV và Viện Phát triển chính sách phụ nữ Chungcheongnam (VPCP), Hàn Quốc phối hợp tổ chức ngày 22/4/2009.
Hội thảo về hôn nhân Việt – Hàn do Trường ĐHKHXH&NV và Viện Phát triển chính sách phụ nữ Chungcheongnam (VPCP), Hàn Quốc phối hợp tổ chức ngày 22/4/2009.
Tham gia hội thảo là các chuyên gia đến từ ĐHQGHN, Bộ Tư pháp, Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch Việt Nam, Đại học Chungwoon, Viện Phát triển chính sách phụ nữ Hàn Quốc. Hội thảo đã nghe và thảo luận xung quanh hai tham luận chính: “Di cư hôn nhân Việt Nam – Hàn Quốc: những vấn đề đặt ra” của PGS. TS. Lê Thị Quý – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giới và Phát triển và “Vấn đề và giải phát ứng phó của chính quyền trung ương và địa phương Hàn Quốc về cô dâu người nước ngoài” của tác giả Kim Young Ju - VPCP.
Hôn nhân có yếu tố nước ngoài ở Việt Nam đã có từ lâu trong lịch sử. Song, những năm đầu của thập niên 90 của thế kỉ 20 trở lại đây, hiện tượng này mới thực sự phổ biến và gây sự chú ý trong dư luận xã hội. Hàng năm có khoảng 10.000 phụ nữ Việt Nam kết hôn với người nước ngoài, chủ yếu là với người Đài Loan và Hàn Quốc. Theo Cục Thống kê Hàn Quốc, trong vòng 5 năm gần đây, tỉ lệ kết hôn với người nước ngoài của Hàn Quốc tăng lên ba lần, trong đó tỉ lệ đàn ông Hàn Quốc lấy vợ Việt Nam tăng đến 43 lần, năm 2001 là 134 người và đến năm 2005 là 5.822 người.
[img class="caption" src="images/stories/2009/04/23/img_7722.jpg" border="0" alt="Bà Kim Young Ju - Trưởng phòng Chính sách phụ nữ, Việt Phát triển chính sách phụ nữ Chungcheongnam (Hàn Quốc)" title="Bà Kim Young Ju - Trưởng phòng Chính sách phụ nữ, Việt Phát triển chính sách phụ nữ Chungcheongnam (Hàn Quốc)" width="160" height="240" align="left" ]Tuy nhiên, mặt trái của các cuộc hôn nhân Hàn – Việt tưởng chừng như hợp pháp kia là hiện tượng hàng chục nghìn trẻ em và phụ nữ bị buôn bán qua biên giới dưới hình thức môi giới hôn nhân, sự bất bình đẳng trong hôn nhân khi mà đàn ông Hàn Quốc nhờ có chính sách hỗ trợ mà tìm đến các nước nghèo để tuyển vợ trong khi phụ nữ Việt Nam lại không có quyền lựa chọn chồng... Đằng sau những cuộc hôn nhân bất bình đẳng này là những mâu thuẫn nghiêm trọng trong đời sống gia đình các cô dâu Việt, đó là sự khác biệt về văn hoá, pháp luật và phong tục tập quán. Động cơ muốn thu hồi “vốn” của cô dâu, tâm lí lo ngại vợ bỏ trốn sau khi đã phải trả một khoản chi phí cưới vợ của chú rể Hàn đã khiến gia đình người chồng khống chế tài chính cũng như cơ hội giao tiếp bên ngoài của người vợ. Ngoài ra, luật ủng hộ gia đình đa văn hoá của Hàn Quốc cũng thể hiện sự chưa công bằng khi yêu cầu người phụ nữ phải học ngôn ngữ, phong tục, văn hoá của chồng nhưng ngược lại, người chồng lại không cần tìm hiểu những điều đó ở phía người vợ. Hôn nhân không trên cơ sở tình yêu thật sự, cùng việc thiếu thông tin rõ ràng về hai phía, lại chịu sự chi phối vì mục đích lợi nhuận của môi giới trung gian, đã khiến nhiều cuộc hôn nhân trở thành bi kịch với những vụ bạo lực gia đình, hay nhẹ hơn là sự không thể hoà nhập với cuộc sống chung. Tại Hàn Quốc, con số li hôn của các cặp vợ chồng quốc tế năm 2003 là 2.784 vụ, đến năm 2007 đã tăng lên 8.348 vụ. Mặt khác, trẻ em thế hệ thứ hai trong các gia đình đa văn hoá này cũng cần phải được quan tâm đúng mức để không chỉ hoà nhập được với môi trường xung quanh mà còn phải biết và hiểu được về quê hương thứ hai của mình. Tuy nhiên, vấn đề nay hiện nay vẫn chưa được quan tâm đúng mức.
Để “hôn nhân quốc tế không tạo một mối lo ngại về sự bất ổn xã hội mà còn trở thành cầu nối của tình hữu nghị và giao lưu văn hoá giữa hai dân tộc”, PGS.TS Lê Thị Quý cho rằng cần thiết lập một mạng lưới nghiên cứu và hành động quốc tế về vấn đề di cư và hôn nhân giữa Việt nam và Hàn Quốc để cải thiện luật pháp hai nước, bảo vệ cho phụ nữ di cư hôn nhân được an toàn, tôn trọng văn hoá hai nước và phòng chống buôn bán người.
Đại biểu Kim Young Ju đến từ VPCP thì cho rằng hiện nay, chính quyền trung ương và địa phương Hàn Quốc đã dần nhận thức rằng cô dâu nước ngoài và gia đình đa văn hoá là những thực thể đóng góp vào sự phát triển của xã hội. Từ năm 2005, chính phủ bắt đầu có những điều tra, nghiên cứu đầu tiên và từ 2006, một số cơ quan đã phối hợp đề xuất các phương án hỗ trợ cho cô dâu nước ngoài. Chính phủ đã cho ra đời có luật quản lí nghề môi giới kết hôn quốc tế và luật cơ bản đối xử với người nước ngoài tại Hàn Quốc vào năm 2007; định ra những phương hướng cơ bản trong chính sách về người nước ngoài giai đoạn trung và dài hạn; tăng cường các chính sách hỗ trợ về quyền lợi của phụ nữ nước ngoài lấy chồng Hàn Quốc trên cơ sở bình đẳng với người bản địa; coi trọng việc giáo dục đào tạo đa văn hoá ở các địa phương, thành lập các trung tâm hỗ trợ gia đình kết hôn với người nước ngoài tại theo quận, huyện... Tuy nhiên, những chính sách hỗ trên không nên chỉ là sự hỗ trợ giai đoạn đầu giúp họ thích ứng với đời sống mới mà phải được lập thành kế hoạch trên quan điểm coi những cô dâu nước ngoài và gia đình đa văn hoá như là “sức mạnh xã hội”, là thành viên chủ thể của xã hội, có thế mới giải quyết được triệt để tình trạng bất bình đẳng mang tính dân tộc tại các gia đình, địa phương có hôn nhân quốc tế. Và những hỗ trợ cho các đối tượng này nên được nhìn nhận là sự đầu tư tốt cho tương lai của xã hội, của cộng đồng.
Tác giả: thanhha
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn