Hội thảo còn có sự tham dự của ngài Claudio Digri - Đại sứ nước Cộng hoà Chi Lê tại Việt Nam, ngài Jorge Rondón Uzcátegui - Đại sứ nước Cộng hoà Bolivia tại Việt Nam. Về phía Trường ĐHKHXH&NV có sự hiện diện của PGS.TS Hoàng Anh Tuấn - Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV.
PGS.TS Hoàng Anh Tuấn phát biểu tại hội thảo
Giáo sư Trần Đức Thảo sinh ngày 26/9/1917 tại huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, trong một gia đình viên chức nhỏ. Cho đến nay, ông là triết gia Việt Nam duy nhất nổi danh trên diễn đàn khoa học và được công nhận có tầm vóc quốc tế ở phương Tây. Nếu tính cả quãng thời gian tu nghiệp tại Pháp (vào cuối những năm 30, 40 của thế kỷ trước) và những tác phẩm viết bằng tiếng Pháp và in tại Pháp của ông thì Trần Đức Thảo còn là một triết gia Pháp. Ông là người Việt Nam độc nhất, ở thế hệ của mình, có con đường học vấn triết học thực thụ.
Ông được đào tạo chính quy tại trường cao đẳng sư phạm phố d’Ulm nổi tiếng ở Paris từ 3/1941 - 9/1944 và có cơ hội hoạt động trong một môi trường trí thức tinh hoa Pháp, có liên hệ gần gũi với nhiều triết gia có ảnh hưởng lớn trong sinh hoạt triết học nửa sau thế kỷ XX như Jean-Paul Sartre, Merleau-Ponty, Alexandre Kojève, Louis Althusser, Jacques Derrida… Đồng thời, những phát kiến và tư tưởng của ông được họ công nhận và đánh giá cao như là “những cống hiến độc đáo cho các lĩnh vực triết học, nhân chủng học, ngôn ngữ học” (Daniel J. Herman). Trần Đức Thảo là người Việt Nam duy nhất có trường phái triết học mang tên mình và hiện vẫn đang được nhiều học giả tìm hiểu và nghiên cứu.
Ngài Claudio Digri - Đại sứ nước Cộng hoà Chi Lê tại Việt Nam
Với chủ nghĩa Mác, Trần Đức Thảo được đánh giá là người có công phát triển chủ nghĩa duy vật biện chứng thành chủ nghĩa duy vật biện chứng nhân bản (Cù Huy Chử) mà Mác là người tạo dựng. Trong triết học, ông đã tạo nên một hệ thống tư duy tổng thể liên tục tiếp thu cái mới. Lần đầu tiên có một triết gia thuộc trường phái Husserl là Trần Đức Thảo thành công trong việc kết hợp hiện tượng học của Husserl với chủ nghĩa duy vật biện chứng của Mác.
Trong hơn 40 năm, ông dành toàn bộ thời gian để hiện thực hoá phương pháp luận mácxít, làm cho triết học gắn bó với đời sống, bám chặt lấy số phận con người dân tộc mình. Trần Đức Thảo có niềm tin sâu sắc rằng chủ nghĩa Mác không phải là một lý thuyết giáo điều, mà phải là ngọn đuốc thực tiễn dẫn đường cho cuộc cách mạng vô sản. Vơi ý nghĩa đó, hoàn toàn có cơ sở để khẳng định, có một triết lý mang tên Trần Đức thảo và càng có “tư duy và phong cách Trần Đức Thảo” – một đóng góp lớn của trí tuệ Việt Nam cho nhân loại mà nhiệm vụ của lớp người Việt Nam sau ông phải định hình, làm rõ bản chất, nguồn gốc, nội dung và những đặc điểm cơ bản của nó bằng cách đi sâu nghiên cứu di sản triết học quý giá mà ông để lại.
Ngài Jorge Rondón Uzcátegui - Đại sứ nước Cộng hoà Bolivia tại Việt Nam
Hội thảo “Trần Đức Thảo và triết học Việt Nam nửa sau thế kỷ XX: một vài nghiên cứu so sánh” tập trung vào những ý tưởng sáng tạo của triết gia Trần Đức Thảo, tạo đà cho quá trình nghiên cứu sâu rộng về những đóng góp của ông, và làm nổi lên hai bài học lớn. Đó là bài học về phương pháp tư duy và bài học về nhân cách người trí thức Việt Nam.
PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng khoa Triết học trình bày báo cáo đề dẫn hội thảo
Gần 60 bài viết tham gia hội thảo tập trung làm rõ các chủ đề quan tâm chính của Trần Đức Thảo và một số vấn đề triết học được quan tâm ở Việt Nam trong nửa sau thế kỷ XX và những năm gần đây.
Thứ nhất là Trần Đức Thảo đối chiếu hiện tượng học của Husserl với chủ nghĩa duy vật biện chứng. Chủ đề lớn thứ hai ở Trần Đức Thảo bao gồm những công trình viết về sự chuyển hoá của phép biện chứng duy tâm Hegel thành phép biện chứng duy vật ở Mác, cùng vai trò của chủ nghĩa Mác trong việc nhận thức và cải tạo thế giới. Chủ đề thứ ba bao gồm những công trình nghiên cứu có thể được xếp vào chủ nghĩa duy vật biện chứng của Trần Đức Thảo: ý thức, tư tưởng xuất hiện như thế nào trong cuộc tiến hoá vĩ đại của tự nhiên đi từ vật chất, qua sinh vật, lên nhân loại. Chủ đề thứ tư liên quan đến bản chất va sự hình thành con người, qua đó ông cũng nêu sơ đồ tiến hoá của lịch sử loài người, từ “xã hội cộng sản nguyên thuỷ” lên “xã hội cộng sản khoa học”, thông qua sự chuyển biến của các phương thức sản xuất trung gian.
Tác giả: Thanh Hà
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn