Top 10 Trang Cá Cược Bóng Đá Uy Tín

Ngôn ngữ      

Hội thảo quốc tế “Tôn giáo, kinh tế và cộng đồng ASEAN”

Thứ hai - 23/10/2017 06:18
Ngày 23/10/2017, Trường ĐHKHXH&NV và Trường Luật J. Reuben Clark (Đại học Brigham Young) đã phối hợp tổ chức hội thảo quốc tế “Tôn giáo, kinh tế và cộng đồng ASEAN”.

Tham dự hội thảo, (i) về phía các cơ quan hữu quan có ông Dương Ngọc Tấn (Phó Ban Tuyên giáo Chính phủ), TS. Lê Bá Trình (Nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam), ông Nguyễn Văn Thanh (Trưởng Ban Tôn giáo, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam); (ii) về phía Trường ĐHKHXH&NV có GS. TS Phạm Quang Minh (Hiệu trưởng Nhà trường), GS. TS Nguyễn Văn Kim (Phó Hiệu trưởng Nhà trường), GS. TS Đỗ Quang Hưng (Trưởng nhóm Nghiên cứu mạnh Tôn giáo & Pháp quyền), cùng đông đảo các nhà khoa học, nhà quản lý, các chức sắc tôn giáo, đại diện các cơ quan hữu quan, trung ương.

Quang cảnh hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, GS. TS Phạm Quang Minh nhấn mạnh tầm quan trọng của chủ đề hội thảo, đó là vai trò của tôn giáo với sự phát triển kinh tế cũng như quan hệ mật thiết giữa hai yếu tố này. Chủ đề này không chỉ thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học, các học giả mà còn khơi dậy sự chú ý của các doanh nhân, chức sắc tôn giáo, cán bộ hoạch định chính sách. Hội thảo này cũng được tổ chức với góc nhìn của Cộng đồng ASEAN. Trong bối cảnh Cộng đồng Kinh tế ASEAN mới ra đời gần 2 năm (tháng 12/2015-10/2017), ASEAN cần đảm bảo sự dung hòa giữa phát triển kinh tế và các lĩnh vực chính trị, xã hội, tôn giáo. GS. TS Phạm Quang Minh tin rằng, hội thảo sẽ đem lại những kinh nghiệm và bài học quý giá cho các nhà hoạch định chính sách ở ASEAN trong quá trình kiến thiết một cộng đồng chung.

Đồng quan điểm với GS. TS Phạm Quang Minh, GS Brett G. Scharffs (Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Luật pháp và Tôn giáo, Trường Luật ĐH Brigham Young) khẳng định một nền kinh tế lành mạnh, năng động có liên hệ chặt chẽ với sự ứng xử của một quốc gia với các vấn đề tôn giáo. Nếu có sự đàn áp hoặc phân biệt đối xử về tôn giáo, tăng trưởng kinh tế của một quốc gia đó sẽ bị tổn hại đáng kể. Ông cho biết, hiện nay có hai quan niệm phổ biến về tôn giáo: thứ nhất là coi tôn giáo như một vướng mắc cần được giải quyết và xử lý, thứ hai là như một cơ hội để đóng góp vào sự phát triển. Tuy thừa nhận sự tồn tại của cả hai quan niệm trên, ông đề cao những chính sách quốc gia theo hướng thứ hai. Đối với riêng ASEAN, đây là khu vực có sự đa dạng, phong phú về tôn giáo, trong đó có ba đại biểu lớn là Hồi giáo, Phật giáo và Thiên chúa giáo. Để gặt hái tiềm năng toàn diện của mình, cộng đồng ASEAN cần tạo ra sự hài hòa tôn giáo, tức là có sự đối xử tích cực, công bằng với tất cả các tôn giáo. Nhất là khi hiện nay vẫn còn có những xung đột tôn giáo trong mỗi nước và giữa các nước ASEAN.

GS Brett G. Scharffs phát biểu tại hội thảo

Thay mặt nhóm Nghiên cứu mạnh về Tôn giáo & Pháp quyền, GS. TS Đỗ Quang Hưng cho biết, ý tưởng tổ chức một hội thảo về tôn giáo và kinh tế tại Đông Nam Á đã hình thành từ lâu. Theo ông, hiện nay đã xuất hiện các thuật ngữ mới trong giới nghiên cứu như “vốn kinh tế-tôn giáo”, “kinh tế của tôn giáo” (economics of religion). Điều đó chứng tỏ tôn giáo có vai trò trong các hoạt động trên thương trường. Do đó, hội thảo lần này có mục tiêu đào sâu hơn về mối quan hệ giữa hai yếu tố này. Hội thảo còn có một sự đặc biệt nữa, đó là ngoài các nhà khoa học, nhà quản lý, nhà doanh nghiệp, còn có sự tham gia của các chức sắc tôn giáo như Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Đại Hiệp sĩ Thánh giá Lê Đức Thịnh. Đây là tiếng nói bổ sung vào cuộc trao đổi giữa hai phía kinh tế và tôn giáo.

GS. TS Đỗ Quang Hưng phát biểu tại hội thảo

Hội thảo sẽ diễn ra trong hai ngày 23/10-24/10/2017 với 6 tiểu ban.

Tiểu ban 1: Tôn giáo và kinh tế: Các hướng tiếp cận

Tiểu ban 2: Kinh tế Tôn giáo ở Đông Nam Á hiện nay

Tiểu ban 3: Nhà doanh nghiệp, nhà tôn giáo, nhà chính trị, giới nghiên cứu: Hài hòa xã hội tôn giáo trong phát triển Cộng đồng ASEAN

Tiểu ban 4: Tôn giáo và Luật pháp ở Đông Nam Á: Biến số phụ thuộc và biến số độc lập

Tiểu ban 5: Kinh tế Tôn giáo trong Khung cảnh Xã hội Chính trị Đông Nam Á

Tiểu ban 6: Tôn giáo, Kinh tế ở Đông Nam Á: Vấn đề và triển vọng

Tác giả: Trần Minh

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây