Đó là tên buổi toạ đàm do Trung tâm Nội trú sinh viên ĐHQGHN và Trung tâm Hỗ trợ và Tư vấn tâm lí của Trường ĐHKHXH&NV phối hợp tổ chức tại nhà văn hoá kí túc xá Mễ Trì tối 2/7/2008.
Đó là tên buổi toạ đàm do Trung tâm Nội trú sinh viên ĐHQGHN và Trung tâm Hỗ trợ và Tư vấn tâm lí của Trường ĐHKHXH&NV phối hợp tổ chức tại nhà văn hoá kí túc xá Mễ Trì tối 2/7/2008.
Toạ đàm có sự tham gia trao đổi, tư vấn, đối thoại trực tiếp của nhiều chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực tâm lí, dinh dưỡng, sức khoẻ tâm thần của Việt Nam. Mục tiêu của toạ đàm là giúp thí sinh giải toả những ức chế tâm lí, cách nhận biết, phòng tránh và giải toả stress do áp lực học tập, thi cử, giúp thí sinh sử dụng thời gian học tập và nghỉ ngơi hợp lí, trao đổi các kinh nghiệm làm bài thi, các chế độ dinh dưỡng, chăm sóc y tế... để trợ giúp thí sinh vượt qua kì thi với kết quả tốt nhất.
Đó là thông điệp đầu tiên mà các khách mời của chương trình muốn chuyển đến cho các thí sinh. Theo bác sĩ Đinh Đăng Hoè (Viện Sức khoẻ tâm thần, bệnh viện Bạch Mai) thì “Stress” hay còn gọi là “sang chấn tâm lí” là những sự việc, hiện tượng xảy ra trong cuộc sống bình thường, tác động mạnh đến tâm lí của con người, gây ra những phản ứng tiêu cực như lo lắng, mất bình tĩnh, buồn bã, chán nản. Đây là hiện tượng tâm lí rất bình thường của con người, có thể xuất hiện ở mọi lúc, mọi nơi và mỗi người lại gặp stress trong hoàn cảnh khác nhau. Chính vì trong cuộc sống, con người không thể tránh được stress nên vấn đề là ta phải ứng phó với nó thế nào. Bác sĩ Đinh Đăng Hoè đã lấy một ví dụ về stress đơn giản nhất là tiếng khóc chào đời của một đứa trẻ khi lần đầu tiên tiếp xúc với môi trường bên ngoài tử cung của người mẹ - một phản ứng bản năng đối với stress đầu tiên của cuộc đời một con người.
Đối với câu hỏi của một thí sinh “Làm thế nào để sống chung với stress ?”, bác sĩ Đinh Đăng Hoè đã đưa ra một lời khuyên: “Đừng nghĩ đến quá khứ hay lo lắng về tương lai, bạn hãy nghĩ xem hiện tại mình đang cần gì. Sau đó bạn sẽ biết cách phải làm gì để giải quyết được vấn đề của mình”.
Đồng tình với quan điểm của bác sĩ Đinh Đăng Hoè, PGS.TS. Nguyễn Hữu Thụ (Chủ nhiệm Khoa Tâm lí học) còn cho rằng nếu stress ở một mức độ “vừa phải” còn có tác dụng tích cực đối với con người. Đối với các bạn thí sinh dự thi, một chút lo lắng và sức ép tâm lí sẽ khiến các bạn chăm chỉ, nỗ lực hơn trong việc học tập. Ở một mức độ cao hơn, khi gặp lo lắng trong những tình huống đột ngột, con người thường có các biểu hiện sinh học như: chân tay bủn rủn, hoa mắt, chóng mặt, tim đập dồn dập, lắp bắp..., biểu hiện tâm lí như buồn chán, không còn sức để làm việc. “Nếu như vậy, thì các bạn cần phải học cách lấy lại thăng bằng bằng những phương pháp thư giãn đơn giản nhưng hiệu quả” - PGS.TS. Nguyễn Hữu Thụ chia sẻ.
Theo ThS. Trần Thành Nam (giảng viên Khoa Tâm lí học) thì khi mất bình tĩnh trước một sự cố đột ngột, con người sẽ bị choáng, run rẩy, không làm chủ được bản thân. Khi đó, áp dụng một vài biện pháp thư giãn nhanh và tại chỗ tuy đơn giản nhưng lại có hiệu quả cao như: nhắm mắt lại và đếm chậm từ 1 đến 10, dùng tay mát xa nhẹ nhàng lên vùng xung quanh hai mắt để làm giãn các cơ, tạo sự thoải mái, dễ chịu và giảm căng thẳng tức thì.
Theo quan sát của chúng tôi, phần lớn các thí sinh và phụ huynh đến dự buổi toạ đàm với tâm trạng tò mò nhưng khá rụt rè, lạ lẫm. Tuy nhiên, khi được hướng dẫn thực hành bài tập thư giãn thả lỏng các cơ của ThS. Trần Thành Nam thì hầu như tất cả mọi người đều tham gia nhiệt tình. Cả hội trường yên lặng, tất cả mọi người nhắm nghiền mắt, thở nhịp nhàng, thả lỏng người theo tiếng hướng dẫn êm dịu đều đều của ThS. Trần Thành Nam: “... ngồi thẳng lưng, nhắm mắt, thở nhịp nhàng... cùng lắc lư đầu nhè nhẹ nào... mọi người có thấy một dòng nước mát chảy qua cổ, sang bả vai không?... nào cùng thả lòng cơ vai, thế thế... ”. Cứ thế, thả lỏng, thư giãn, tưởng tượng.... 30 phút sau, bài tập chấm dứt. Mọi người như bừng tỉnh. Dù hội trường rộng lại không yên tĩnh không phải là môi trường lí tưởng cho bài tập thực hành về tâm lí - sinh học này song kết quả cũng rất khả quan. Bạn nữ tên Linh quê ở Phú Thọ khi được hỏi đã bẽn lẽn trả lời: “Em thấy khá dễ chịu, cảm ơn các thầy cô và anh chị”.
Khi buổi toạ đàm đã trải qua hơn nửa thời gian, nhiều bạn thí sinh đã gửi câu hỏi qua giấy hoặc mạnh dạn trực tiếp hỏi và xin ý kiến tư vấn của các chuyên gia ngay tại hội trường. Điều này cho thấy tâm trạng căng thẳng trước thi là khá phổ biến đối với các thí sinh nhưng rõ ràng các bạn không có nhiều cơ hội để được giải toả và nghe những lời khuyên hữu ích về vấn đề này.
Một câu hỏi mà khá đông các thí sinh quan tâm là: “Luôn có cảm giác không học hết được trước lúc thi và điều này gây tâm lí lo lắng, căng thẳng, vậy có nên tận dụng mọi thời gian để học ngày, học đêm, học cho đến tận lúc thi hay không?”. PGS.TS. Nguyễn Hữu Thụ đã đưa ra lời khuyên: Học tập là cả một quá trình lâu dài và các bạn phải có quá trình chuẩn bị cho kì thi đại học từ rất lâu trước đó, ngay trong quá trình học ở từng cấp lớp. Có như vậy bạn mới có được niềm tin vào bản thân và bước vào kì thi đại học một cách chủ động. Nếu chỉ còn có vài chục tiếng là bước vào buổi thì mà vẫn còn giữ trạng thái lo lắng như vậy thì chỉ có hại cho bản thân mà thôi. Theo PGS.TS. Nguyễn Hữu Thụ, cứ vùi đầu vào sách vở cho đến tận những giờ cuối cùng là cách làm sai lầm. Thay vào đó thí sinh nên thư giãn, giải trí bằng nhiều hoạt động ngoại khoá để giải toả căng thẳng, tạo tinh thần sảng khoái, trí tuệ minh mẫn trước lúc thi. “Nếu cứ lo lắng triền miên như vậy sẽ giết chết sức khoẻ và tinh thần của bạn” - PGS.TS. Nguyễn Hữu Thụ cảnh báo như vậy với các thí sinh về nguy cơ học thi triền miên và không có kế hoạch.
[img class="caption" src="images/stories/2008/7/07/p7022006.jpg" border="0" alt="PGS.TS. Nguyễn Hữu Thụ: Cứ vùi đầu vào sách vở cho đến tận những giờ cuối cùng là cách làm sai lầm" title="PGS.TS. Nguyễn Hữu Thụ: Cứ vùi đầu vào sách vở cho đến tận những giờ cuối cùng là cách làm sai lầm" width="187" height="280" align="right" ]Một vấn đề về sức khoẻ mà nhiều học sinh gặp phải trong thời gian thi cử, đó là hiện tượng chóng mặt, xây xẩm mặt mày, thậm chí ngất đi trong vòng mấy phút. Trả lời cho hiện tượng này, bác sĩ Đinh Đăng Hoè cho biết: nếu hiện tượng này chỉ xảy ra trong thời gian ôn thi mà không xảy ra trước đấy thì cũng có thể coi là một biểu hiện của stress - căng thẳng do thi cử. Bác sĩ Hoè nhận định: đó là do các bạn học sinh học thi nhiều mà không nghỉ ngơi đủ nên dẫn đến cơ thể mệt mỏi. Đặc biệt, việc học nhiều, ngủ ít, không ngủ đủ tối thiểu 6-7 tiếng một ngày là hiện tượng khá phổ biến trong khi ôn thi. Các bạn học sinh chỉ có thể khắc phục tình trạng này bằng cách thay đổi lại lịch học tập của mình, đảm bảo cho cơ thể duy trì được đúng nhịp sinh học bình thường.
Một câu hỏi khác khá thú vị giành được sự quan tâm của cử toạ đó là câu hỏi: Làm thế nào để biết là mình đang tự tin hay đang chủ quan trước kì thi? PGS.TS. Nguyễn Hữu Thụ đã cho biết: Tự tin là điều đặc biệt quan trọng đem đến thành công của một con người trong mọi hoàn cảnh. Tự tin giúp kích thích sự sáng tạo, đem lại cho con người niềm say mê, cảm hứng trong công việc. Tự tin giúp cho các thí sinh có thể bỏ qua những cách làm thông thường vốn chỉ trung thành với kiến thức sách vở để tìm ra những cách giải mới và hay cho một bài toán, thẩm thấu và cảm được những tứ hay và lạ khi bình một câu thơ. Chỉ có tự tin mới giúp chúng ta có những giây phút “vượt chuẩn” thú vị và kì diệu. Tuy nhiên, người ta chỉ tự tin trên cơ sở có thực lực, đó là vốn kiến thức, kinh nghiệm đã được học và trải qua với một kế hoạch học tập nghiêm túc, lâu dài, hiệu quả, có sự đầu tư lớn về thời gian và công sức. Người tự tin luôn xác định được mình là ai, đang đứng ở đâu, đang có những gì và phải làm gì trong những hoàn cảnh cụ thể. Còn người chủ quan trước kì thi luôn nghĩ mọi thứ sẽ đạt được dễ dàng dù không cần cố gắng nhiều. Họ luôn hấp tấp, nóng vội, bỏ qua những kiến thức cơ bản nhất và không bao giờ có kế hoạch cụ thể và lâu dài cho mục tiêu của mình. Điều đó không thể dẫn đến thành công.
Đó là lời khuyên của bác sĩ Đinh Đăng Hoè đối với các thí sinh. Theo kinh nghiệm 31 năm công tác trong ngành, bác sĩ Hoè cho biết năm nào cũng gặp trường hợp các thí sinh bị nôn oẹ, đau bụng trong các kì thi đại học. Mà trách nhiệm này trước hết là thuộc về các bậc phụ huynh. Cũng về vấn đề ăn uống, MC. Bích Ngọc đã kể một câu chuyện đáng tiếc có thật xảy ra trong kì thi năm trước: để chúc mừng con thi buổi đầu làm được bài, hai cha con đã tự cho phép uống một vài cốc bia vào bữa ăn trưa, kết quả là hai cha con cùng ngủ quên đến quá giờ thi và đành phải gác mộng đẹp vào đại học chỉ vì một sơ suất không đáng có như vậy.
Cũng theo bác sĩ Hoè, đối với nhiều thí sinh và phụ huynh thì dinh dưỡng mùa thi mới chỉ dừng lại ở việc ăn xôi đỗ đen hay đỗ xanh, đỗ đỏ cho... hên, tránh ăn xôi lạc vì sợ... lạc đề, không ăn bún phở vì sợ dài dòng, lê thê... “Nếu chỉ cần ăn xôi đỗ mà đỗ được đại học thì quả là quá... rẻ” - bác sĩ Hoè đã hài hước phê phán quan niệm sai lầm trên. Hoặc một nhầm lẫn khác khá phổ biến là càng nhằm những ngày thi, các bậc phụ huynh càng gia sức tìm kiếm những thức ăn ngon, "độc", bổ và cả... đắt nữa để tẩm bổ cho con cái. Thậm chí, các bậc bố mẹ còn đua nhau, xem nhà khác, người khác cho con cái ăn gì thì cũng cố tìm cho con mình ăn để mong không... thua bạn kém bè trong những ngày quan trọng này. Nhưng thật ra kết quả không tốt như mọi người mong đợi, thậm chí có nhiều trường hợp không quen dạ lại còn bị rối loạn tiêu hoá.
Vậy nên ăn uống như thế nào là hợp lí trong những ngày thi cử ? Theo bác sĩ Hoè, ăn uống trong những ngày thi cử càng đơn giản càng tốt theo tiêu chí: đủ dinh dưỡng, hợp vệ sinh, đặc biệt là “cái gì quen thì dùng, cái gì không quen thì không dùng”. Bên cạnh đó, cha mẹ nên để cho con cái có thói quen ăn uống bình thường trong những ngày này, đặc biệt là ăn nhẹ, vừa phải, không cần phải quá no hay ăn cố sẽ giúp hệ tiêu hoá hoạt động bình ổn. Điều đó góp phần quan trọng đối với việc đảm bảo sức khoẻ trong những ngày thi.
Tác giả: thanhha
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn