Mình ngồi gõ những dòng này vào một buổi tối khi mà Hà Nội bắt đầu vào hè. Năm học đầu tiên ở ngôi trường Đại học cách nhà hơn 1700 km của mình cũng sắp sửa kết thúc. Ngồi sắp xếp lại đồ đạc, chợt thấy có những món đồ lúc mới đi học được mình mang theo, nâng niu gìn giữ nay đã bị vứt lăn lóc trong góc tủ, nhận ra một năm sao mà nhanh quá.
Một năm của những điều mới lạ, chỉ trong một năm thôi mà mình đã được trải nghiệm rất nhiều. Hai kỳ học trôi qua, đọng lại một chút thất vọng với những ảo tưởng về cuộc sống đại học “thiên đường” mà người ta hay nhắc tới. Một chút mệt mỏi, một chút chán chường, một chút tiếc nuối và rất nhiều lần do dự.
Mình nhận được rất nhiều lời khuyên, lời động viên và an ủi. Ai cũng bảo rằng trải nghiệm nhiều là tốt, rằng người nào cũng như vậy, rằng dần dần rồi sẽ quen, rằng mình còn trẻ.
Ừ, mình còn trẻ.
Hình như tuổi trẻ luôn là cái gì đó đẹp lắm, tuyệt vời lắm. Vì những người đi trước vẫn thường nhắc đến nó với vẻ mặt bồi hồi xúc động. Biết bao nhiêu người đã và đang ngày ngày không tiếc giấy mực viết về thanh xuân, ngợi ca tuổi trẻ. Có người nói tuổi trẻ là những năm tháng trung học, có người phản bác lại, cho rằng vẫn đi học thì vẫn còn ở trong “tuổi trẻ”, kể cả học Đại học, lại có người bảo tuổi trẻ là khi chưa lập gia đình. Nhiều ý kiến khác nói về thanh xuân, lại nghĩ thanh xuân không phải phạm trù thời gian mà thiên về cảm xúc hay so sánh thanh xuân với vô vàn những kỷ niệm khi yêu đương và yêu hết mình. Vẫn nhớ câu bông đùa của các bạn cùng lớp: “Thanh Xuân chỉ là một quận của Hà Nội còn Tuổi Trẻ chẳng qua cũng chỉ là tên một tờ báo”, mình cứ buồn cười mãi vì câu nói này.
Người ta gọi ví tuổi trẻ như “thanh xuân”, bởi vì mùa Xuân là mùa đẹp nhất trong năm, là khởi đầu cho tất cả, màu xanh lại là màu tươi mới nhất bảng màu. Chẳng phải ngẫu nhiên mà người ta luôn ngợi ca tuổi trẻ bằng những từ ngữ, hình ảnh đẹp đẽ, tuyệt vời nhất như vậy. Không từ điển nào có thể lý giải rõ ràng ý nghĩa của từ “tuổi trẻ” chỉ bằng vài dòng định nghĩa lặp đi lặp lại, cũng chẳng điều gì nói lên được giữa những tranh cãi, ai đúng ai sai.
Tuổi trẻ. Đó là khoảng thời gian bạn tạm được cho là trưởng thành sau một quá trình gọi là “tuổi thơ” dù vẫn còn khá non trẻ. Đó là độ tuổi hội đủ mọi yếu tố giúp bạn can đảm ước mơ và thực hiện. Bạn dùng năng lượng và sức sống của mình theo đuổi những ước muốn từ thời thơ ấu, tích góp kinh nghiệm cho cuộc sống sau này khi trưởng thành, không lo thất bại, không ngại khó khăn, không sợ đối đầu. Chỉ có tuổi trẻ mới mang lại cho chúng ta những cảm giác tuyệt vời nhất, tươi mới nhất. Chỉ có tuổi trẻ mới thích hợp nhất cho mọi việc, là thời điểm sức khỏe con người đạt đến mức độ dẻo dai, là lúc tinh thần trở nên hăng hái nhất. Mình từng đọc những lời chiêm nghiệm của người đi trước, họ không tiếc nuối vì những việc mình đã làm, họ tiếc những gì họ chưa làm. “Giá như trẻ lại, tôi sẽ …”, “Giá như được quay ngược thời gian”, “Giá như …”, “Giá như không phải nói giá như. Người ta tiếc cơ hội để tuột khỏi tầm tay, tiếc lời yêu chưa nói, kẻ tiếc thời gian lãng phí vào những việc không đâu, người lại tiếc ngày tháng vụt qua thật nhanh chẳng kịp thực hiện điều gì.
Người ta dùng tuổi trẻ của mình cho nhiều mục đích khác nhau. Người tập trung học tập, làm việc, hoàn thiện cuộc đời, đợi ngày cầm trên tay chiếc bằng đỏ chót hoặc chiếc CV dày đặc kinh nghiệm, thành tích. Người lại theo đuổi từng chút một đam mê, làm những điều mình yêu thích, thực hiện bằng được ước mơ. Người luôn cống hiến cho xã hội, giúp đỡ những người khác. Người lại dùng cả thanh xuân để yêu thương, chăm sóc và theo đuổi người mình yêu. Mỗi người đều có một lý lẽ riêng để bảo vệ tuổi thanh xuân của họ, kể cả khi có người khen ngợi, kẻ chê cười, chẳng ai để tâm đến nữa, một khi đó là điều họ muốn làm.
Nhưng đâu đó vẫn có vài kẻ ngơ ngác đứng nhìn guồng quay hối hả của cuộc sống, nhìn những người trẻ lăn xả trên đường đời, nhìn lại mình, nhìn lại những ngày tháng đã trôi qua, tự tỏ ra chán ghét cuộc đời, chán ghét vỏ bọc an toàn của chính mình. Có lúc họ chênh vênh giữa những khoảng trống trong suy nghĩ, lại có lúc lạc lối trong muôn vàn những nỗi lo.
Mình từng dành những ngày dài chỉ để làm những việc định sẵn, sẽ thức dậy vào mỗi sáng, đi học đến trưa, làm vài việc nhà lặt vặt, đọc vài bài viết vớ vẩn trên mạng, ăn và ngủ. Đó là cuộc sống mình cho là ổn. Từ nhỏ. trong mỗi chúng ta ai cũng mải mê đuổi theo những cái đích. Học xong Cấp 1 sẽ cố gắng lên cấp 2, rồi học nốt cấp 3, cố gắng thi vào Đại học, rồi ra trường, rồi tìm việc làm, có vài mối quan hệ, lập gia đình, sau đó sinh con, chăm lo cho gia đình, sau đó …, có rất nhiều “sau đó” nữa.
Vẫn có nhiều lúc mình đứng sau lớp vỏ bọc an toàn ấy, len lén nhìn ra cuộc sống bên ngoài nơi người ta thỏa sức thực hiện những gì họ muốn để rồi thầm ghen tỵ. Đôi lúc mình cảm thấy mình chỉ là một màu sắc nhạt nhòa làm nền cho những mảng màu rực rỡ của bức tranh mà người khác vẽ nên. Nhìn thời gian trôi đi từng phút từng giây mà vẫn không biết được mình đang và muốn theo đuổi điều gì. Mình chưa tìm được sự can đảm, vẫn phí hoài những gì mình có, đôi lúc chỉ muốn níu tay thần Thời Gian, xin cho dừng lại một lúc để diễn tập một mình trước khi thực sự đối đầu. Ngày qua rồi đêm đến, chẳng có gì thực sự đổi thay.
Mình tìm đến nhiều người, thở than, kể lể, ai cũng khuyên mình bình tĩnh, khuyên mình lao ra trải nghiệm và như thường lệ lại nhắc nhở, mình còn trẻ.
Mình còn trẻ.
Ngày mình quyết định đi học xa, bố mẹ cuối cùng cũng chán nản gật đầu đồng ý, lần đầu di chuyển mình đi bằng xe khách, nhìn cảnh vật bên ngoài ô cửa liên tục thay đổi, quê hương đang ở phía sau và khoảng cách ngày một xa, mình đã khóc vì nhớ nhà, lo lắng và sợ hãi. Mình nhận ra mình hoàn toàn phải chịu trách nhiệm cho quyết định này khi từ chối học gần nhà để đuổi theo một khoảng cách xa xôi như vậy chỉ vì một niềm yêu thích mơ hồ.
Nhưng thật may là mình vẫn chưa bao giờ hối hận. Mình vẫn luôn tự cảm thấy sự đánh đổi này là đáng giá, sẽ có nhiều kiểu trải nghiệm nếu không thử thì bạn không biết được. Chỉ qua quyết định rất lớn này, mình đã được nếm trải sự khác biệt rõ rệt của văn hóa vùng miền, được gặp những người vốn chỉ đọc được trong sách vở, đi đến những nơi chỉ được nghe kể hoặc xem qua tivi. Chính từ khoảng cách xa xôi như vậy, mình đã biết được cảm giác ngồi hai ngày liền trên tàu dọc tuyến đường sắt Bắc – Nam hay trải nghiệm việc đi máy bay, được biết thế nào là cảm giác nhớ nhà da diết, cảm giác thèm ăn thức ăn quê hương. Mình từng nghĩ, nếu cứ quanh quẩn gần nhà, chẳng biết đến lúc nào mình mới có thể thực hiện những điều trên.
Rồi mình tham gia một vài hoạt động, thử sức ở một số lĩnh vực, nắm bắt nhiều cơ hội, và mình cũng phải chịu trách nhiệm cho tất cả những điều này. Mình nghe mắng rất nhiều, nhưng bù lại cũng được động viên rất nhiều. Mình biết được thế nào là áp lực, thế nào là xấu hổ thật sự. Mình tiếp xúc với nhiều người, làm việc cùng nhiều kiểu tính cách khác nhau, gầy dựng được vài mối quan hệ. Tất nhiên rằng không phải tuổi trẻ của ai cũng theo chuẩn mực của tiểu thuyết, với mình cũng vậy. Mình không có nhiều kinh nghiệm, ăn nói không giỏi, hay làm hỏng việc. Người ngại không muốn nói, người nói thẳng, kẻ cười cợt sau lưng, những điều đó nếu là mình của trước đây sẽ lo lắng ghê lắm, nhưng bây giờ chẳng sao cả, ai cũng có lúc mắc sai lầm, thật may mắn khi mình có thể thử, để biết là mình sai.
Người ta vẫn hay hỏi, vì sao lại lựa chọn điên rồ, vì cái gì lại muốn làm nhiều thứ như vậy? À, có lẽ là vì mình còn trẻ.
Mình còn trẻ, trước lúc mình già đi. mình sẽ làm mọi thứ mình muốn, không quan trọng đúng hay sai dù biết sẽ có lúc mình day dứt hối hận.
Cảm ơn thanh xuân này đã cho mình đủ dũng khí để thực hiện những điều mình chưa bao giờ nghĩ rằng mình có thể làm. Cảm ơn thanh xuân này giúp mình lớn khôn, lôi mình ra khỏi vỏ bọc của những tư tưởng cũ kỹ. Cảm ơn thanh xuân này giúp mình trải nghiệm những điều thú vị nhất. Cảm ơn thanh xuân này cho mình niềm tin vào tương lai.
Bạn có thể ghé thăm Thanh Xuân của Hà Nội rất nhiều lần nhưng thanh xuân của cuộc đời chỉ đến với bạn một lần, một lần duy nhất.
Tác giả: Lê Mỹ Nhàn (Khoa Báo chí và truyền thông)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn