Hành động này thể hiện sự coi thường luật pháp và thông lệ quốc tế. Cụ thể: phớt lờ Hiến chương Liên Hợp quốc (mà Trung Quốc là quốc gia Ủy viên Thường trực Hội đồng bảo an); coi Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 không là gì (mà Trung Quốc là quốc gia thành viên của Công ước này); thiếu nghiêm túc trong việc thực thi DOC (Trung Quốc đã cam kết với Hiệp hội Đông Nam Á). Đó là xét về bình diện thế giới và khu vực.
Xét trong quan hệ hai nước, Trung Quốc đã không tôn trọng danh dự của nhân dân hai nước, hai Đảng, hai nhà nước, mà trước hết là nhân dân Trung Quốc (một dân tộc có nền văn hóa lâu đời). Vì, hành động trong những ngày qua là minh chứng cho việc Trung Quốc không tôn trọng mối quan hệ hữu nghị theo tinh thần 16 chữ và tinh thần 4 tốt - mà Trung Quốc là chủ thể đè xuất xây dựng nên tinh thần hữu nghị ấy. Đặc biệt, Trung Quốc cũng không tôn trọng chữ ký của mình trong Tuyên bố (ngày 10-11-2011) về 6 nguyên tắc chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển, trong đó có việc thiết lập đường dây nóng cấp chính phủ để kịp thời trao đổi và xử lý thông tin.
Xâm phạm lãnh thổ Việt Nam với những động thái có tính toán, mang tính chất hăm dọa ấy không thể thu phục được lòng người hôm nay. Dư luận trong khu vực và trên thế giới đã lên án hành động ngang ngược, trắng trợn coi thường tố chất văn hóa ứng xử quốc tế trong thời đại văn minh. Đó là hành động gây hấn và không ích lợi gì cho việc duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực mà chỉ làm leo thang căng thẳng ở biển Đông. Việc Trung Quốc vô cớ chiếm đóng quần đảo ở Hoàng Sa của Việt Nam từ năm 1974 (khi Việt Nam tập trung cho việc giải phóng miền Nam) và giờ đây tuyên bố khu vực này nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của mình là "lập luận rất mơ hồ". Đường “lưỡi bò” 9 đoạn chiếm 80% diện tích Biển Đông và vẽ cả vào vùng quyền chủ quyền của một số nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, vừa không có cơ sở pháp lý, không có cơ sở lịch sử (Trung Quốc chưa bao giờ làm sáng rõ được chính xác thì các đường này có ý nghĩa là gì), vừa thiếu tự trọng và không thực tâm xây dựng môi trường văn hóa ứng xử quốc tế trong thời đại văn minh ngày nay.
Dư luận thế giới đều hiểu rằng, các ý đồ bành trướng của Trung Quốc trong một khu vực có nhiều nước yếu thế hơn về tiềm năng kinh tế và quốc phòng nên Trung Quốc càng lấn lướt theo kiểu bất chấp và luôn tạo sự cố “việc đã rồi” gây phức tạp tình hình Biển Đông và tạo bàn đạp lấn chiếm tiếp (như chiếm đóng Hoàng Sa năm 1974; đảo Gạc Ma năm 1988 trước đây) để một mình án ngữ, chi phối, kiểm soát tàu bè quốc tế qua lại trên Biển Đông, trong khi chưa có một cơ chế nào có khả năng ngăn ngừa và hóa giải khủng hoảng ở khu vực này.
Sự thật việc Trung Quốc gây hấn vi phạm chủ quyền biển, đảo của Việt Nam mấy ngày qua đã quá rõ ràng. Vậy mà, chiều ngày 8-5 vừa qua, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tổ chức cuộc họp báo nhằm biện minh cho việc đưa giàn khoan Hải Dương - 981 hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Tại cuộc họp báo, đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc bày tỏ tin tưởng Việt Nam và Trung Quốc sẽ giải quyết được vấn đề hiện nay thông qua "đối thoại" (!?). Đồng thời, phía Trung Quốc ngang nhiên vu cáo Việt Nam. Đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã dành nhiều thời gian “nói lại” về lập trường cái gọi là "chủ quyền" ở Biển Đông. Thế nhưng, những vấn đề mà phóng viên quan tâm và đặt câu hỏi nhiều nhất thì phía Trung Quốc lại không thể trả lời, hoặc trả lời không thỏa đáng. Ví như, họ không đưa ra được hình ảnh nào chứng minh cho chỉ trích của họ về việc “tàu Việt Nam quấy nhiễu tàu Trung Quốc”. Không những thế, phía Trung Quốc lại còn ngang ngược đòi Việt Nam rút hết các tàu kiểm ngư, cảnh sát biển ra khỏi khu vực biển ...thuộc chủ quyền Việt Nam (?).
Mặc dù được các phóng viên hỏi đi hỏi lại nhiều lần, nhưng đại diện Bộ Ngoại giao cũng như đại diện Tổng Công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) không giải thích được tại sao Trung Quốc phải điều đến hơn 80 tàu các loại để hộ tống một giàn khoan. Trước câu hỏi việc tầu Trung Quốc phun vòi rồng và dùng tàu đâm vào tàu Việt Nam có phải là hành vi ức hiếp thô bạo hay không và đã điều bao nhiêu tàu, trong đó có bao nhiêu tàu hải quân đến khu vực giàn khoan Hải Dương - 981, đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc tỏ ra lúng túng, cố tình né tránh câu trả lời.
Trước việc các tàu chức năng Trung Quốc đã thô bạo phun vòi rồng và đâm thẳng vào tàu cảnh sát biển Việt Nam như thế, nhưng các chiến sĩ cảnh sát biển Việt Nam vẫn bình tĩnh, kiềm chế, không đáp trả tương tự tức thời, không mắc mưu thâm hiểm, vì cháy bỏng khát vọng hòa bình và cũng chưa phải lúc dùng biện pháp tương tự để đáp trả. Nhưng, sự kiềm chế bao giờ cũng có giới hạn!
Đối với vụ gây hấn này, Việt Nam đã yêu cầu Trung Quốc phải rút ngay giàn khoan nước sâu cùng các tàu hộ tống ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Nhưng Trung Quốc vẫn khăng khăng giàn khoan này hoạt động trong vùng biển của họ. Việt Nam đã tuyên bố, bằng mọi cách để bảo vệ chủ quyền đất nước, bắt đầu bằng đối thoại hòa bình và yêu cầu Trung Quốc hành xử trên tinh thần tôn trọng luật pháp quốc tế, trước hết là Công ước luật biển 1982 và cam kết DOC.
Thế nhưng, tại cuộc họp báo, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã đưa ra kiểu ngoại giao lập lờ, tung hỏa mù, thiếu minh bạch và thiếu tôn trọng chính mình. Thái độ đó không thuyết phục được dư luận, trong đó có dư luận của nhân dân Trung Quốc.
Những năm qua, người dân Việt Nam, nhất là ngư dân, xót xa chứng kiến cái tinh thần 16 chữ và tinh thần 4 tốt đang bị vùi dập ở vùng biển thuộc quyền chủ quyền của Việt Nam. Việc tùy tiện, vô cớ qui định thời gian cấm đánh bắt hải sản trong cả vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, xua đuổi, bắt bớ, đánh đập ngư dân Việt Nam, bắt tàu của ngư dân Việt Nam đòi tiền chuộc thì đâu có phải “láng giềng tốt”…Trung Quốc mấy lần trắng trợn cắt cáp thăm dò dầu khí Việt Nam thì làm sao có hợp tác toàn diện và đối tác tốt được. Và, lần này qua vụ giàn khoan Hải Dương – 981 xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam, thì Trung Quốc chỉ gây bất ổn lâu dài trên biển Đông. Rõ ràng không ai hướng tới tương lai kiểu ấy. Trên trái đất này, từ cổ chí kim chưa bao giờ thấy có bạn bè tốt, đồng chí tốt kiểu đó.
Thế nên, dư luận nhân dân Việt Nam cũng yêu cầu Trung Quốc cần có ý thức tự trọng trong thực hiện những cam kết xây dựng quan hệ hữu nghị với Việt Nam qua tinh thần 16 chữ và tinh thần 4 tốt. Đó là đạo lý trong quan hệ quốc tế hôm nay, nhất là quan hệ láng giềng hữu nghị trên thực tế.
Chúng tôi tin chắc rằng, không phải tất cả nhân dân Trung Quốc đều ủng hộ cách ứng xử quan hệ quốc tế như đã nêu trên. Bởi lẽ, cách hành xử trong quan hệ đối ngoại của Trung Quốc đang đi ngược lại cốt cách giá trị quân tử. Cốt lõi của giá trị quân tử là lòng tự trọng, nó được hình thành trên nền ý thức “xử kỷ” (ứng xử trước hết với chính mình cho ngay ngắn, tử tế). Tính cách thiếu tự trọng sẽ dẫn đến giả dối. Gỉa dối với người khác có cái gốc là giả dối với chính mình Lòng tự trọng luôn là, mãi là cốt lõi của con người có văn hóa để xây dựng một môi trường văn hóa quốc tế trong xu thế hội nhập toàn cầu hôm nay.
Tác giả: PGS.TS Phạm Xuân Hằng
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn