Cái nóng của biển Đông dường như in dấu trên tất cả mọi mặt đời sống của người dân Việt Nam lúc này, khiến mọi người dường như đều quên đi cái nóng dữ dội của khí hậu mùa hè miền Bắc. Thậm chí nó đã kịp xuất hiện trong đề thi môn Văn của học sinh phổ thông, lứa tuổi học trò mà lẽ ra trên trang giấy chỉ nên viết những ước mơ về cuộc sống bình yên và hạnh phúc. Nó cũng xuất hiện trong nghị trường Quốc hội, mà lẽ ra ở đó những người được nhân dân tin yêu bầu ra chỉ nên bàn công chuyện làm ăn. Đang rất cần sự ổn định để tập trung xây dựng đất nước, giờ chúng ta không còn bình yên, khi phải dành mối quan tâm, sức lực, tiền bạc, thậm chí đôi khi cả máu để bảo vệ biển Đông của Tổ quốc. Một đất nước chỉ có thể tồn tại, khi sự toàn vẹn lãnh thổ được bảo toàn. Nhìn từ phương diện không gian, lãnh thổ, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã từng viết về đất nước: “Đất là nơi con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc/ Nước là nơi con cá ngư ông móng nước biển khơi”. Không có biển Việt Nam sao còn có thể gọi là Việt Nam được?
Câu chuyện biển Đông khiến tôi bất chợt nhớ đến truyện ngắn “Sợi tơ nhện” của nhà văn Akutagava của đất nước Nhật Bản, quốc gia hiện nay cũng có chung một mối quan tâm với chúng ta. Người Nhật cực chẳng đã cũng phải có những động thái cần thiết để bảo vệ mình. Một đất nước rất nhiều năm qua vốn chỉ lo làm ăn, nay cũng đã phải “thay đổi hình ảnh của đất nước” để giữ cho được sự bình yên. Ai đã từng trải qua chiến tranh, chắc chắn bao giờ cũng mơ tới cuộc sống hòa bình. Tôi rất thấm thía về lời nói và hành động gần đây của ông Thủ tướng người Nhật Bản: người Nhật đã quá sợ hãi chiến tranh, nên luôn tìm cách vun vén cho hòa bình. Nhưng hòa bình không bao giờ chỉ đến từ một phía. Thực tế đó khiến người Nhật phải đề cao cảnh giác.
Còn đất nước Việt Nam chúng ta, nếu so sánh về nỗi đau thương do chiến tranh gây ra, hẳn cũng không kém gì nước Nhật. Sau nhiều thập kỉ hi sinh trong cuộc chiến tranh giữ nước, chúng ta những tưởng đã có cuộc sống vĩnh viễn bình yên. Người dân Việt Nam xứng đáng được hưởng điều hạnh phúc bình dị đó. Vậy mà, vào giữa những ngày hè thiêu đốt này, Trung Quốc lại ngang nhiên hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 ngay tại vùng biển chủ quyền của nước ta. Sự trơ tráo đó đã chạm vào trái tim kiêu hãnh của nhiều người Việt Nam yêu nước. Dã tâm xâm chiếm biển Đông của Việt Nam, gã “khổng lồ” phương Bắc ngoài âm mưu chiếm đoạt chủ quyền, còn tự cho phép mình được độc quyền khai thác nguồn tài nguyên giàu có dưới đáy biển phục vụ cho tham vọng bành trướng ra toàn thế giới.
Truyện ngắn của nhà văn Nhật Akutagava như sau: Trong một ngày bình yên đẹp trời, Đức Phật Thích Ca đang dạo chơi trên miền cực lạc bỗng bất ngờ nhìn xuống âm ti, Người phát hiện thấy tên cường đạo Kandata đang lặn ngụp trong một vũng máu, phía dưới đó là cả một rừng kim châm. Nhớ lại, tên cường đạo Kandata này vốn từng độc ác lắm, nhưng có một lần kia, đi trong rừng hắn nhìn thấy một con nhện vắt qua đường. Ban đầu Kandata đã định dẫm chân lên con vật bé nhỏ kia, nhưng sau đó nghĩ lại, hắn lại thôi, vì dù sao con nhện kia cũng là một sinh linh quá bé nhỏ, đáng được hưởng cuộc sống. Lòng tốt bất ngờ đó của Kandata đã động lòng từ bi của Đức Phật. Thế là Người tiện tay quẳng sợi tơ nhện từ trên trời xuống tận phía dưới vũng máu, nơi Kandata đang bị trừng phạt bởi cả rừng kim châm. Kandata ngay lập tức bám vào sợi tơ leo lên. Khi đã leo được một đoạn khá dài, Kandata dừng lại lấy sức để còn leo tiếp, nhưng bất ngờ hắn phát hiện thấy cả một rừng người từ phía dưới cũng theo hắn bò lên. Lòng tham và sự ích kỉ trỗi dậy, Kandata quay xuống phía dưới hét rất to: “Ê bọn bay, sơi tơ nhện này là của tao, ai cho phép chúng bay bám vào đó!”. Sợi tơ trước đó vẫn vững vàng cho dù cả trăm ngàn con người bám vào, giờ khi nghe tiếng hét của Kandata, bất ngờ đứt phựt. Kandata lộn vòng rơi trở lại ao máu và rừng kim châm. Vậy là chỉ vì lòng ích kỉ, muốn độc chiếm sợ tơ nhện một mình, kẻ độc ác và tham lam kia đã bị trừng phạt trở lại.
Tất nhiên, tôi không hề có ý so sánh toàn bộ câu chuyện “Sợi tơ nhện” của Akutagava với câu chuyện của nhà cầm quyền Bắc Kinh với biển Đông nước ta hiện nay. Mọi sự so sánh có thể đều khập khiễng. Nhưng lòng tham và sự ích kỉ của những kẻ cường đạo ở bất cứ đâu, thời kì nào thì cũng đều giống nhau. Và lòng tham lam, sự ích kỉ ở bất cứ thời đại nào, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, hẳn không ai lại có thể chấp nhận. Sống trong một “thế giới phẳng”, làm sao người ta lại dễ dàng chấp nhận, tài nguyên, sự giàu có, niềm hạnh phúc, lại chỉ có thể dành riêng cho một nhóm người, một quốc gia, dù đó có là một quốc gia lớn. Lại càng không thể chấp nhận một quốc gia khác dùng sức mạnh vũ lực đe dọa, cướp bóc tài nguyên của nước láng giềng. Lòng tham lam của kẻ bên ngoài dù có vô độ đến bao nhiêu, cũng vẫn cần phải bị chặn lại trước cánh cửa của chủ nhà chứ?. Tạo hóa bao giờ cũng rất công bằng. Người sẽ không để cho ai có quyền giành trọn quyền được sống đầy đủ, thừa thãi khi thế giới còn quá nhiều người nghèo khổ. Tôi nghĩ đất nước Trung Hoa vẫn còn không ít người dân nghèo khổ. Nhưng hẳn họ không cần đến những thứ nhà cầm quyền nước mình cướp đoạt của người khác mang về.
Trong những ngày biển Đông dậy sóng này, lòng tự trọng của người dân Việt Nam đã dâng cao. Không thể có một cuộc sống bình yên đúng nghĩa, khi chủ quyền của đất nước bị xâm phạm. Bài học thâm sâu từ “Sợi tơ nhện” của Akutagava ngày nào giờ đây cũng có thể là bài học đắt giá cho nhà cầm quyền Bắc Kinh với câu chuyện biển Đông.Tôi rất yêu sự bình yên và cầu mong cho sự bình yên của biển Đông, của dân tộc tôi, của tất cả mọi người yêu chuộng cuộc sống hòa bình trên thế gian này. Cảm ơn nước Nhật đã sinh ra một nhà văn như Akutagava đã để lại cho đời một ngụ ngôn vô cùng sâu sắc.
Tác giả: Trần Hinh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn