Sách Ngữ âm tiếng Việt (Nhà xuất bản Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1977) dày 373 trang, chia thành 8 chương. Ngoài chương 1: Dẫn luận, chương 8: Chữ viết, 6 chương còn lại dành cho việc miêu tả cấu trúc âm vị học của tiếng Việt: Âm tiết (chương 2); Thanh điệu (chương 3); Âm đầu (chương 4); Âm đệm(chương 5); Âm chính (chương 6); Âm cuối (chương 7).
Trong Lời nói đầu tác giả xem sách Ngữ âm tiếng Việt là “Tập giáo trình dành cho sinh viên chuyên ngành ngôn ngữ học của trường Đại học Tổng hợp và cũng là tài liệu tham khảo hữu ích cho sinh viên khoa Văn các trường Đại học Sư phạm, sinh viên các trường Đại học Ngoại ngữ và những ai muốn tìm hiểu sâu một vấn đề nào đó của ngữ âm tiếng Việt. Chúng ta nhận ra tính chất giáo khoa, sư phạm của sách được thể hiện ở lối lập luận logic, chặt chẽ, ở cách trình bày chi tiết đến “chỉn chu” và thuyết phục trong sách. Về thực chất, Ngữ âm tiếng Việt là một công trình nghiên cứu khoa học có những đóng góp mới trong lí luận và áp dụng thực tiễn về ngữ âm tiếng Việt.
1.1. Công trình Ngữ âm tiếng Việt đã áp dụng một cách khoa học những cơ sở lí thuyết và phương pháp miêu tả ngữ âm-âm vị học của âm vị học truyền thống (N.S. Trubeskoj, R. Jakovson, A. Martinet, J Vachek…) vào việc miêu tả các hiện tượng ngữ âm-âm vị học tiếng Việt, vốn là ngôn ngữ còn xa lạ với truyền thống nghiên cứu âm vị học châu Âu. Đồng thời, Ngữ âm tiếng Việt đã tiếp thu những thành tựu về lí luận và phương pháp nghiên cứu ngữ âm các ngôn ngữ Đông phương của các tác giả thuộc trường phái Đông phương học Nga – Xô Viết vào việc nghiên cứu ngữ âm tiếng Việt.
1.2. Công trình Ngữ âm tiếng Việt có những đóng góp mới:
1.2.1. Xuất phát từ đặc điểm tiếng Việt (ranh giới âm tiết trùng với ranh giới hinh vị), tác giả xem âm tiết là điểm xuất phát của sự phân tích âm vị học.
1.2.2. Để giải quyết những vấn đề âm vị học tiếng Việt, tác giả coi trọng thái độ của người bản ngữ, chứ không chỉ dựa vào những cứ liệu ngữ âm. Xem cách cấu tạo từ láy, hiện tượng láy từ, nói lái như các quy tắc hình – âm vị học (morphophonology – vốn được áp dụng trong nghiên cứu âm vị học các ngôn ngữ biến hình), để phân chia âm tiết thành các thành tố.
1.2.3. Xác lập mô hình phân chia 2 bậc, 5 thành tố của âm tiết tiếng Việt:
Bậc 1: Âm tiết = âm đầu+vần+thanh điệu;
Bậc 2: Vần = âm nối+âm chính+âm cuối
1.2.4. Mỗi thành phần trong 5 thành phần trên làm thành một đối hệ. Trong một đối hệ có sự đối lập âm vị zero / âm vị khác (Ví dụ, âm vị zero đối lập với âm vị /w /trong đối hệ âm nối). Do sự khác biệt giữa đối hệ âm đầu và đối hệ âm cuối, nên phụ âm đầu và phụ âm cuối là 2 âm vị biệt lập (ví dụ âm vị phụ âm đầu /t/ trong ta và và âm vị phụ âm cuối /t/ trong át).
1.3. Ngữ âm tiếng Việt đã tổng kết những kết quả nghiên cứu ngữ âm tiếng Việt trong và ngoài nước (cho đến thập kỉ 80 của thế kỉ XX). Đó là những tri thức, những kết quả phân tích, miêu tả ngữ âm tiếng Việt trong:
Ở lĩnh vực này, công trình Ngữ âm tiếng Việt đã đạt được các thành tựu:
1.3.1. Lần đầu tiên miêu tả một cách tương đối đầy đủ, hệ thống cơ cấu ngữ âm tiếng Việt: cấu trúc âm tiết, hệ thống thanh điệu, hệ thống âm đầu, hệ thống vần, chữ viết .
1.3.2. Đưa ra cách quan niệm riêng của tác giả về một số vấn đề ngữ âm-âm vị học tiếng Việt, vốn chưa có cách nhìn nhận thống nhất giữa các nhà nghiên cứu: cấu trúc âm tiết, đặc điểm ngữ âm và âm vị học của thanh điệu, giải thuyết âm vị học các vần có nguyên âm ngắn… Đồng thời tác giả của Ngữ âm tiếng Việt đã hệ thống và đưa ra những nhận xét, đánh giá các ý kiến của các tác giả đi trước về các vấn đề liên quan. Cách làm này khiến công trình Ngữ âm tiếng Việt vừa mang tính khoa học, chuyên sâu của một chuyên khảo, vừa mang tính sư phạm, hướng dẫn của một giáo trình.
1.4. Ngữ âm tiếng Việt là công trình có giá trị khoa học cao. Có thể xem Ngữ âm tiếng Việt là công trình cơ bản đầu tiên về ngữ âm tiếng Việt. Sau công trình này, trong mấy thập kỉ gần đây, nhờ sự tăng cường áp dụng các phương pháp ngữ âm thực nghiệm và phân tích tiếng nói bằng máy tính, việc nghiên cứu ngữ âm tiếng Việt trong nước và ngoài nước đã đạt được những kết quả, thành tựu mới cả về lí thuyết và ứng dụng (chẳng hạn, các kết quả nghiên cứu trên bình diện âm học, cảm thụ, các hiện tượng ngôn điệu, lịch sử ngữ âm…). Tuy nhiên, cho đến nay, Ngữ âm tiếng Việt vẫn là công trình cơ bản và cần thiết đối với việc nghiên cứu (lí thuyết và ứng dụng) và giảng dạy (đại học và trên đại học) về ngữ âm tiếng Việt. Do tính chất cơ bản và sư phạm, cho đến nay, công trình này vẫn là giáo trình chính về ngữ âm tiếng Việt giảng dạy trong các chuyên ngành ngành có liên quan đến ngữ âm học ở các trường đại học. Đồng thời, Ngữ âm tiếng Việt còn là tài liệu hướng dẫn, tham khảo cho những ai nghiên cứu ngữ âm các ngôn ngữ cùng loại hình tiếng Việt, đặc biệt là các ngôn ngữ dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Chính vì vậy, sau lần xuất bản thứ nhất (1977), Ngữ âm tiếng Việt đã được tái bản vào các năm 1999, 2003, 2007, với lượng in lớn (1.000 bản).
1.5. Ngữ âm tiếng Việt đánh dấu một bước phát triển mới trong nghiên cứu ngữ âm tiếng Việt. Do vậy, các kết quả nghiên cứu, ý tưởng, luận điểm của Ngữ âm tiếng Việt thường được trích dẫn trong các công trình liên quan đến ngữ âm tiếng Việt ở trong nước và ngoài nước. Ở trong nước,Ngữ âm tiếng Việt là tài liệu tham khảo chính đối với các sách chuyên khảo, giáo trình về ngữ âm tiếng Việt của Đinh Lê Thư & Nguyễn Văn Huệ, của Vương Hữu Lễ & Hoàng Dũng, sách về phương ngữ tiếng Việt của Hoàng Thị Châu (công trình được giải thưởng nhà nước năm 2005). Các tri thức về ngữ âm tiếng Việt được trình bày trong sách của tác giả Đoàn Thiện Thuật thường là dẫn liệu trong các chương về ngữ âm học trong các giáo trình dẫn luận ngôn ngữ học, ngôn ngữ học đại cương. Sách Ngữ âm tiếng Việt được dùng làm tài liệu tham khảo chính yếu trong các đề tài nghiên cứu, luận văn, luận án, bài báo, báo cáo khoa học có liên quan đến những vấn đề ngữ âm tiếng Việt của các tác giả trong nước suốt mấy thập kỉ gần đây.
Ở nước ngoài, sách Ngữ âm tiếng Việt của GS. Đoàn Thiện Thuật thường xuyên được trích dẫn trong các sách, luận án, các bài báo, báo cáo trên các tạp chí khoa học chuyên ngành ngữ âm học (Journal of Phonetics, Phonetica, Journal of the Acoustical Society of America…), tại Hội nghị khoa học quốc tế (Hội thảo quốc tế về ngôn ngữ học Đông Nam Á -SEAL, Hội thảo quốc tế về ngôn ngữ Hán Tạng – SST, Hội thảo quốc tế về ngôn ngữ Nam Á – AAL). Sau đây là một số công trình tiêu biểu:
2.1. Tác động thực tiễn của công trình
Những kết quả của Ngữ âm tiếng Việt được áp dụng trong nghiên cứu ứng dụng ngữ âm tiếng Việt (ngữ âm học ứng dụng – Applied Phonetics), góp phần giải quyết một số vấn đề thực tiễn liên quan đến ngữ âm tiếng Việt.
2.1.1. Dạy và học ngữ âm tiếng Việt
Sách Ngữ âm tiếng Việt là tài liệu tham khảo để biên soạn sách dạy tiếng Việt cho học sinh phổ thông, tài liệu dạy tiếng Việt cho người học tiếng Việt như ngôn ngữ thứ hai (người nước ngoài, người dân tộc thiểu số .
2.1.2. Ngữ âm bệnh học (Pathological Phonetics)
Những kiến thức về ngữ âm tiếng Việt được trình bày trong công trình của Đoàn Thiện Thuật được áp dụng trong nghiên cứu bệnh học ngữ âm tiếng Việt (dạy trẻ em câm điếc, trẻ em sau phẫu thuật vá môi, vá hàm ếch tập phát âm; chẩn đoán, điều trị, đánh giá kết quả điều trị các bệnh tổn thương thực thể và chức năng thanh quản (voice disorder), phục hồi tiếng nói cho người mất thanh quản…).
2.1.3. Xử lí lời nói tiếng Việt trong công nghệ thông tin
Sách Ngữ âm tiếng Việt cung cấp những kiến thức cơ bản, cần thiết về ngữ âm tiếng Việt để giải quyết các vấn đề liên quan đến ngữ âm tiếng Việt trong công nghệ thông tin. Sách cung cấp các tri thức về cấu trúc âm tiết, hệ thống âm đầu, vần, thanh điệu tiếng Việt để người làm công nghệ giải các bài toán về tổng hợp, nhận dạng lời nói tiếng Việt, kiểm tra chính tả văn bản tiếng Việt. Mô hình 2 bậc cấu trúc âm tiết tiếng Việt do Đoàn Thiện Thuật đưa ra gợi ý cho 1 nhóm tác giả (khoa Công nghệ Thông tin, Đại học Bách khoa Hà Nội) xây dựng chương trình kiểm tra chính tả dựa trên luật cấu tạo âm tiết tiếng Việt.
Công trình Ngữ âm tiếng Việt của GS Đoàn Thiện Thuật có vai trò quan trọng trong việc xây dựng và phát triển chuyên ngành ngôn ngữ học nói chung và ngữ âm học nói riêng ở nước ta. Ở Việt Nam, ngôn ngữ học lần đầu tiên được giảng dạy như một chuyên ngành khoa học trong các trường đại học vào những năm 1960-1970. GS Đoàn Thiện Thuật là một trong những người đầu tiên tham gia xây dựng chuyên ngành ngôn ngữ học của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học Quốc gia Hà Nội). Sách Ngữ âm tiếng Việt là một trong các công trình đặt nền móng cho việc giảng dạy và nghiên cứu ngôn ngữ học (bao gồm ngữ âm học) nói chung và Việt ngữ học (bao gồm ngữ âm tiếng Việt) nói riêng.
Tác giả: GS.TS NGUYỄN VĂN LỢI
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn