Top 10 Trang Cá Cược Bóng Đá Uy Tín

Ngôn ngữ      

Hiện thực và hư cấu trong phim truyện cách mạng Việt Nam về đề tài Hồ Chí Minh

Thứ ba - 13/08/2013 04:13
Chỉ trong vòng hai thập niên, từ 1990 đến 2010, nền điện ảnh cách mạng Việt Nam đã có được những thước phim khá chân thực, sinh động khắc hoạ hình tượng Bác Hồ, để lại những tình cảm tốt đẹp với nhiều thế hệ khán giả trong và ngoài nước…

Chân dung, tính cách và tâm hồn chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam đã từng được thể hiện trong nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau. Với nền điện ảnh cách mạng, đặc biệt ở mảng phim truyện, hình tượng con người vĩ đại này, dù chưa được thể hiện nhiều, chưa có những đột phá lớn, nhưng cũng đã có những thành công bước đầu, để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng khán giả. Trong bối cảnh chung một nền điện ảnh còn nhiều khó khăn, bất cập như ở nước ta, những thành công bước đầu của mảng phim truyện về hình tượng Bác Hồ đến thời điểm này, theo chúng tôi là rất đáng ghi nhận.

Trước tiên cần phải khẳng định, xây dựng hình ảnh một vị lãnh tụ, người đã từng có hơn nửa thế kỉ gắn bó với cách mạng Việt Nam, người mà trong suốt cuộc đời, “hiện thực” và “huyền thoại” luôn xen lẫn, đan cài với nhau, để phản ánh nó một cách chân thực, với các loại hình nghệ thuật khác đã là khó, điện ảnh thì còn khó hơn bội phần. Bởi đơn giản đây là một loại hình nghệ thuật gắn bó chặt chẽ với cuộc sống. Tính sát thực gần gũi với cuộc sống là một trong những đặc trưng quan trọng nhất của loại hình nghệ thuật này. Không giống với một số loại hình nghệ thuật khác, khi xem một bộ phim, dù đó là phim tài liệu hay hư cấu, khán giả luôn có cảm giác là mình đang tiếp xúc với những con người thật, cuộc sống thật, hệt như nó vẫn đang diễn ra trong cuộc sống. Trong khi Hồ Chí Minh, như chúng tôi đã nói ở trên, ngoài tư cách một công dân bình thường, còn là một vị chủ tịch, một con người hết sức đặc biệt, để tái hiện được một cách thuyết phục chân dung tính cách và tâm hồn của Người là một thách thức không hề nhỏ với loại hình nghệ thuật hư cấu (như phim truyện). Tuy nhiên, vượt qua những thách thức nói trên, chỉ trong vòng hai thập niên, từ 1990 đến 2010, nền điện ảnh cách mạng Việt Nam đã có được những thước phim khá chân thực, sinh động khắc hoạ hình tượng Bác Hồ, để lại những tình cảm tốt đẹp với nhiều thế hệ khán giả trong và ngoài nước.

Trong khoảng thời gian từ 1990 đến 2010, điện ảnh cách mạng Việt Nam đã thực hiện năm bộ phim truyện về đề tài Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh. Đó là các phim Hẹn gặp lại Sài Gòn (1990, đạo diễn: Long Vân, kịch bản: Sơn Tùng), Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Công (2003, đạo diễn: Nguyễn Khắc Lợi, Viên Thế Kỉ, Kịch bản: Nguyễn Hữu Mai), Hà Nội mùa đông năm 46 (1997, đạo diễn: Đặng Nhật Minh,, kịch bản: Đặng Nhật Minh, Hoàng Nhuận Cầm), Vượt qua bến Thượng Hải (2010, đạo diễn Triệu Tuấn, Phạm Đông Vũ, kịch bản: Hà Phạm Phú, Lê Ngọc Minh, Giả Phi), Nhìn ra biển cả (2010, đạo diễn: Vũ Châu, kịch bản Nguyễn Thị Hồng Ngát). Dù chưa thật đầy đủ và có những đột phá, những bộ phim trên đây cũng đã khắc hoạ một cách tương đối hệ thống quá trình hình thành nhân cách và sự nghiệp hoạt động cách mạng của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh từ khi còn là một thanh niên yêu nước đến lúc trở thành chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, lãnh đạo nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi.

Nhìn từ góc độ biên niên, năm bộ phim truyện nói trên, tuy ra đời trong các thời điểm khác nhau, nhưng nếu sắp xếp lại, ta vẫn có một biên niên kí khá hoàn chình về cuộc đời Bác từ những năm niên thiếu đến thời điểm mùa đông năm 1946 (khi đã là chủ tịch nước). Trong số năm tác phẩm đó, Nhìn ra biển cả (được thực hiện gần đây nhất), lại là bộ phim khắc hoạ hình tượng Bác Hồ (diễn viên Minh Đức sắm vai) ở thời điểm sớm nhất, khi Người còn là một học sinh trung học, vẫn chưa được nhiều người biết đến.

Bộ phim lấy bối cảnh Huế và một số tỉnh miền Trung thời kì Nguyễn Tất Thành học tại Trường Quốc học Huế, và sau đó là giáo viên tại trường Dục Thanh, Phan Thiết. Đó là vào những năm từ 1908 đến 1911. Khoảng thời gian hết sức ngắn ngủi này, trái lại, lại là thời điểm hết sức quan trọng trong cuộc đời Nguyễn Tất Thành. Bởi lẽ, đó là thời điểm tình cảm yêu nước, nhận thức về vận mệnh dân tộc trong Người được hình thành và khẳng định một cách rõ ràng. Nó sẽ góp phần lí giải toàn bộ tính cách, tâm hồn con người Hồ Chí Minh – một con người dám chấp nhận hi sinh hạnh phúc riêng tư của cá nhân mình cho nền độc lập dân tộc và hạnh phúc của nhân dân (về sau này). Cách lựa chọn thời điểm, bối cảnh để từ đó làm nổi bật tính cách một vị lãnh tụ hết lòng vì dân vì nước như Hồ chủ tịch của các tác giả phim Nhìn ra biển cả, theo chúng tôi là hoàn toàn hợp lí.

Với sự lựa chọn này, quan điểm xuyên suốt của các nhà làm phim đã cho thấy rõ ràng rằng, ngay từ khi còn trẻ, nhận thức của Nguyễn Tất Thành về dân tộc, nhân dân, về hoàn cảnh đất nước đã tỏ ra chững chạc, khác người. Do tái dựng bối cảnh khá xa, tư liệu hiện thực xung quanh cuộc đời của Nguyễn Tất Thành giai đoạn này ít ỏi và nghèo nàn, bản thân các tác giả phim Nhìn ra biển cả phải dựa vào trí tưởng tượng của mình là chính. Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát, mặc dù từng có nhiều kinh nghiệm làm phim về đề tài Bác Hồ, vẫn thừa nhận rằng khi nhận dự án viết kịch bản cho bộ phim, trong tay bà không có gì nhiều, ngoài một số bức thư bà xem được tại Bảo tàng Hồ Chí Minh và một vài cuộc gặp gỡ ngắn ngủi với nhà văn Sơn Tùng, một người vốn rất am hiểu về Bác. Vì lẽ đó, cái lát cắt hiện thực duy nhất bà có thể dựa vào, đó là thời kì Nguyễn Tất Thành dạy học tại trường Dục Thanh, tỉnh Phan Thiết. Từ cái mốc lịch sử quý báu đó, đạo diễn Vũ Châu và ê kíp làm phim đã “bồi đắp xương thịt” cho câu chuyện phim Nhìn ra biển cả của người thanh niên yêu nước Hồ Chí Minh. Một số chi tiết khác như việc tham gia, giúp đỡ những người nông dân và tiểu thương trong cuộc biểu tình chống chính sách sưu cao thuế nặng của thực dân Pháp hồi còn học ở Huế, chuyện móc nối với các chí sĩ yêu nước khi dạy học ở trường Dục Thanh, chi tiết tình yêu của người con gái ông chủ hãng nước mắm và sự lựa chọn giữa tình cảm riêng và sự nghiệp chung của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành…đều là hư cấu, tưởng tượng của các tác giả. Điều đặc biệt quan trọng ở đây là, mọi hư cấu, tưởng tượng trong bộ phim về hình tượng Bác Hồ đều bắt nguồn từ cơ sở hiện thực. Chính nhờ những chi tiết hư cấu hợp lí mà bộ phim Nhìn ra biển cả đã để lại nhiều dư vị, tình cảm lắng đọng với người xem, tạo được những hiệu quả nghệ thuật thực sự…

Hẹn gặp lại Sài Gòn là bộ phim tiếp nối câu chuyện Nhìn ra biển cả về mặt thời gian, mặc dù, trong năm tác phẩm về Bác, thì đây là bộ phim được làm sớm nhất. Nếu Nhìn ra biển cả xây dựng hình tượng Bác Hồ từ thời niên thiếu, khi còn là một học sinh trung học, thì Hẹn gặp lại Sài Gòn khởi đầu một chút muộn hơn, khi Người đã là một thanh niên trưởng thành, đã chín chắn và tự quyết định được những vấn đề quan trọng trong cuộc đời. Khó khăn lớn nhất với các tác giả khi bắt tay thực hiện bộ phim này, đó là nền điện ảnh của nước ta lúc bấy giờ còn yếu và thiếu thốn trăm bề. Đến tận lúc đó, điện ảnh Việt Nam vẫn chưa có một bộ phim hư cấu nào về Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh (trong khi điện ảnh thế giới đã từng có nhiều bộ phim đặc sắc về cuộc đời của Lénine, Indira Ganhdi…). Và, một số loại hình nghệ thuật khác (như hội hoạ, âm nhạc, văn học…), hay điện ảnh tài liệu đã có những tác phẩm thành công về Người từ rất sớm. Trong khi phim truyện lại là thể loại có ưu thế lớn về khắc hoạ hình tượng nhân vật. Quyết tâm của ê kíp làm phim, đặc biệt của Thành uỷ Sài Gòn, thành phố được vinh dự mang tên Người, nhân dịp kỉ niệm 100 năm sinh Hồ Chí Minh, là rất lớn. Chỉ sau một thời gian ngắn, dự án chính thức được triển khai: nhà văn Sơn Tùng là người trực tiếp viết kịch bản, Long Vân đạo diễn, diễn viên Tiến Hợi vào vai Nguyễn Tất Thành. Bộ phim kể lại những năm tháng Bác cùng gia đình sống và học tập ở Huế giai đoạn 1895-1909, sau đó Người vào Phan Thiết dạy học rồi từ đó tìm đường sang Pháp hoạt động cách mạng. Về câu chuyện phim, Hẹn gặp lại Sài Gòn có một số bối cảnh gặp gỡ với Nhìn ra biển cả. Đó là điều không thể tránh khỏi, vì cả hai đều cùng tập trung khắc hoạ một thời khắc rất quan trọng trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Người. Mặc dù kinh phí cho một bộ phim những năm này là vô cùng hạn hẹp (thậm chí tác giả kịch bản, đạo diễn và nhà quay phim không nhận kinh phí thù lao – một tình cảm đáng kính trọng cho thấy sự ngưỡng mộ và sự khát khao được sáng tạo hình tượng một con người vĩ đại), nhưng đây lại là bộ phim được coi là thành công hơn cả về hai phương diện hiện thực và hư cấu trong việc xây dựng hình tượng Bác Hồ. Về hiện thực, cũng giống Nhìn ra biển cả, những sự kiện lịch sử được ghi thành sử sách giai đoạn này là không nhiều. Các nhà làm phim phải huy động hết tài năng, trí tưởng tượng, cũng như sự hiểu biết của mình để khắc hoạ sao cho chân thực nhất hình tượng Nguyễn Tất Thành thời trẻ tuổi. Đây cũng được coi là lợi thế của loại hình phim truyện. Cho dù, tái hiện một hình tượng lịch sử quá quen thuộc và nổi tiếng như Hồ Chí Minh, nếu không đủ tài năng và sự thận trọng, người nghệ sĩ cũng sẽ dễ biến hư cấu thành con dao hai lưỡi. Nó sẽ làm mất đi tính chân thực và sự thuyết phục đối với nhân vật. Thật may mắn, nhóm làm phim Hẹn gặp lại Sài Gòn đã không bị rơi vào cái bẫy này. Dựa vào “hồn cốt hiện thực”, các nhà làm phim đã hư cấu vừa đủ để người xem vẫn luôn giữ được những ấn tượng có thật về Bác Hồ. Tính hiện thực vẫn luôn được bảo đảm. Đó là ý chí độc lập dân tộc và “tình cảm yêu nước, thương nòi” của Hồ Chí Minh. Mọi hành động, lời nói, cử chỉ, tâm tư suy nghĩ của Nguyễn Tất Thành đều dựa trên cái trục hiện thực này. Chẳng hạn, về ngoại hình, nét trí tuệ được thể hiện qua đôi mắt “sáng rực” của Người, mà diễn viên Tiến Hợi bằng sự cố gắng của mình đã thể hiện khá thành công; hoặc nữa, ngoại hình gầy guộc, dong dỏng của Người do luôn đau đáu nỗi ưu tư về dân về nước, cũng đã được diễn viên thể hiện khá tốt (Tiến Hợi tâm sự đây là vai diễn phim đầu tiên của anh về Hồ Chí Minh, để đạt được tối đa hiệu quả nghệ thuật, anh đã phải trải qua rất nhiều khổ luyện); cảnh trước khi đi xa, Nguyễn Tất Thành viếng mộ người mẹ thân yêu, cho thấy được tình cảm sâu nặng của Người; hoặc nữa cảnh hư cấu bữa cơm của gia đình Út Vân (người yêu Nguyễn Tất Thành) và lời ngỏ ý tác thành tình yêu con gái cho người thanh niên trẻ tuổi của ông Tư Đờn (cha Út Vân), câu trả lời khéo léo ý nhị “việc của cháu không dừng ở đây được” của Nguyễn Tất Thành (trước thời điểm ra đi tìm được cứu nước) hoàn toàn phù hợp với lô gích tâm hồn, tính cách của người thanh niên trẻ tuổi yêu nước thời ấy. Đây có thể được coi là một trong những bộ phim truyện có được sự hài hoà, nhuần nhuyễn giữa hiện thực và hư cấu trong việc khác hoạ hình tượng Hồ chủ tịch.

Tiếp nối về mặt thời gian chặng đường hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh, hai bộ phim Nguyễn Ái Quốc ở Hồng KôngVượt qua bến Thượng Hải do hãng phim Hội Nhà Văn thực hiện, cùng hợp tác với điện ảnh Trung Quốc, dù được sản xuất ở hai thời điểm khác nhau, nhưng lại có nhiều điểm giống nhau cả về bối cảnh lẫn thời gian câu chuyện. So với hai bộ phim đầu, Nguyễn Ái Quốc ở Hồng KôngVượt qua bến Thượng Hải có nhiều lợi thế hơn trong cả việc tái hiện bức tranh hiện thực và hư cấu xung quanh hình tượng Bác Hồ. Với bộ phim thứ nhất Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông (diễn viên Trần Lực trong vai Bác Hồ), đó là phiên toà có tính lịch sử vào năm 1931 của Nguyễn Ái Quốc (dưới cái tên Tống Văn Sơ) tại Hồng Kông. Bộ phim thứ hai, Vượt qua bến Thượng Hải (do diễn viên Minh hải thủ vai), đó là cuộc thoát hiểm của Nguyễn Ái Quốc từ Hạ Môn, qua Thượng Hải và cuối cùng là cửa khẩu quốc tế Trung – Xô, trước khi Người lên tàu thuỷ sang Liên Xô (cũ). Bộ phim cũng có được một đường dây những nhân vật lịch sử có thật làm nền cho sự xuất hiện của nhân vật trung tâm khá dày dặn như bà Tống Khánh Linh, nhà cách mạng Nguyễn Lương Bằng, nhà văn Tào Ngu, nhà báo nổi tiếng Pháp Paul Vaillant Couturier. Bám vào lát cắt sự thật như là đường dây cốt truyện xuyên suốt tác phẩm, đó là “cuộc thoát hiểm” của Nguyễn Ái Quốc khỏi Thượng Hải vào cuối năm 1933, đầu năm 1934. Không hoàn toàn giống hai bộ phim trên (Nhìn ra biển cảHẹn gặp lại Sài Gòn tuy tái hiện bối cảnh xa hơn về Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh, nhưng đó lại là bối cảnh Việt Nam, ở thời điểm Bác Hồ chưa nổi tiếng, việc hư cấu hình tượng nhân vật này ít gặp phải những rào cản dư luận từ phía người xem ngay cả khi phim chưa thuyết phục), Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông Vượt qua bến Thượng Hải khác hẳn: bối cảnh phim diễn ra ở nước ngoài vào thời điểm nhân vật chính đã được nhiều người biết đến, lại đã từng trải qua nhiều năm hoạt động cách mạng. Làm thế nào khi dựng lại chân dung của Người, liều lượng và sự phối hợp giữa hiện thực và hư cấu trong phim có thể tạo được tính chân thực, thuyết phục người xem cả trong nước và bên ngoài, đó là một thách thức không nhỏ đối với các tác giả. Do cả hai phim đều cùng lấy bối cảnh về một sự kiện có thật của Hồ Chí Minh: phiên toà tại Hồng Kông vào năm 1931 và cuộc đào thoát đầy ngoạn mục từ Thượng Hải sang Liên Xô (cũ) trong khoảng thời gian cuối năm 1933, đầu 1934, hai nhóm làm phim Nguyễn Ái Quốc ở Hồng KôngVượt qua bến Thượng Hải lại phải tạo được sự khác biệt, để người xem không cảm giác sự “trùng lặp nghèo nàn” của chi tiết hiện thực cản trở trí tưởng tượng của người nghệ sĩ.

Với phim Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông, đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi đã bám vào hai tình huống thật sự hấp dẫn và có ý nghĩa lịch sử. Đó là vụ án Nguyễn Ái Quốc (do chính quyền Anh dựng lên) và cuộc giải cứu của những người cộng sản Trung Hoa với người tù Hồ Chí Minh. Tình huống thứ hai cũng là một sự kiện có thật, đó là chín phiên toà xét xử Nguyễn Ái Quốc, âm mưu thâm độc của mật thám Pháp và sự giúp đỡ chân tình của vị luật sư người Anh Loseby. Điều quan trọng là trên cái nền của hai sự kiện được coi là cốt lõi này, các nhà làm phim đã tái hiện được hình ảnh một con người Hồ Chí Minh với đầy đủ nét tính cách và tâm hồn luôn nhất quán trong suy nghĩ của mọi người dân Việt Nam. Đó là một con người yêu nước nồng nàn, sẵn sàng hi sinh mọi thú vui cuộc đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Đó còn là một con người yêu đời, yêu người, hết sức vĩ đại nhưng cũng hết đỗi bình thường. Mặc dù là một phim chính luận có chủ đề tương đối xuyên suốt, chúng ta có cảm giác, tiết tấu của phim rất nhanh, mỗi hình ảnh, khuôn hình đều được cắt gọt rất kĩ càng, sắc nét, đối thoại của nhân vật hết sức sắc sảo, người xem có cảm giác như đây là một bộ phim hành động. Diễn viên Trần Lực đã thể hiện rất thành công những đặc điểm này trong vai diễn của mình. Có thể dẫn ra ở đây một chi tiết nhất quán làm rõ được chất tinh anh của Bác Hồ do diễn viên Trần Lực thể hiện được tiếp nối từ vai diễn của Tiến Hợi trong phim Hẹn gặp lại Sài Gòn cách đó hơn mười ba năm: đó là đôi mắt tinh anh, là thần thái “hồn cốt” của một con người dù trong bất cứ hoàn cảnh nào vẫn “ung dung tự tại”. Do âm hưởng chính là phim chính luận, nên phần hư cấu của Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông không thật nhiều (so với các bộ phim khác cùng đề tài), nhưng nhờ diễn xuất điêu luyện của diễn viên Trần Lực, người xem vẫn cảm nhận được một phần đời rất đẹp một thời của người thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc.

Vượt qua bến Thượng Hải là bộ phim nối tiếp cuộc hành trình từ Hồng Kông đến Hạ Môn, qua Thượng Hải để từ đó tìm đường sang Liên Xô (cũ), bắt đầu một chặng đường mới của Hồ chủ tịch. Hơi khác một chút so vớiNguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông mang đậm màu sắc chính luận, với bộ phim này, các tác giả đã có nhiều không gian hơn cho những hư cấu, tưởng tượng. Bộ phim vì thế cũng có nhiều sắc thái hơn. Người xem có thể tìm thấy ởVượt qua bến Thượng Hải một sự pha trộn của nhiều thể loại: phim chính luận lịch sử, phim tình cảm xã hội, phim hành động trinh thám… Câu truyện phim nhờ thế cũng bớt đi phần đơn điệu, khô khan, một chiều của dạng phim chính luận. Để tránh sự truy lùng của mật thám Pháp và chính quyền Tưởng Giới Thạch, Nguyễn Ái Quốc và người cần vệ tên Hổ (nhân vật hư cấu) tạm lánh trong tư dinh của một người Hoa giàu có tốt bụng tại khu phố Hạ Môn (đây là chi tiết hư cấu cần thiết nói lên được mối liên kết với phong trào cộng sản quốc tế của Bác Hồ thời gian Người hoạt động ở nước ngoài). Một chi tiết hư cấu khác rất cần được nhắc tới, đó là mối quan hệ giữa nhân vật nữ bác sĩ Phương Thảo (quê Hội An) và người anh trai bị thất lạc từ hồi bé của cô có tên Ngũ Lang với Nguyễn Ái Quốc, khi Người đang trốn tránh sự săn lùng của mật thám Pháp và chính quyền Tưởng Giới Thạch tại thành phố Hạ Môn. Thông qua hình tượng Phương Thảo, đạo diễn phim muốn nói đến tình cảm mến yêu vô hạn của những bà con Việt kiều xa tổ quốc đối với lãnh tụ Hồ Chí Minh. Hư cấu hình tượng Phương Thảo, các nhà làm phim còn có dụng ý muốn tạo ra một tình yêu đơn phương (từ phía nhân vật Phương Thảo), thông qua đó cũng muốn “bình thường hoá” hình tượng Bác Hồ (cũng như chi tiết 11 đứa trẻ, con của các liệt sĩ An Nam, chi tiết sát thủ Ngũ Lang, anh ruột của nữ bác sĩ Phương Thảo), để người xem luôn cảm giác được con người vĩ đại ấy, thực ra cũng là một người hết đỗi bình dị, như tất cả những người Việt Nam bình thường khác. Có thể nói, ranh giới giữa hiện thực và hư cấu trong phim Vượt qua bến Thượng Hải là hết sức mong manh. Nhưng chúng tôi cho rằng đây lại là điều cần thiết với một bộ phim truyện, đặc biệt với thể loại phim về đề tài lịch sử. Thành công với một tác phẩm điện ảnh hư cấu về một đề tài lịch sử, như đề tài về Bác Hồ, chúng tôi muốn khẳng định rằng, chỉ thuộc về những người nghệ sĩ “dám sáng tạo”.

Được thực hiện gần như sớm nhất (ngay sau Hẹn gặp lại Sài Gòn) trong chuỗi năm phim truyện về đề tài Bác Hồ, Hà Nội mùa đông năm 46 (diễn viên Tiến Hợi trong vai Bác Hồ) lại tái hiện bối cảnh hiện thực gần nhất, tính đến thời điểm hiện tại. Phim lấy đầu đề Hà Nội mùa đông năm 46, nhưng sự kiện trung tâm vẫn là một khoảnh khắc quan trọng trong cuộc đời của chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là thời điểm khi Người đã lãnh đạo nhân dân Việt Nam hoàn thành cuộc cách mạng Tháng Tám, năm 1945, chỉ không lâu sau, mùa đông năm 46, nước Việt Nam vừa mới ra đời, còn rất non trẻ, có nguy cơ bị thực dân Pháp xâm lược. Do bối cảnh lịch sử trong phim ở thời điểm gần hơn cả so với các bộ phim cùng đề tài, nên nó cũng là bộ phim có nhiều thuận lợi nhất trong việc khám phá và xây dựng hình tượng Bác Hồ. Để tạo dựng bối cảnh, các tác giả phim Hà Nội mùa đông năm 46 không gặp nhiều khó khăn, vì những tư liệu hiện thực giai đoạn này, đã có sẵn trong nhiều cuốn giáo khoa lịch sử, và cả những tài liệu khác. Thời điểm cuối năm 1946, dù đã hết sức cố gắng, trước đó, cuộc đàm phán của Hồ Chí Minh và chính quyền Pháp tại hội nghị Fontainebleau bất thành. Để có thời gian gây dựng lực lượng chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài toàn dân, toàn diện, Hồ Chí Minh đã buộc phải kí Hiệp định hoà hoãn với Pháp. Đó là một thời khắc hết sức khó khăn với nhà nước Việt Nam và với riêng lãnh tụ Hồ Chí Minh. Xoay quanh cuộc đấu trí hết sức gay cấn này, hình tượng người đứng đầu của đất nước Việt Nam non trẻ đã được đạo diễn Đặng Nhật Minh khắc hoạ một cách rõ nét và nổi bật. “Chúng ta muốn hoà bình, chúng ta phải nhân nhượng, nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa”, “Chúng ta thà hi sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” (khẩu khí đanh thép này của Hồ Chí Minh, trước đó đã từng vang lên trước thời điểm Người lãnh đạo nhân dân ta tiến hành cuộc cách mạng Tháng Tám vĩ đại: “Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được độc lập”; “Không có gì quý hơn độc lập tự do”). Với những ý đồ đó, để làm nổi bật tính cách Hồ Chí Minh, đạo diễn Đặng Nhật Minh chỉ chủ yếu tập trung vào những hoạt động đối nội và đối ngoại của Người trong thời khắc đặc biệt quan trọng này. Mọi mối quan hệ giữa Người với các nhân vật khác cũng sẽ góp phần làm rõ thêm tâm hồn, tính cách của bác. Về đối nội, Bác phải vừa thuyết phục để sao cho mọi tầng lớp nhân dân, những người chưa có điều kiện hiểu đầy đủ hoàn cảnh khó xử của Người trong hành động kí hoà ước đình chiến, tránh mọi sự tổn thất không cần thiết, lại vừa phải thể hiện được sự kiên quyết của người đứng đầu đất nước, khẳng định nền độc lập dân tộc. Rất nhiều cảnh phim cho thấy những sự kiện có thật của cách mạng Việt Nam trong hoàn cảnh “ngàn cân treo sợi tóc” này. Về đối ngoại, các hoạt động ngoại giao linh hoạt vừa kiên quyết vừa mềm dẻo khẳng định tầm nhìn, trí tuệ của Bác trong những giờ khắc có quyết định lịch sử này. Những chi tiết hiện thực và hư cấu đan cài lẫn lộn, khiến người xem rất khó phân biệt nhưng lại có tác dụng làm nổi bật vẻ đẹp tâm hồn phong thái ung dung tự tại của con người Hồ Chí Minh. Sẽ thật khó hình dung rằng, ngay trong thời điểm dân tộc “ngàn cân treo sợi tóc”, người đứng đầu đất nước vẫn giữ được vẻ bình thản, ung dung, tự tại và cũng “đời thường” đến không ngờ: tiếp đại diện cao uỷ toàn quyền Pháp Saiteny ngay trên giường bệnh tại Bắc Bộ Phủ, trò chuyện một cách tự nhiên, thậm chí hài hước với hoạ sĩ Hân ngay ở thời điểm Người đang tràn ngập nỗi lo lắng ưu tư về vận mệnh nước nhà, quan tâm đến chuyện riêng tư của luật sư Lâm, hỏi chuyện vợ con của anh, đồng ý để đứa con của người phục vụ cùng được lên Việt Bắc sau khi Hà Nội tiêu thổ kháng chiến…Cũng có thể coi đây là một bộ phim chính luận thể hiện rõ nhất tính cách của chủ tịch Hồ Chí Minh trong gần như suốt cả cuộc đời của Người. Chúng ta có thể tìm thấy trong phim Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông nét phong cách đặc biệt này. Trong trường hợp này, ta thấy yếu tố hiện thực có phần lấn át hư cấu. Và đó cũng là hướng đáng khích lệ trong các phim truyện về đề tài lịch sử.

Thật khó có thể phân tích đầy đủ, chi tiết mối quan hệ giữa yếu tố hư cấu và hiện thực trong việc xây dựng hình tượng Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh, dù chỉ qua một vài tác phẩm phim truyện cách mạng Việt Nam. Bởi như chúng tôi đã đề cập ở trên, trước một con người vĩ đại luôn xen kẽ, đan cài giữa cái hiện thựccái huyền thoại như Bác Hồ, việc tái hiện vẻ đẹp tâm hồn, tích cách, tình cảm của Người sao cho chân thực và thuyết phục, là điều không dễ. Chúng tôi hoàn toàn đồng ý với suy nghĩ của diễn viên Trần Lực, người đóng vai Bác Hồ trong phim Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông rằng, làm phim về Bác Hồ, dù ở hoàn cảnh nào, do “các chi tiết xung đột va chạm bên ngoài của nhân vật rất ít, nên có nhiều cái khó. Chúng tôi tâm niệm là phải thể hiện sao cho toát lên được tính cách một con người vĩ đại nhưng bình dị”. Và nữa, làm phim về một nhân vật lịch sử có thật đã vô cùng quen thuộc và nhận được tình cảm yêu mến của rất nhiều người, còn là một thách thức lớn hơn. Do khuôn khổ và yêu cầu của bài viết, chúng tôi không có điều kiện phân tích kĩ càng vấn đề này, cũng như không thể đào sâu một số biện pháp nghệ thuật khác có tính đặc thù của điện ảnh (hình ảnh, âm thanh, diễn xuất…), đặc biệt với thể loại phim truyện. Điều đó cần phải có một công trình nghiên cứu với thời lượng lớn hơn. Để kết thúc bài viết này, chúng tôi chỉ muốn lưu ý thêm một điều rằng, làm phim về một nhân vật vĩ đại như Hồ Chí Minh, có thể khó, nhưng khó không có nghĩa là không làm được, và lại càng không thể không làm. Với một con người đã hi sinh cả cuộc đời mình cho độc lập dân tộc và hạnh phúc nhân dân như chủ tịch Hồ Chí Minh, thì dù làm đến bao nhiêu vẫn là chưa đủ. Đó là “món nợ” trách nhiệm của ngành điện ảnh Việt Nam nói chung, và của các nghệ sĩ nghệ thuật thứ bảy nói riêng.

Tác giả: Trần Hinh

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây