***
Thơ Lê Anh Xuân, nếu có thể ví von, như loài hoa dừa vốn đặc trưng cho xứ sở miền Nam quê hương thân yêu của nhà thơ. Nếu sự ví von này là có thể chấp nhận được, nghĩa là đúng, thì kính mời quý vị đọc lại tập thơ Hoa dừa của Lê Anh Xuân, tập thơ theo chúng tôi nghĩ, là kết tinh đời thơ tuy ngắn ngủi nhưng rực cháy, phát sáng và phát lộ tài năng văn chương của Ca Lê Hiến - Lê Anh Xuân. Tài năng và nhân cách, hay nói cách khác cái tài và cái tâm của người nghệ sĩ trong con người Lê Anh Xuân là không tách rời, như hai mặt của một tờ giấy. Tôi đã đọc đâu đấy và nhớ một ý văn sâu sắc: lòng yêu nước bắt đầu từ tình yêu của mỗi người đối với những gì bình thường nhất, đó là con sông nhỏ chảy qua làng quê ta, là ngôi nhà nhỏ khuất mình trong mảnh vườn nơi ta đã sinh ra; là tình yêu ông bà, cha mẹ, anh chị em cô dì chú bác ta... Chúng ta có lẽ nên giáo dục con trẻ bắt đầu từ những cái nhỏ nhặt, giản dị như vậy. Trở lại với thơ Lê Anh Xuân để nhận biết thi sĩ lúc bắt đầu nghiệp thơ ca đã hướng ngòi bút của mình về đâu. Trong bài Trở về quê nội (được coi như thi phẩm đầu tiên kể từ khi nhà thơ trở về quê hương với tư cách một thi sĩ-chiến sĩ), Lê Anh Xuân đã run rẩy viết “Ôi quê hương xanh biếc bóng dừa/ Có ngờ đâu hôm nay ta trở lại... Đây rồi đoạn đường xưa/ Nơi ta vẫn thường đi trong mộng/ Kẽo kẹt nhà ai tiếng võng trưa/ Ầu ơ... thương nhớ lắm/ Ơi những bông trang trắng, những bông trang hồng/ Như tấm lòng em trong trắng thuỷ chung”. Trở về quê hương Bến Tre rợp bóng dừa xanh, nhà thơ như đắm mình giữa màu xanh quê hương xứ sở, như hoà tan vào màu xanh và cõi thiêng liêng “Tôi lớn lên đã thấy dừa trước ngõ/ Dừa ru tôi giấc ngủ tuổi thơ/ Cứ mỗi chiều nghe dừa reo trước gió/ Tôi hỏi nội tôi: 'Dừa có tự bao giờ?'”. Đặc biệt xúc động khi nhà thơ trở về chính nơi chôn rau cắt rốn của mình - Bến Tre. Bài thơ Về Bến Tre được viết trong tâm thế vui sướng đến nghẹn ngào “Bến - Tre ơi ta về đây/ Bao đêm ta nhớ bao ngày ta mong/... Ôi quê hương của tuổi thơ/ Biết bao xa cách bây giờ gặp đây/... Ta cầm nắm đất cha ông/ Nghe thiêng liêng ngọn lửa hồng trong tay”. Lẽ dĩ nhiên về lại quê hương, đó là quê hương lớn, nhưng sau đó là không thể không về thăm lại mảnh vườn xưa (ở đó trước có mái nhà của ông bà, bố mẹ sinh thành ra mình). Trong bài thơ Vườn xưa, Lê Anh Xuân đã bỗng cảm thấy nhói trong tim mình vì “Tôi về thăm vườn xưa/ Ngổn ngang dừa ngã gục/ Ngày không nghe tiếng gà/ Đêm không còn ánh lửa/ Đâu rồi cây vú sữa/ Tôi trồng lúc tuổi thơ/ Hàng sầu riêng đã gãy/ Cỏ dại mọc xanh mờ”. Thăm lại vườn xưa, rồi sau đó nhà thơ như lặng người trước dòng sông chảy qua làng mình, dòng sông chứa đầy ắp những kỉ niệm tuổi ấu thơ. Bài thơ Dòng sông tuổi thơ chan chứa kỉ niệm, lai láng nỗi niềm “Dòng sông tuổi nhỏ/ Mấy nhịp cầu ngang/ Mẹ dắt ta sang/ Giữa mùa nước rong/ Mênh mông”. Có thể nói, thơ Lê Anh Xuân viết ngày mới trở về quê hương sau mười năm xa cách, chứa đầy kỉ niệm quá khứ nên thơ bật dậy xen lẫn vời hiện tại khốc liệt, đã tạo cho thơ anh cùng lúc phát lộ phẩm tính trữ tình vốn có của thơ nhưng cũng báo hiệu một phẩm tính khác - đó là chất biên niên sử cuộc sống thời đại cách mạng và chiến tranh. Đó là những bài thơ mà ngay nhan đề đã gợi mở suy nghĩ vả cảm xúc về thời đại bão táp cách mạng: Phá lộ đêm trăng, Gặp những anh hùng, Về đi em, Bài thơ áo trắng, Không ở đâu như ở miền Nam, Gởi miền Bắc, Việt Nam! Ôi Việt Nam!, Lão du kích, Cây chông tre...***
Tôi muốn nói đến “Dáng đứng Việt Nam” - tên một bài thơ và cũng là một biểu tượng lớn và đẹp trong thơ Lê Anh Xuân. Dáng đứng Việt Nam, có thể nói trong thơ Lê Anh Xuân bắt đầu từ dáng đứng của người mẹ trong bài thơ Bông trang đỏ. Trong bài thơ giàu chất tự sự này hình ảnh bà mẹ miền Nam với nỗi đau khôn nguôi (trong vòng 10 năm mẹ mất hai người thân yêu nhất- chồng và con trai bị giặc thù sát hại). Rồi đến ngày Đồng khởi, lòng mẹ tuy vẫn còn rớm máu nhưng đã được an ủi vì cách mạng đang vùng lên quật khởi, vì những đứa con không phải mẹ đẻ ra - những chiến sĩ giải phóng - đã trở về làm kinh thiên động địa kẻ thù “Chúng con đội nắp hầm đứng dậy/ Bọn ác ôn run rẩy đầu hàng/ Mẹ ơi! Mẹ có thấy chăng?/ Thù xưa đã trả cho chồng, cho con”. Nhưng cái ngày Đồng khởi lịch sử ấy thì mẹ không nhìn thấy gì nữa vì mắt mẹ đã bị mờ từ trước đó. Cái đêm đồng khởi ấy có một bà mẹ “Đêm đồng khởi, lòng già mừng quá/ Đánh mõ tre đánh cả vào tay/ Mắt mù lòng mẹ vẫn say/ Tay đau chẳng nhớ, đêm dài cũng quên”. Và trong một trận chiến đấu, khi mẹ xung phong dẫn một tiểu đội quân giải phóng tìm đường đánh giặc, mẹ đã tìm cách đánh lạc hướng kẻ thù để bảo toàn lực lượng, mẹ đã anh dũng hi sinh “Một tràng súng nổ trong đêm/ Trong lửa đạn bóng mẹ in sáng ngời”. Trên chặng đường chiến đấu bằng ngòi bút, Lê Anh Xuân dường như dành rất nhiều tình cảm của mình cho người lính giải phóng quân qua những bài thơ: Chào các anh những người chiến thắng, Ánh đuốc, Anh đứng giữa Tháp Mười, và ấn tượng nhất là bài thơ Dáng đứng Việt Nam - bài thơ cuối cùng Lê Anh Xuân viết trước lúc hi sinh. Tại sao nhà thơ lại chú tâm đến dáng đứng của con người Việt Nam trong thời đại cách mạng và chiến tranh? Sống trong thời hoà bình như bây giờ, sống trong sự cạnh tranh không kém khốc liệt của cơ chế thị trường, con người dường như chỉ quan tâm đến chỗ đứng, bởi vì chỗ đứng liên quan đến quyền lợi sát sườn của mỗi người (nó đem lại tiền tài, danh vọng, bổng lộc, quyền uy...). Trong thời đại cách mạng và chiến tranh, trái lại vấn đề dáng đứng lại mới trở nên quan trọng và có ý nghĩa. Trong bài thơ Chào các anh những người chiến thắng, Lê Anh Xuân đã phác hoạ dáng đứng của người chiến sĩ giải phóng quân “Nay các anh đứng lên như Phù Đổng/ Đạp trên đầu thù bay tới tương lai”. Cả bài thơ và những câu thơ như thế, dù sao vẫn là một sự khái quát nghệ thuật cao độ về nhân vật người anh hùng thời đại. Về bút pháp gần gũi với cách viết của nhà thơ Tố Hữu lúc bấy giờ về người chiến sĩ giải phóng quân Việt Nam anh hùng “Hoan hô anh giải phóng quân/ Kính chào Anh con người đẹp nhất!/ Lịch sử hôn Anh, chàng trai chân đất/ Sống hiên ngang, bất khuất trên đời/ Như Thạch Sanh của thế kỉ hai mươi/ Một dây ná, một cây chông cũng tiến công giặc Mĩ/ Không tự ngắm mình, Anh chẳng hay đâu, hỡi người dũng sĩ!/ Cả năm châu, chân lí đang nhìn theo” (Bài ca xuân 68). Đó là bút pháp tượng trưng, gần gũi với thần thoại và truyền thuyết. Tôi nghĩ, các thế hệ trẻ sau này khi đọc lại bài thơ Dáng đứng Việt Nam (viết tháng 3 năm 1968) của nhà thơ - liệt sĩ Lê Anh Xuân sẽ hiểu thêm một khía cạnh của thi phẩm này: bài thơ được viết theo tinh thần của hư cấu nghệ thuật hoàn toàn hay được gợi dẫn từ sự thật đời sống và sự thật lịch sử? Như chúng ta biết, trong cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân năm 1968, ở mặt trận Sài Gòn - Gia Định, cụ thể hơn nũa là ở những trận tấn công vào sân bay Tân Sơn Nhất, về sau vẫn còn lưu truyền câu chuyện về một chiến sĩ giải phóng quân hi sinh trong tư thế tiến công, chính tư thế này đã khiến quân thù khiếp sợ, chùn bước; và cũng chính tư thế hi sinh trong lúc đang đứng bắn của người chiến sĩ giải phóng quân đã tạo thời cơ cho quân ta chủ động tiến công giành lại thế trận. Nếu là một hoạ sĩ, tôi nghĩ, Lê Anh Xuân sẽ chọn gam màu vàng, màu đỏ và màu xanh để hoàn thành tác phẩm hội hoạ của mình; nhưng riêng màu xanh sẽ gây được ấn tượng nhiều nhất đối với người xem vì đó là màu của bộ quân phục giải phóng. Ngày ấy trong chiến tranh, màu xanh bộ quân phục đã trở thành một biểu tượng, đã gợi hứng cho Tố Hữu viết bài thơ Chiếc áo xanh “Em lại nhuộm cho anh/ Chiếc áo màu lá xanh xanh/ Vì em ơi chiến tranh/ Không chịu màu áo trắng/ Anh lại đi mưa nắng/ Súng trên vai lên đường/ Với màu xanh chiến thắng/ Của miền Nam yêu thương”. Lê Anh Xuân là một nhà thơ có phẩm tính một hoạ sĩ nên đã kiến tạo cho thơ của mình có cái đặc sắc của “thi trung hữu hoạ”. Hãy xem nhà thơ “vẽ” chân dung người chiến sĩ giải phóng “Anh ngã xuống đường băng Tân-sơn-nhứt/ Nhưng anh gượng đứng lên tì súng trên xác trực thăng/ Và anh chết trong khi đương đứng bắn/ Máu anh phun theo lửa đạn cầu vồng”. Như đã nói ở trên, chính cái tư thế hi sinh của người chiến sĩ đã khiến quân thù khiếp sợ, đến mức dù anh đã hi sinh nhưng quân thù vẫn tưởng anh còn sống đó, đang nhìn thẳng kẻ thù và sẵn sàng nhả đạn “Chợt thấy Anh giặc hốt hoảng xin hàng/Có thằng sụp xuống chân Anh tránh đạn/Bởi Anh chết rồi, nhưng lòng dũng cảm/Vẫn đứng đàng hoàng, nổ súng tiến công”. Đó là người anh hùng vô danh. Lịch sử xưa nay vẫn chủ yếu được viết nên bởi những anh hùng vô danh. Hẳn chúng ta đều biết, ở thành phố Điện Biên Phủ bây giờ, trong những nghĩa trang liệt sĩ có đến 9/10 ngôi mộ là của những chiến sĩ vô danh. Và ở khắp các nghĩa trang liệt sĩ trên cả nước, tình hình cũng tương tự. Người chiến sĩ giải phóng trong bài thơ của Lê Anh Xuân cũng là người vô danh của lịch sử “Không một tấm hình, không một dòng địa chỉ/ Anh chẳng để lại gì cho riêng Anh trước lúc lên đường/ Chỉ để lại cái- dáng- đứng Việt -Nam tạc vào thế kỉ/ Anh là chiến sĩ Giải phóng quân”. Có những khoảnh khắc đặc biệt, tại đó những cá nhân “khổng lồ” về tầm vóc trí tuệ hoặc tầm vóc đạo đức, tầm vóc tài năng sẽ gặp gỡ với lịch sử. Điều này nhà thơ Tố Hữu đã viết trong bài thơ Hãy nhớ lấy lời tôi (ca ngợi anh hùng-liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi) “Có những phút làm nên lịch sử/Có cái chết hoá thành bất tử/ Có những lời hơn mọi bài ca/ Có con người như chân lí sinh ra”. Với Lê Anh Xuân, người chiến sĩ giải phóng đồng nghĩa với lịch sử, với nhân dân, với chân lí thời đại “không có gì quý hơn độc lập tự do”. Những câu thơ kết bài thơ Dáng đứng Việt Nam là một sự đúc kết, cao hơn là tổng kết “Tên Anh đã thành tên đất nước/Ơi anh giải phóng quân!/Từ dáng đứng của Anh giữa đường băng Tân-sơn-nhứt/ Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân”. Đây là bút pháp của huyền thoại khiến cho hình tượng thơ trở nên vượt quá kích cỡ bình thường, trở thành cái trác tuyệt vốn được xem như một phạm trù mĩ học cơ bản của nghệ thuật trong thời đại có những biến thiên lịch sử trọng đại.***
Đáng lí là trước hết phải nói khi chúng ta tập trung ở đây tưởng niệm nhà văn - liệt sĩ Lê Anh Xuân, nhưng để kết thúc bài viết của mình tôi nghĩ muốn dành trọn tình cảm của một người thuộc lớp đàn em của nhà thơ nghĩ về người tiền nhiệm của mình trong nghề cầm bút - đó là tinh thần dấn thân của một con người đáng kính trọng vào hàng bậc nhất. Như chúng ta biết , Ca Lê Hiến - Lê Anh Xuân bước chân vào cổng trường Đại học Tổng hợp Hà Nội danh tiếng từ năm 1959. Nên nhớ lớp sinh viên lúc đó được lựa chọn hết sức kĩ càng, nếu ai đã vào được Đại học Tổng hợp Hà Nội, chắc chắn đó là người tài. Không có gì phải đắn đo khi nói Ca Lê Hiến là một sinh viên xuất sắc vì sau khi tốt nghiệp anh được giữ lại trường làm giảng viên. Trong thời gian làm trợ giảng, Ca Lê Hiến đã có sự chuẩn bị cho tương lai nghề nghiệp và cuộc đời của mình. Nhưng cuộc đời của mỗi người, thường khi có những bước ngoặt bất ngờ. Chúng ta biết, vào thời điểm cuối năm 1964, cục diện chiến tranh đã có nhiếu thay đổi: đế quốc Mĩ mở rộng chiến tranh bằng không quân ra miền Bắc kể từ ngày 5/8/1964; trên phạm vi cả nước, cuộc chiến ngày càng ác liệt, gian khổ. Theo một hướng thuận, Ca Lê Hiến sẽ tiếp tục con đường học vấn của mình và tương lai anh sẽ trở thành một nhà khoa học có đóng góp xứng đáng (vì thân phụ của anh, nhà giáo dục, nhà khoa học Ca Văn Thỉnh là người có nhiều đóng góp cho lĩnh vực nghiên cứu văn học, có nhiều công trình nghiên cứu có giá trị), vì anh được chọn đi nước ngoài đào tạo. Nếu đi theo hướng này, Ca Lê Hiến rất có thể bây giờ là một tên tuổi trong lĩnh vực khoa học Lịch sử. Nhưng dường như mỗi người đều có số phận, mà số phận lại do tính cách quyết định. Tôi hình dung vào thời kì đó, Ca Lê Hiến - Lê Anh Xuân đã có nhiều đêm ít ngủ và trăn trở, suy nghĩ lao lung: chọn đặt chân lên con đường khoa học gập ghềnh, không ít chông gai và thử thách hoặc chọn con đường nghệ thuật vốn không chấp nhận những ai tính toán thiệt hơn, vì nghệ thuật từ xưa vốn vô tư và không vụ lợi. Nhưng có thể hình dung như sau: Ca Lê Hiến, từ trong máu là con người thích dấn thân và sẵn sàng dấn thân. Nếu Tố Hữu ngay từ năm 1940, trong bài thơ Trăng trối đã viết “Đời cách mạng từ khi tôi đã hiểu/ Dấn thân vô là phải chịu tù đày/ Là gươm kề tận cổ, súng kề tai/ Là thân sống chỉ coi còn một nửa”. Cũng như thế, vào thời điểm năm 1964, Ca Lê Hiến - Lê Anh Xuân, chắc chắn cũng tự nhủ rằng làm cách mạng thời mình bằng nghệ thuật, âu cũng là một cuộc dấn thân, nhập cuộc không kém phần gian khổ, hi sinh. Anh khoác ba lô giã từ gia đình, người thân, bạn bè, nhà trường, thầy cô, đồng nhiệp lên đường vào chiến trường. Nhưng cuộc ra đi, lên đường này thực ra là một cuộc trở vể ngoạn mục nhất trong cuộc đời ngắn ngủi nhưng rực cháy, rực sáng của Ca Lê Hiến- Lê Anh Xuân. Trở về quê hương , chiến đấu giải phóng quê hương - còn gì hạnh phúc hơn điều đó, vả lại có phải ai bất kì cũng có được hạnh phúc trên đời khi được sống theo sở nguyện của riêng mình, được lúc nào cũng là chính mình?! Có lẽ Ca Lê Hiến - Lê Anh Xuân đã sống rực cháy, sống hạnh phúc những năm cuối đời khi được tự do dấn thân và xả thân vì lí tưởng sống, lí tưởng nghề nghiệp. Cuộc đời và sự nghiệp văn chương của Ca Lê Hiến - Lê Anh Xuân, nếu có thể hình dung, là một cuộc tự đốt cháy trái tim đến thành trí tuệ và đốt cháy trí tuệ đến thành trái tim. Trong nền văn học hiện đại Việt nam thời kì cách mạng và chiến tranh chúng ta đã chững kiến những tấm gương dấn thân lớn lao như các nhà văn-chiến sĩ đã ngã xuống trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ của dân tộc: Trần Đăng(1921- 1949), Trần Mai Ninh(1917- 1947), Thâm Tâm (1917- 1950), Hồng Nguyên (1924- 1954), Nam Cao (1917- 1951), Dương Thị Xuân Quý ( (1941- 1969), Chu Cẩm Phong (1941- 1971), Ngô Kha (1937- 1973), Nguyễn Trọng Định (1939- 1968), Vũ Đình Văn (1951- 1972), Nguyễn Mĩ (1935- 1971)... Đó là những nhân cách nghệ sĩ lớn đã sống, chiến đấu và sáng tác văn chương với tinh thần dấn thân cao cả./.Hà Nội, tháng Năm, 2011
Tác giả: admin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn