GS.TSKH Vũ Minh Giang có khá nhiều lĩnh vực nghiên cứu đạt tới độ chuyên sâu. Trong đó, khoa học lịch sử là lĩnh vực hoạt động chính của ông, vốn rất đa dạng và không kém phần phức tạp, nên người làm công tác nghiên cứu, giảng dạy lịch sử rất cần đảm bảo tính logic của vấn đề, mối liên quan ngang - dọc, trước - sau của thực tiễn. Vì vậy, ông đã dành tâm huyết và trí tuệ của mình để nghiên cứu không phải một mà là nhiều vấn đề khác nhau, mà theo ông vấn đề nào cũng cần thiết cả.
Những tận hiến cho sự nghiệp
Nếu không kể 2 năm nhập ngũ trực tiếp cầm súng chiến đấu tại mặt trận phía Nam (sau khi đã học năm thứ tư Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội), thì ông Vũ Minh Giang phải mất 16 năm liền “đèn sách” từ bậc đại học lên để có được học vị TSKH (bảo vệ Luận án tại Đại học Tổng hợp Lômôlôxôp thuộc Liên Xô cũ). Và điều quan trọng nữa là niềm say mê, là ý chí vươn lên để không ngừng bồi tụ cho mình có được những kiến thức sâu rộng.
Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học, Nhà giáo Ưu tú Vũ Minh Giang
Năm 1972, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở vào thời điểm quyết liệt. Đang học năm thứ tư Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, ông lên đường nhập ngũ và trực tiếp cầm súng chiến đấu ở chiến trường miền Nam. Năm 1974, theo sự điều động ông được chuyển ra Bắc, trở lại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và được phân công làm cán bộ giảng dạy của trường, bắt đầu sự nghiệp mới: dạy học và nghiên cứu khoa học. Tuy có một thời gian gián đoạn do phục vụ trong quân đội, nhưng bù lại, GS. Vũ Minh Giang đã có được những trải nghiệm thực tế quý báu ngay nơi chiến trường ác liệt của cuộc kháng chiến. Đối với một người nghiên cứu và giảng dạy môn lịch sử, thực tiễn đó càng hữu ích hơn.
Được xếp vào lớp cán bộ “nguồn” vừa có năng lực, vừa có thực tiễn, năm 1980, ông được cử đi làm nghiên cứu sinh ở Liên Xô, tại Trường Đại học Tổng hợp Lômôlôxôp – một trong những trường đại học lớn nhất và danh tiếng nhất thế giới thời kỳ đó. Với chuyên ngành Lịch sử kinh tế, ông đã thể hiện là một nghiên cứu sinh giàu tiềm năng, được các giáo sư của trường quý mến và đánh giá cao. Năm 1985, ông bảo vệ xuất sắc Luận án Phó Tiến sĩ, ngay năm sau (1986) ông lại bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ khoa học. Đó là một kết quả không mấy người đạt được trong một thời gian ngắn. Mặc dù vậy, trong suy nghĩ của GS. Vũ Minh Giang, thực sự được cống hiến tri thức của mình cho sự nghiệp xây dựng quê hương đất nước mới là khát vọng lớn lao và cháy bỏng nhất của ông. Về nước giữa những năm đầu của công cuộc đổi mới, rất nhiều khó khăn phải đối mặt. Song, GS. Vũ Minh Giang vẫn tin ở tương lai phát triển của đất nước trên nền tảng của sự đổi mới. Bằng những nỗ lực không mệt mỏi của mình, ông đã được giao đảm nhiệm nhiều cương vị khác nhau trong và ngoài trường đại học, từ Chủ nhiệm Bộ môn, đến Phó Chủ nhiệm, rồi Chủ nhiệm Khoa và Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội. Ông là Phó Tổng Thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam từ năm 1991 đến 2003. Hiện GS.TSKH Vũ Minh Giang là Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo ĐHQG Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Chủ nhiệm Bộ môn Lịch sử Việt Nam cổ trung đại. Ở cương vị nào, ông cũng thể hiện tâm huyết và trình độ cao của một nhà nghiên cứu chuyên sâu.
GS. Vũ Minh Giang là một nhà khoa học có ý thức rất rõ về vai trò “đi trước một bước” trong nghiên cứu, nhằm có được những cơ sở khoa học đầy đủ, vững chắc để giải quyết và minh chứng các vấn đề thực tế yêu cầu. Không chờ cho đến khi đủ điềuk iện và các yếu tố liên quan, ngay từ năm 1998, ông đã cùng các đồng nghiệp nghiên cứu để tổ chức 4 Hội thảo quốc tế về Việt Nam học với vai trò là Trưởng ban Tổ chức. Đây có thể coi là tiền đề cho sự ra đời của Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển sau này. Thực tiễn phát triển của Viện trong hơn chục năm qua đã minh chứng về vai trò cần có của Viện đóng góp vào tiến trình phát triển chung, cả trong hoạt động nghiên cứu và trong công tác đào tạo, nhất là đào tạo sau đại học với những vấn đề liên ngành về Việt Nam.
Là một nhà giáo, đồng thời là một nhà sử học, GS. Vũ Minh Giang đã có sự kết hợp chặt chẽ giữa giảng dạy và nghiên cứu. Hai hoạt động ấy tương hỗ cho nhau, tạo nên hiệu quả cao hơn trong công việc. Ông là tác giả và đồng tác giả của nhiều công trình nghiên cứu, nhiều cuốn sách chuyên khảo và sách giáo trình phục vụ giảng dạy. Trong đó có những công trình được đánh giá rất cao do tác dụng và giá trị thiết thực trong thực tiễn như: Tiến trình lịch sử Việt Nam (NXB Giáo dục), Giáo trình lịch sử Việt Nam (NXB Chính trị Quốc gia), Lịch sử Vùng đất Nam Bộ (Chủ biên – NXB Thế giới), Lịch sử Việt Nam – Truyền thống và hiện đại (Tác giả - NXB Giáo dục), Những vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra trong tình hình hiện nay (NXB Chính trị Quốc gia)… Cùng với đó là hàng trăm bài báo chuyên đề của ông đã được đăng trên các báo, tạp chí trong và ngoài nước, được các nhà chuyên môn đánh giá cao. Nhiều hội thảo khoa học quan trọng về lịch sử, về giáo dục, về Việt Nam học mà ông trực tiếp là Trưởng Ban tổ chức, là Trưởng Ban thư ký. Những công trình lịch sử của ông được đánh giá cao và giúp làm sáng tỏ nhiều vấn đề cần được minh chứng. Cuốn Lịch sử vùng đất Nam bộ là một trong những công trình như vậy.
Trong công tác giáo dục – đào tạo, nhà giáo Vũ Minh Giang đã dành rất nhiều tâm huyết và thời gian cho công việc. Ông coi đó là sự nghiệp, là hạnh phúc và cũng là trách nhiệm đối với thế hệ trẻ. “Với tôi, người thầy, nghề giáo nói chung có hai điều thiêng liêng nhất phải có, đó là tâm huyết với nghiệp làm thầy làm cô của mình và phải quan tâm tới chuyện mình là thế nào trong mắt các học trò” - Giáo sư Giang chia sẻ - “Nếu ai cũng tâm niệm điềm đó, chắc chắn ngành giáo dục sẽ thay đổi nhiều. Các thầy cô đều hiểu học trò của mình cần cái gì, đôi khi họ hiểu học trò của mình hơn cả những nhà quản lý của ngành. Nếu có tâm huyết, họ sẽ có những hiến kế, đề xuất hay cho ngành. Còn nếu quan tâm tới hình ảnh của mình trong mắt học trò, họ sẽ biết tự sửa mình để làm thầy cho đáng làm thầy”. Không chỉ giảng dạy ở trong nước, GS. Giang còn giảng ở nhiều trường đại học nước ngoài như ở Nhật Bản, Hoa Kỳ, Pháp. Tại đây, ông được nhận nhiều giải thưởng cho quý như Huân chương Cành cọ Hàn lâm của Chính phủ Pháp… Tâm huyết của nhà giáo Vũ Minh Giang với nghề còn thể hiện ở sự trăn trở, ở những đóng góp cho sự nghiệp giáo dục – đào tạo trong nhà trường. Ông là người khởi xướng và chỉ đạo công tác đổi mới tuyển sinh theo đề riêng của ĐHQGHN từ nhiều năm trước. Ngay đối với vấn đề đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục hiện nay, Giáo sư Vũ Minh Giang cũng đưa ra những ý kiến, quan điểm rõ ràng, cụ thể và gắn với thực tiễn, với xu hướng phát triển của thời đại.
Năm 2010, trước thềm Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, một trong những hoạt động học thuật lớn nhất, duy nhất và thiết thực nhất trong Đề án được Thủ tướng phê duyệt là Hội thảo quốc tế Hà Nội học với chủ đề: Thủ đô Hà Nội phát triển theo hướng bền vững trong bối cảnh biến đổi toàn cầu. ĐHQGHN được tin tưởng giao nhiệm vụ là cơ quan thường trực tổ chức Hội thảo. Và, GS.TSKH Vũ Minh Giang đảm nhiệm vai trò Trưởng ban tổ chức Hội thảo ý nghĩa này.
Trong những năm gần đây, khi vấn đề biển Đông và cuộc đấu tranh và chủ quyền Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đòi hỏi ngày càng cao sự góp sức của các nhà sử học, GS.TSKH Vũ Minh Giang đã lao vào sự nghiệp này với những bài viết và hoạt động có tính chiến đấu cao. Đặc biệt là công trình Cơ sở học về chủ quyền Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đăng trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ của Bộ Khoa học và Công nghệ, được giới chuyên môn trong và ngoài nước đánh giá cao.
Hiện nay, với tư cách là Phó Chủ nhiệm đề án cấp Nhà nước, GS.TSKH Vũ Minh giang cùng với GS. Phan Huy Lê và nhiều nhà sử học đầu ngành đang tập trung công sức cho việc xây dựng một công trình Lịch sử Việt Nam có tầm cỡ với dung lượng lên tới 25 tập thông sử và 5 tập biên niên. Đây sẽ là bộ lịch sử dân tộc lớn nhất từ trước tới nay…
Ông là Chủ nhiệm Khoa Lịch sử (1991-1995), Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội (2003-2013).
Tận tâm với quê hương và cộng đồng
GS.TSKH Vũ Minh Giang sinh ra trong một gia đình có truyền thống yêu nước và cách mạng. Bố ông quê ở xã Minh Tân, huyện Thủy Nguyên và mẹ ông quê ở xã Đông Phương, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng. Nhưng trong kháng chiến chống thực dân Pháp, cả hai ông bà đều lên chiến khu tham gia các hoạt động kháng chiến, gặp nhau và nên duyên vợ chồng ở đó. Năm 1951, cậu bé Vũ Minh Giang chào đời ngay tại chiến khu khi cuộc kháng chiến còn hết sức cam go, cuộc sống thiếu thốn mọi bề nhưng với ông, Hải Phòng là quê hương gốc, ông thường xuyên theo sát những bước phát triển của thành phố Cảng, vui niềm vui của quê, trăn trở cùng những khó khăn của quê hương
Dù làm gì, ở đâu, ông cũng sẵn sàng đem tâm huyết và trí tuệ của mình đóng góp cho quê hương bằng những công việc cụ thể. Gần đây nhất, năm 2014, khi Hải Phòng được giao tổ chức Lễ khai mạc năm du lịch, GS.TSKH Vũ Minh Giang được mời tham gia đóng góp xây dựng kịch bản chương trình. Ông đã đưa ra ý tưởng tổ chức làm nổi bật những nét đẹp truyền thông của nền văn minh lúa nước, được Ban Tổ chức đồng tình. Nhiều vấn đề được cho là phức tạp về học thuật, thành phố đều mời GS. Giang tham gia ý kiến và ông đã có những tiếng nói tích cực, những minh chứng có tính thuyết phục cao. Ông còn tham gia trong Ban biên soạn Bộ lịch sử thành phố Hải Phòng với vai trò là một cảng biển từ hàng trăm năm về trước; đóng góp ý kiến và Báo cáo Chính trị trình Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XV…
Với quê hương là thế - ông vẫn luôn tận tâm, vẫn luôn sống có nghĩa có tình. Bởi “quê hương mỗi người chỉ một” và ông cũng không thể là ngoại lệ.
GIÁO SƯ, TIẾN SĨ KHOA HỌC, NHÀ GIÁO ƯU TÚ VŨ MINH GIANG
+ Đơn vị công tác: Bộ môn Lịch sử Việt Nam Cổ trung đại (Khoa Lịch sử). + Chức vụ quản lý: Chủ nhiệm Bộ môn Lịch sử Việt Nam Cổ trung đại (Khoa Lịch sử) (1987 - 1988, 2000 - nay). Phó Chủ nhiệm Khoa Lịch sử (1988 - 1990). Chủ nhiệm Khoa Lịch sử (1991 - 1995). Phó Giám đốc (1988 - 2001) và Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Giao lưu văn hóa (2001 - 2003) (nay là Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, ĐHQGHN). Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội (2003-2013). Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội (2015-nay). Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam (2010-nay). Chủ tịch Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước (2009-nay). Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia (2010-nay). Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước xét Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về khoa học công nghệ (2010).
Quân Thuỷ trong lịch sử chống ngoại xâm (đồng tác giả), Nxb. Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 1983. Социальные группы традиционных обществ Востока (312 trang), Nxb. «Нaука» Москва, 1985 (đồng tác giả). Эволюция форм землевладения и землепользования в феодальном Вьетнаме (372 trang), Nxb. МГУ Москва, 1986. Trên đất Nghĩa Bình (đồng tác giả), Nxb. Nghĩa Bình, 1988. Các giá trị truyền thống và con người Việt Nam hiện nay (đồng tác giả), Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, Tập 1, 1994, Tập II, 1996. Pháp luật và xã hội Việt Nam từ thế kỉ XV đến thế kỉ XVIII (đồng tác giả), Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1994. Xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam (đồng tác giả), Nxb. Bộ Tư pháp, Hà Nội, 1995. Địa bạ Hà Đông (đồng tác giả), Hà Nội, 1995. Địa bạ Thái Bình (đồng tác giả), Hà Nội, 1997. The Last Stand of Asian Autonomies, Macmillan, London, 1997 (đồng tác giả). Tình hình ruộng đất, nông nghiệp và đời sống nông dân dưới triều Nguyễn (đồng tác giả), Nxb. Thuận Hóa, Huế, 1999. Tiến trình lịch sử Việt Nam (đồng tác giả), Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2000. Lược sử vùng đất Nam Bộ (chủ biên), Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2006. Những đặc trưng cơ bản của bộ máy quản lý đất nước và hệ thống chính trị nước ta trước thời kỳ đổi mới, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2008. Lịch sử Việt Nam truyền thống và hiện đại, Nxb. Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, 2009.
+ Giải thưởng Công trình khoa học tiêu biểu của ĐHQGHN năm 2009 cho công trình Lịch sử Việt Nam truyền thống và hiện đại. + Giải Sách hay của Hội xuất bản Việt Nam năm 2013 cho cuốn Quân Thuỷ trong lịch sử chống ngoại xâm lược. + Giải thưởng Khoa học và công nghệ ĐHQGHN giai đoạn 2005 - 2010. |
Tác giả: Xuân Phúc