Top 10 Trang Cá Cược Bóng Đá Uy Tín

Ngôn ngữ      

Giới thiệu sách: "Lạc giữa cõi người"

Thứ ba - 29/11/2016 02:11
PGS.TS Phạm Quang Long nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học KHXH&NV (1996-2001), Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội (2001-2005), Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch Hà Nội (2005-2013). Ông đến với văn chương muộn nhưng bén duyên nghề chữ. Ông là tác giả của Nợ non sông (kịch bản sân khấu, Nxb ĐHQG Hà Nội, 2014). Trong vòng hơn hai năm qua ông hoàn thành bản thảo 3 tác phẩm văn xuôi với ngót 1000 trang (Bạn bè một thuở, Lốc xoáy, Lạc giữa cõi người). Ông đang bắt tay viết tác phẩm văn xuôi thứ tư có tựa Cuộc cờ. Tác phẩm văn xuôi đầu tay không ghi tên thể loại Lạc giữa cõi người vừa được nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành, còn thơm mùi mực (Quý IV, năm 2016). Đây là tác phẩm viết về chuyện tử tế, người tử tế đang trở nên rất hiếm hoi trong đời sống xô bồ hiện nay. Đọc Lạc giữa cõi người, dẫu có đau xót về nhân tình thế thái đây đó, nhưng rốt cuộc lại thấy ấm lòng vì cái nhìn toàn cục của tác giả là tỉnh táo, sắc bén và thẳng thắn, nhưng ân tình, độ lượng và vị tha. Quan trọng hơn cả là đọng lại một niềm tin vào những con người tử tế, việc tử tế sẽ chiến thắng.
Giới thiệu sách:
Giới thiệu sách: "Lạc giữa cõi người"

PGS.TS Phạm Quang Long nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học KHXH&NV

Cách đây cũng dễ đến mười năm, tôi có đọc cuốn hồi ký của ông Đoàn Duy Thành nhan đề Làm người là khó. Ông Thành cũng thuộc vào loại “cốp”. Nhiều dự cảm tinh tường, nhiều ý tưởng sâu sắc, nhiều ham muốn cải cách. Nhưng như cổ nhân nói “người định không bằng trời định”. Cuốn sách này cũng thuộc dạng “tự xuất bản”, dạo đó nhiều người săn tìm để đọc. Ông Thành cũng là một cán bộ từ cấp tỉnh, thành phố đi lên trung ương. Nhiều chuyện ông ấy kể trong sách có cái gì đó gần gũi (về cảm hứng, về các cung độ của sự việc, các hệ lụy và cách nhìn đa chiều các biến cố) với những chuyện của “Tôi” kể trong Lạc giữa cõi người của Phạm Quang Long. Cuốn sách của ông Đoàn Duy Thành gợi cho độc giả nghĩ tới những điều sẽ xẩy ra ở cấp cao hơn, tức tầm vĩ mô quốc gia chính thể, cảm thức này cũng hiện diện sau khi đọc Lạc giữa cõi người, cuốn sách sáng tác văn xuôi thứ ba của Phạm Quang Long mà tôi được đọc. Vậy nên nhận xét đầu tiên là chất liệu được dồn vào Lạc giữa cõi người dư thừa cho vài ba cuốn tiểu thuyết hư cấu. Và nếu thế thì nhân vật và sự kiện phải được đẩy lên cao hơn nữa, vượt qua cái tầm mức địa phương (tỉnh, thành), để cho nó mang bộ mặt quốc gia, thời thế. Bởi tác giả là người trong cuộc chí ít cũng ngấp nghé cái tầm vĩ mô. Nếu là bạn bè nói cho vui thì “Tôi” hơi tham. Gần như tất cả các biến cố, sự việc, tình huống tiêu biểu của thời hạn hơn tám năm trụ ở địa hạt văn hóa cấp tỉnh, thành (trên cái ghế Giám đốc) lành ít dữ nhiều, được dồn chặt vào sách. Thành thử có cảm giác chật ních, dồn nén và bí bách như một cơ thể đang lớn mà phải khoác bộ quần áo quá chật. Theo kinh nghiệm của nhà văn Nguyễn Công Hoan thì người viết nên biết để dành, nên “ăn dè”, không nên tiêu hoang một lúc theo lối “xả láng” như cách nói bây giờ. Hay là “Tôi” còn rất giàu có về chất liệu, chừng này chưa thấm tháp gì? Có thể như thế! Nhưng thôi, chuyện kỹ thuật viết lách thì bàn đến bao giờ mới hết, hơn thế vì “văn mình vợ người”.

Tôi đặc biệt chú ý tới câu nói của con trai nhân vật “Tôi” về “Đạo làm người khó hơn đạo làm quan”. Một triết lý được phát ngôn bởi một chàng thanh niên tuấn tú ở tuổi mới lớn mà đã trưởng thành chứ không phải là của người đã qua ngưỡng tuổi “ngũ thập tri thiên mệnh” hay “lục thập nhi nhĩ thuận”. Mới biết tuổi trẻ bây giờ ghê gớm thật. Vì thế mà phải tin tưởng và kỳ vọng vào họ. Tại sao không?! Phải chăng đó là cái cấu tứ của Lạc giữa cõi người của Phạm Quang Long. Tác phẩm không ghi rõ ràng thể loại (là tiểu thuyết hay tự truyện, hồi ký), nhưng điều đó không quan trọng. Với người đọc thì điều quan trọng nhất là được nhận chân sự thật, vì nói như văn hào Nga thế kỷ 19, tác giả kiệt tác Chiến tranh và hòa bình, L. Tôn – xtôi, thì “Sự thật là nhân vật tôi yêu quý nhất khi viết”. Ở đây đặt ra một vấn đề: Sự thật được tái hiện là từ giác độ nào? Từ sự quan sát thông minh và tinh tường của người ngoài cuộc hay từ sự trải nghiệm, dấn thân của một người “nằm trong chăn biết chăn có rận”? Lại phải nói thêm sự thật từ phía nào (phía bóng tối hay ánh sáng)? Và sự thật có lợi cho ai (cho quảng đại nhân dân hay của một nhóm lợi ích)? Cuối cùng thì sự thật làm ta trưởng thành hay thất bại sau khi nhận thức nó một cách đầy đủ và sâu sắc? Có lẽ khi viết Phạm Quang Long không hẳn muốn  bày biện ra như thế để tính toán chi li nhưng chắc chắn là tác giả không phải là người nhân danh vì sự thật để uốn lượn ngòi bút, để tác phẩm của mình có thể “bắt mắt” công chúng, để ra mắt chóng vánh và suôn sẻ. Nói thế là vì đang có cái thói nhân danh sự thật (cũng như nhân danh nhiều thứ vô nghĩa khác). Tôi đã đọc ba bản thảo tác phẩm văn xuôi của Phạm Quang Long viết ra trong gần ba năm qua và như “thông báo nội bộ” thì cuốn thứ tư đang được khởi thảo. Chắc chắn là không đèm đẹp màu mè, không thương vay khóc mướn, mà trái lại thẳng băng, phức tạp, gây cấn, hồi hộp với độc giả. Và rất có thể gây hấn cảm xúc, kích thích tranh luận.

Làm người là khó? Nhưng tại sao lại là khó giữa đồng loại, đồng nghiệp, đồng chí và có khi là đồng đội? Câu hỏi này có vẻ khó trả lời cho rành rẽ dưới thanh thiên bạch nhật. Làm người là khó, là vì  như dân gian tổng kết: Một người bạn xấu có khi còn nguy hiểm hơn cả  kẻ thù. Làm người là khó là vì, ai cũng nghĩ người tử tế và việc tử tế dường như ngày càng hiếm hoi, khó tìm thấy. Sống và hành xử trong một môi trường như thế, lại có tí cương vị xã hội, làm sao mà không khó. Vì thế mới thấy “Tôi” cứ vật vã, trăn trở, day dứt, cật vấn, sám hối. Rồi tự dưng cứ thế rơi vào cô đơn và đau buồn, thậm chí đôi khi có tâm lý thấy bại chủ nghĩa. Nhưng rất may mắn là tâm thế này chỉ thoáng qua. Rồi vực dậy, vùng lên với quyết tâm “không được gục ngã”. Một nhân vật “Tôi” muốn sống tốt mà thiếu cơ hội làm người tử tế, còn khi gắng sống tử tế thì bị bao vây, gài bẫy, quăng quật lên bờ xuống ruộng, thậm chí có nguy cơ rơi vào vòng lao lý. May mà có tấm lòng thơm thảo, may mà bản chất nhân hậu sống theo tinh thần đạo Phật, may mà biết nghĩ trước nghĩ sau tránh được quả báo, dành hồng phúc cho con cháu. Tôi không nghĩ thúc thủ, im lặng, lảng tránh, dĩ hòa vi quý là con đường hành đạo của kẻ sỹ thời nay. Trái lại dấn thân, nhập cuộc, chịu trận, dám chấp nhận thử thách kể cả thất bại lâm thời mới là phẩm tính của con người chân chính, con người viết hoa. Nhưng như thế thì phải chịu va đập đôi khi rớm máu, chắc chưa đến mức đổ máu!

Viết về cái xấu, cái tiêu cực, cái không tử tế (trong con mắt của nhân vật “Tôi”), không nhằm chỉ ra con người này, vụ việc cụ thể này mà nhằm tìm ra cái căn nguyên dẫn đến cái băng hoại từng phần rồi đến toàn bộ của đời sống xã hội ở vào giai đoạn khủng hoảng trầm trọng. Một cái nhìn trực diện vào sự thật, một cảm hứng bi kịch của sự viết, một thiện ý muốn bảo vệ cái đúng, cái đẹp, cái tốt đã khiến cho cảm hứng phê phán được soi sáng bằng sự phân tích tỉnh táo và được điều hòa bởi cái tình đời, tình người toát lên trong từng con chữ. Nói cách khác phong cách Phạm Quang Long trong Lạc giữa cõi người mang dấu ấn của trí tuệ và tình cảm song hành như một sự hòa âm (cái đầu lạnh và trái tim nóng).

Trước khi viết văn xuôi, Phạm Quang Long đã thành công trong kịch bản sân khấu (tập Nợ non sông, 2014, đã chứng tỏ tác giả có khả năng phát hiện các xung đột đời sống quan trọng, chuyển hóa thành xung đột kịch tiêu biểu, trình bày những nhân vật thời đại quá khứ cũng như hiện tại như những con người có khả năng hóa giải mâu thuẫn, kiến tạo các giá trị đạo đức; phê phán các thói hư tật xấu muôn thuở của con người vì ngu dốt, vì háo danh, vì đam mê quyền lực dẫn đến tha hóa). Viết văn xuôi, như người ta nói, phải có cái tâm thế “đam mê đến từng chi tiết”. Nói thế mới thấy Lạc giữa cõi người của Phạm Quang Long thật là “rậm rạp”, “phì nhiêu” chất liệu, ngổn ngang tình tiết và dày đặc chi tiết. Ai đó thích đọc lối văn nhẹ nhàng, giản lược, trơn tru và chóng vánh chắc sẽ không “bập” được vào tác phẩm này. Lạc giữa cõi người, tôi nghĩ, hợp hơn với hạng công chúng có cái “tạng” thích sống chậm, nghiền ngẫm, suy tư. Nghĩa là có một sự đồng cảm sáng tạo giữa người viết và người đọc khi đã sống nhiều, suy nghiệm kỹ càng, và thích lật xới các vấn đề đời sống, thậm chí có ham muốn cật vấn, triết lý nhân sinh.

Một sự bề bộn của lối viết nhưng tư duy nghệ thuật thì trái lại sáng suốt, minh bạch. Là người có kiến văn xã hội, nghề văn, sống nhiều, có tấm lòng và tiết tháo của kẻ sỹ nên Phạm Quang Long đã bước vào cuộc chơi văn chương đầy tự tin, hào sảng. Rất có thể là một nhiện tượng văn xuôi đương đại khi tác giả lần lượt ra mắt độc giả Lốc xoáy, Bạn bè một thuở, Lạc giữa cõi ngườiCuộc cờ.

Cũng có người sau khi đọc Lạc giữa cõi người có vẻ như chưa thật thỏa mãn vì tác phẩm hơi “khô” (có vẻ như tác giả tỉnh táo quá, lý trí can thiệp nhiều quá, cần nhuần nhị và tươi mát hơn). Cảm thức ấy là đúng. Nhưng mà như cổ nhân nói “đành lòng vậy cầm lòng vậy”. Một lần tao ngộ văn chương mới đây ông chia sẻ tâm huyết “Hạnh phúc bây giờ là mỗi ngày được viết và phục vụ vợ con, được gặp gỡ bạn bè để chia sẻ cả niềm vui lẫn nỗi buồn của đời người”. Nhìn mái tóc bạc trước tuổi vì trót dính vào “quan trường” gần hai chục năm, thấy thương bạn văn lận đận vì những cái không đâu vào đâu. Nhưng đọc văn lại thấy niềm vui khi bạn bè đang trở về làm người bình thường. Làm người tử tế. Và viết văn là một công việc tử tế. Sống với văn chương chắc bạn tôi nhẹ bớt đi cái tâm thế “làm người là khó”. Đúng thế chăng?!

Nhà văn Bùi Việt Thắng (nguyên giảng viên khoa Văn học)

Tác giả: Bùi Việt Thắng

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây