Phát biểu khai mạc hội thảo, GS.TS Phạm Quang Minh cho biết: chủ đề của hội thảo lần này có ý nghĩa lớn về khoa học và thực tiễn. Về thực tiễn, Việt Nam là một quốc gia có sự đa dạng về địa hình, có sự phong phú về điều kiện tự nhiên, có biển, sông, núi và đất liền từ Nam ra Bắc. Từ góc độ khoa học, chủ đề này được nhiều nhà khoa học quốc tế quan tâm. Hiện nay vẫn còn sự tranh luận giữa hai nhóm học giả trên thế giới. Nhóm thứ nhất là nhóm “nhìn từ biển”, nhấn mạnh tầm quan trọng của biển ở Việt Nam vì phần biển và duyên hải chiếm 1/3 diện tích Việt Nam. Nhóm học giả khác lại đưa ra “cái nhìn từ núi”. Chủ đề của hội thảo về mối quan hệ đất liền và biển, và tương đồng với hai trường phái nói trên. Do đó, nếu có thể giới thiệu rộng rãi hai quan điểm này, thì hiểu biết của giới nghiên cứu về về lịch sử Việt Nam sẽ đầy đủ hơn rất nhiều. Điều này càng có ý nghĩa trong bối cảnh Trường ĐHKHXH&NV vừa thành lập Trung tâm Nghiên cứu Biển và Hải đảo như một sự khẳng định rằng đây sẽ là một trong những lĩnh vực được quan tâm trong bức tranh nghiên cứu chung của Nhà trường trong tương lai.
GS.TS Phạm Quang Minh - Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV phát biểu tại hội thảo
Phát biểu đề dẫn hội thảo, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc cho rằng: Lịch sử Việt Nam diễn ra trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam với rất nhiều mối quan hệ giữa người với người, giữa người với tự nhiên. Quan niệm cho tới hiện nay chủ yếu xoay quanh người Việt. Ở phía Nam, người Việt đi đến đâu thì người Việt Nam được tiếp nối tới đây. Miền Nam, Nam Trung Bộ, Nam Bộ chỉ tính bắt đầu từ thế kỷ 16,17 mà bỏ qua thời kỳ lịch sử Chăm Pa, Chân Lạp. Rõ ràng là những cái nhìn chưa đầy đủ về lịch sử Việt Nam cần phải được khắc phục.
Đề án khoa học xã hội cấp quốc gia nghiên cứu, biên soạn bộ “Lịch sử Việt Nam” thời gian qua đặc biệt đề cao tính khách quan, tính toàn bộ, toàn diện, tính cốt lõi, tự nhiên của lịch sử đất nước; và đòi hỏi mở rộng sử liệu sang nhiều chuyên ngành liên quan như Địa lý học, Khảo cổ học, Kinh tế học, Ngôn ngữ học, Văn học dân gian…và sử dụng phương pháp nghiên cứu liên ngành.
GS.TS Nguyễn Quang Ngọc - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam phát biểu tại hội thảo
Trong nỗ lực chung ấy của giới khoa học, hội thảo lần này bàn về mối liên hệ giữa biển và lục địa, đặc biệt là vai trò và mạng lưới giao lưu ở lưu vực các dòng sông miền Trung Việt Nam trong lịch sử đất nước. Hội thảo đã thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu lịch sử Việt Nam cổ trung đại, Chăm Pa, Khảo cổ học, Văn hóa học, Địa lý học từ nhiều tỉnh thành và đơn vị khác nhau. Các bài viết được đánh giá là có sự đầu tư kỹ lưỡng và mang đến nhiều nguồn tài liệu phong phú, đặc biệt là tài liệu điều tra thực địa với những nhận định, đánh giá mới mẻ về chủ đề này.
GS.TSKH Vũ Minh Giang - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam phát biểu tại hội thảo
Một số tham luận tại hội thảo như: “Biển với Lục địa - vai trò của các dòng sông miền Trung” (GS.TS Nguyễn Văn Kim, Trường ĐHKHXH&NV), “Đặc tính tự nhiên của một số hệ thống sông lớn khu vực miền Trung” (GS.TS Trương Quang Hải, Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển, ĐHQGHN), “Mạng lưới trao đổi gốm Gò Sành thời Chawmpa” (TS Đinh Bá Hoà, Bảo tàng Bình Định), “Các trục sông thiêng vùng Quảng Trị dưới thời Chămpa” (ThS. Lê Đức Thọ, Trung tâm Bảo tồn di tích và danh thắng Quảng Trị), “Mạng lưới trao đổi ven sông miền Trung Việt Nam trong so sánh với mô hình của châu thổ Bắc Bộ” (TS Đỗ Thuỳ Lan, Trường ĐHKHXH&NV), “Vai trò của hệ thống sông Miền Trung trong giao lưu văn hoá - thương mại” (TS. Đinh Đức Tiến, Trường ĐHKHXH&NV), Trao đổi ven sông Thu Bồn thời Sa Huỳnh và Chămpa sớm (PGS.TS Lâm Thị Mỹ Dung, Trường ĐHKHXH&NV), “Thành Cha trong lịch sử Chawmpa: Những kết quả nghiên cứu mới (PGS.TS Lê Văn Tới, Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành - VASS)…
Tác giả: Thanh Hà, Lê Minh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn