Bài viết của TSKH. Lương Văn Kế, giảng viên Khoa Quốc tế học - Trường ĐHKHXH&NV, đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc, số 3(91)/2009, tr. 69-74.
Bài viết của TSKH. Lương Văn Kế, giảng viên Khoa Quốc tế học - Trường ĐHKHXH&NV, đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc, số 3(91)/2009, tr. 69-74.
Công cuộc đổi mới kinh tế xã hội ở Trung Quốc cũng như Việt Nam thực chất là một cuộc chuyển đổi toàn diện, mang tính hệ thống và về cơ bản theo chuẩn giá trị Phương Tây. Tiến trình cải cách này đến nay khá thành công. Đây là một cống hiến vĩ đại trong sự nghiệp phát triển đất nước của hai nước xã hội chủ nghĩa láng giềng này. Toàn bộ đời sống của một quốc gia dân tộc như Trung Quốc hay Việt Nam luôn luôn chịu tác động to lớn có tính quyết định của chính trị hay chính sách nhà nước. Do đó việc nghiên cứu về hệ giá trị chính trị Phương Tây và tác động của nó đối với sự phát triển của các xã hội Đông Á như Trung Quốc và Việt Nam là việc làm cần thiết, sẽ đem lại nhiều bổ ích trong nghiên cứu quốc tế cũng như góp phần khuyến nghị chính sách đối với các nhà chính trị có thẩm quyền cao ở Việt Nam.
Phạm vi của bài viết đề cập đến 3 khía cạnh cơ bản:
I. Giá trị chính trị Phương Tây là gì?
Hệ giá trị chính trị là tầng sâu nhất của toàn bộ thể chế chính trị. Người ta có thể hình dung vị trí của nó như sau:
Khi nói đến giá trị của nền chính trị Phuơng Tây, nguời ta thường đề cập đến các khía cạnh cốt lõi sau đây:1
Toàn bộ hệ giá trị nêu trên không phải chỉ thấm nhuần vào nền chính trị, mà thực chất chúng là chuẩn mực của chỉnh thể một xã hội dân chủ mà lịch sử phát triển nhiều thế kỉ thấm đẫm máu và nước mắt các dân tộc Âu-Mĩ đã đạt được. Trên thực tế, các giá trị ấy thấm đượm trong từng hành vi và nếp nghĩ của từng cá nhân cho đến cả hệ thống chính trị, kinh tế lâu đài văn hoá nguy nga của các quốc gia Âu-Mĩ. Nhưng đó tuyệt nhiên không phải là hệ giá trị chỉ có ở Phương Tây và chỉ phù hợp với xã hội Phương Tây, mà như nhà kinh tế học đoạt giải Nobel Amatya Sen đã chỉ ra, đó là kết quả của vận động lịch sử khách quan, mang tính phổ quát toàn nhân loại, là những mục tiêu cần hướng tới của mọi dân tộc. Ông viết: “Những nhà lãnh đạo trong lịch sử Á Đông không những nhấn mạnh về tầm quan trọng của tự do và khoan dung, mà họ còn có những lí thuyết rõ ràng tại sao làm như vậy là hợp lí”.2 Cái hệ giá trị vĩ đại ấy đã bằng cách này hay cách khác, hoà bình và chiến tranh, thương mại và tuyên truyền, có khi bằng cả pháo hạm và bom nguyên tử của các thế lực đế quốc thực dân Phương Tây, đã và vẫn sẽ đến với các dân tộc khác trên khắp thế giới, trong đó đặc biệt là các dân tộc Đông Á. Và người Đông Á đã phản ứng rất khác nhau đối với sự truyền bá này.
II. Một số đặc điểm trong tiếp thu hệ giá trị Phương Tây ở Đông Á
Ở đây bài viết muốn phân tích trường hợp Đài Loan và Trung Quốc lục địa. Sự lựa chọn này bổ ích cho chúng ta vì đây là hai khu vực lãnh thổ khác nhau, có sự phát triển khác nhau, nhưng vốn có nền tảng đồng nhất về chủng tộc và văn hoá trong suốt lịch sử 5000 năm của dân tộc Trung Hoa.
Amatya Sen trong một bài viết gần đây đã nhắc lại rằng, Trong Hội nghị thế giới về Nhân quyền tại thành phố Viên năm 1997, phái đoàn của các chính phủ đã nhấn mạnh những khác biệt về văn hoá và giá trị giữa Á Đông và Tây Phương. Bộ trưởng Ngoại giao của Singapore đã coi "sự thừa nhận toàn cầu về lí tưởng nhân quyền có thể gây nên tai hại". Phái đoàn Trung Quốc đặc biệt nhấn mạnh những đặc tính khác nhau của các vùng. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc còn ghi vào hồ sơ lời đề nghị "Các cá nhân phải đặt quyền lợi của tổ quốc trên quyền lợi của chính họ."3 Sen cho rằng “lời biện hộ cho sự độc tài tại Á Đông dựa trên bản chất đặc biệt của các giá trị Á Đông cần được nghiên cứu một cách kĩ càng về lịch sử”.4 Về vấn đề phương pháp luận trong nghiên cứu mối quan hệ giữa dân chủ và phát triển, Sen yêu cầu không những phải chú ý đến các quan hệ theo thống kê mà ta còn phải phân tích nguyên nhân của sự tăng trưởng và sự phát triển. Các nghiên cứu hầu như cùng đồng ý trên một bản liệt kê những "chính sách có lợi cho sự phát triển kinh tế." Những chính sách này đều gắn với sự cởi mở dân chủ hơn.
Trường hợp tiếp nhận thành công các giá trị dân chủ Phương Tây ở Đài Loan, người ta thấy có mấy đặc điểm sau đây:
Trường hợp Trung Quốc:
Sự ảnh hưởng đến Trung Quốc của hệ giá trị văn minh Âu - Mĩ dần dần có sự thay đổi từ ép buộc, cưỡng bức một chiều sang giao lưu, hội nhập và biến hoá. Quá trình ảnh hưởng của hệ giá trị Phương Tây đưa đến kết quả vừa tích cực ở mặt này, nhưng lại tiêu cực ở mặt khác, nhưng nhìn chung là tích cực. Mặt tiêu cực thể hiện ở sự xáo trộn và bất ổn nhất định từ những bộ phận dân cư hoặc là bị thiệt thòi, hoặc là quá cấp tiến trong quá trình xây dựng nước Trung Quốc mới, đặc biệt là trong thời kì cải cách mở cửa từ 1979 đến nay. Cái giá trị của hệ giá trị Phương Tây có thể được Trung Quốc nhìn từ nhiều phía khác nhau, trong đó cơ bản nhất là từ hai phía: từ phía nhà cầm quyền (Đảng Cộng sản và Nhà nước do họ kiểm soát) và từ phía dân chúng. Ở đây bài viết tập trung phân tích hành vi tiếp nhận hệ giá trị Phương Tây của giới lãnh đạo và tinh hoa Trung Quốc trong thời kì cải cách mở cửa.
Công cuộc cải cách - mở cửa ở Trung Quốc là sự tiếp thu một cách sáng tạo các tư tưởng chính trị tiến bộ đầu thế kỉ 20 với các “Tân thư”, phong trào “Duy tân Mậu Tuất”, đến “Chủ nghĩa Tam dân”. Những kinh nghiệm tiếp nhận và cải biến những tư tưởng, hình thức, nội dung giá trị phương Tây vào công cuộc cải cách - mở cửa xây dựng đất nước Trung Quốc ngày nay rất đáng để chúng ta tham khảo.
Trước hết, để thành công trong công cuộc cải cách - mở cửa, cần phải có lí luận về cải cách - mở cửa. Đó là hệ thống những lí luận kinh tế học chính trị của Phương Tây, rút ra từ bài học thành công của các nhà kinh tế học phương Tây. Trong kho tàng những cơ sở lí luận cải cách kinh tế của phương Tây, có rất nhiều những học thuyết, lí luận, nhưng Trung Quốc đã lựa chọn những lí luận cải cách vừa tiên tiến vừa phù hợp với đặc thù đất nước. Theo một số nhà nghiên cứu, đó là lí luận kinh tế học phát triển của trường phái “Tân Cổ điển” John Maynard Keynes (nhà kinh tế học người Anh, 1889-1946). Đồng thời Trung Quốc còn tiếp thu quan điểm về 5 chu kì phát triển của nhà kinh tế học Mĩ Rostow. Lí thuyết 5 giai đoạn của quá trình phát triển đã trình bày lịch sử phát triển kinh tế từ xã hội truyền thống (phong kiến, nửa phong kiến) sang xã hội tiêu dùng của quảng đại quần chúng ở mức độ cao. Những tư tưởng hiện đại đó đã được Trung Quốc tiếp thu, cải biến đưa vào vận dụng một cách sáng tạo trong công cuộc cải cách - mở cửa ở Trung Quốc hiện nay, đã phát huy tác dụng, đem lại những thành tựu to lớn, được thế giới thừa nhận và đánh giá cao. Cụ thể ta thấy:
- Trung Quốc xây dựng mô hình cải cách kinh tế: vừa cải cách làm sống động nền kinh tế trong nước, vừa mở cửa mạnh mẽ tích cực hội nhập với nền kinh tế thế giới. Cải cách trong nước, ưu tiên cải cách nông nghiệp, nông thôn, nông dân trước; sau đó cải cách thành thị với việc khoán sản phẩm, cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, xây dựng chế độ xí nghiệp hiện đại, cải cách chế độ thị trường: thị trường sản xuất, thị trường lao động, thị trường tài chính; cải cách chế độ giá cả: giá nhà nước, giá thị trường, giá điều tiết; cải cách chế độ tiền lương; cải cách chế độ việc làm; cải cách hành chính v.v…
- Về kinh tế đối ngoại: xây dựng các đặc khu kinh tế, mở cửa và xây dựng chiến lược vùng ven biển, mở cửa kinh tế vùng ven sông, mở cửa kinh tế vùng ven biên giới, mở cửa kinh tế và xây dựng kinh tế vùng phía Tây. Cải cách và xây dựng nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, vừa tuân theo quy luật phát triển của thị trường, vừa có sự điều tiết nghiêm của nhà nước, giữ nhịp điệu tăng trưởng – ổn định, bảo đảm cuối cùng nâng cao đời sống của nhân dân… Việc tiếp thu lí luận cải cách của phương Tây, áp dụng có chọn lọc, cải biến nhằm đạt hiệu quả cao nhất cho đất nước, đó chính là mục tiêu cuối cùng của Trung Quốc trong việc xử lí tốt mối quan hệ biện chứng giữa cái bên ngoài với bên trong.
- Phương pháp cải cách biến hoá, từ chỗ tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá thời kì đầu đến yêu cầu phát triển hài hoà, khoa học. Đây là một vấn đề lớn, có ý nghĩa không chỉ cho Trung Quốc, mà còn cho các quốc gia khác trong việc đề cao sự phát triển bền vững đất nước.
- Tiếp thu và vận dụng sáng tạo học thuyết Mác- Lênin: Lí luận “chủ nghĩa xã hội có đặc sắc Trung Quốc”, lí thuyết “ba đại diện” (Đảng Cộng sản Trung Quốc đại diện cho lực lượng sản xuất tiên tiến nhất, đại diện cho nền văn hoá tiên tiến nhất, đại diện cho quảng đại quần chúng nhân dân), hoặc lí thuyết xây dựng chủ nghĩa xã hội hài hoà, khoa học…
III. Kinh nghiệm tiếp thu hệ giá trị chính trị Phương Tây của Trung Quốc
Kinh nghiệm thứ nhất: Trong tiếp nhận, giao lưu, với văn hoá Âu – Mĩ, văn hoá Trung Hoa chỉ thâu tóm những giá trị nhất định hoặc biến hoá chúng cho phù hợp với truyền thống văn hoá của mình.
Kinh nghiệm thứ hai: Trong ứng xử với văn hoá Âu – Mĩ, có khi Trung Quốc tiếp nhận cả hệ thống, nhưng Trung Quốc đã sắp xếp lại theo các bậc thang giá trị khác nhau. Ví dụ, Trung Quốc tiếp nhận học thuyết Mác – Lênin, nhưng không giáo điều chỉ tiếp thu tinh thần, sắp xếp lại cho phù hợp với điều kiện Trung Quốc.
Kinh nghiệm thứ ba: Trung Quốc tiếp thu và cải biến hình thức của thể chế chính trị Phương Tây để biểu đạt nội dung về các giá trị đặc sắc của văn hoá Trung Hoa. Ở đây nguời ta thấy hiện tượng đồng âm khác nghĩa. Chẳng hạn cũng là Quốc hội, nhưng Quốc hội Trung Quốc do Đảng cử dân bầu và mỗi năm chỉ họp có 1 lần để thông qua đường lối của Đảng. Cũng là bầu cử trực tiếp nhưng không có tranh cử. Cũng là hệ thống đa đảng nhưng các đảng đều thừa nhận (băng hiến pháp) độc quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc và là đồng minh của họ…
Tóm lại, có thể nói hệ giá trị chính trị Phương Tây đã tác động mạnh mẽ và sâu sắc lên các xã hội Đông Á trong đó có Trung Quốc và Việt Nam. Những kinh nghiệm tiếp thu và vận dụng chúng ở Trung Quốc rất đáng để chúng ta tham khảo trong quá trình hoạch định chính sách và tổ chức bộ máy chính trị cũng như thực thi các chính sách. Nguyên tắc cơ bản cần ưu tiên trong nền chính trị ngày nay trong vận dụng hệ giá trị này là tôn trọng giá trị dân chủ, bảo vệ và đem lại tự do cho con người với tư cách cá nhân. Chỉ có như vậy chúng ta mới thực hiện được mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh trong một thời gian không quá dài.
Tác giả: i333
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn