Năm 2005, tôi được phân công làm nghiên cứu sinh dưới sự hướng dẫn của thầy. Tôi là một trong những NCS thuộc lứa đầu tiên được vị Phó giáo sư trẻ nhất cả nước của ngành Ngôn ngữ học vào thời điểm đó hướng dẫn (và sau này, thầy trở thành vị giáo sư trẻ nhất ngành khoa học xã hội được phong hàm năm 46 tuổi). Khi ấy, tôi vẫn nuôi khá nhiều hoài bão về một số nhánh khác của Ngôn ngữ học, mà không phải là cú pháp, nên cũng ít nhiều hoang mang. Gặp thầy, thầy bảo: “Mình tin là Dương làm được!”. Biết là thầy động viên, nhưng tự nhiên cũng cảm thấy yên tâm và tự tin. Sau này tôi mới biết, thầy rất biết cách khuyến khích khả năng của học trò. Đối với thầy, không một học trò nào là không có khả năng làm việc, chỉ khác nhau ở sự phấn đấu của người ấy đến đâu. Niềm tin của thầy với trò vừa là động lực, vừa là áp lực, và với tôi, đó chính là xuất phát của mọi điều tôi làm sau này.
Tôi vẫn nhớ những ngày thầy ở Hàn Quốc, mỗi buổi sáng tôi lại nhận được một email của thầy. Thầy kể thầy đã đọc được gì, đã viết được gì, đã thu nạp thêm vào bộ óc của thầy được điều gì… Và kết thư, bao giờ thầy cũng đòi tôi một sự trả lời tương xứng “Dương làm được gì rồi?”. Khỏi phải nói, tôi căng thẳng đến mức nào mỗi lần nhận được thư của thầy, vì tôi thấy thầy hiểu biết như thế mà mỗi ngày vẫn tích lũy, giống như nhặt thêm những viên sỏi vào cái bình của thầy. Cái bình đó cứ đầy lên, đầy lên mãi, trong khi cái bình của tôi vẫn chỉ có vài viên lát đáy mà chính thầy đặt vào giúp tôi. Cho đến một ngày, quá sốt ruột vì cái sự ì ạch của tôi, thầy email kể cho tôi một câu chuyện mà có lẽ cả đời tôi không thể quên được. Thầy bảo, Khổng Tử ngày xưa có nói, kẻ sĩ nếu một ngày mà không đọc sách, thì soi gương thấy mặt bị nhọ. Thầy để lửng ở đó. Nhưng đọc xong, tôi phải đi rửa mặt cho tỉnh táo, và hai tuần sau tôi gửi cho thầy bài báo đầu tiên.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiệp
Tôi ham chơi, và từng tự hào vì sự ham chơi của mình (tôi hay đổ lỗi cho hai từ “tuổi trẻ”, vì mọi người cùng tuổi với tôi đều giống nhau). Một lần đi chơi về, gặp thầy, thầy hỏi han đủ thứ về chuyến đi, nhưng rồi chốt một câu “thực ra, không có gì vui bằng làm xong một điều gì đó liên quan đến khoa học”. Quả tình, ngẫm mới thấy đúng. Đi chơi vui, về chếnh choáng, nhưng làm xong được một bài báo, viết xong được một công trình, cái vui đọng mãi. Thầy trải nghiệm nhiều, nên một lời thầy nói khiến đứa cứng đầu như tôi (sau một hồi gân cổ cãi) cũng đành cúi đầu thừa nhận.
Tôi thường nói với thầy, thầy cứ như quyển từ điển. Tôi hỏi gì, thầy đều chỉ cho tận nơi, ở bất kỳ sách nào, trang nào, phần nào nói đến. Thầy có một kho sách điện tử, hào hứng chia sẻ với mọi người. Nhưng theo tôi, thầy chỉ cần tích hợp một thanh công cụ tìm kiếm vào bộ óc của thầy là đủ cho những người cần tra cứu tài liệu mà không cần truy cập vào một thư viện điện tử nào khác.
GS.TS Nguyễn Văn Hiệp được phong tặng học hàm Giáo sư năm 2010 - giáo sư trẻ nhất ngành Ngôn ngữ học
Để trở thành một nhà khoa học, thầy đã trải qua một con đường phấn đấu không đơn giản. Tôi thường hay gọi thầy là “người thầy của những cái nhất”, bởi tôi chưa thấy thầy đứng thứ hai bao giờ. Ngày còn là học trò, thầy đoạt giải nhất môn Văn toàn quốc cấp trung học cơ sở, rồi sau đó lại tiếp tục đạt giải nhất toàn quốc môn Văn cấp trung học phổ thông (tôi đồ rằng nếu có cuộc thi cấp quốc gia ở bậc đại học, giải nhất lại vẫn sẽ “lối cũ ta về” với thầy!). Lên đại học, thầy lại giành giải nhất cuộc thi Olympic tiếng Nga của sinh viên các trường đại học thủ đô khi mới là sinh viên năm thứ hai. Sau này, khi biết đến giải tiếng Nga của thầy, tôi đã từng ngạc nhiên vô kể, bởi vì thầy rất giỏi tiếng Anh và tiếng Pháp, đặc biệt là tiếng Anh, nên tôi tưởng thầy học chuyên ngành tiếng Anh từ sinh viên. Hóa ra tiếng Anh lại chỉ là ngoại ngữ “tay trái” của thầy. Đọc những trang dịch của một người tự học tiếng Anh như thầy, không ai có thể chê được, vì nó tinh quá, dịch cách nào khác cũng mất ngay cái tinh ấy đi. Bạn tôi - một người sống ở Mỹ hơn 10 năm trời, tiếng Anh cũng như tiếng mẹ đẻ, đã từng phải thốt lên như vậy khi đọc bản dịch cuốn Linguistic Semantic s- An Introduction của J.Lyons được thầy dịch và được Nhà xuất bản Giáo dục in thành sách năm 2006 và được tái bản hai lần trong những năm tiếp theo.
GS.TS Nguyễn Văn Hiệp nghệ sĩ trong đời thường
Uyên bác và thâm sâu, nhưng nếu có ai hỏi tôi về thầy, tôi lại thích kể những điều ngoài lề khác. Đó là lần tôi đi theo thầy gặp thầy giáo Shimizu (người Nhật Bản, giáo sư của Đại học Osaka). Chứng kiến sự xúc động và cảm động đến trào nước mắt của thầy Shimizu khi nhận món qùa là một cây côn nhị khúc của thầy tôi trao tặng, tôi đã vô cùng bất ngờ .. Nói theo hiểu biết của giới “nhà nghề”, thì đó là tài sản vô giá của người tập võ. Cây côn nhị khúc đó đã theo thầy rất lâu, và phải tri kỉ đến thế nào thầy mới trao lại cho người khác. Từ sự kiện cây côn nhị khúc, tôi mới biết thêm được một điều thú vị khác về thầy. Thầy đã từng là một huấn luyện viên karatedo có tiếng, ngày xưa từng dạy võ cho biết bao thế hệ học trò. Rồi tôi nhớ khoảnh khắc thầy ôm cây đàn ghita giữa những người bạn thân từ Sài Gòn ra Hà Nội chơi, vừa đánh đàn vừa hát những bài hát của Trịnh Công Sơn, sâu lắng và da diết. Nhớ hình ảnh thầy “quần đùi áo số”, chạy theo quả bóng cùng sinh viên trong những mùa giải… Những khoảnh khắc bình dị ấy tưởng chừng khó gặp ở một giáo sư đại học, nhưng may mắn thay, tôi vẫn thường xuyên được chứng kiến khi cắp sách theo thầy suốt những năm tháng “học nghề giáo”. Có lẽ chính vì cách sống có tình, chan hòa, gần gũi ấy, mà thầy có rất nhiều những người bạn có thể hết lòng vì thầy, và những sinh viên mỗi lần nhắc đến thầy đều cảm thấy tự hào và xúc động.
GS.TS Nguyễn Văn Hiệp và đội bóng Trường Đại học Ngoại ngữ Hàn Quốc
Năm 2008, nhân một chuyến đưa sinh viên đi thực tập và gặp thầy ở Huế, tôi theo thầy về thăm nhà ở làng Bao La, xã Quảng Phú (Quảng Điền) – nơi cách thành phố Huế khoảng 15km. Con đường từ đầu làng dẫn đến nhà thầy vẫn còn chưa lát gạch, trời mưa đường sền sệt bùn đất. Nhà thầy khi đó chưa xây lại, vẫn là một ngôi nhà cấp 4 đã rất cũ, lưu giữ dấu ấn của bao nhiêu trận ngập vì lũ lụt. Thầy chỉ từng chỗ trong nhà cho tôi, chỗ này trước ngập đến gối, chỗ kia đến bụng, chỗ khác cao nhất là chỗ tránh lụt của cả nhà, cứ ngồi trên đó mà đợi nước rút. Nghe thế mới cảm phục ý chí vượt khó của thầy. Từ trong nghèo khó, thầy đã quyết tâm thoát khổ bằng con đường học vấn, và kết quả là đã chinh phục được không biết bao nhiêu đỉnh cao. Từ một cậu học trò nghèo, đến một sinh viên xuất sắc trong học tập được chuyển tiếp nghiên cứu sinh ngay sau khi tốt nghiệp, đến một vị giáo sư trẻ nhất ngành năm 46 tuổi, được cấp trên tin tưởng cử giữ chức vụ Phó chủ nhiệm Khoa Ngôn ngữ học – 10 trang web cá cược bóng đá hàng đầu , rồi được điều động về Viện Ngôn ngữ học và được bổ nhiệm làm Viện trưởng. Một chặng đường dài, ghi dấu những công sức, nỗ lực của một người con xuất sắc xứ Huế.
GS.TS Nguyễn Văn Hiệp và nhà khoa học nổi tiếng - GS. M.A.K Halliday
Tôi chưa có dịp trở lại làng Bao La quê thầy, nhưng trên facebook của thầy, tôi rất vui thấy có ảnh thầy chụp với bố mẹ và bạn bè trước ngôi nhà khang trang, chắc chắn vừa được xây lại vào năm 2010, một phần nhờ vào tiền tích luỹ được sau một thời gian dài thầy “quần quật” nghiên cứu và giảng dạy. Thầy tâm sự với bạn bè rằng đây là việc thầy thấy đáng làm nhất, với ngôi nhà này, mỗi mùa mưa bão về, thầy đỡ thon thót lo cho bố mẹ ở quê.
Thầy có tên trên hàng chục đầu sách và công trình nghiên cứu trong và ngoài nước. Trong 20 năm công tác tại trường, thầy đã xuất bản được 9 quyển sách và chuyên khảo, trong đó có cuốn Cú pháp tiếng Việt đã giành giải thưởng cho công trình khoa học tiêu biểu hàng năm của Đại học Quốc gia năm 2011, 2 cuốn sách dịch, và gần 50 bài báo được đăng trên những tạp chí uy tín cả trong nước và quốc tế. Uy tín khoa học của thầy không chỉ được các học giả trong nước biết đến, mà còn vang xa ra quốc tế và được nhiều nhà khoa học ngưỡng mộ. Giảng dạy hay nghiên cứu, đối với thầy đều là những công việc thầy say mê. Thầy thường nói, có đam mê tất có thành công. Với một người có niềm đam mê khoa học bất tận như thế, hẳn tôi sẽ còn nhiều dịp nữa để viết về thầy trong những ngày không xa…
GIÁO SƯ, TIẾN SĨ NGUYỄN VĂN HIỆP
+ Đơn vị công tác: Khoa Ngôn ngữ học, Trường ĐHKHXH&NV + Chức vụ quản lý: Phó Chủ nhiệm Khoa Ngôn ngữ học (11/2010-1/2012). Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (2012-nay).
Cú pháp tiếng Việt. Nxb Giáo dục Việt Nam, 2009 Cơ sở ngữ nghĩa phân tích cú pháp, NXB Giáo dục, 2008. Thành phần câu Tiếng Việt. Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 1998 . Nxb Giáo dục in lại 2004, 2014, viết chung với Nguyễn Minh Thuyết (chủ biên) The expression of modality in VietnameseThe expression of modality in Vietnamese. Cahiers d’etudes vietnamiennes, University Paris 7 Denis Diderot. The History of Approaches in Describing Vietnamese Syntax. Journal of the Research Institute for World Languages. Osaka University. No 1-2009.
+ Giải thưởng Công trình khoa học tiêu biểu năm 2011 của Đại học Quốc gia Hà Nội cho cuốn Cú pháp tiếng Việt, Nxb Giáo dục, 2009. + Bằng khen của Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam vì thành tích xuất sắc trong công tác nghiên cứu khoa học 2014, với công trình Một số vấn đề mới trong sự phát triển và giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. |
Tác giả: TS. Đỗ Hồng Dương