Ly A Nhịa là sinh viên năm hai ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Sau Tết, dù trường cho sinh viên nghỉ học để phòng chống Covid-19, Nhịa vẫn xuống Hà Nội để học online do ở quê không có mạng. Hơn nữa, chỉ xuống thủ đô, em mới có thể làm thêm, kiếm tiền phụ giúp gia đình.
Nhịa là con thứ 10 trong gia đình 11 anh chị em ở bản Hua Thóng, xã Đứa Mòn, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La. Mẹ em mất sớm, các anh chị đã lập gia đình, phải lo cho 1-3 con ăn học. Bố 63 tuổi không có thu nhập ổn định, chỉ trông vào làm nương rẫy và chăn nuôi, nhưng phải nuôi Nhịa và em út lớp 8 ăn học. Thấy bố vất vả, Nhịa xác định sẽ làm thêm để trang trải cuộc sống ở thủ đô. "Em đã may mắn được đi học đại học rồi, không thể xin tiền bố mãi được", Nhịa nói.
Ly A Nhịa buộc phải ở lại Hà Nội để có Internet học online. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Từ khi xuống trường, Nhịa xin trông xe ở nhà xe ký túc xá. Hàng tháng, em được trả từ 1,2 đến 2 triệu tiền lương, tùy vào thời gian làm việc và chương trình học ở trường. Không phải đóng học phí do gia đình thuộc hộ nghèo, lại là người dân tộc Mông, thế nên số tiền kiếm được mỗi tháng đủ cho Nhịa ăn uống hàng ngày và gửi 400.000-600.000 đồng về quê hỗ trợ bố, đóng học phí cho em.
Sau Tết, dù trường học đóng cửa, Nhịa vẫn được tiếp tục công việc ở nhà xe ký túc xá. Thế nhưng đến ngày 1/4, khi lệnh cách ly xã hội được áp dụng, em mất việc. Không có thu nhập mà hàng ngày vẫn phải ăn đủ hai bữa với tổng chi phí 50.000 đồng, đến ngày 10/4 Nhịa hết tiền dự trữ.
"Em không thể gọi về xin bố được. Có lần em phải đi thực tế với lớp mà không có tiền, gọi về nhờ bố và anh chị xoay cho một triệu đồng thì bố phải đi vay lãi cao. Một triệu khi trả thành 1,5 triệu đồng. Em không muốn làm gánh nặng cho gia đình", Nhịa giải thích.
Thay vì tiêu 50.000 đồng mỗi ngày cho hai suất cơm, Nhịa chuyển sang ăn mì tôm. Mỗi bữa một gói với chi phí 3.000 đồng. Nhiều hôm, Nhịa đến bàn phát mì, xúc xích, trứng ăn kèm miễn phí ở cổng ký túc xá của các đội tình nguyện để cải thiện bữa ăn.
Ở phòng ký túc xá của Nhịa, ba bạn khác ở lại Hà Nội vì có hoàn cảnh tương tự. Các bạn ở những vùng quê nghèo của Yên Bái, Sơn La, xuống Hà Nội vừa học online, vừa làm thêm. Nhưng từ ngày 6/3, khi Hà Nội xuất hiện ca mắc Covid-19 đầu tiên, tất cả mất việc.
Đang lo lắng vì không biết lấy tiền đâu mua mì tôm cầm cự, Nhịa và các bạn cùng phòng nhận được email từ trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Theo đó, những sinh viên khó khăn, còn kẹt lại Hà Nội có thể đăng ký để nhận hỗ trợ từ trường. 2-3 hôm sau, Nhịa nhận được suất quà gồm mì tôm, xúc xích, dưa, trứng, trái cây, bánh gạo, sữa.
Nhịa mừng lắm, tập trung học online, có ngày hai ca. Trước và sau giờ học, em còn tham gia cùng thầy cô trong trường gói các suất quà, vận chuyển tới những sinh viên khó khăn khác.
Ly A Nhịa tham gia sắp xếp nguồn hàng hỗ trợ ở trường chiều 17/4, vận chuyển các suất quà đến những sinh viên có hoàn cảnh tương tự. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Đến ngày 18/4, có hơn 640 sinh viên đang ở Hà Nội đăng ký nhận hỗ trợ từ trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, trong đó gần 200 em ở ký túc xá của trường, số còn lại ở trọ rải rác khắp quận, huyện.
GS Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng nhà trường, cho hay sinh viên đăng ký phần lớn là người dân tộc ít người, quê ở các tỉnh miền núi phía bắc như Sơn La, Lạng Sơn, Lai Châu. Các em phải đi làm thêm để trang trải cuộc sống, nhưng giờ mất việc. Ngoài ra, trường cũng hỗ trợ nhiều sinh viên đến từ Sri Lanka, Ukraine, Lào, Trung Quốc, Mông Cổ còn ở lại Việt Nam.
Thầy Minh chia sẻ ban đầu thấy nhiều em khó khăn, công đoàn nhà trường đã họp để có biện pháp giúp đỡ. Các giáo viên đồng lòng, ủng hộ tiền mua lương thực, thực phẩm cho sinh viên. Sau khi những câu chuyện của sinh viên và sự chung sức của nhà trường được lan tỏa, nhiều nhà hảo tâm, doanh nghiệp đề nghị được cùng hỗ trợ.
"Có bác sĩ ở Bệnh viện Xanh Pôn gọi điện nói một số y bác sĩ ở viện muốn hỗ trợ sinh viên. Trụ trì một chùa ở gần trường gửi tặng một tấn gạo cùng nhiều chai nước mắm. Cô bán tạp hóa cạnh trường bê sang 5 thùng mì tôm", thầy Minh nói.
Nhờ sự chung tay của mọi người, suất quà được vận chuyển trong ngày 18-19/4 cho sinh viên nhiều hơn với 5 kg gạo, 10 gói mì tôm, một chai nước mắm, một lốc sữa hoặc một hộp sữa đặc có đường, một hộp cá hộp, 10 chiếc xúc xích, 10 quả trứng cùng khẩu trang và dung dịch sát khuẩn. Thầy Minh bảo nhà hảo tâm tặng gì, trường sẽ phân phát cái đó.
Thầy Minh chuyển các suất quà hỗ trợ tới tận tay sinh viên. Ảnh: USSH.
Hiện, Nhà trường không phải lo lắng nhiều về nguồn lương thực, thực phẩm tặng sinh viên mà chỉ cần đóng gói các suất quà và vận chuyển tới từng em trên khắp địa bàn Hà Nội. Các thầy cô trong trường tự nguyện tham gia công việc này. Nhiều sinh viên cũng tình nguyện ship hàng tới đúng người cần. Thấy thầy cô và các bạn đem đồ ăn tới tận nơi, động viên học tập, nhiều bạn cảm động.
"Có ý kiến cho rằng bác sĩ, công an, quân đội mới cần hỗ trợ khi dịch bùng phát chứ sinh viên cần gì nhưng tôi lại suy nghĩ khác. Nhà trường vẫn ủng hộ công tác phòng dịch ở tuyến đầu nhưng cũng phải quan tâm đời sống của học trò. Chỉ khi cuộc sống ổn định, không phải lo bữa ăn qua ngày, các em mới yên tâm học tập", thầy Minh nói.
Không chỉ Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, nhiều trường đại học, học viên cũng tổ chức tặng lương thực, thực phẩm cho sinh viên còn ở lại Hà Nội như Đại học Bách khoa Hà Nội hay Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Nguyễn Thu Hà, sinh viên năm ba Học viện Báo chí và Tuyên truyền, đã nhận được những gói mì tôm, khẩu trang từ trường. "Trong lúc mất việc (hơn một tháng nay) lại không thể về quê, sự hỗ trợ của trường, dù ít hay nhiều, cũng khiến chúng em yên tâm hơn", nữ sinh quê Bắc Kạn nói.
Theo Vnexpress
Tác giả: Dương Tâm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn