Thực ra chẳng có một lí do nào đặc biệt, để tôi chọn tháng Ba làm phông nền chủ đạo để tô điểm cho bức tranh về Nhân Văn cả. Có người từng nói :”Yêu thôi, cứ yêu thôi”. Vậy đó, chúng ta có thể đưa ra vô vàn đáp án để lí giải cho việc yêu một người, nhưng thực ra đến tận cùng sau tất cả những nguyên do, cũng chỉ gói trọn bởi một chữ “yêu” – thứ cảm xúc khó định hình nhưng mãnh liệt hơn hết thảy. Thế nên thôi thì đổ tội tại tháng Ba sao mà bỡ ngỡ, sao mà e thẹn, sao mà vấn vương, để có cớ mà nghiêng lòng viết về góc hồn mang tên Nhân Văn trong tim mình vậy.
Tôi đã đi nhiều nơi, đi bằng tuổi 20 khao khát mà ngẩng lên trời lúc nào cũng chỉ thấy nắng vàng mây xanh, nhìn về phía nào cũng thấy những con đường thênh thang gió gọi; đã thu vào đôi mắt bé nhỏ những đường thẳng, khúc gấp góc cạnh kiêu hãnh vươn lên nhưng hờ hững đến lạnh người, khi đứng trong khoảng sân của một ngôi trường chuyên ngành điện tử công nghệ; đã cảm thấy muốn tan ra khi hít căng đầy lồng ngực thứ hương thơm ngai ngái của cỏ cây khi đứng dưới con đường um tùm xanh lá của một ngôi trường ven ngoại ô… Nhưng chưa có ở đâu, tôi lại thấy tỏa ra cái lắng trầm và bình yên đến lạ kì ở phía trong cánh cổng ngôi trường mang tên Khoa học Xã hội Nhân văn. Có người nói với tôi tôi sao mà Nhân Văn dịu dàng thế, tới mức bạn sợ một bước chân nhẹ thôi hay một tiếng cười vang lên cũng sẽ phá tan cái làn sương tĩnh lặng vốn giăng mắc ở nơi ấy, nên cứ ngại ngùng rón rén hoài. Tôi chỉ đáp lại bạn bằng một cái mỉm cười rất khẽ. Gần hai phần ba thập kỉ qua đi, Nhân Văn ôm trọn trong mình cái khí chất thâm trầm, sâu sắc của những ngành khoa học nền tảng tạo dựng nên xã hội, nên nhân cách của biết bao con người trên đất nước Việt Nam này. Nhân Văn đi con đường rất riêng, rất khác, để bảo tồn, gìn giữ và làm sống dậy những giá trị văn hóa cổ xưa, những nét đẹp nhân sinh mà ngoài kia toan tính, ganh đua, xô bồ giành giật đang ghì sát mỗi con người. Tôi thích cái cách sinh viên Nhân Văn bình thản và dịu dàng bước với những cuốn sách cũ kĩ ngả màu trên tay. Thậm chí cả cái sắc trang phục giản dị đôi chút nhạt nhòa cũng khiến tôi thấy sao mà gần gũi, thân thương. Và đặc biệt, tôi yêu nụ cười của sinh viên Nhân Văn, sao mà trong veo, mà gần gũi. Tôi thích gọi tên trường mình Khoa học Xã hội và Nhân văn đơn giản bằng hai chữ Nhân Văn. Nó gói gọn tất cả những gì đặc trưng nhất, riêng biệt nhất của ngôi trường này. Và mỗi khi cất lên hai tiếng bình dị nhỏ bé ấy, giống như tôi đang gọi người tình bé bỏng của chính mình vậy.
Có đôi người bảo tôi, Nhân Văn đẹp nhưng thiếu đi cái năng động, cái sôi nổi dạt dào mãnh liệt như những ngôi trường khác. Nhưng con người, sau tất cả những bão dông cuộc đời, đến cuối cùng chẳng phải vẫn chỉ cần nhất hai chữ bình yên đó sao. Với tôi, bỏ lại hết những bụi bặm bên ngoài cành cổng ngôi trường mang tên Khoa học Xã hội và Nhân văn này, dừng chân lại bên một hàng ghế đá đã phai màu nắng mưa, nhắm mắt lại, nghe thời gian thì thầm qua những lá phượng li ti buông lơi trên vai như một cái xoa dịu đầy khẽ khàng của mảnh hồn lắng đọng từ rất xưa rót vào lòng hơi ấm thoang thoảng phủ lên những mệt mỏi bon chen thường nhật, như vậy đã là một điều hạnh phúc rồi. Trong cái thăng trầm bình lặng, nhựa sống vẫn bền bỉ không ngừng chảy trôi để kết nối và nuôi dưỡng bao thế hệ sinh viên sinh ra từ ngôi trường này, để mỗi ngày, mỗi giờ, những trái tim trẻ ấy, lại đem tình yêu với Nhân văn đến với mỗi mảnh ghép trong thế giới mênh mang này. Bởi vì yêu thương cho đi, là yêu thương sống mãi.
Tác giả: Đào Thị Đài Trang - K56 Đông phương học
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn