Tham dự chương trình có GS.TS Phạm Quang Minh (Hiệu trưởng Nhà trường), các thế hệ thầy, cô giáo và sinh viên của Khoa. Đêm hội đã để lại dấu ấn đậm nét cho người xem qua việc phản ánh một câu chuyện về lịch sử và bản sắc của Khoa Việt Nam học và tiếng Việt qua chính những tiết mục văn nghệ được dàn dựng công phu.
Mở màn cho chương trình là tiết mục “Thương ca tiếng Việt” - ca khúc khơi dậy niềm tự hào về con người Việt Nam. Ca khúc cũng chuyển tải thông điệp: khởi thủy là lời, khởi thủy là tiếng Việt - đó cũng chính là nguồn gốc ra đời của VSL. Trong nhiều năm xây dựng và phát triển, Khoa đã đem đến những hiểu biết ngôn ngữ, về những giá trị của Việt Nam đối với nhiều thế hệ sinh viên Việt Nam và Quốc tế.
Tiếp nối chương trình, hai tiết mục “Trống cơm” và “Bèo dạt mây trôi” do các bạn sinh viên đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Ba Lan trình bày đã mang đến một không khí vô cùng hứng khởi và sôi động. Các bạn thể hiện các bài hát dân ca thay lời nói yêu tiếng Việt và yêu đất nước con người Việt Nam.
Những cung bậc cảm xúc mới lại đến khi vở nhạc kịch “Chiến tranh và hòa bình” được tái hiện trên sân khấu mang những hồi ức đầy đau thương mà hào hùng. Tiết mục nhắc nhớ đến một giai đoạn lịch sử của Khoa và của Trường khi nhiều thế hệ giảng viên và sinh viên từ biệt mái trường, xếp bút nghiên ra chiến trường, trực tiếp cầm súng bảo vệ đất nước. Tiết mục như lời nhắc nhở của tuổi trẻ với chỉnh bản thân mình, rằng sẽ luôn trân trọng quá khứ, phát huy những truyền thống tốt đẹp của Khoa trong suốt nửa thế kỷ qua để nỗ lực vươn lên nắm vững tương lai.
Một bất ngờ khác đến khi bài hát Svay chanti (bằng tiếng Kh’mer) được vang lên. Với nhiều thầy cô của Khoa Việt Nam học và tiếng Việt từng sang Campuchia dạy tiếng Việt thì bài hát còn là kỷ niệm sâu sắc trong cuộc đời dạy tiếng Việt ở nước ngoài. Các thầy cô xây dựng tình cảm gắn kết với nhân dân nước bạn, để vừa tìm hiểu rõ hơn về văn hóa, con người nước bạn cũng như gây dựng sâu đậm hơn tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước. Tiết mục mang đến không khí rộn ràng và náo nhiệt khi nhiều thầy cô và sinh viên đã lên sân khấu hát và múa hòa mình vào bài hát.
Tình yêu với thủ đô Hà Nội yêu dấu một lần nữa được ngợi ca qua ca khúc “Hà Nội - Trái tim hồng”. Chính thời điểm khi hòa bình được lập lại ở Hà Nội, các thầy cô đã từ khu tản cư trở về thủ đô, trở về mái trường xưa để tiếp tục công việc giảng dạy của mình. Kế tiếp, các bạn sinh viên Việt Nam và nước ngoài đã cùng nhau ca vang bài hát “Hãy đến với con người Việt Nam tôi”. Bài hát nói về con người Việt Nam với trái tim đôn hậu, với tấm lòng nhiệt thành hiếu khách, luôn dang rộng vòng tay chào đón bạn bè năm châu đến với dải đất hình chữ S. Khán phòng tiếp đó rung động với những vần thơ viết bằng cả trái tim của cô Lê Thị Thanh Tâm – như lời khẳng định tình yêu và nhiệt huyết của các thế hệ các giảng viên của Khoa đối với việc giảng dạy tiếng Việt và văn hóa Việt Nam.
Hai tiết mục hòa tấu sáo “Giấc mơ trưa” và hát múa “Liên khúc 3 miền” gợi cho người xem cảm giác du dương theo tiếng sáo và làn điệu dân ca, qua đó không chỉ tìm về và tôn vinh các giá trị truyền thống của văn hóa dân tộc mà còn cổ vũ sự hòa nhập vào các giá trị hiện đại, mới mẻ của cuộc sống.
Bầu không khí sôi động và rực cháy nhất đã đến khi tiết mục nhảy hiện đại “Shine your light” được trình diễn. Cả khán phòng bật dạy nhún nhảy, hò reo theo điệu nhạc. Lan tỏa không khí ấy, các thầy cô và các bạn sinh viên đã cùng nắm tay nhau trên sân khấu và ca vang bài “Nối vòng tay lớn”. Tiết mục thể hiện tinh thần đoàn kết, nét tươi trẻ và tình yêu với VSL, với quê hương, đất nước.
Chương trình văn nghệ đã diễn ra thành công ngoài sức mong đợi. Các tiết mục được dàn dựng công phu đã để lại cho người xem những cảm xúc khó quên. Sự thành công ấy góp phần vào việc kế thừa và phát triển của đội ngũ giảng viên và sinh viên trong Khoa hướng tới kỷ niệm chặng đường 50 năm đầy vẻ vang của Khoa Việt Nam học và tiếng Việt.
Tác giả: Nguyễn Dũng (VNH&TV)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn