Tham dự hội thảo, về phía tỉnh Hà Tĩnh có ông Lê Đình Sơn (Bí thư Tỉnh uỷ), ông Đặng Quốc Vinh (Phó Chủ tịch Thường trực UBND), ông Hà Văn Thạch (Trưởng ban Tổ chức Tỉnh uỷ), ông Hoàng Trung Dũng (Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ), ông Võ Hồng Hải (Phó Chủ tịch HĐND tỉnh); về phía ĐHQGHN có GS.TS Nguyễn Hữu Đức (Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc ĐHQGHN), GS.TSKH Vũ Minh Giang (Chủ tịch Hội đồng Khoa học đào tạo, ĐHQGHN), GS. TS Nguyễn Văn Kim (Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV).
Hội thảo “Nguyễn Công Trứ với lịch sử, văn hóa Việt Nam nửa đầu thế kỷ XIX” được tổ chức nhằm làm rõ bối cảnh đa diện của Việt Nam giai đoạn cuối thế kỷ XVIII, nửa đầu thế kỷ XIX; qua đó trình bày và làm sáng tỏ những đóng góp của Nguyễn Công Trứ với vương triều Nguyễn và thời đại. Đặt trong bối cảnh lịch sử và những mối liên hệ với các văn quan, võ tướng nhà Nguyễn nửa đầu thế kỷ XIX, Nguyễn Công Trứ hiện lên một nhân cách tài hoa, một nhà quản lý có tính cách mạnh, giàu bản lĩnh.
Nguyễn Công Trứ sinh tháng 11 năm Mậu Tuất 1778 tại huyện Quỳnh Côi, Thái Bình. Ông nổi tiếng thông minh, khí khái từ nhỏ nhưng nhà nghèo, lận đận trong chốn trường thi. Đến năm 42 tuổi mới đỗ Giải nguyên, trải qua các chức quan từ Hành tẩu, Biên tu cho tới Hữu tham tri, Dinh điền sứ; dẹp loạn xong ở Trà Lý, Bảo Lạc, ông được thăng Tổng đốc, Thượng thư, Tả Đô Ngự sử, Tham tán đại thần. Nhưng ông cũng nhiều lần bị giáng chức đột ngột, từ Thị lang xuống Tri huyện ở Kinh, Tham tri xuống Lang trung, Tham tán xuống lính thú. Phủ doãn Thừa Thiên Huế là chức quan cuối cùng trước khi ông được hưu trí năm Mậu Thân (1848). Sau khi bày tỏ chí nguyện lên đường đánh giặc Pháp ở tuổi 80 nhưng bị từ chối, ông qua đời vào năm Mậu Ngọ (1858) vì bệnh nặng.
Nguyễn Công Trứ được đánh giá là con người “kinh bang tế thế”, văn võ song toàn, từ đánh dẹp giặc giã, khai hoang lập ấp, cho đến làm Chánh chủ khảo trường thi, Hội chủ hát Ả đào. Ông có nhiều đóng góp đa dạng trên các lĩnh vực: về an ninh-chính trị, ông xây dựng phòng tuyến vùng duyên hải, xác lập chủ quyền vùng biển đảo; về kinh tế, ông cải tạo hệ thống thủy nông, tập hợp cư dân, khai khẩn các vùng đất hoang hóa; về văn hóa-xã hội, ông là một nhà thơ, nhà văn lỗi lạc, để lại nhiều triết luận sâu sắc, giao hòa Nho-Phật-Đạo về số phận mỗi kiếp người và cõi nhân sinh.
Thay mặt tỉnh Hà Tĩnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh khẳng định, Hà Tĩnh là quê hương của nhiều danh nhân, chí sỹ, nhiều nhà văn, nhà thơ nổi tiếng trong lịch sử đất nước. Ông nhấn mạnh, từ trước đến nay, cuộc đời Nguyễn Công Trứ luôn là đề tài lớn để các nhà khoa học, các nhà văn hoá nghiên cứu và khai thác. Hội thảo lớn về Nguyễn Công Trứ lần này, với những khám phá mới mẻ về cuộc đời, sự nghiệp của ông sẽ tô đậm thêm công lao và đóng góp của danh nhân này đối với đất nước.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Vinh phát biểu tại hội thảo
Thay mặt ĐHQGHN, GS.TS Nguyễn Hữu Đức cho rằng, hội thảo lần này không chỉ phân tích và chỉ rõ sự gắn bó của Nguyễn Công Trứ với triều Nguyễn, mà còn góp phần vào bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của quê hương Hà Tĩnh. Ngoài ra, Phó Giám đốc ĐHQGHN hy vọng rằng, những nội dung chuyên môn tại hội thảo được tiếp cận, phân tích từ nhiều góc độ, lĩnh vực khác nhau trên quan điểm nghiên cứu chuyên ngành kết hợp với liên ngành. Các nhà khoa học sẽ đề xuất những giải pháp thiết thực, hữu ích cho việc hoạch định các chính sách phát triển bền vững, góp phần vào bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc.
Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hữu Đức phát biểu tại hội thảo
Tại phiên toàn thể, các đại biểu đã lắng nghe ba tham luận:
Tham luận “Tư tưởng tự do mang tầm thời đại” của TS. Đặng Duy Báu (nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh) đã vạch ra những triết lý sống và hành xử tự do của Nguyễn Công Trứ, từ ý chí vượt ra ngoài khuôn khổ của “phép triều” để bênh vực, chịu tội cho dân trước mặt vua; cho tới sự tự do trong thơ phú, văn chương, nghệ thuật. Qua đó, tham luận chỉ ra sự kế thừa, phát huy tư tưởng của Nguyễn Công Trứ với các nhà tư tưởng Việt Nam sau này.
TS. Đặng Duy Báu trình bày tham luận
Tham luận “Nguyễn Công Trứ với biển – tư duy và hành động” của GS.TS Nguyễn Văn Kim (Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV) đã phân tích tư duy kinh tế hướng về vùng duyên hải và các không gian biển; các chính sách, biện pháp chủ đạo để mở rộng các không gian kinh tế ra phía biển; công tác bảo vệ an ninh biển của Nguyễn Công Trứ. Qua đó, tác giả khẳng định những đóng góp của tư duy biển này vào duy trì sự ổn định, phát triển kinh tế của vương triều Nguyễn.
GS. TS Nguyễn Văn Kim trình bày tham luận
Tham luận “Trường hợp Nguyễn Công Trứ với lý luận đọc văn học” GS.TS Trần Nho Thìn (Khoa Văn học, Trường ĐHKHXH&NV) chỉ ra những mâu thuẫn giữa sáng tác và cuộc đời Nguyễn Công Trứ; giữa con người tác giả ngoài đời với con người trong thế giới nghệ thuật. Từ đó, tham luận cho rằng, để hiểu được sáng tác của một nhà nho trung đại như Nguyễn Công Trứ, cần vận dụng lý luận liên văn bản và lý thuyết tiếp nhận cho văn học trung đại một cách linh hoạt, sáng tạo; cần đặt văn bản vào mối liên hệ với tiểu sử của ông.
GS.TS Trần Nho Thìn trình bày tham luận
Sau phiên toàn thể, hội thảo đã chia thành 2 tiểu ban.
Tiểu ban 1 - “Nguyễn Công Trứ với văn học, văn hóa, gia đình, quê hương và dòng tộc” với các tham luận như: “Phác thảo về hình ảnh của một cán bộ tư duy ở cấp chiến lược” của GS.TS Trần Ngọc Vương, TS. Nguyễn Thanh Thủy (Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN); “Chủ nghĩa nhân văn trong thơ ca Nguyễn Công Trứ” của PGS.TS Phạm Công Nhất (Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN); “Nguyễn Công Trứ: Nhìn lại từ quê hương xứ sở” của TS. Lê Hiến Chương (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội); “Nguyễn Công Trứ với thời đại – đôi điều suy ngẫm” của NNC. Đỗ Gia Hùng, HVCH. Hà My (Trường ĐH Nguyễn Trãi).
Tiểu ban 1
Tiểu ban 2 - “Nguyễn Công Trứ với lịch sử, chính trị, tư tưởng và thời đại” với các tham luận như: “Nguyễn Công Trứ trong lịch sử Việt Nam nửa đầu thế kỷ XIX” của GS.TS Nguyễn Văn Khánh, ThS. Trần Xuân Hùng (Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN); “Doanh điền sử Nguyễn Công Trứ - nhà khẩn hoang tài ba ở nửa đầu thế kỉ XIX” của PGS.TS Đào Tố Uyên (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội); PGS.TS Trần Thị Hạnh (Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN); PGS.TS Phan Ngọc Huyền (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội).
Tiểu ban 2
Tác giả: Trần Minh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn