Bước chân vào đại học, tôi đã vô cùng bỡ ngỡ với môi trường mới. Vì là sinh viên năm đầu nên tôi phải học các môn học đại cương như Triết học, Tâm lý học, Kinh tế học, Lịch sử văn minh,… Những môn học này không hề thú vị, tôi tự hỏi: “Liệu những môn này có giúp gì cho mình sau này không?” hay chỉ như “giã tràng se cát biển đông” ? Nhưng càng học sâu môn chuyên ngành thì tôi mới nhận ra tầm quan trọng của các môn học đại cương. Đó chính là nền tảng kiến thức cho tôi sau này, nên tôi đọc ngấu nghiến giáo trình để có thể hiểu sâu nhất bài giảng của thầy cô trên lớp. Nhờ môn Tâm lý học thì tôi mới hiểu hơn tâm lý người thông qua thái độ và cử chỉ, học Lịch sử văn minh cho tôi biết tới nhiều nền văn minh của nhân loại, học Triết học giúp tôi có cách tư duy mạch lạc trong những vấn đề của cuộc sống. Đây chính là những hành trang đầu tiên mà tôi đang góp nhặt cho nghề.
Song song với việc học các môn học đại cương thì tôi được tiếp cận với những kiến thức đầu tiên về PR. Tôi hiểu ra thế nào là PR nội bộ, PR doanh nghiệp, PR chính phủ, rồi từng bước lập kế hoạch cho một chiến dịch PR,… Ban đầu tôi thực sự thấy nó rất khó chứ đâu có thú vị, vui vẻ, năng động như tôi từng nghĩ, nhưng khi càng học sâu thì tôi lại càng yêu thích nó hơn. Chính sự khó khăn là động lực để tôi lao vào tìm hiểu về PR và từ đó tìm ra được bản chất của nghề PR, một nghề lặng lẽ tạo nên thành công cho các thương hiệu hay tổ chức mà không cần tới một lời tung hô, đó là sự cống hiến thầm lặng.
Chúng tôi được cô Nguyễn Thị Thanh Huyền (Phó Chủ nhiệm Khoa Báo chí và Truyền thông Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn) dạy bộ môn PR. Cô là một người rất tâm huyết với nghề, cô luôn tìm tòi ra những phương pháp giảng dạy mới để chúng tôi tiếp thu bài tốt nhất. Mỗi buổi học cô đều lồng ghép những ví dụ thực tế và thời sự vào bài giảng để chúng tôi có cái nhìn đúng đắn và toàn diện nhất cho mỗi bài học. Tôi còn nhớ hôm chúng tôi học về xử lý khủng hoảng truyền thông thì cô đã đưa ra ví dụ về vụ việc của thẩm mỹ viện Cát Tường. Cô bảo chúng tôi rằng: “Nếu khách hàng của các em là Bộ Y tế thì các em sẽ tư vấn cho họ như thế nào để giúp họ vượt qua cơn khủng hoảng truyền thông này?”. Buổi học hôm đó cả lớp chúng tôi bàn tán rất sôi nổi, ai cũng có ý kiến của riêng mình và rồi chúng tôi cũng tìm ra cách để xử lý cuộc khủng hoảng mà Bộ Y tế đang phái đối mặt, chỉ tiếc một điều là chúng tôi không phải là nhân viên của Bộ Y tế nên chiến lược xử lý khủng hoảng của chúng tôi đã không được thực hiện. Cũng thông qua việc học mà tôi hiểu được cách mà Iphone chiếm trọn trái tim của khách hàng. Iphone ngoài việc trang bị những công nghệ hàng đầu bên trong chiếc điện thoại có thiết kế thời trang thì nó còn có một chiến lược PR vô cùng thông minh. Đó cũng là lý do tại sao mà Iphone không cần bỏ ra khoản tiền lớn để quảng cáo mà vẫn được lòng người tiêu dùng, điều này thể hiện rõ ở doanh số bán hàng của Iphone luôn xếp vị trí số 1 trong lĩnh vực điện thoại thông minh. Hai chiến lược PR của Iphone là: Một là dựa vào giới truyền thông tạo ra tin đồn về các sản phẩm của hãng thông qua những bài đánh giá tích cực. Hai là sắp xếp cho các sản phẩm của hãng xuất hiện trong các chương trình truyền hình hay phim ảnh. Đây chính là chiếc chìa khóa vàng mở ra thành công của thương hiệu điện thoại số 1 thế giới hiện nay.
Cô cho chúng tôi tự chọn nhóm để thuyết trình về các chiến dịch của ông tổ ngành PR hiện đại “Edward Louis Bernays”. Trong sự nghiệp vĩ đại của ông có rất nhiều chiến dịch lớn có tầm ảnh hưởng rất mạnh không chỉ trong thời điểm đó mà đến nay dấu ấn của nó vẫn không hề phai nhạt. Ông đã trở thành tượng đài bất tử của ngành PR trên toàn thế giới. Nhắc tới ông không thể không nhắc tới các chiến dịch như chiến dịch PR cho đoàn múa ba-lê của Nga vào năm 1915 khi họ tới Mỹ trình diễn. Lúc này, người Mỹ rất ghét ba-lê nhưng với sự nỗ lực của ông, đoàn diễn ba lê đã bán hết vé. Ba-lê trở thành một thứ mới lạ, thú vị với người dân Mỹ. Những chiếc váy ba-lê đã trở thành một xu hướng thời trang vào thời điểm lúc bấy giờ. Vào năm 1929, với tài năng của mình, ông đã giúp hãng thuốc lá Mỹ bán được thuốc lá “Lucky strike” cho phụ nữ - “giúp họ đào được một mỏ vàng lớn”. Lúc này, phụ nữ hút thuốc lá không chỉ để giải trí mà đó là hành động “thắp sáng ngọn lửa của sự tự do”, thể hiện sự bình đẳng của phụ nữ trong xã hội Mỹ. Ngoài ra, ông còn tiến hành rất nhiều chiến dịch lớn khác như xà phòng “IVORY”, đài phát thanh Phico… Mỗi câu chuyện, một bài học, đó thực sự là một cách học độc đáo, mới mẻ, hơn nữa lại giúp nâng cao khả năng làm việc nhóm cho các bạn trong lớp, đặc biệt là khả năng thuyết trình.
Ngoài ra, cô còn cho lớp tôi đi thực tế tại các ngôi chùa cổ ở Bắc Ninh. Chúng tôi lần đầu tiên biết chùa Dâu, nơi khởi nguồn của Phật giáo tại Việt Nam, biết tới lăng của Nam giao học tổ Sỹ Nhiếp, biết tới làng tranh dân gian Đông Hồ,… Đúng như câu “đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, thông qua chuyến đi này, chúng tôi được biết nhiều hơn về lịch sử dân tộc cũng như những nét đẹp văn hóa dân gian. Chuyến đi góp phần nâng cao tinh thần đoàn kết của cả lớp, giúp cho chúng tôi từ những con người xa lạ gắn kết lại với nhau hơn.
Nhưng để có được sự hiểu biết về PR thì tôi cũng phải trải qua rất nhiều khó khăn. Trong khi các bạn trong lớp có rất nhiều cuốn sách hay viết về PR thì tôi chỉ có duy nhất cuốn giáo trình. Tôi lại không giỏi Tiếng Anh cho nên để hiểu được một bài viết bằng tiếng Anh, tôi mất rất nhiều thời gian. Ngày trước, tôi rất ít khi sử dụng máy tính mà giờ đây, tôi phải sử dụng máy tính hàng ngày để luôn luôn cập nhập thông tin nhằm phục vụ cho bài học của mình. Tôi từ một người chưa biết hoạt động nhóm là gì mà giờ đây tôi phải cố gắng để có thể thích ứng với việc hoạt động nhóm. Do chưa có kinh nghiệm nên ngay từ lần đầu tiên thuyết trình nhóm tôi đã bị cô Huyền mắng. Cô bảo bài thuyết trình của nhóm tôi không có sức thuyết phục do hoạt động nhóm chưa hiệu quả. Lúc đó, tôi vô cùng chán nản nhưng biết sai thì phải sửa nên chúng tôi đã xin cô cho chúng tôi làm lại và lần này nhóm tôi đã làm tốt. Chính sự khiển trách của cô là động lực để tôi cố gắng hơn.
Trải qua 6 tháng học, tôi từ một người xa lạ với các bạn trong lớp thì giờ đây tôi đã hòa đồng được với mọi người. Tôi chợt nhận ra rằng mọi người sống với nhau bằng cái “tình”, bạn bè sẵn sàng giúp nhau những lúc khó khăn, thầy cô sẵn sàng dang tay để giúp đỡ sinh viên và luôn cho chúng tôi lời khuyên chân thành trong cả học tập lẫn cuộc sống. Với chúng tôi, thầy cô không hề xa lạ mà như là những người đồng nghiệp đi trước, luôn luôn chỉ dạy chúng tôi trên con đường sự nghiệp cũng như cách đối nhân xử thế.
Hoàn cảnh gia đình tôi cũng không khá giả gì, mình mẹ tôi gồng gánh nuôi cả gia đình. Với tôi, việc có được một chiếc máy tính là điều quá xa vời. Tôi từng nghĩ chắc năm thứ 4 đại học tôi mới có tiền để mua. Biết được hoàn cảnh gia đình tôi, cô Huyền xin Khoa cho tôi vay tiền mua máy tính mà không hề lấy một đồng lãi suất. Lúc nhận tiền hỗ trợ của Khoa, cổ họng tôi như nghẹn ứ lại, tôi cảm động vô cùng. Lúc đó tôi chợt nhận ra đây là một gia đình, một gia đình thực sự.
PR trong tôi hiện giờ hoàn toàn khác biệt với 6 tháng về trước. Trước đây PR trong tôi là một nghề năng động, vui vẻ và kiếm được nhiều tiền. Tôi sẽ được sát cánh cùng các chính trị gia đi khắp nơi trên thế giới, được tư vấn cho các ông chủ lớn để giúp họ xây dựng hình ảnh thương hiệu trong lòng công chúng, được góp sức mình đưa hình ảnh Việt Nam vào con tim của hàng triệu người dân trên hành tinh này. Nhưng giờ đây tôi hiểu ra được những khó khăn trong nghề PR, làm sao để cho một thương hiệu có chỗ đứng trong lòng công chúng khi mà bên ngoài kia có hàng nghìn thương hiệu cạnh tranh, làm sao để có thể lấy lại lòng tin của công sau khi gặp khủng hoảng ? … Tôi thực sự nhận ra PR là một nghệ thuật và để nắm bắt được nghệ thuật này thì bản thân phải cố gắng rất nhiều, phải nỗ lực hơn nữa, mà hơn hết là phải yêu nó, vì khi yêu thì bạn sẽ làm được tất cả. Thực sự PR hiện giờ là một nghề đang rất hot, cơ hội việc làm rất lớn. Theo thống kê thì tại Việt Nam có khoảng 370.000 doanh nghiệp, mà mỗi doanh nghiệp cần ít nhất 1 nhân viên PR nên các sinh viên PR khi ra trường sẽ không quá khó để có được việc làm, hơn nữa mức lương khởi điểm từ 5 đến 10 triệu đồng/ tháng. Đó thực sự là những con số hấp dẫn, chứng tỏ PR đang dần khẳng định được vị trí của mình.
Với tôi PR như một hộp màu kỳ diệu với nhiều màu sắc của cuộc sống. Tôi mong rằng tôi sẽ trở thành một chuyên gia PR, được tài giỏi như E. Bernays, được khẳng định mình trên mảnh đất PR. Và bây giờ với tôi, thời gian thực sự rất quan trọng, tôi đang phải chạy đua với nó, tôi mong sao mỗi ngày có thêm 24 giờ thì chắc tôi sẽ học được nhiều hơn, biết được nhiều hơn về PR.
Tác giả: Đỗ Trường Sơn, SV K58 ngành QHCC
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn