Tại toạ đàm, các đại biểu tham dự Hội thảo Đối thoại truyền thông Việt – Đức lần 2 đã cung cấp cho sinh viên các nội dung thông tin về môi trường, tương quan các phương tiện thông tin đại chúng và sử dụng mạng trực tuyến tại nước mình; những thách thức mới đối với nghề nghiệp và những thay đổi trong môi trường nghề nghiệp thông qua việc sử dụng mạng trực tuyến; quảng cáo trên mạng trực tuyến và hiệu quả kinh tế; kinh nghiệm thực tế nghề nghiệp và thiết lập các mối quan hệ nghề nghiệp mới.
Một trong những nội dung được nhiều diễn giả và sinh viên quan tâm nhiều nhất là những khó khăn mà ngành báo chí và truyền thông gặp phải trong bối cảnh mạng Internet phát triển như vũ bão và tình hình kinh tế, xã hội toàn cầu hiện gặp nhiều khó khăn và đâu là giải pháp khắc phục giúp các tờ báo sống sót và giữ được độc giả của mình. Trao đổi về vấn đề này, các nhà báo kì cựu cho rằng, trong tương lai, các phóng viên, người làm truyền thông cần có thêm nhiều kĩ năng đa dạng hơn. Nếu phóng viên trước đây chỉ làm việc với các phương tiện truyền thống như giấy bút, ghi âm thì phóng viên ngày nay phải làm việc với điện thoại thông minh, mạng xã hội và có sự tương tác lớn đối với nguồn tin và với độc giả. Các phương tiện truyền thông cũng có xu hướng kết hợp đa phương tiện từ báo giấy, báo mạng cho đến truyền hình, phát thanh để tạo bức tranh thông tin tổng thể đáp ứng tối đa nhu cầu của độc giả. Bên cạnh đó, một bài học kinh nghiệm khác được chính những người làm nghề chia sẻ, đó là để phát triển được trong bối cảnh phức tạp và có quá nhiều cạnh tranh như hiện nay, các toà soạn phải đầu tư mạnh hơn vào năng lực, cho ra những bài báo và tờ báo có chất lượng và bản sắc riêng thì mới có được chỗ đứng trong lòng độc giả.
Một số nội dung trao đổi khác được sinh viên quan tâm như vấn đề báo chí làm kinh tế, cách các nhà báo xây dựng các cộng đồng blog như thế nào, các trải nghiệm đáng nhớ của nghề báo…
Tác giả: Thanh Hà
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn