Hoạt động này phù hợp với tầm nhìn, chiến lược phát triển của Trường ĐHKHXH&NV đến năm 2020, đó là hoạt động nghiên cứu được coi là trụ cột chính thúc đẩy và định hướng để trường trở thành đại học nghiên cứu.
Chuỗi tọa đàm năm 2015 sẽ gồm 5 tọa đàm chính, diễn ra từ 5/2015 đến 1/2016.
Mỗi buổi tọa đàm sẽ có 2 báo cáo tập trung vào các nội dung cụ thể sau:
- Những cách tiếp cận mới trong nghiên cứu châu Á;
- Ứng dụng ngôn ngữ học khối liệu vào dạy và học các ngôn ngữ châu Á ;
- Những đặc trưng văn hóa và tôn giáo truyền thống của Nhật Bản và các nước châu Á- ảnh hưởng của chúng tới đời sống hiện đại của những nước này và khu vực châu Á;
- Vai trò của Nhật Bản trong sự phát triển của châu Á mới;
- Những phát hiện mới trong nghiên cứu Nhật Bản và các nước châu Á;
- Nghiên cứu những khuynh hướng văn học đương đại tại Nhật Bản và các nước châu Á khác.
Chuỗi các tọa đàm này hướng tới các mục tiêu :
- Hội tụ những người tham gia từ các chuyên ngành khác nhau của Khoa Đông phương học như: Trung Quốc học, Korea học, Nhật Bản học, Ấn Độ học, Đông Nam Á học cũng như các ngành khác như: Kinh tế, Lịch sử, Chính trị, Ngôn ngữ, Quan hệ Quốc tế… nhằm tiếp cận các vấn đề từ nhiều ngành nghiên cứu, nhằm làm sáng rõ các câu hỏi được đưa ra bởi các giảng viên trẻ.
- Mở rộng mạng lưới các nhà nghiên cứu trẻ nghiên cứu Nhật Bản học cũng như Đông phương học.
- Nhằm chỉ rõ vai trò và vị trí của Nhật Bản trong bối cảnh quan hệ chính trị và quốc tế hiện nay tại khu vực Đông Bắc Á và Đông Nam Á.
Khoa Đông phương học có nhiều lợi thế bởi những đặc trưng nội khu vực và liên khu vực cũng như tính đa ngành và liên ngành cao của mình. Hơn nữa, hầu hết các giảng viên đều được đào tạo tại nhiều nước khác nhau do đó họ có thể chia sẻ với nhau những phương pháp nghiên cứu cũng như các học thuyết liên quan đến chuyên ngành của mình và các chuyên ngành khác. Thông qua các buổi seminar, anh chị em giảng viên trẻ sẽ có thêm cơ hội báo cáo, thu thập thông tin nghiên cứu, mở rộng mạng lưới học thuật cũng như nâng cao khả năng tranh biện và cách tiếp cận liên ngành, đa ngành.
Buổi Tọa đàm đầu tiên của chuỗi tọa đàm "Những nghiên cứu mới về Nhật Bản và châu Á” năm 2015 diễn ra ngày 23/5/2015. ThS. Hồ Thị Thành (Bộ môn Đông Nam Á) đã trình bày báo cáo về “VAI TRÒ CỦA XÃ HỘI DÂN SỰTRONG VIỆC THÚC ĐẨY CẢI CÁCH DÂN CHỦ Ở INDONESIA - TỪ NĂM 1998 CHO ĐẾN NAY”. Tác giả đánh giá rằng, hoạt động của các tổchức xã hội dân sự đã đóng vai trò quan trọng thúc đẩy sự phát triển dân chủ hóa của Indonesia hơn nửa thế kỷ qua. Nhiều tổ chức xã hội dân sự đã tiến hành giám sát thực tế, vận động nâng cao nhận thức nhân dân, gây áp lực tới chính quyền nhằm thay đổi chính sách liên quan, nhưng các hoạt động vấp phải rất nhiều cản trở từ phía các quan chức chính quyền, sự câu kết giữa các nhóm quyền lực, từ thói quen xã hội…Đề tài báo cáo được PGS.TS. Ngô Văn Doanh (Viện Nghiên cứu Đông Nam Á) đánh giá là một trong những vấn đề khoa học vừa cơ bản vừa có tính thời sự. Những kinh nghiệm và bài học về sự hình thành và hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự và vai trò của chúng trong việc thúc đẩy cải cách dân chủ ở Indonesia từ năm 1998 đến nay chắc chắn là có ý nghĩa đối với Việt Nam trong giai đoạn xây dựng đất nước giầu mạnh, dân chủ và văn minh hiện nay.
ThS. Hồ Thị Thành báo cáo tại Tọa đàm
TS. Nguyễn Trần Tiến báo cáo đề tài “Phong trào giải phóng dân tộc ở Ấn Độ: SubhasChandra Bose và đường lối theo Nhật cứu quốc”.
Với hơn 20 trang viết, TS. Nguyễn Trần Tiến đã phác dựngkhá thành công quá trinh đấu tranh chống thực dân Anh của dân tộc Ân Độ. Đặc biệt, trên cái nền chung của công cuộc giải phóng dân tộc đó, sự xuất hiện của Subhas Chandra Bose và đường lối theo Nhật cứu quốc do ông đề xướng, triển khai được tác giả khắc họa khá rõ nét thông qua việc sưu tầm, xử lý các thông tin từ nhiều nguồn tư liệu khác nhau. Có thể nói, những hoạt động của Subhas Chandra Bose được trình bày khá sinh động, cụ thể, giúp cho bức tranh tổng thể của phong trào dân tộc Ấn Độ trở nên đa sắc hơn, hài hòa hơn. PGS.TS. Văn Ngọc Thành (Đại học Sư phạm Hà Nội) nhận định, những nghiên cứu về Subhas Chandra Bose và tư tưởng dựa vào Nhật Bản để cứu quốc mà TS. Nguyễn Trần Tiến đề cập là những gợi ý quan trọng trong việc tìm hiểu phong trào giải phóng dân tộc ở châu Á trong thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ hai. Đồng thời, nó cũng giúp chúng ta có điều kiện để nhìn nhận thấu đáo hơn phong trào Đông du ở Việt Nam.
Hai tham luận đã nhận được nhiều những câu hỏi, chia sẻ của đông đảo những người tham dự.
Buổi Tọa đàm thứ hai dự kiến được tổ chức vào ngày 18/7/2015.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn