Mở đầu bài thuyết trình, TS. Séamus Ó Tuama đã giới thiệu về khái niệm “nhân vị tính” (personhood), là tình trạng tồn tại của một cá nhân như một con người. Theo Robert Kegan, “nhân vị tính” là “một hoạt động cũng như một sự vật – một sự chuyển động tiến lên không ngừng để tạo ra một hình thức mới cho chính nó”. Điều đó có nghĩa, bản sắc và căn tính của con người không chỉ cố định, bất biến mà là một quá trình luôn tự thay đổi, làm mới mình.
Trên cơ sở đó, TS. Séamus Ó Tuama cho rằng nhân vị tính được cấu thành từ ba yếu tố: sự công nhận, sự tôn trọng và phẩm giá. “Phẩm giá” (dignity) là hệ giá trị riêng gắn liền với một con người, “sự công nhận” (recognition) là hành động công nhận phẩm giá, còn “sự tôn trọng” (respect) là quá trình mà tất cả con người bày tỏ sự công nhận phẩm giá của nhau một cách bình đẳng.
Yếu tố đầu tiên mà TS. Séamus Ó Tuama đi sâu vào phân tích là sự công nhận. Theo ông, sự công nhận lẫn nhau trong trải nghiệm hàng ngày sẽ góp phần tạo nên căn tính của con người. Nó giúp đảm bảo chất lượng cuộc sống, sự tự chủ và căn tính của mỗi cá nhân. Theo giáo sư triết học Thomas McCarthy (1990), sự phụ thuộc lẫn nhau đòi hỏi con người phải cùng nhau bảo vệ giá trị của mỗi cá nhân, cũng như mạng lưới quan hệ liên-cá nhân mà qua đó họ hình thành và duy trì các căn tính của mình. Chính vì vậy mà ở góc độ rộng hơn, sự công nhận giúp tạo ra những cơ sở rõ ràng, không thể chối cãi của nhân quyền.
Khái niệm nhân phẩm cũng là một cơ sở của nhân quyền. Về khái niệm này, TS. Séamus Ó Tuama đề cập tới trải nghiệm của những người di cư tới Châu Âu vào Thế chiến thứ 1 và thứ 2 theo góc nhìn của triết gia Đức Hannah Arendt. Theo đó, những người di cư thường lâm vào tình trạng phi nhà nước (stateless) và không được hưởng những quyền tương tự như công dân nước sở tại. Chẳng hạn, quyền tự do ngôn luận của họ không được tôn trọng vì không ai đếm xỉa tới những gì họ nói. Chính vì vậy, theo thời gian, nhân phẩm đã được hợp thức hóa thành các quyền trong các văn bản pháp lý. Ngày nay, các đạo luật về chống phân biệt đối xử vì lý do tôn giáo, sắc tộc, chủng tộc, địa vị, giới tính…được ban hành ở nhiều quốc gia. Chẳng hạn, đất nước Ireland của TS. Séamus Ó Tuam là quốc gia đầu tiên hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới năm 2015.
Bạn Nguyễn Thị Quỳnh Anh (K60 Khoa Quốc tế học) chia sẻ về trải nghiệm bản thân bị đối xử bất tôn trọng
Về sự tôn trọng, TS. Séamus Ó Tuama trình bày quan điểm của nhà tâm lý học D. Miller (2001). Theo đó, sự tôn trọng cá nhân gồm ba yếu tố: ‘tiếng nói’, là khả năng được lên tiếng hay giải thích để bảo vệ mình; ‘sự nhạy cảm liên cá nhân’, tức là quyền được ‘đối xử lịch sự và đúng mực’; ‘trách nhiệm giải trình’, tức là quyền được yêu cầu giải thích về những hành động, quyết định có tác động trực tiếp tới mình. Đáng chú ý, một cá nhân có thể cảm nhận được sự bất tôn trọng với mình mà không nhất thiết phải biểu đạt thành lời. Theo TS. Séamus Ó Tuama, một trong những cách tốt nhất để hiểu ý nghĩa của sự tôn trọng là quan sát, nhận diện những tình huống, hành vi có tính thiếu tôn trọng.
Để minh họa cho bài thuyết trình, TS. Séamus Ó Tuama hướng dẫn các bạn sinh viên Quốc tế học làm hai bài tập theo cặp. Ở bài tập thứ nhất, các bạn sinh viên kể lại một trường hợp mà mình bị đối xử bất tôn trọng, tác động đối với cảm xúc cá nhân, và cách phản ứng của bản thân. Ở bài tập thứ hai, các bạn chia sẻ một trường hợp mà bản thân là người chứng kiến người khác bị đối xử bất tôn trọng. Qua các bài tập, các bạn đã tự rút ra những bài học, kết luận về sự tôn trọng lẫn nhau trong đời sống hàng ngày.
Các bạn sinh viên triển khai bài tập theo cặp
TS Séamus Ó Tuama là Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thường xuyên cho Người trưởng thành tại Đại học College Cork (UCC). Ông nhận bằng Tiến sĩ Xã hội học tại Đại học Quốc gia Ireland, Cork năm 1999. Ông cũng là giảng viên lâu năm về khoa học chính trị tại Khoa Nhà nước, UCC. Hướng nghiên cứu hiện tại của ông là các lý thuyết về sự tôn trọng, công nhận, phẩm giá và các quyền trong lĩnh vực giáo dục người trưởng thành. Ngoài ra ông cũng quan tâm tới các chủ đề như dân chủ, các bối cảnh xã hội của khoa học, công nghệ và pháp luật.
Tác giả: Trần Minh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn