Người làm PR luôn có cơ hội được học hỏi, cập nhật những điều mới mẻ trong dòng chảy sôi động của cuộc sống đồng thời có những mối quan hệ xã hội phong phú, một đời sống tinh thần giàu cảm xúc và thăng hoa
"Những nhà PR là những bậc thầy về sáng tạo"
PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Huyền - Trưởng Bộ môn PR-Quảng cáo, Viện Đào tạo báo chí và Truyền thông, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN cho biết, Quan hệ công chúng (còn gọi là Public Relation) được hiểu là các hoạt động quản lý nhằm hỗ trợ cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp... xây dựng các chiến lược truyền thông để tiếp cận và xây dựng mối quan hệ với công chúng, khách hàng của mình.
Nghề PR chuyên nghiệp trên thế giới đã xuất hiện từ đầu thế kỷ XX cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường nhưng ở Việt Nam, đây vẫn là một ngành nghề mới mẻ.
Những nhân viên làm PR luôn được ngưỡng mộ bởi họ năng động, linh hoạt; khả năng giao tiếp xã hội tốt; vừa thấu hiểu tổ chức, vừa nắm rõ những đặc điểm của đối tượng công chúng/khách hàng mà đơn vị của mình hướng tới.
Với khách hàng, họ là gương mặt đại diện, là cầu nối, đem đến những thông điệp chân thực, hấp dẫn nhất từ tổ chức. Với nội bộ đơn vị, họ tạo sự gắn kết giữa các thành viên, thúc đẩy sự trao đổi thông tin, truyền đi cảm hứng và năng lượng tích cực trong công việc, xây đắp tình yêu và sự cống hiến dành cho tổ chức.
PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Huyền cho biết, khi nói về nghề PR, người ta nhắc đến các từ khóa như khoa học và nghệ thuật.
Không một chiến dịch truyền thông nào được triển khai hay bất kỳ thông điệp truyền thông nào được xây dựng lại không dựa trên sự nghiên cứu kỹ lưỡng nhu cầu, mong muốn, cảm xúc, xu hướng của công chúng/khách hàng chủ chốt của doanh nghiệp.
Tất cả các khâu của hoạt động truyền thông luôn cần chặt chẽ, chính xác và logic, nhất quán trong một mục tiêu chung là truyền tải được đúng tinh thần thông điệp của tổ chức.
Tính khoa học còn thể hiện ở chỗ, từ các giá trị cốt lõi của tổ chức xuống đến định hình giá trị của từng sản phẩm, dịch vụ phải có sự gắn kết logic với nhau. Những thông điệp được xác định ở từng sản phẩm, từng khâu dịch vụ cụ thể phải trong một hướng tư duy thống nhất phản ánh chiến lược phát triển và định vị thương hiệu công ty ở tầm vĩ mô.
"Những nhà PR là những bậc thầy về sáng tạo" - PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Huyền nhấn mạnh. Làm nghề PR không có chỗ cho sự cũ kỹ, sự lặp lại chính mình. Những câu chuyện truyền thông phải luôn mới mẻ, sáng tạo, bắt kịp các vấn đề thời sự hay đón đầu được những xu thế xã hội, đồng thời phải mang giá trị nhân văn.
Tính nghệ thuật của nghề PR là ở chỗ để chuyển tải một thông điệp đến công chúng, chuyên viên PR phải tìm kiếm rất nhiều cách thể hiện độc đáo nhằm thu hút sự quan tâm, theo dõi và ủng hộ của họ.
Điều gì là cốt lõi làm nên sự thành công của một nhà PR chuyên nghiệp? Đâu là giá trị mà nghề PR mang lại sau những ngày đêm vắt hết tâm sức cho một ý tưởng sáng tạo độc đáo, khác biệt hay những vất vả, áp lực khi chạy một chiến dịch quảng bá sản phẩm mới ra gia nhập thị trường?
Trả lời các câu hỏi này, PGS. TS Nguyễn Thị Thanh Huyền cho rằng, một người làm PR giỏi luôn cần có một tấm lòng chân thành, mong muốn làm điều tốt nhất cho cả tổ chức và công chúng của mình.
Phần thưởng cho họ sẽ luôn xứng đáng khi họ đạt được các mục tiêu đã đề ra, và nhất là cảm giác thỏa mãn khi thấy bản thân luôn được trải nghiệm sự tươi mới, bứt phá, khác biệt trong sự nghiệp của mình để không bao giờ thấy công việc là nhàm chán.
PGS. TS Nguyễn Thị Thanh Huyền nói chia sẻ, đây là một nghề vất vả, đòi hỏi tư duy tổng hợp và sự nhạy cảm thuộc về tố chất cùng nỗ lực trau dồi của mỗi cá nhân. Nhưng đây cũng là một nghề mà ai trót yêu thì rất khó dứt bỏ nó. Bởi những gì PR mang lại cho những người dám dấn thân với nghề là vô cùng đáng giá.
Người làm PR luôn có cơ hội được học hỏi, cập nhật những điều mới mẻ trong dòng chảy sôi động của cuộc sống đồng thời có những mối quan hệ xã hội phong phú, một đời sống tinh thần giàu cảm xúc và thăng hoa.
Sôi động thị trường tuyển dụng
PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Huyền cho biết, những vị trí công việc trên thị trường lao động hiện nay cho sinh viên ngành Quan hệ công chúng rất đa dạng và hấp dẫn như: phụ trách quan hệ báo chí, quan hệ cộng đồng; tổ chức sự kiện, truyền thông nội bộ; trợ lý phân tích và lập báo cáo về môi trường truyền thông đối nội, đối ngoại; trợ lý xây dựng và thực hiện chiến lược truyền thông trong kinh doanh; chuyên viên phát triển thương hiệu; tư vấn quản trị truyền thông doanh nghiệp; nghiên cứu viên về truyền thông, báo chí; giảng dạy báo chí truyền thông...
Trong hiện tại và tương lai, thông tin chính là dòng chảy kết nối các cá nhân, cộng đồng, các lĩnh vực xã hội. Xu hướng hợp tác và hội nhập trong một thế giới phẳng khiến nhu cầu tương tác, truyền thông để hiểu biết lẫn nhau ngày càng mạnh mẽ.
Sự ra đời của Internet, mạng xã hội Facebook, Twitter, Youtube đã nhanh chóng chi phối cuộc sống của con người và khiến hoạt động truyền thông bùng nổ hơn bao giờ hết.
Nghề quan hệ công chúng (truyền thông) ở Việt Nam tuy còn non trẻ nhưng có mức tăng trưởng không ít hơn 30%/ năm do nhu cầu của các doanh nghiệp, đơn vị tăng lên không ngừng.
Theo một báo cáo của Công ty tư vấn đa quốc gia Pricewaterhourse Cooper, Việt Nam là nơi có thị trường truyền thông phát triển nhanh nhất thế giới trong giai đoạn gần đây. Chỉ riêng từ năm 2004-2009, giá trị của ngành này đã tăng lên gấp 3 lần.
PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Huyền nhận định: Sinh viên tốt nghiệp ngành Quan hệ công chúng có kinh nghiệm làm việc hơn 1 năm không khó để đạt mức lương 15-20 triệu đồng/tháng và thậm chí còn cao hơn nếu làm việc ở các doanh nghiệp nước ngoài hay các công ty xuyên quốc gia.
Chưa kể các vị trí làm việc trong lĩnh vực truyền thông đang ngày càng chuyên môn hóa cao như đi sâu tư vấn quản lý khủng hoảng, truyền thông chính phủ, truyền thông liên cá nhân, truyền thông thương hiệu, truyền thông marketing, sáng tạo và quản trị nội dung số, tổ chức sự kiện... thì mức thu nhập còn cao hơn nhiều.
"Hiện nay rất nhiều nhà tuyển dụng liên tục đề nghị giới thiệu sinh viên tốt nghiệp với mức lương hấp dẫn mà chúng tôi không đáp ứng đủ bởi các em từ năm thứ ba hầu hết đã có việc làm ổn định rồi.
Khoảng một nửa số sinh viên cố gắng rút ngắn thời gian đào tạo chỉ còn 3,5 năm để nhanh chóng tốt nghiệp đi làm. Thị trường lao động của ngành PR chắc chắc sẽ ngày càng sôi động và đầy cơ hội trong tương lai" - PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Huyền chia sẻ.
Tác giả: Thanh Hà
Nguồn tin: dantri.com.vn