Một số hình ảnh buổi giao lưu học thuật của sinh viên hai trường
Tham gia điều phối chương trình có PGS.TS Lại Quốc Khánh, Phó Trưởng khoa Khoa học Chính trị và GS. Detlef Briesien, giảng viên lịch sử, Đại học Giessen, cố vấn quỹ DAAD (Cơ quan trao đổi Hàn lâm Đức). Tham dự chương trình còn có các giảng viên trẻ, các bạn sinh viên khoa Khoa học Chính trị và các bạn sinh viên của Đại học Giessen, CHLB Đức. Ngôn ngữ sử dụng trong buổi trao đổi học thuật là tiếng Anh.
PGS.TS Lại Quốc Khánh phát biểu khai mạc chương trình
Mở đầu buổi làm việc, PGS.TS Lại Quốc Khánh, Phó Trưởng khoa Khoa học Chính trị đã giới thiệu một vài nét với các bạn sinh viên Đại học Giessen, CHLB Đức về khoa Khoa học Chính trị.
Khoa Khoa học Chính trị là một đơn vị còn trẻ, tuy nhiên khoa cũng đã sớm khẳng định vị thế của trong Trường ĐHKHXH&NV. Hiện nay khoa đã đào tạo cả 3 bậc cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ về khoa học chính trị.
Chuyên ngành khoa tập trung là lý thuyết chính trị, chính trị quốc nội và chính trị quốc tế. Trong tương lai gần, khoa sẽ phát triển thêm chuyên ngành chính trị truyền thông. Để có được thành tựu như ngày hôm nay đó là kết quả của sự đóng góp của nhiều bạn bè quốc tế, trong đó có GS. GS. Detlef Briesien. PGS.TS Lại Quốc Khánh hi vọng trong tương lai sinh viên hai trường sẽ tiếp tục có nhiều hoạt động giao lưu trao đổi học thuật hơn nữa.
Phần trình bày của nhóm sinh viên Đức
Sau phát biểu khai mạc, các vị đại biểu đã lắng nghe và thảo luận hai bài thuyết trình của các bạn sinh viên đến từ hai trường.
Nhóm sinh viên trường Đại học Giessen, CHLB Đức lựa chọn chủ đề thuyết trình về chính sách bảo vệ môi trường trong phát triển bền vững, một nghiên cứu cho Đức và Việt Nam.
Bài tham luận đề cập đến các vấn đề của nhà máy điện hạt nhân và các nguồn năng lượng thay thế cho điện hạt nhân. Hiện tại nước Đức đang có những làn sóng mâu thuẫn về vấn đề này. Người Đức đang tranh cãi có nên tiếp tục duy trì hệ thống các nhà máy điện hạt nhân?
Nguyên nhân này đến từ các nỗi sợ của thảm họa hạt nhân. Ví dụ, trước đây Đức là điểm nóng của Liên Xô và Mỹ, với lượng nhà máy điện hạt nhân nhiều như vậy, người dân Đức sợ nếu có chiến tranh và bom đạn vô tình rơi trúng các nhà máy này sẽ gây ra những thảm họa vô cùng khủng khiếp. Gần đây thảm họa hạt nhân ở Fukushima (Nhật Bản) càng làm gia tăng thêm những băn khoăn này.
Tại Đức, hiện có khoảng 11 nhà máy điện hạt nhân và theo tiến độ dự kiến đến 2022 họ sẽ đóng cửa toàn bộ các nhà máy này. Và khi đóng của các nhà máy điện hạt nhân họ sẽ có các nguồn năng lượng sạch để thay thế như năng lượng gió, mặt trời, thủy năng. Tuy nhiên các nguồn năng lượng này cũng có nhiều thách thức trong việc xây dựng và triển khai.
Nhiều quan điểm thảo luận của các bạn sinh viên đều cho rằng, vấn đề năng lượng nguyên tử Việt Nam không thể so với Đức, nhưng lịch sử kinh nghiệm của nước bạn đã cho Việt Nam những gợi ý rất quan trọng.
Bài thuyết trình không chỉ cho người nghe thấy được lịch sử hình thành, những lợi ích mang lại mà cả nguy cơ nó có thể tạo ra, trên thực tế nó cũng đã gây ra các thảm họa. Điều này đã dẫn tới các vấn đề về mặt chính trị năng lượng, tạo ra một số nguy cơ chia rẽ trong xã hội: những tranh cãi giữa người ủng hộ và người phản đối.
Ở Việt Nam, trong tương lai gần việc phát triển năng lượng nguyên tử là điều khó tránh khỏi. Dự kiến đến 2020 sẽ có nhà máy điện nguyên tử đầu tiên, nên việc nghiên cứu và học hỏi kinh nghiệm của các bạn người Đức là rất cần thiết.
Phần trình bày của nhóm sinh viên Việt Nam
Nhóm sinh viên khoa Khoa học Chính trị lựa chọn chủ đề về vấn đề môi trường và một số điểm nổi bật trong hoạt động môi trường tại Hà Nội.
Trong bài thuyết trình này, nhóm sinh viên khoa Khoa học Chính trị đã đưa ra nhiều vấn đề nóng về vấn đề môi trường tại Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng. Từ cụm từ khóa đang nóng hiện nay "cá-thép" đến các sự kiện như chặt cây xanh, vấn đề ô nhiễm tại Hà Nội... Từ đó đề xuất những giải pháp về chính sách nhằm giải quyết các vấn đề môi trường, hướng đến phát triển bền vững.
Bài tham luân của nhóm sinh viên khoa Khoa học Chính trị đã mở ra nhiều gợi mở cho những thảo luận cho những góp ý giải pháp cho Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung. Từ góc nhìn kinh nghiệm của nước Đức, các bạn sinh viên Đại học Giessen đã đặt ra các câu hỏi và đưa ra nhiều gợi mở hữu ích cho nhóm sinh viên Việt Nam.
Tác giả: Hoài An
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn