Hội nghị có sự tham dự của GS.TS Nguyễn Văn Kim (Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV), ông Phan Ngân Sơn (Phó Cục trưởng Cục SHTT) cùng đại diện các thầy cô giáo, các nhà khoa học và sinh viên đến từ 5 trường đại học.
Hội nghị nhận được 18 báo cáo khoa học, tập trung phản ánh những khía cạnh khác nhau của việc bảo hộ và thực thi quyền SHTT tại Việt Nam hiện nay như: vấn đề bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian; vấn đề xung đột giữa bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý theo pháp luật SHTT; về nhận diện rào cản trong việc xây dựng thư viện số để bảo vệ tri thức truyền thống tại Việt Nam (nghiên cứu trường hợp Y dược học cổ truyền); nhận diện những bất cập trong bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm báo điện tử tại Việt Nam; vấn nạn xâm phạm quyền liên quan đối với chương trình phát sóng tại Việt Nam; ảnh hưởng của công nghệ Blockchain tới việc bảo vệ quyền SHTT đối với các sản phẩm âm nhạc… Những đề tài này đều được đánh giá là đề cập đến những vấn đề mới, có tính thời sự và có ý nghĩa đối với việc thực thi Luật SHTT tại Việt Nam hiện nay.
GS.TS Nguyễn Văn Kim (Phó Hiệu trưởng Nhà trường) phát biểu khai mạc hội nghị
Ông Phan Ngân Sơn (Phó Cục trưởng Cục SHTT) phát biểu tại hội nghị
Các báo cáo được đánh giá cao bởi tính thực tiễn trong định hướng nghiên cứu như đề tài về ứng dụng sáng chế số WO2004098301 “Procedure for the preservation of bananas” để bảo quản chuối ngự Đại Hoàng… Một số đề tài bám sát các vấn đề của doanh nghiệp như: giải quyết tranh chấp về tên thương mại và nhãn hiệu hàng hoá thông qua vụ Taisun Việt Nam; hoạt động đổi mới sáng tạo trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam; hoạt động thương mại hoá sáng chế trong doanh nghiệp khoa học và công nghệ của Việt Nam …
Nhóm sinh viên đạt giải Nhất trình bày báo cáo "Ứng dụng sáng chế số WO2004098301 “Procedure for the preservation of bananas” để bảo quản chuối ngự Đại Hoàng" (Thạch Thị Ánh Hồng, Chu Kim Chi, Trần Quốc Long - Trường ĐHKHXH&NV).
Đặc biệt, các vấn đề về SHTT ở Việt Nam được nhìn nhận trong mối quan hệ so sánh với các quốc gia khác, dưới tác động của hội nhập quốc tế như: bảo hộ sáng chế quốc tế theo Hiệp ước Hợp tác về sáng chế (PCT) - các chiến lược trì hoãn chi phí và tối đa hoá giá trị sáng chế trong nước và quốc tế; bảo hộ tri thức truyền thống trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế; xác định hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu theo pháp luật Việt Nam trong mối liên hệ so sánh với pháp luật Nhật Bản…
PGS.TS Lê Thu Hà (giảng viên Trường Đại học Ngoại thương, ủy viên Ban Giám khảo) nhận xét: Các nghiên cứu năm nay có sự chuẩn bị và đầu tư kỹ lưỡng, vì vậy các nghiên cứu đều có chất lượng. Tôi cũng đánh giá cao những bài trình bày trực tiếp tại hội nghị. Các bạn sinh viên thể hiện rõ sự tự tin, làm chủ trong nghiên cứu. Đặc biệt, những nghiên cứu của các bạn đều gắn với thực tiễn. Đây là một trong những điều đáng khen ngợi vì SHTT không chỉ nên được nói đến ở khía cạnh pháp lý mà phải đi được vào đời sống thực tiễn và mang hơi thở của thực tiễn.
TS. Trần Lê Hồng (Chánh văn phòng Cục SHTT, thành viên Ban Giám khảo) cho biết ông ấn tượng với báo cáo “Ứng dụng sáng chế số WO2004098301 “Procedure for the preservation of bananas” để bảo quản chuối ngự Đại Hoàng” của nhóm sinh viên Trường ĐHKHXH&NV. Các tác giả đã biết xuất phát từ thực tiễn để đưa ra ý tưởng nghiên cứu của mình, biết ứng dụng kiến thức được học để áp dụng giải quyết bài toán thực tế của cuộc sống. Đó chính là giá trị lớn nhất của các công trình nghiên cứu.
Kết thúc hội nghị, Ban Tổ chức đã trao 01 giải Nhất, 02 giải Nhì và 02 giải Ba cho các nhóm tác giả.
Hội nghị là diễn đàn khoa học thường niên dành cho sinh viên của 5 đại học lớn tại Hà Nội, được tổ chức nhân kỷ niệm ngày SHTT thế giới 26/4 hàng năm. Đây là năm thứ 8 hội nghị KHSV về SHTT được tổ chức để kết nối các nhà khoa học, các sinh viên, giảng viên quan tâm tới SHTT, hướng tới nâng cao hiệu quả bảo hộ và thực thi quyền SHTT ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.
Chủ đề của ngày SHTT thế giới năm nay là “Tiếp sức cho những thay đổi - phụ nữ với hoạt động đổi mới và sáng tạo” với các mục tiêu như: nâng cao nhận thức của sinh viên, những người trực tiếp tham gia vào các hoạt động của đổi mới sáng tạo và SHTT; thúc đẩy sự hình thành và phát triển cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp; tôn vinh sự sáng tạo, khéo léo và can đảm của những phụ nữ nhằm thúc đẩy sự thay đổi trên thế giới và định hướng cho tương lai.
Nhóm tác giả đạt giài Nhất
Những sinh viên đạt giải Ba
Những sinh viên đạt giải Nhì
Tác giả: Thanh Hà, Trung Hiếu, Lê Nhàn, Mỹ Hạnh, Hải Dương
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn