Đề xuất sớm hỗ trợ đào tạo nhân lực ngành báo chí tại ĐBSCL
Phát biểu tại buổi làm việc, PGS.TS Hà Thành Toàn, Hiệu Trưởng Trường Đại học Cần Thơ chia sẻ về nhu cầu lớn nguồn nhân lực được đào tạo bài bản về báo chí tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Là một trong những vùng trọng điểm được đầu tư phát triển của Nhà nước, nhưng nhân sự hoạt động trong lĩnh vực báo chí tại vùng lại đa phần xuất phát điểm từ các ngành khác, không phải là báo chí.
Ngay cả những vị trí lãnh đạo chủ chốt, đội ngũ được đào tạo bài bản từ báo chí vẫn chiếm tỉ lệ rất nhỏ. Thực tế đó đã đưa ra bài toán thách thức về vấn đề chuẩn hóa đội ngũ cán bộ trong lĩnh vực này tại đây.
PGS.TS Hà Thành Toàn, Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ nhu cầu đào tạo nhân lực ngành báo chí tại buổi làm việc
Là một trường đại học trọng điểm trong vùng, cung cấp nhân lực chất lượng cao chủ yếu cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nhưng hiện tại Đại học Cần Thơ vẫn chưa có đủ điều kiện để đào tạo ngành Báo chí.
Giữa thực tế nhu cầu xã hội lớn, trong khi cơ sở đào tạo lại chưa thể đáp ứng, Trường Đại học Cần Thơ mong muốn lãnh đạo Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN hỗ trợ, đẩy nhanh quá trình triển khai ký kết các văn bản hợp tác để thúc đẩy việc mở và đào tạo báo chí tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.
"Đại học Cần Thơ mong muốn Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN đẩy nhanh các biên bản hợp tác để có thể tuyển sinh ngành Báo chí hệ vừa học vừa làm ngay trong thời gian tới, dịp cuối năm 2016 và triển khai đào tạo Thạc sĩ ứng dụng chuyên ngành Báo chí và đầu tháng 4 năm 2017", PGS.TS Hà Thành Toàn, Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ chia sẻ.
Trường Đại học Cần Thơ sẽ đáp ứng và hỗ trơ tối đa các yêu cầu về cơ sở vật chất, quảng bá tuyển sinh ngành học này khi khóa học bắt đầu được triển khai.
Toàn cảnh buổi làm việc
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, GS.TS Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường ĐKHXH&NV, ĐHQGHN đã yêu cầu PGS.TS Hoàng Anh Tuấn, Phó Hiệu trưởng Nhà trường và đại diện lãnh đạo các phòng ban liên quan, nhanh chóng triển khai các thủ tục để triển khai đào tạo ngành Báo chí tại Đại học Cần Thơ này trong thời gian sớm nhất.
Nhiều hoạt động hợp tác cũng sẽ được triển khai trong thời gian tới
Bên cạnh ngành Báo chí, GS.TS Phạm Quang Minh cũng chia sẻ thêm thông tin về các ngành đào tạo thế mạnh khác của Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN.
Trong thời gian tới, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN sẽ triển khai 7 chương trình đào tạo Thạc sĩ ứng dụng như: Báo chí, Chính trị, Quản lý khoa học công nghệ, Tôn giáo, Công tác xã hội, Quản trị văn phòng, Tâm lý học lâm sàng. Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nếu có nhu cầu có thể triển khai liên kết thêm 2-3 chương trình đào tạo mới này
GS.TS Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV phát biểu tại buổi làm việc
Ngoài ra, Trường ĐHKHXH&NV đã và đang tổ chức đào tạo nhiều khóa học về Tôn giáo. Trong 5 năm qua, Nhà trường đã phối hợp với Viện Liên kết Toàn cầu tổ chức nhiều khóa tập huấn về tôn giáo và nhà nước pháp quyền tại nhiều địa phương trong cả nước. Nhà trường cũng có nhiều mối quan hệ mật thiết với các đơn vị phật giáo, nên thuận tiện trong việc tổ chức tập huấn, đào tạo. Đây là một lĩnh vực khá đặc thù và chắc sẽ tạo được sức hút mạnh mẽ tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Đáp lại lời giới thiệu của Trường ĐHKHXH&NV, PGS.TS Hà Thành Toàn, Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ hứa sẽ là đầu mối kết nối để triển khai các khóa đào tạo về tôn giáo không chỉ tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long mà còn kết nối sang cả láng riềng Camphuchia. Đây sẽ là hoạt động có ý nghĩa giáo dục, xã hội, chính trị cao.
Về hoạt động hợp tác nghiên cứu khoa học, lãnh đạo hai trường cũng đã bàn bạc và thống nhất trong thời gian tới sẽ hợp tác với nhau trong việc tổ chức nghiên cứu đề tài khoa học về vấn đề bảo tồn, phát huy văn hóa đồng bằng Việt Nam.
Theo đó, mỗi trường đều có những ưu thế riêng khi tìm hiểu, nghiên cứu về văn hóa hai vùng đồng bằng, những yếu tố chuyển dịch nông nghiệp, văn hóa, biến đổi khí hậu... từ đó đưa ra những gợi mở tư vấn cho Đảng và Nhà nước có những chính sách phù hợp.
Tác giả: Hoài An
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn