PGS.TS Phạm Quang Minh (Phó Hiệu trưởng) phát biểu khai mạc Toạ đàm. (Ảnh: Thành Long/USSH)
Dự hội thảo có PGS.TS Phạm Quang Minh – Phó Hiệu trưởng Nhà trường, Bà Rabea Brauer – Trưởng đại diện Viện Konrad Adenauer Stiftung (Đức) tại Việt Nam, ông Đỗ Quý Doãn – nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, đại biểu của các hãng thông tấn, cơ quan báo chí trong nước và quốc tế.
Hội thảo tập trung thảo luận về các vấn đề chính: quản trị nguồn thông tin của nhà báo và quản trị hoạt động thông tin của các nhà cung cấp thông tin trong kỉ nguyên kĩ thuật số. Các chuyên gia, nhà khoa học, nhà báo đã chia sẻ ý kiến, kinh nghiệm nghề nghiệp trong việc quản trị khai thác nguồn tin để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của công chúng.
Tại hội thảo, TS. Nguyễn Thị Thanh Huyền – Phó Chủ nhiệm Khoa Báo chí và Truyền thông cho biết: “Nguồn tin luôn đóng vai trò cực kì quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của một nền báo chí nói chung, với các nhà báo nói riêng. Hoạt động chính của nhà báo có thể coi như một vòng xoay quanh việc tìm kiếm, thiết lập, duy trì và phát triển các nguồn tin, để từ đó khai thác các thông tin phục vụ đông đảo công chúng. Nguồn tin chính là huyết mạch, là sức sống của hoạt động báo chí. Trong bối cảnh cạnh tranh thông tin ngày càng dữ dội giữa các loại hình truyền thông đại chúng hiện nay, giá trị của nguồn tin đối với báo chí ngày càng được đề cao. Vì vậy mà việc quản trị các nguồn tin của báo chí trở thành vấn đề bức thiết đối với các toà soạn báo.”
Thời đại bùng nổ thông tin internet hiện nay đã và đang dẫn đến những thay đổi lớn trong việc cung cấp thông tin. Ông Martin Petty – Trưởng đại diện Reuters tại Việt Nam trong báo cáo “Những thay đổi lớn trong việc cung cấp thông tin trên nhiều hạ tầng/định dạng” đã nhấn mạnh: Sự bùng nổ của internet, sự xuất hiện và phát triển của mạng xã hội đã chuyển đổi cách thức lấy tin và đưa tin của các nhà báo hiện nay. Nhà báo cần phải sử dụng mạng xã hội một cách có trách nhiệm bởi mạng xã hội vẫn đang tiềm ẩn quá nhiều nguy cơ và rủi ro. Nhà báo phải đảm bảo độ tin cậy và có trách nhiệm hơn bao giờ hết. Trong đó, vai trò của nhà báo phải kiểm chứng để đảm bảo thông tin đúng và có sự công bằng.
Cũng bàn về vấn đề trách nhiệm của nhà báo trong việc thẩm tra, xác định nguồn tin, ông Đỗ Quý Doãn – nguyên thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng: Truyền thông xã hội đang đặt ra những thách thức cho báo chí truyền thống, nhà báo phải xác định được tính xác thực của nguồn tin. Và không chỉ nhà báo mà những người làm quản lí phải hết sức quan tâm nếu như không xác định được rõ ràng sẽ vấp phải những sai phạm thậm chí phải trả giá trong thực tiễn của hoạt động báo chí. Do đó, vấn đề cốt lõi hiện nay là cần phải đổi mới cơ chế cung cấp thông tin.
Đề cập về các vấn đề liên quan đến nhà cung cấp thông tin nhiều báo cáo tại hội thảo đã giới thiệu được những mô hình dịch vụ tin tức, quy trình sản xuất, sự phát triển của công nghệ thông tin truyền thông trong thời đại kỉ nguyên số như: tham luận “Thông tấn xã Việt Nam với vai trò là đơn vị quản trị và cung cấp thông tin trong kỉ nguyên số” của nhà báo Nguyễn Hoài Dương – Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam; “Tnsnap” – Tương lai của báo Thanh niên” – nhà báo Đỗ Hùng – Phó Tổng thư kí toà soạn báo ThanhNien Online;…
Quản trị nguồn tin trong thời đại số là một chủ đề có tính thời sự đối với những người làm báo hiện nay. Nhà báo Nguyễn Thị Thu Hà – Trưởng phòng Chào buổi sáng, Ban Thời sự, Đài truyền hình Việt Nam cho biết: Chưa bao giờ nguồn thông tin đa chiều, đa dạng, có bề dày về thời gian và chiều sâu về không gian dễ khai thác như hiện nay. Kho thông tin là như nhau, chỉ có cách chọn lọc và biên tập là khác nhau. Tuy nhiên thách thức lớn nhất không nằm ở đầu vào của nguồn thông tin mà nằm ở chính đầu ra của tờ báo, không chỉ báo giấy mà báo hình ngày nay cũng bị cạnh tranh ghê gớm từ các nguồn thông tin trên internet.
Cách ứng xử của nhà báo đối với nguồn tin cũng tuỳ theo độ tin cậy của chúng vì vậy nhà báo Nguyễn Thị Thu Hà đã phân các nguồn tin thành ba cấp độ:
+ cấp độ 1 là những nguồn tin chính thống, tin cậy từ các cơ quan chức năng
+ cấp độ 2 là những nguồn tin có trách nhiệm, hoặc những bình luận của các cá nhân là chuyên gia và tổ chức uy tín
+ cấp độ 3 là những nguồn tin khác trên mạng xã hội hoặc các diễn đàn.
Phân tích về các điểm nóng quốc tế mang tính thời sự TS. Hoàng Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược Ngoại giao (Bộ Ngoại giao) chỉ ra rằng những thách thức đối với nhà báo trong việc lấy và xử lí thông tin là: độ nhiễu thông tin; trình độ và nhận thức của người nhận tin; xu hướng đọc tin không chính thống tăng lên; tính phi quốc gia tăng, nhân tố quốc gia, ý thức hệ giảm; có sự chi phối của phương Tây; số lượng các hãng tin báo chí ngày càng nhiều…
PGS.TS Đặng Thị Thu Hương – Chủ nhiệm Khoa Báo chí và Truyền thông – thì lại phân tích mô hình phát thanh trên điện thoại di động sử dụng công nghệ 3G của Viettel Radio cho thấy phát thanh sử dụng công nghệ 3G là hướng đi mới, có tiềm năng phát triển ở Việt Nam nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro lớn trong hoạt động truyền bá thông tin. Tại Việt Nam hiện chưa có luật nào quy định Radio Mobile là báo chí.
Các ý kiến của các nhà báo, nhà khoa học đều cho rằng trong kỉ nguyên số quản trị nguồn tin và nhà cung cấp thông tin là vấn đề khoa học, thời sự, đang thu hút sự quan tâm của những người làm quản lí báo chí nói chung và những nhà báo nói riêng. Các cơ quan báo chí truyền thông phải thay đổi phương thức tiếp cận, cung cấp thông tin để làm được việc đó cần sớm xây dựng những cơ chế cung cấp thông tin cho hoạt động của nhà báo.
Tác giả: Nguyễn Hằng
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn