Hội thảo quốc tế Đông phương học Việt Nam lần thứ tư với chủ đề “Nhật Bản và thế giới phương Đông” do Trường ĐHKHXH&NV và Quỹ Toshiba (Nhật Bản) phối hợp tổ chức đã diễn ra ngày 6/2/2009. Hơn 30 báo cáo đã được trình bày tại hội thảo là những nghiên cứu mới về các vấn đề của Đông phương học.
Hội thảo quốc tế Đông phương học Việt Nam lần thứ tư với chủ đề “Nhật Bản và thế giới phương Đông” do Trường ĐHKHXH&NV và Quỹ Toshiba (Nhật Bản) phối hợp tổ chức đã diễn ra ngày 6/2/2009. Hơn 30 báo cáo đã được trình bày tại hội thảo là những nghiên cứu mới về các vấn đề của Đông phương học.
Hội thảo chia làm hai tiểu ban, tiểu ban 1: Nhật Bản trong thế giới phương Đông; tiểu ban 2: Những vấn đề về Đông phương học.
Bàn về Nhật Bản trong thế giới phương Đông, các báo cáo đều tỏ ra quan tâm tới những bước chuyển biến thần kì của Nhật Bản từ sau thời kì mở cửa và hội nhập quốc tế. Vấn đề này đã được giới khoa học Nhật Bản cũng như nhiều quốc gia khác nghiên cứu và phân tích kĩ lưỡng nhằm chỉ ra những ưu việt trong các chính sách kinh tế và đối ngoại của chính phủ Nhật Bản đã thực thi nhằm đem đến những tăng trưởng nhanh và vững chắc cho Nhật Bản, khiến nước này trở thành siêu cường kinh tế đầu tiên của châu Á, có vị trí chính trị nổi bật trong bối cảnh thế giới hiện đại. Thế giới đánh giá cao “điều kì diệu của Nhật Bản” và ca ngợi mô hình phát triển và quản lí đầy hiệu quả và mang sắc thái riêng của đất nước này. Mà ở mô hình đó, 3 trụ cột chính là: chế độ làm việc suốt đời, lương theo thâm niên, và công đoàn trong nhà đã tạo nên sự độc đáo và là nguyên nhân làm nên sự thần kì của Nhật Bản nhiều thập kỉ qua. Thậm chí mô hình trên đã được lan toả, được học hỏi và áp dụng thành công với mức độ và cách thức khác nhau ở nhiều quốc gia khác.
[img class="caption" src="images/stories/2009/02/10/img_0431.jpg" border="0" alt="GS.TS Nguyễn Văn Khánh phát biểu tại hội thảo" title="GS.TS Nguyễn Văn Khánh phát biểu tại hội thảo" width="240" height="161" align="left" ]Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, liệu mô hình phát triển cũ có còn phù hợp với thực tế phát triển của xã hội, người Nhật sẽ làm gì để tiếp tục giữ vững được vai trò và vị thế của mình trên trường quốc tế, bài học kinh nghiệm nào của Nhật Bản cho Việt Nam trong giai đoạn công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước hiện nay... Đó lại tiếp tục là những câu hỏi đòi hỏi những suy ngẫm và nghiên cứu công phu từ giới khoa học.
[img class="caption" src="images/stories/2009/02/10/img_6695.jpg" border="0" alt="GS.TS Mai Ngọc Chừ và TS. Trịnh Cẩm Lan chủ trì tiểu ban 2: Những vấn đề về Đông phương học" title="GS.TS Mai Ngọc Chừ và TS. Trịnh Cẩm Lan chủ trì tiểu ban 2: Những vấn đề về Đông phương học" width="240" height="161" align="right" ]Một số báo cáo khác tập trung phân tích những chính sách ngoại giao mà chính phủ Nhật Bản đã áp dụng trong mối quan hệ với một số nước trong khu vực như Việt Nam, Thái Lan, Indonesia trong những giai đoạn lịch sử nhất định kể từ chiến tranh thế giới lần thứ hai trở lại đây. Đặc biệt, các báo cáo đánh giá cao chiến lược ngoại giao văn hoá mà Nhật Bản đã áp dụng rất thành công trong việc phát huy triệt để sức mạnh, tầm ảnh hưởng của các yếu tố văn hoá để thuyết phục, tăng cường hợp tác với đối tác, nâng cao hình ảnh của đất nước mình, từ đó đem lại những thành công trong công tác ngoại giao, góp phần bổ trợ các lợi ích kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh khác.
Một số báo cáo khác thì nghiên cứu những nét văn hoá đặc sắc của Nhật Bản qua kiến trúc nhà cửa, phân tích những chuyển biến tinh tế của con người và xã hội Nhật Bản qua các tác phẩm văn học nổi tiếng của Nhật cũng như những tên tuổi nhà văn Nhật Bản hiện đại đã và đang nổi danh trên thế giới.
Tại tiểu ban 2, bàn về những vấn đề của Đông phương học, các báo cáo là tập hợp những nghiên cứu mới, đa dạng về nhiều lĩnh vực cụ thể như: ngôn ngữ học, văn học, giáo dục, nghệ thuật, con người... nhưng gắn với từng chuyên ngành hẹp như: Ấn Độ học, Đông Nam Á học, Hàn Quốc học, Trung Quốc học.
Tác giả: thanhha
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn